Tình dục ở tuổi vị thành niên

(Nhà tâm lý học E. Maslow) 28/03/2004 08:03 GMT+7

TTCN - Ngày nay lớp trẻ ở tuổi vị thành niên không có khái niệm “nam nữ thụ thụ bất thân”. Một bộ phận trong số đó tiếp xúc với nhau gần như thoải mái, kể cả trong vấn đề nhạy cảm nhất: vấn đề tình dục.

Phóng to
TTCN - Ngày nay lớp trẻ ở tuổi vị thành niên không có khái niệm “nam nữ thụ thụ bất thân”. Một bộ phận trong số đó tiếp xúc với nhau gần như thoải mái, kể cả trong vấn đề nhạy cảm nhất: vấn đề tình dục.

Vấn đề tình dục liên quan nhiều đến tuổi dậy thì - tuổi phát dục. Các công trình nghiên cứu khoa học về tâm sinh lý ở tuổi dậy thì đều cho thấy hiện nay lớp trẻ vị thành niên có sự phát dục ngày càng sớm và mạnh hơn các thế hệ trước đây. Do ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố văn hóa, kinh tế và xã hội, một bộ phận không nhỏ trong lớp trẻ bây giờ thường bị “hớp hồn” bởi những dịp lễ hội như ngày Giáng sinh, Ngày tình nhân (Valentine). Họ cuốn hút vào đó như sắt dính nam châm.

Đã thế, thời của điện thoại di động, của “chat” và “meo” trên vi tính đã làm bùng nổ mọi sự nối kết đa hệ giữa các lứa đôi. Họ vào cuộc yêu như vào những cuộc chơi, như nhập theo phong trào: có dụ, có thử, có cho điểm, có đuổi bắt, có “nếm mùi” và cuối cùng... có hậu quả - hậu quả của tình dục không được hướng dẫn.

Nhu cầu bản năng là một qui luật. Nó như dòng sông chảy, ta không thể ngăn chặn mà chỉ nên uốn dòng chảy theo một hướng khác, êm đềm hơn.

Cứ sau mỗi kỳ như thế, số bạn trẻ đến nhờ tư vấn về tình yêu lại tăng vọt. Trong các ca tư vấn về tình yêu ở tuổi mới lớn, chúng tôi thường gặp nhiều băn khoăn xoay quanh chủ đề tình dục, có khi những nội dung đó chiếm đến hơn 70% tổng số thắc mắc. Xin trích lại một số thắc mắc điển hình để cùng thấu hiểu những “tâm trạng” đang nóng của đa số các vị thành niên đang yêu:

1. Chúng em yêu nhau rất nồng nhiệt. Mỗi khi ngồi bên nhau thật đắm say, không ai muốn rời. Cho nên, em sợ sẽ có ngày đi tới “chuyện đó” trước khi cưới, mà còn lâu mới có thể cưới! Vậy chúng em phải làm sao?

2. Trong quá trình tư vấn, thầy nhận thấy thế nào về thái độ tâm lý của các bạn nam nữ sau khi đã “quan hệ” với người yêu mình? Họ tôn trọng nhau hơn, hay thấy khinh rẻ hơn?

3. Trong chúng em và các bạn cùng lứa thường truyền miệng một công thức chung của tình yêu hiện đại, đó là: “Quen nhau + đi ăn uống + đi mua sắm + đến nhà trọ + lên giường”. Xin cho biết như vậy có gì sai?

4. Chúng em đã quen nhau được hai năm. Anh ấy nói trước sau gì cũng cưới, nếu có làm “chuyện đó” khi gần nhau cũng chẳng sao. Trước sự cuồng nhiệt của anh ấy, em không biết nên giải thích như thế nào? Mà giải thích không được thì anh ấy bảo là không thật tình yêu nhau!

5. Bạn gái của em sau khi đáp ứng “đòi hỏi” của người yêu đã cảm thấy tình yêu của bạn ấy đối với anh ta đã chết. Em thì chưa “vào cuộc”, nhưng em nghĩ tội gì để cho nó “chết”, nếu thêm một chút tình dục thì tình yêu càng sống động hơn chứ? Nghĩ như vậy có đúng không?...

Như vậy, rõ ràng vấn đề tình dục đang là (và mãi mãi sẽ là) nỗi bức xúc của hầu hết các bạn trẻ khi yêu. Thật ra bản thân tình dục không xấu. Nó là một nhu cầu sinh học phải có ở mỗi con người bình thường khi đến tuổi phát dục. Song, hiểu biết và thực hành tình dục thì không phải ai cũng có những nhận thức và hành động đúng đắn. Vì vậy mới có chuyện giáo dục giới tính, trong đó có giáo dục tình dục.

Ở lứa tuổi vị thành niên (14-17), giáo dục tình dục là một vấn đề cơ bản của giáo dục giới tính. Có nhiều người e ngại cho rằng ở lứa tuổi đó chưa nên vội đặt vấn đề giáo dục tình dục vì còn “sớm quá”, nói ra điều đó thì vô tình “vẽ đường cho hươu non chạy”!

Thật ra tuổi 14-17 là tuổi phát dục và do đó có nhu cầu tình dục một cách tự nhiên, nhất là trong những môi trường nam nữ dễ dàng tiếp cận và gợi cảm. Đứng trước thực tế này, gia đình - nhà trường - xã hội không thể làm ngơ, nhưng chẳng thể cấm đoán khi mà “hươu non muốn chạy”. Trong nhiều vấn đề của sự học, “hươu non” cũng cần học cách “chạy đúng lối, nhảy đúng chỗ” để tránh hậu quả đáng tiếc.

Trước nhu cầu “chạy nhảy” đó của tuổi phát dục, việc “vẽ đường cho hươu chạy đúng lối đúng cách” vẫn là giải pháp tốt hơn so với việc ngăn cản hoặc làm ngơ để hươu chạy bậy. Mọi sự cấm đoán (không cho “chạy”) hoặc để mặc mà không hướng dẫn đều dẫn tới những hậu quả đáng tiếc về nhiều mặt. Nạn phá thai hoặc “làm mẹ bất đắc dĩ” trong tuổi vị thành niên đang liên tục bùng nổ đã là một nỗi đau nhức nhối hiện nay của cộng đồng, kéo theo nhiều hệ lụy khác.

Nhiều trường học ở TP. HCM và các nơi khác đang tích cực tiến hành giáo dục giới tính (trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến giáo dục tình dục và sức khỏe sinh sản). Tất nhiên, vì đây là một vấn đề nhạy cảm nên cách tiến hành phải hết sức thận trọng và tế nhị. Thận trọng nhưng không bưng bít, tế nhị nhưng không vòng vo. Điều tế nhị cần có hơn cả là người hướng dẫn phải giữ một thái độ hài hòa, lắng nghe và thấu hiểu, để “hươu non” mạnh dạn cởi mở tâm trạng thầm kín của mình.

Tại Trường THPT Marie Curie, trong một buổi giáo dục giới tính, một nữ sinh lớp 11 mạnh dạn bày tỏ với chuyên viên tư vấn: “Nhiều bạn gái của em cho biết là nam thường chủ động gợi tình và gợi dục, ưa đòi hỏi “chuyện đó” và bảo rằng nếu không chịu đáp ứng thì không chứng minh được tình yêu. Bạn em có lần trong hoàn cảnh như thế, tự thấy không kìm lòng được và đã... “cho”, thế là... dính bầu, rồi phải đi điều hòa kinh nguyệt! Như vậy thì sai, đúng ở chỗ nào?”. Một nữ sinh khác hỏi thẳng: “Nếu muốn từ chối thì làm sao cho khéo để bạn trai không giận?”, và “Nếu cả hai đều đồng tình muốn “cho” và “nhận” thì nên như thế nào cho thỏa đáng?”... Chuyên viên tư vấn đã không nặng về phân tích, mà gợi ý dẫn dắt như đóng vai mình là người trong cuộc và tư vấn: “Nếu tình đã sâu mà cả hai đều thật sự quá “bức xúc” và cần “giải tỏa”, các em có thể chọn một trong các phương án sau đây :
a. Một trong hai người hỏi người kia: có đem theo bao cao su không?
b. Trường hợp không ai mang theo bao, hãy đến ngay hiệu thuốc để mua bao.
c. Trường hợp không mua được bao, hãy an ủi nhau chờ một dịp khác có bao.

Nói chung, các em nên hướng sự chọn lựa của mình vào giải pháp nào mà thấy an toàn cho cả hai phía”.

Căn bản của giáo dục giới tính là giáo dục những hiểu biết về tình dục an toàn. Và, để được an toàn, phải biết cách phòng vệ bảo đảm. Thuyết phục và cảm hóa được điều này vừa tránh sự thô bạo cấm đoán “hươu chạy”, vừa giúp “hươu” chạy đúng đường, không bị “sụp hố”. Giải thích điều này, nhà tâm lý học Maslow đã chỉ rõ: “Nhu cầu bản năng là một qui luật. Nó như dòng sông chảy, ta không thể ngăn chặn, mà chỉ nên uốn dòng chảy theo một hướng khác, êm đềm hơn”. Một chuyên gia tình dục học đã minh họa điều đó cụ thể trong chuyện “giải phóng ức chế tình dục”, rằng: Khi dùng bao cao su, “dòng suối đó” được chuyển hướng đi vào bao, thay vì vào âm đạo. Vậy là thỏa đáng mọi bề.

Tuy nhiên, dù sao đi nữa, dù tư vấn hợp lý và hợp tình đến bao nhiêu, đó cũng chỉ là những giải pháp tình thế trong một tâm trạng muốn thỏa mãn theo bản năng nhiều hơn ý thức. Nếu bạn trẻ được giáo dục để biết tự chủ cao, bản lĩnh mạnh thì sẽ tự vượt qua được bức xúc, không cần đến giải pháp tình thế. Do đó, cần đặt vấn đề giáo dục giới tính trên cơ sở của giáo dục nhân cách, giáo dục bản lĩnh.

(Còn tiếp)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận