Trách nhiệm và nhân đạo trong vấn đề chất độc da cam

NGUYỄN VĂN TUẤN 24/06/2007 16:06 GMT+7

TTCT - Khó có thể đoán trước kết quả phiên tòa vụ kiện chất độc da cam ra sao, nhưng kinh nghiệm trong quá khứ cho thấy vấn đề chất độc da cam chưa bao giờ được thảo luận đến nơi đến chốn ở pháp đình.

Chị Hoa và Nhân - con gái 12 tuổi mãi mãi bé bỏng do ảnh hưởng chất độc da cam - Ảnh: Võ Trung Dung

 Hơn hai năm trước, tháng 3-2005, vụ kiện chất độc da cam không được xét xử vì theo thẩm phán Jack Weinstein, “các yêu sách của phía nguyên đơn không có cơ sở pháp lý dưới bất cứ luật nội địa, hay luật quốc gia, hay luật tiểu bang, hay luật quốc tế. Vụ kiện không được xét xử”.

Hơn 20 năm về trước khi các cựu chiến binh Mỹ kiện các công ty hóa chất Mỹ về những tác hại sức khỏe mà họ phải chịu khi tham gia chiến dịch phun độc chất, và vụ kiện được kết thúc bằng một thỏa thuận ngoài tòa mà theo đó các công ty hóa chất đồng ý lập một quĩ y tế xã hội nhằm trợ cấp cho các cựu chiến binh Mỹ từng bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam.

Nhưng bất kể kết quả phiên tòa ra sao, một thực tế không thể chối cãi là qua nhiều nghiên cứu trong ba thập niên qua, dioxin và chất độc da cam gây ra nhiều tác hại đến sức khỏe con người.

Báo chí phương Tây cho rằng vấn đề chất độc da cam đang là một vấn đề gai góc trong mối quan hệ đa chiều giữa Việt Nam và Mỹ. Tôi không nghĩ như thế, vì vấn đề này có thể giải quyết một cách thỏa đáng nếu các công ty hóa chất và Chính phủ Mỹ có thiện chí. Thật ra, Quốc hội Mỹ đã có thiện chí giải quyết vấn đề qua vài tuyên bố gần đây của các quan chức Mỹ, nhưng các công ty hóa học vẫn chưa chịu nhận lãnh trách nhiệm.

Những việc làm có ý nghĩa mà các công ty liên quan đến vấn đề chất độc da cam có thể thực hiện được là giúp đỡ những nạn nhân bị nhiễm độc chất và bị những bệnh được công nhận là do độc chất da cam hay dioxin gây ra. Năm 1984, các công ty hóa chất (có liên quan đến việc sản xuất và cung cấp độc chất da cam cho quân đội Mỹ) đồng ý bồi thường cho các cựu quân nhân Mỹ số tiền khoảng 180 triệu USD.

Ở Việt Nam, hình thức bồi thường có thể bao gồm việc điều trị những bệnh được công nhận là do phơi nhiễm độc chất gây ra, tạo công ăn việc làm cho những cư dân trong các vùng bị nhiễm, lập bệnh xá và trường học để nâng cao đời sống vật chất và trình độ văn hóa cho nạn nhân và cư dân tại những nơi bị nhiễm độc chất.

Một cách giúp đỡ khác là các công ty lập một ngân quĩ để làm sạch môi trường tại những nơi bị nhiễm nặng... Năm 1976, ở Ý vụ tai nạn kỹ nghệ xảy ra tại nhà máy gần thị trấn Seveso làm thải ra môi trường xung quanh khoảng 30kg dioxin. Ấy thế mà đến nay, tức 30 năm sau tai nạn đó và sau 30 năm làm sạch môi trường, các nhà nghiên cứu Ý vẫn phát hiện tác hại của dioxin trong sức khỏe người dân.

Ở Việt Nam hiện nay, kết quả của nhiều nghiên cứu cho thấy tại các địa điểm bị nhiễm nặng, nồng độ dioxin rất cao, có khi cao hơn 130 lần nồng độ an toàn cho phép, vì chất độc đã lắng đọng xuống lòng đất, nhất là các nơi bùn lầy. Do đó, nhu cầu làm sạch môi trường tại những nơi này phải được xem là một ưu tiên hàng đầu.

Ấy thế mà đến nay không một ai phía Mỹ có hành động gì để xoa dịu nỗi đau của nạn nhân vẫn đang quằn quại với độc chất!

Năm 1864, khi Abraham Lincoln đắc cử tổng thống, Karl Marx đại diện cho Hiệp hội Công nhân quốc tế gửi lời chúc mừng. Lúc đó, Charles Francis Adams, một bộ trưởng của Mỹ ở Luân Đôn, thay mặt Lincoln trả lời Marx: “Chính phủ Mỹ ý thức sâu sắc rằng chính sách của Mỹ, hiện nay cũng như trong quá khứ [...] là phấn đấu cho sự bình đẳng và công lý đúng đắn cho tất cả các nhà nước, tất cả con người. [...] Quốc gia không phải tồn tại một cách riêng lẻ và chỉ cho riêng quốc gia đó; quốc gia tồn tại để cổ vũ cho sự thịnh vượng và hạnh phúc của nhân loại bằng những hợp tác nhân đạo”.

Mỹ là một quốc gia được xây dựng trên nền tảng dân chủ và sự thật, và không có lý do gì ngăn cản Mỹ nhận lãnh trách nhiệm về sai lầm và những hệ quả nghiêm trọng của chất độc da cam ở Việt Nam bằng những hành động thực tế và thiết thực cho nạn nhân độc chất.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận