TPP: Đằng sau những tiêu chuẩn lao động mới

HẢI MINH 07/12/2015 23:12 GMT+7

TTCT - Cùng với những ý nghĩa về mặt thương mại và đầu tư, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) còn đòi hỏi rất nhiều về các tiêu chuẩn lao động mới mà không phải quốc gia thành viên nào cũng dễ dàng đáp ứng được.

Theo quy định về lao động của TPP, lao động cưỡng bức và lao động trẻ em bị cấm -amazonaws.com
Theo quy định về lao động của TPP, lao động cưỡng bức và lao động trẻ em bị cấm -amazonaws.com

Lao động giá rẻ luôn được coi là một lợi thế so sánh quan trọng của các nước đang phát triển như Việt Nam. Vì thế, TPP đòi hỏi nâng các tiêu chuẩn về lao động cũng đồng nghĩa với chi phí giá thành những sản phẩm xuất khẩu ở các nước đang phát triển trong hiệp định sẽ cao hơn.

Trong một bài phát biểu tại tổng hành dinh của hãng Nike ở Mỹ ngày 8-5, Tổng thống Barack Obama nói: “Khi nhìn vào những đất nước như Việt Nam, theo thỏa thuận này lần đầu tiên Việt Nam sẽ phải nâng các tiêu chuẩn lao động lên. Họ sẽ phải thông qua luật an toàn lao động để bảo vệ người lao động...”. Trong trường hợp Việt Nam và các nước khác trong TPP không thực hiện đúng những yêu cầu về lao động, “họ sẽ phải đối mặt với những hậu quả thật sự”.

Tuy nhiên, bà Thea Lee - một chuyên gia hàng đầu về thương mại của AFL-CIO, tổ chức liên đoàn lao động hàng đầu ở Mỹ và là một người phản đối TPP - bày tỏ nghi ngờ về khả năng các nước đang phát triển bị loại khỏi hiệp ước nếu không đáp ứng yêu cầu trên. Bà Lee nói với tờ The Guardian (Anh) rằng Việt Nam hiện đang nổi lên là một quốc gia sản xuất chế tạo lớn và là nhà xuất khẩu đồ may mặc lớn thứ hai vào Mỹ, chỉ sau Trung Quốc.

“Khoảng cách giữa Việt Nam hiện giờ và sự đáp ứng với các tiêu chuẩn lao động quốc tế cốt lõi còn rất lớn” - bà Lee nói.

Thực hiện cam kết: khoảng cách thực tế

Thượng nghị sĩ Mỹ Elizabeth Warren, một đảng viên Dân chủ đại diện bang Massachusetts và cũng là người phản đối TPP, còn dẫn ra các ví dụ khác về những hiệp định thương mại tự do mà Mỹ đã ký trong lịch sử, trong đó các tiêu chuẩn về an toàn lao động đã không được thực thi đúng như cam kết.

Trong một báo cáo, bà Warren viết: “Lịch sử của những thỏa thuận (thương mại tự do) là một sự thật cay đắng: việc thực thi các điều khoản về lao động thật ra kém xa những cam kết. Hết lần này tới lần khác, các biện pháp được nêu ra không thể ngăn được tình trạng lạm dụng lao động trở nên tồi tệ hơn”.

Báo cáo của bà Warren còn liệt kê các thỏa thuận thương mại của Mỹ với Peru, Colombia và một số nước khác đều không đạt được các mục tiêu về bảo vệ người lao động như dự kiến. Chẳng hạn trong bốn năm sau khi chính quyền Obama thực thi “kế hoạch hành động” với Colombia từ năm 2011 nhằm làm giảm tình trạng bạo lực nhắm vào các công đoàn độc lập, 105 thành viên công đoàn đã bị sát hại.

Một ví dụ khác mà phe chống đối dẫn ra là Mexico, nước đã ký Thỏa thuận thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) với Mỹ và Canada. Bà Lee cho rằng nhiều công đoàn ở Mexico đã thỏa thuận riêng với giới chủ mà chưa được sự cho phép của người lao động và nhiều công đoàn tại nước này “hoàn toàn không hiệu quả”.

Malaysia, một nước tham gia TPP, cũng hứng chịu nhiều chỉ trích vì tình trạng buôn người và lao động cưỡng bức ở các ngành điện - điện tử, may mặc và dầu cọ.

Khi Quốc hội Mỹ thông qua đạo luật về quyền đàm phán nhanh TPP cho tổng thống, một điều kiện là các quốc gia thành viên của hiệp định không được thuộc nhóm 3 theo đánh giá của Bộ Ngoại giao Mỹ về các nước có tình trạng buôn người đáng báo động.

Không lâu sau cuộc bỏ phiếu, Bộ Ngoại giao Mỹ đã nâng Malaysia từ nhóm 3 lên nhóm 2 trong danh sách của họ, dù trước đó tờ The Wall Street Journal đã đăng một phóng sự điều tra quy mô cho thấy Kuala Lumpur chưa đủ quyết liệt trong việc ngăn chặn các hoạt động buôn người, lao động cưỡng bức và những vi phạm quyền người lao động khác.

Brunei, một thành viên khác của TPP và là một nước quân chủ, cấm hoàn toàn quyền biểu tình của công nhân và không công nhận sự thương lượng tập thể. Cả nước Brunei cũng chỉ có một liên đoàn lao động. Tất cả điều đó dự kiến phải thay đổi sau TPP.

Nhưng đằng sau những ngôn ngữ về việc bảo vệ quyền người lao động, các điều khoản lao động trong TPP còn là một cách gây sức ép lên giá thành sản phẩm chế tạo xuất khẩu của những nước nghèo. Tiêu chuẩn lao động cao và ngặt nghèo hơn đồng nghĩa với việc chi phí sẽ phải tăng hơn, hoặc tệ hơn nữa là các cơ hội việc làm khó khăn hơn. Tuy nhiên về dài hạn, những tiêu chuẩn mới sẽ có thể giúp cải thiện chất lượng lao động cũng như khả năng cạnh tranh của nền kinh tế.

Chủ nhân giải Nobel kinh tế Paul Krugman phân tích tiền lương phản ánh năng suất lao động và một khi thương mại tự do hơn, năng suất sẽ có cơ hội được cải thiện, kèm theo đó là tiền lương và các điều kiện lao động tốt hơn. Nhưng ông không tin ở việc các biện pháp hành chính và quy định bằng luật lệ có thể giúp cải thiện thật sự tình trạng của người lao động.

Công đoàn mất dần ảnh hưởng

Trong TPP, chương quy định về lao động yêu cầu tất cả các nước tham gia phải cho người lao động quyền thành lập công đoàn và thương lượng tập thể với giới chủ, cũng như thiết lập mức lương tối thiểu.

Lao động cưỡng bức, lao động trẻ em và sự phân biệt đối xử với người lao động bị cấm. Những nước vi phạm sẽ đứng trước nguy cơ bị cấm vận và các hình thức trừng phạt thương mại khác. Nhưng thỏa thuận đã tránh thiết lập một mức lương tối thiểu theo giờ cho khối, có lẽ bởi sự khác biệt quá lớn về trình độ phát triển (lương tối thiểu liên bang ở Mỹ là 7,25 USD/giờ, trong khi tại Việt Nam năm 2014 là 85 - 121 USD/tháng).

Tuy nhiên, tờ The New York Times trong một bài xã luận ngày 21-11 cho rằng trong khi một số quy định này có thể “đằng nào cũng xảy ra” một khi các nước tham gia TPP giàu hơn, hầu hết quy định “chỉ có tính biểu tượng”. Trong khi ở Việt Nam còn chưa có đủ các tổ chức bảo vệ quyền người lao động, thì công đoàn lao động độc lập ở các nước phát triển theo kiểu truyền thống giờ đang mất dần ảnh hưởng và khả năng bảo vệ người lao động.

Số người gia nhập nghiệp đoàn lao động ở các nước giàu đã giảm mạnh trong ba thập kỷ qua, từ mức đỉnh 20 triệu thành viên năm 1979 còn 14,5 triệu năm 2013 tại Mỹ, 12 triệu còn 6,5 triệu ở Anh, theo Tổ chức Hợp tác phát triển kinh tế (OECD). Các nước châu Âu khác như Đức và Pháp cũng đã chứng kiến sự suy yếu rất nhiều của công đoàn.

Sự suy giảm này là do những thay đổi mang tính cấu trúc ở các nền kinh tế phát triển. Tổng số việc làm trong ngành chế tạo ở Mỹ đã giảm từ 20 triệu năm 1979 còn 12 triệu ngày nay. Những người lao động trong lĩnh vực đòi hỏi ít kỹ năng này cũng là những người gia nhập nghiệp đoàn nhiều nhất.

Ở những nhà máy của năm 1970 là hình ảnh các hàng dài công nhân đứng bên cạnh nhiều dây chuyền lắp ráp và họ có ý thức giai cấp rõ ràng. Nhưng những nhà máy ngày nay chỉ là vài người đứng lơ đãng cạnh các robot và những cỗ máy tự động khổng lồ.

Quá trình toàn cầu hóa cũng đã khiến các công đoàn lao động mất đi sức hấp dẫn. Thêm vào đó, lĩnh vực dịch vụ ngày càng cơ động và các chính sách ngày càng thiên về thị trường tự do đã khiến công đoàn ngay cả ở nước phương Tây không còn mạnh mẽ như xưa. Những cải cách liên tục về điều kiện làm việc, giờ lao động cũng như chính sách lương tối thiểu từ chính phủ và giới chủ đã khiến sự đấu tranh của các công đoàn yếu đi.

Thất bại của nhiều liên đoàn lao động khi đối phó với các thay đổi này khiến ngày càng ít người lao động muốn tham gia. Internet đã khiến người lao động ngày một trẻ hơn, ngày càng nhiều người làm nghề tự do, bán thời gian hay làm ở nhà. Tất cả đều không thấy có nhu cầu tham gia liên đoàn.

Các liên đoàn được tổ chức theo kiểu ngành nghề truyền thống (bác sĩ, giáo viên, công nhân vệ sinh...) cũng không còn hiệu quả.

Trong thực tế đã có những nỗ lực đối phó. Ở Anh chẳng hạn, UNISON, liên đoàn lao động lớn thứ hai, đã cho phép gia nhập bằng cách chỉ đăng ký qua mạng và tạo ra một ứng dụng di động khá phổ biến với người trẻ.

Liên đoàn này cũng đang thay đổi cách giới thiệu với những thành viên tiềm năng: nhấn mạnh vào các dịch vụ như hỗ trợ tư pháp, việc làm... thay vì tổ chức biểu tình hay đình công đòi tăng lương theo kiểu cũ. UNISON không chiêu mộ thành viên theo kiểu truyền miệng và qua những người đứng đầu các liên đoàn cấp dưới nữa, mà quảng cáo trên báo và truyền hình.

Nhưng sự thay đổi của các liên đoàn lao động nhìn chung vẫn chậm so với sự thay đổi của các ngành sản xuất. Sự thu hẹp dần của các cơ quan nhà nước ở những nước giàu, trong khi khối doanh nghiệp tư nhân lúc nào cũng sôi động, là một lý do khác khiến liên đoàn lao động mất thành viên, do hầu hết người làm nhà nước đều sẽ lựa chọn tham gia một liên đoàn nào đó.

Cũng có một số nước giàu với hệ thống liên đoàn lao động đã trưởng thành và thật sự độc lập có số thành viên tăng, như Tây Ban Nha, Ireland và Luxembourg. Ở Trung Quốc, các hoạt động mang tính công đoàn và tổ chức cao trong giới công nhân ở các nhà máy cũng được ghi nhận gia tăng.

Dù số thành viên giảm đi, ở một số nước các liên đoàn lao động vẫn có tiếng nói rất lớn. Ở Pháp chẳng hạn, các liên đoàn đủ sức quyết định mức lương tối thiểu hay cản trở một ngành kinh doanh mở rộng. Còn tại Đức từ lâu đã có truyền thống “cùng ra quyết định” khi những thay đổi mang tính hệ thống ở các doanh nghiệp lớn đều được tham khảo đại diện của người lao động.■

Phí công đoàn

Phí công đoàn với các tổ chức thật sự độc lập thường là nguyệt liễm do thành viên đóng ngoài một khoản phí gia nhập ban đầu. Phí được sử dụng cho nhiều hoạt động khác nhau mà liên đoàn lao động tham gia. Nhiều người lao động trả phí công đoàn từ lương, dù cũng có một số công đoàn thu riêng khoản này ngoài lương.

Tùy vào mức độ kiểm soát hay dân chủ trong một công đoàn, các thành viên sẽ có tiếng nói về mức phí và việc sử dụng phí. Phí thông thường được dùng để trả lương và các phúc lợi cho những lãnh đạo và người làm việc cho liên đoàn lao động, toàn thời gian hoặc bán thời gian, phí cho các cuộc tranh tụng pháp lý, vận động hành lang, chiến dịch chính trị, trợ cấp, y tế, phúc lợi, quỹ bảo đảm rủi ro và/hoặc quỹ bảo hiểm khi đình công.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận