TPP và xung lực Nhật

THANH TUẤN 08/08/2013 09:08 GMT+7

TTCT - Hai ngày trước khi vòng đàm phán thứ 18 của Hiệp ước đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) kết thúc hôm 25-7, Nhật Bản mới chính thức được tham gia đàm phán.

Sự xuất hiện, dù muộn màng, của chú cá voi kinh tế lớn thứ ba thế giới bên cạnh Mỹ đã làm thay đổi hoàn toàn diện mạo của TPP.

Phóng to
Thủ tướng Malaysia Najib Razak (trái) đón tiếp Thủ tướng Nhật Shinzo Abe ở Putrajaya. Nhật và Malaysia đồng ý hợp tác bảo vệ biểu thuế nông nghiệp hiện nay của hai nước trong ngày cuối cùng đàm phán TPP vòng 18 ở Malaysia - Ảnh: Reuters

Nếu trước kia đàm phán đa phương của TPP bị chi phối hoàn toàn bởi Mỹ, nền kinh tế số 1 thế giới, thì giờ Nhật Bản trở thành đối trọng quan trọng trong đàm phán. Tính luôn cả Nhật, quy mô của TPP lúc này tăng lên xấp xỉ 40% GDP và chiếm 1/3 thương mại toàn cầu. Theo giới phân tích, một xu hướng nhanh chóng được các nước thúc đẩy là bắt tay thiết lập các liên minh xoay quanh hai cường quốc này, cục diện TPP vì vậy cũng đang nhanh chóng phân cực.

“Các nước đều thấy tầm quan trọng của thương mại và kinh tế, sự gia nhập của Nhật Bản vì vậy hết sức được hoan nghênh” - Hãng tin Kyodo trích lời ông Koji Tsuruoka, trưởng đoàn đàm phán của Nhật, nói sau vòng đàm phán 18.

Đa phương thành song phương

Với quy mô kinh tế của Nhật, các chuyên gia nói đàm phán đa phương giờ trở thành song phương giữa Mỹ và Nhật để thiết lập các tiêu chuẩn thương mại mới cho thị trường. Nhiều nước nhỏ đang tìm cách liên minh với Nhật hoặc Mỹ trong đàm phán, đặc biệt trong các vấn đề mở cửa thị trường, xóa bỏ thuế quan hay các quy định về sở hữu trí tuệ.

Kyodo trích lời một quan chức thương mại New Zealand nói nước này hoan nghênh Nhật tham gia vì sẽ mang thêm “động lực” cho các vòng đàm phán vốn bị chi phối bởi Mỹ - dù về lý thuyết các nước đều có tiếng nói ngang nhau. “Tôi nghĩ các nước Đông Nam Á đặc biệt mong chờ sự tham gia của Nhật. Họ hi vọng Nhật Bản có thể giúp họ chống lại Mỹ” - một đại diện của Nhật nói sau vòng đàm phán 18.

Giới phân tích đều nhận định động thái lập liên minh sẽ được đẩy nhanh, nhất là khi thời gian không còn nhiều trước hạn định hoàn tất đàm phán vào cuối năm nay mà các nước đặt ra. Dù vậy, ở giai đoạn nhất định của đàm phán, đặc biệt khi đụng đến các lĩnh vực nhạy cảm của từng nước, cục diện có thể phức tạp hơn.

Trong chuyến thăm chớp nhoáng tới một loạt ba nước Đông Nam Á tuần trước (ngay thời điểm kết thúc vòng 18), Thủ tướng Shinzo Abe không giấu ý đồ lôi kéo đồng minh của mình. Hai nước trong chuyến thăm (Singapore và Malaysia) đều là các đối tác trong đàm phán TPP. Tại cuộc gặp Thủ tướng Najib Razak, ông Abe nói ông hi vọng sẽ hợp tác trong đàm phán với Malaysia. Thông điệp tương tự về đàm phán TPP cũng được đưa ra trong cuộc gặp Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long. Tờ Yomiuri Shimbun số ra ngày 29-7 khẳng định ASEAN đóng vai trò quan trọng cả về kinh tế lẫn an ninh đối với nước Nhật.

Khó khăn của Nhật

Khi quá trình đàm phán đã diễn ra được ba năm, Nhật Bản là nước thiệt thòi với tư cách là người đến muộn. Do quy định về bảo mật, Tokyo nhận được rất ít thông tin về diễn tiến của đàm phán. Ở vòng 18, họ cũng không được tham dự vào phần đàm phán chủ chốt nhất mà chỉ được tham gia hai ngày rưỡi cuối cùng. Vòng đàm phán thực tế của Nhật sẽ là ở vòng 19 diễn ra tại Brunei từ ngày 22 đến 30-8-2013.

Hiểu được điều này, Nhật Bản đã gửi một đoàn đàm phán vô cùng hùng hậu với gần 100 thành viên - tương đương 1/6 số lượng đàm phán viên của cả 12 nước tham gia đàm phán. Ngày 23-7 là ngày đầu tiên Nhật được tiếp cận đầy đủ hàng trăm trang hồ sơ của TPP liên quan tới 29 chương đang được đàm phán. Theo Yomiuri Shimbun, đây là lần đầu tiên Nhật được tiếp cận tài liệu để hiểu rõ hơn bức tranh toàn cảnh của đàm phán. Hi vọng của Tokyo là thu thập được càng nhiều thông tin càng tốt trong thời gian ít ỏi. Thủ tướng Shinzo Abe đã ra chỉ thị nói các nhà đàm phán phải tận dụng thời gian để bù lại thời gian đã mất.

Theo Japan Times, Nhật Bản sẽ gặp khó khăn trong nước, đặc biệt là về vấn đề chia sẻ thông tin, trong khi yêu cầu của đàm phán là bí mật. Quy định của TPP đặc biệt yêu cầu các nước phải bảo mật thông tin và chỉ một số người có quyền tiếp cận thông tin này. Báo chí Nhật nói quy định này khiến chính quyền không thể chia sẻ thông tin có được cho các doanh nghiệp cũng như các nhóm vận động nông nghiệp bay tới Malaysia với hi vọng lấy được thông tin.

Sau vòng 18, các nước TPP chỉ đưa ra tuyên bố chung nói các nhà đàm phán đang tìm cách thúc đẩy đàm phán về sở hữu trí tuệ, môi trường và doanh nghiệp quốc doanh và thống nhất sẽ đẩy nhanh đàm phán về quyền tiếp cận thị trường.

Phía Nhật hiện mong muốn bảo vệ được các lĩnh vực nông nghiệp của mình, đặc biệt các sản phẩm chính như gạo, lúa mì, thịt bò, thịt heo, các sản phẩm từ sữa và đường. Chính Đảng LDP của Thủ tướng Abe đã đưa ra nghị quyết yêu cầu chính phủ phải bảo vệ các mặt hàng chính đó và thậm chí yêu cầu rời bàn đàm phán nếu đàm phán không như dự định.

Dù đến muộn, phía Nhật vẫn có những lạc quan nhất định. Theo Tokyo, vòng đàm phán 18 cho thấy các nước vẫn chia rẽ quanh những vấn đề chủ chốt nhất. “Trong khi một số phần của thỏa thuận đã được thống nhất, vẫn còn nhiều phần ở trong ngoặc” - Kazuhisa Shibuya, phó trưởng đoàn của Nhật, ám chỉ phần nội dung các nước chưa thống nhất được.

Tuần trước, cùng lúc đoàn đàm phán của Nhật đổ bộ sang Malaysia, Bộ trưởng công thương Nhật Toshimitsu Motegi cũng có mặt ở Washington để gặp đại diện thương mại Mỹ Michael Froman. Tại cuộc gặp, ông Froman nhắc lại yêu cầu Nhật phải mở cửa thị trường ôtô và các lĩnh vực phi thuế quan khác trong đàm phán song phương. Các đàm phán song phương này được thỏa thuận ngay khi Mỹ chấp thuận cho Nhật tham gia đàm phán TPP vào tháng 4.

Cũng theo Yomiuri Shimbun, ngoài vòng đàm phán tại Brunei, phía Mỹ và Nhật sẽ đồng thời tiến hành tham vấn song song trong tháng 8 (thực tế ngay khi Nhật thông báo tham gia TPP, đại sứ Mỹ David Shear trong bài phỏng vấn trên TTCT hồi cuối tháng 4 nói các nhà đàm phán Mỹ và Nhật đã ngồi lại với nhau từ thời điểm đó). Đây là một trong những điều kiện Mỹ đưa ra để chấp thuận việc Nhật tham gia đàm phán TPP.

Trong đàm phán song phương này, Mỹ dự kiến sẽ gây áp lực để Nhật phải mở thêm nhiều lĩnh vực nữa trong thị trường nội địa của mình.

Cam kết về sớm kết thúc đàm phán TPP là một trong những thỏa thuận quan trọng nhất trong chuyến thăm Mỹ vừa rồi của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Trong chuyến đi đã thấy những động thái cho thấy cả Mỹ lẫn Việt Nam sẽ dần mở cửa thị trường cho một số mặt hàng của nhau.

Phía Việt Nam cam kết từ tháng 9 này cho nhập khẩu trở lại nội tạng trắng đông lạnh (gồm các sản phẩm lòng, tràng, dạ dày... động vật Việt Nam từng cấm cách đây hai năm) của Mỹ, trong khi Washington cũng cam kết sẽ mở cửa cho các mặt hàng nông sản của Việt Nam như vải, nhãn, vú sữa, xoài. Trong một trả lời hồi tháng 6 với TTCT, trợ lý đại diện thương mại Mỹ Carol Guthrie nói sẽ cần sự nhượng bộ của cả hai bên để có thể kết thúc đàm phán.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận