Tỉnh mộng...

HUY ĐĂNG 17/10/2021 17:00 GMT+7

TTCT - Toàn thua ở 4 lượt trận đầu tiên vòng loại cuối cùng, giấc mơ đến World Cup 2022 của bóng đá Việt Nam xem như tan vỡ, một sự tỉnh mộng cũng là cần thiết.

“Anh cả của Đông Nam Á”, “đẳng cấp châu lục”... là những cụm từ rất kêu được giới truyền thông VN nói nhiều suốt 3 năm qua, kể từ khi HLV Park Hang Seo đến và gặt hái hàng loạt thành tích ấn tượng cho bóng đá Việt. Nhưng ngay từ khi còn say men chiến thắng, đó đã là một sự ngộ nhận.

Các hậu vệ VN thường xuyên bị thổi phạt kể từ khi bước chân ra đấu trường cấp châu lục. Ảnh: AFP

 

Kẻ thắng là kẻ mạnh

3 năm qua, thầy trò ông Park Hang Seo rõ ràng là đội tuyển bóng đá gây ấn tượng nhất Đông Nam Á. 

Nhưng nếu chỉ dựa vào một chức vô địch AFF Cup, một HCV SEA Games hay một chuyến phiêu lưu ấn tượng ở Asian Cup mà cho rằng bóng đá VN hoàn toàn xếp trên Thái Lan, và đã vươn đến đẳng cấp châu lục, thì rõ ràng là sự ngộ nhận. 

Khi người Thái áp đảo bóng đá Đông Nam Á những thập niên 1990 hay 2010, họ chiến thắng hầu hết các trận đấu bằng thứ bóng đá tấn công ấn tượng, lối chơi áp đảo, và chất lượng kỹ thuật vượt trội của các cầu thủ.

Tất nhiên, vô địch bằng bóng đá phòng ngự phản công vẫn là vô địch, vẫn là chiến thắng thuyết phục, như câu nói huyền thoại của Franz Beckenbauer: “Kẻ mạnh chưa chắc đã thắng, mà kẻ thắng mới là kẻ mạnh”. 

Nền bóng đá VN đành phải chấp nhận sự thật: thất bại ở giai đoạn đầu vòng loại World Cup vừa qua cho thấy chúng ta vẫn chỉ là “kẻ yếu” khi so sánh với nhóm đại gia châu Á.

Mục tiêu tối thượng của lối chơi phòng ngự triệt để là tính hiệu quả. Khi hiệu quả cũng không có, sự thua sút là không thể bàn cãi.

Trước thềm trận đấu với Oman, một cuộc tranh cãi nổ ra dữ dội khi bầu Hiển và nhiều CĐV chỉ trích HLV Park Hang Seo bảo thủ, luôn chăm chăm ra sân với một đội hình duy nhất, một lối chơi duy nhất. 

Nhưng ông Park bảo thủ cũng vì áp lực thành tích của người Việt! Những cầu thủ trẻ có thể mang đến động lực tốt hơn, lối chơi tấn công có thể mãn nhãn hơn, nhưng đồng thời kết quả cũng sẽ mạo hiểm hơn.

Khó đổ thừa VAR

Trận thua Oman phơi bày tất cả những sự thua sút của tuyển VN trước các đối thủ châu lục. Bàn thua đầu tiên đến vì đối phương quá kỹ thuật, quá đột phá. 

Bàn thua thứ hai xuất phát từ một chiến thuật đá phạt góc dị biệt, nhưng rõ ràng là bài tấn công hiệu quả để chống lại những đội bóng phòng ngự co cụm như VN. 

Còn bàn thua thứ ba là một pha phạm lỗi muôn thuở của các hậu vệ kiểu V-League.

Trước khi Duy Mạnh có pha vung tay thừa thãi dẫn đến phạt đền trong hiệp 2, Tấn Tài đã suýt khiến đội nhà trả giá vì một tình huống chơi bóng gần tương tự. 

Nếu là trong một trận đấu ở AFF Cup hay SEA Games, Duy Mạnh lẫn Tấn Tài có thể đã thoát án phạt vì không có VAR, và trọng tài hiếm khi dám đưa ra những quyết định thổi phạt đền mạo hiểm với những tình huống không quan sát rõ.

Ví dụ rõ nét nhất chính là pha phạm lỗi của Văn Hậu trong trận chung kết SEA Games 2019 với Evan Dimas, khiến cầu thủ Indonesia phải rời sân vì chấn thương. 

Nếu có VAR, Văn Hậu cầm chắc thẻ đỏ sau tình huống đó. Duy Mạnh cũng là một cầu thủ có thể phải nhận thẻ phạt nhiều nếu trọng tài quan sát kỹ được mọi tình huống.

Những pha tiểu xảo lộ liễu, những động tác tay thừa thãi là những điểm yếu đã được nhắc nhở nhiều với cầu thủ VN khi bước vào sân chơi châu lục. 

Sự thật là VAR đôi lúc ưu ái các đội bóng mạnh, như khi trọng tài bỏ qua lỗi chạm tay của hậu vệ đội Úc trong trận thắng VN, hay phớt lờ tình huống Quang Hải bị kéo ngã ở hiệp 1 trận Oman. 

Đồng thời, VAR lại luôn rất chuẩn xác khi... nhận định các pha phạm lỗi của VN. Duy Mạnh hay Tấn Tài chỉ có thể tự trách mình vì những cái vung tay rõ mười mươi dưới ống kính của công nghệ.

Ở chung kết SEA Games 2019, pha chơi xấu của Văn Hậu là một chút lợn cợn, nhưng không đủ che mờ chiến thắng xứng đáng của thầy trò ông Park trước Indonesia. 

Hãy dùng góc nhìn tương tự với những trận thắng của Saudi Arabia, Úc và Oman trước tuyển VN, để thấy rằng khoảng cách trình độ của bóng đá Việt với tầm châu lục vẫn còn xa lắm.

Định hình cuộc đua

Vẫn còn một lượt đấu nữa mới kết thúc lượt đi giai đoạn cuối cùng của vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á, nhưng những ứng viên giành vé đến Qatar đã lộ diện rõ ràng. 

Ở bảng A, Iran (10 điểm) và Hàn Quốc (8 điểm) tỏ ra vượt trội. Bất ngờ có thể đến ở cuộc đua giành suất đá play-off cho đội hạng 3, khi Lebanon đánh bại Syria để vươn lên vị trí thứ 3 với 5 điểm, xếp trên cả UAE lẫn Iraq (cùng 3 điểm).

Cuộc đua bảng B hấp dẫn hơn nhiều, nhưng lại xác định ra 2 cái tên yếu thế rõ rệt là Trung Quốc (3 điểm) và VN (0 điểm). Trận thắng kịch tính với tỉ số 2-1 trước Úc giúp Nhật sống lại hy vọng. 

Hiện họ có cùng 6 điểm với Oman, kém Úc 3 điểm và kém Saudi Arabia 6 điểm. Úc và Saudi Arabia sẽ chạm trán nhau ở lượt trận thứ 5, tạo cơ hội cho Nhật Bản vươn lên. 

Cũng không thể bỏ qua Oman, đội bóng đang trình diễn lối chơi tấn công rất sắc nét từ đầu giải.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận