Trò chuyện với Xi Xi - Nhà văn “kín tiếng” nhất Hong Kong

MEGAN WALSH 30/08/2020 06:08 GMT+7

TTCT - Xi Xi thuộc thế hệ “các nhà văn Nam tiến” cuối cùng của Hong Kong, sau Trương Ái Linh, Kim Dung, Lưu Dĩ Sưởng…

Nhà văn Xi Xi. Ảnh: weeklysh.com
Nhà văn Xi Xi. Ảnh: weeklysh.com


Xi Xi sinh tại Quảng Đông, theo gia đình đến sống tại Hong Kong từ năm 12 tuổi. Tuy kín tiếng và chủ yếu làm nghề dạy học tại một trường cấp hai địa phương, Xi Xi nổi danh là một trong những cây bút góp phần quan trọng trong việc định hình danh tính bản địa Hong Kong thông qua văn học, với tiểu thuyết nổi tiếng nhất My city (Thành phố của tôi) và tiểu luận Shops (Những cửa hiệu). Năm 2018, Xi Xi được trao giải thưởng Newman về văn học Hoa ngữ hàng đầu của Hoa Kỳ.

Tôi mê mẩn Xi Xi từ lần đầu tiên đọc truyện ngắn nổi tiếng của bà, A girl like me (Một cô gái như tôi), kể về một cô gái trẻ làm nghề trang điểm cho người chết. Nàng ngồi trong quán cà phê, nội tâm vật lộn với tình yêu của một người đàn ông yêu nhưng không hiểu nàng, lo lắng xem anh sẽ phản ứng thế nào khi biết đến cuộc đời bí mật của nàng trong nhà xác. Xi Xi đã khéo léo đảo lộn trật tự của mọi điều bình thường và quái dị trong một câu chuyện tài tình.

Dù kín tiếng đến đâu, tên tuổi Xi Xi vẫn nổi như cồn trong thế giới Hoa ngữ từ khi xuất bản truyện ngắn đầu tay năm 1965. Những tác phẩm ít ỏi được dịch sang tiếng Anh của bà (gồm hai tuyển tập truyện ngắn, hai tiểu thuyết và một tập thơ xuất bản gần đây mang tên Những lời không viết) như hứa hẹn một kho báu mà thế giới chưa thể chạm đến: 7 tiểu thuyết, 21 tuyển tập truyện ngắn và tiểu luận, một số kịch bản phim và hồi ký chữa bệnh Ai điệu nhũ buồng (Elegy for a breast). Gần đây nhất bà đã ra mắt Biên niên ký gấu bông, một cuốn sách mà trong đó những chú gấu bông do bà tự tay chế tác minh họa cho những truyền thuyết quá khứ.

Ta cần dành đất diễn công bằng cho những tiếng nói ngoài luồng những tự sự chính thống

Nhà văn Xi Xi

 

Đâu là động lực sáng tác của bà?

Chừng nào còn có giấy và bút thì chừng đó tôi còn sáng tác, bất kể thời gian hay nơi chốn. Đó là chuyện tất yếu sau nhiều năm làm báo hằng ngày. Tôi sống ở một nơi nhỏ xíu và chật chội, nên tôi từng bắc ghế ra giữa bếp, trải giấy lên rồi ngồi viết trên một cái ghế đẩu nhỏ - cứ thế mà viết. Dù có phải làm gì thì tôi cũng vẫn sẽ viết.


Là một tác giả kịch bản, thơ, tiểu luận, chuyên mục báo chí, truyện ngắn, tiểu thuyết, kể cả làm đồ thủ công, bà có cảm thấy yêu mến và phù hợp với một hình thức nghệ thuật nào không?

- Mỗi thời điểm và cảm xúc khác nhau sẽ cần những phương tiện biểu đạt riêng, ta phải xem phương pháp nào là phù hợp nhất. Thật khó nói tôi thích và phù hợp với loại hình nào nhất, nhưng từ kinh nghiệm bản thân tôi thấy mình ít viết kịch bản nhất, tôi cũng chỉ viết kịch bản một thời gian ngắn mà thôi. Vấn đề nằm ở chỗ đấy không phải là việc mình có thể làm một mình được. Nếu có thể sản xuất và đạo diễn những gì mình viết ra, có lẽ tôi sẽ cảm thấy đó là sáng tác của riêng mình hơn, nhưng lên kịch bản cần sự hỗ trợ của rất nhiều người khác. Viết văn là một hành động đơn độc. Nếu bạn không thể chịu nổi bản thân thì chắc chắn không thể làm nhà văn được. Có những kịch bản sinh ra từ những cuộc thảo luận hợp tác, trên tinh thần văn hóa đại chúng. Các tác phẩm văn học thì khác: bạn phải chiến đấu một thân một mình.


Phong cách của bà thường được miêu tả là “hiện thực cổ tích”. Bà có thể chia sẻ một chút về mối quan tâm của mình đối với truyện cổ tích cũng như cách chúng soi chiếu những trải nghiệm thường nhật?

- Phong cách hiện thực cổ tích chỉ áp dụng cho một số tiểu thuyết và truyện ngắn của tôi thôi, tôi cũng không sáng tác chúng cho một đối tượng định sẵn là thiếu nhi hay tuổi mới lớn. Dĩ nhiên, khi còn nhỏ tôi đọc nhiều truyện cổ tích. Mãi đến khi lớn lên và đọc lại tôi mới nhận ra những truyện nổi tiếng nhất của Hans Christian Andersen hay anh em nhà Grimm, kể cả Hoàng tử bé của Saint-Exupéry cũng không nhất thiết viết dành cho trẻ em: chúng vô cùng bi đát, đáng sợ và sâu sắc. Cũng như đời thật, chúng thật ra không hề kể về những cái kết công chúa cưới hoàng tử hạnh phúc mãi mãi, và đó là khoảnh khắc đời thực bắt đầu.


Trong nhiều tác phẩm của mình, đặc biệt là những câu chuyện đầu tay như Một cô gái như tôi Cơn sốt, hoặc tinh tế hơn là những bài thơ Viên sỏi Bươm bướm là những vật nhẹ nhàng, bà đã dùng nhiều cách khác nhau để thách thức quan niệm cổ tích về tình yêu lãng mạn. Bà có thể nói thêm về điều này được không?

- Tôi không xem mình là một người theo nữ quyền chủ nghĩa, nhưng tôi sớm suy nghĩ về những khó khăn phụ nữ gặp phải. Tôi bắt đầu đọc sách của Simone de Beauvoir. Tôi rất ý thức được rằng trong truyền thống Trung Hoa, phụ nữ được kỳ vọng phải kết hôn, rời gia đình bố mẹ đẻ và vâng lời chồng. Trong tiếng Trung có nhiều câu nói về điều này, ví dụ “Một người phụ nữ phải trang điểm cho vừa mắt người yêu”, Khổng giáo có cả một bộ quy tắc đạo đức chỉ dành riêng cho phụ nữ, đó là tam tòng tứ đức. 

Điều này còn được nhấn mạnh thêm thông qua những luật pháp đặt phụ nữ dưới chủ quyền của người chồng. Về bản chất, người phụ nữ trong xã hội Trung Hoa không được xem là những con người độc lập, toàn diện, và lịch sử đã cho thấy hôn nhân là một trong những nguyên nhân lớn nhất gây ra cớ sự này.

Đa số tiểu thuyết lãng mạn chỉ đơn thuần bồi thêm vào ảo tưởng về một lễ cưới hạnh phúc mãi mãi như một cách cổ xúy các cô gái trẻ theo đuổi tình yêu và khiến họ tưởng rằng không có gì quan trọng hơn điều đó. Cuối cùng thì họ cũng chỉ trở thành vợ của chồng mình, mẹ của con mình chứ không thuộc về chính bản thân mình.


Các tác phẩm của bà cũng như những điều bà vừa chia sẻ về việc phản đối những tự sự nam quyền truyền thống khiến tôi cảm nhận rằng bà đúng là một nhà nữ quyền chủ nghĩa. Bà nghĩ sao về từ “nữ quyền chủ nghĩa” mà bà từ chối không nhận này?

- Tôi hiểu rằng các “chủ nghĩa” thường bao hàm một loạt quy tắc mà người tin vào phải tuân theo trong cả lời nói lẫn hành động. Tôi không theo “chủ nghĩa” nào cả; tôi chỉ đang quan sát người nữ qua góc nhìn của chính mình thôi. Đối với tôi, đàn ông và phụ nữ chỉ khác nhau duy nhất về mặt sinh học. Phụ nữ đã luôn bị ngược đãi như cách người ta phân biệt đối xử dựa trên màu da hay ngôn ngữ, và vì thế bị đặt vào một khuôn khổ tách biệt. Chúng ta có các “nhà văn nữ” - chứ đâu ai gọi các “nhà văn nam”. Tôi nghĩ đáng lẽ ta phải vượt qua được chuyện chỉ nói về “đàn ông” và “đàn bà” đơn thuần.


Người ta cho rằng một điểm khác biệt nói chung giữa kể chuyện kiểu phương Tây và phương Đông nằm ở mối quan hệ của nhân vật chính với số phận. Là một người lấy cảm hứng từ nhiều nguồn sâu rộng từ hiện thực kỳ ảo Mỹ Latin đến văn học Nhật Bản, cũng như từ thần thoại và lịch sử Trung Hoa, bà có nghĩ rằng ta có thể tổng quát như vậy không?

- Tôi không rõ lắm ý niệm này và cũng không chắc vì sao người ta tranh luận như thế. Có thể là trong truyền thống Trung Hoa mọi thứ đa số bị ràng buộc và người ta hay lấy khái niệm “định mệnh” hay “thiên mệnh” làm lý do mỗi khi gặp phải trở ngại hay thất bại. Có lẽ một người bạn của tôi có quan điểm hay nhất. Anh nói rằng khi người Trung Hoa bảo điều gì “thuộc thiên mệnh” thì thường hàm ý “con người tuân theo mệnh trời”, nhưng ở phương Tây lại là “nhân định thắng thiên”, rằng trời đất phải thuận theo ý chí con người. Cả hai cách tiếp cận này đều có những ưu và khuyết điểm riêng.

Những điều được coi như định sẵn rồi thì thường dễ dẫn đến sự ì trệ và hoàn toàn không giúp ích gì cho công cuộc cải thiện và phát triển, mà thay đổi thì rất cần lòng can đảm. Những truyện ngắn Một cô gái như tôiCơn sốt của tôi có những khởi đầu khác nhau: hai nhân vật nữ chính phải vâng lời số phận, nhưng định mệnh của họ vốn dĩ không hề giống nhau. Qua mỗi câu chuyện riêng họ bắt đầu thức tỉnh và phản kháng cho đến khi trở thành chủ nhân của chính cuộc đời mình.


Các tác phẩm của bà thường chứa những quan điểm tinh nghịch, sáng tạo và phá vỡ nguyên tắc, khiến người đọc chú ý đến những người sống bên lề, động vật, kể cả các đồ vật vô tri vô giác. Đây có phải một quyết định có chủ đích không? Nếu có thì liệu đây có phải là một cách để thách thức những lối mòn văn hóa và xã hội?

- Vâng, đây đúng là một ý tưởng bền bỉ của tôi. Ta cần dành đất diễn công bằng cho những tiếng nói ngoài luồng những tự sự chính thống.


Các tác phẩm của nhà văn Xi Xi
Các tác phẩm của nhà văn Xi Xi


Nghề giáo viên tiểu học đã ảnh hưởng như thế nào đến con người bà?

- Tôi không biết việc dạy học định hình mọi thứ đến mức nào, nhưng tôi luôn hợp với các học trò của mình và tôi học được nhiều điều từ các em. Không em nào giống em nào cả, và mỗi em đều có những quan điểm quý giá và đặc trưng của mình, các em nên được lắng nghe và tôn trọng ý kiến.

Quan điểm của con người không nhất thiết trưởng thành hay già đi theo tuổi tác; ta có thể già đi nhưng chưa chắc đã khôn hơn. Người lớn thì thường trở nên am hiểu thế giới, theo nghĩa là ta có thêm nhiều trải nghiệm, và lẽ dĩ nhiên nếu không nhận thức được những hiểm nguy tồn tại trong đời sống thường nhật, ta khó có thể phân biệt phải trái hay đúng sai. Thiền sư Thanh Nguyên Duy Tín có một câu nói nổi tiếng: “Núi là núi, sông là sông”. Ý niệm này đại diện cho giai đoạn đầu tiên. Sau khi bắt đầu tu thiền, ông nhận ra rằng thế gian này phức tạp hơn rất nhiều và sau nhiều trăn trở, nhận ra thật khó để phân định rõ ràng sự phức tạp này, ông cho rằng “núi không phải núi và sông không phải sông”; đây là giai đoạn thứ hai. Cuối cùng, khi đắc đạo và nhìn được thấu mọi sự phức tạp trên đời, thiền sư trở lại ý niệm thuở ban đầu, rằng “núi lại là núi và sông vẫn là sông”.

Nếu muốn đến được giai đoạn thứ ba này, ta phải trải qua những thử thách và xói mòn tư tưởng ban đầu “núi là núi”. Điều này không phải để nói rằng tôi đã đắc đạo rồi, đó là điều mà tôi đang mong mỏi và tìm kiếm. Đôi khi tôi cố thử nhìn thế giới qua đôi mắt một đứa trẻ, điều này không hề giống với góc nhìn của một em bé thật, nhưng tôi tin rằng mọi nghệ sĩ nên quan sát thế giới bằng tâm thế này.


Trong Phù thành chí dị (Marvels of a Floating City), bà dùng tranh của họa sĩ siêu thực người Pháp René Magritte để tưởng tượng lại thành phố Hong Kong, còn trong Phì thổ trấn hồi lan ký (The Fertile Town Chalk Circle), bà viết lại câu chuyện Bao Công để khám phá những thách thức sống còn mà Hong Kong gặp phải dưới chính quyền Anh Quốc và Trung Quốc. Việc sinh sống ở Hong Kong đã ảnh hưởng thế nào đến con người và các sáng tác của bà?

- Phù thành chí dị được viết năm 1986, một năm sau ngày ký kết Tuyên bố chung Trung - Anh (giữa Thủ tướng Trung Quốc Triệu Tử Dương và Thủ tướng Anh Margaret Thatcher về việc trao trả quyền cai quản Hong Kong từ Anh Quốc sang Trung Quốc có hiệu lực từ ngày 1-7-1997). Vào thời điểm đó, tôi cũng đọc được một bài báo về một cô bé tên Mary bị vướng vào một vụ kiện giành quyền nuôi con giữa Hà Lan và Thụy Điển phải ra tận tòa án quốc tế. Khi đọc bài báo tôi rất ngạc nhiên khi thấy người ta không tin rằng trẻ em cũng có tư duy riêng. Tại sao không ai hỏi ý kiến cô bé xem?

Trường hợp của Mary có thể xem như bản dạo đầu câu chuyện Phì thổ trấn của tôi mà trong đó tôi đặt mình vào điểm nhìn của một đứa trẻ để kể câu chuyện, lấy cảm hứng từ vở kịch Hôi Lan Ký nói về Bao Thanh Thiên của cụ Lý Tiềm Phu cũng như vở kịch chuyển thể The Caucasian Chalk Circle (Vòng phấn Kavkaz) của ông Bertolt Brecht người Đức. Trong quá khứ, dù là chuyện kể về vua Solomon hay Bao Thanh Thiên, người thắng cuộc luôn là các bậc cha mẹ. Sự đột phá của Brecht là ông đã đem lại thắng lợi cho mẹ nuôi thay vì mẹ ruột của đứa trẻ. Tôi liền viết lại câu chuyện kinh điển này để tưởng tượng xem cảm nhận của người ở ngay trung tâm của những giằng co của người lớn. Có thể đó là một đứa trẻ, nhưng em bé vẫn có nhiều điều cần nói.


Trong Ai điệu nhũ buồng, bà miêu tả trận chiến với căn bệnh ung thư vú rằng mình “mù chữ” đối với chính cơ thể mình. Liệu quyển sách có phải một quá trình trị liệu thông qua kể chuyện, hay gần hơn với quá trình học cách đọc và dịch nghĩa mối quan hệ giữa cơ thể và tâm trí?

- Tôi bị ốm suốt nhiều năm liền, đến một mức nào đó tôi quen hẳn với chuyện đó. Tôi cũng phát hiện rằng cơ thể và đầu óc mình không giao tiếp tốt với nhau. Khi cơ thể gặp vấn đề, nó gửi ra tín hiệu cảnh báo mà ngày xưa tôi luôn lơ là. Chỉ đến lúc bị ốm nặng tôi mới để ý đến cơ thể mình nhiều hơn. Tôi viết về quá trình trị liệu bởi tự thân việc viết cũng là một hình thức tự chữa lành, tôi mong những người khác cũng sẽ thấy quyển sách này có ích. Ta phải học cách đọc và hiểu bản thân mình, để đạt được sự cân bằng giữa cơ thể và tâm trí. Trong quá khứ, đặc biệt là trong văn hóa Trung Hoa, chúng ta đặc biệt nhấn mạnh và đời sống tâm trí mà bỏ quên cơ thể. ■

(Ái Mỹ dịch từ Literary Hub)


Bà có thể hé lộ cho độc giả về truyện sci fi mới nhất của mình, Stardust (Ánh sao ma thuật)?

- Một bụi sao siêu tinh mịn rơi xuống trái đất từ ngoài không trung và làm bạn với con người. Chúng quan sát và trở nên am hiểu loài người, từ đó hình thành nên những quan điểm về nhân loại. Thật khó để nói xem đây là một quan điểm tích cực hay tiêu cực, mà tôi chỉ muốn khẳng định tính người, như đa số các tác phẩm văn học nghệ thuật: nghệ thuật nói lên sự tinh tế trong xúc cảm và xúc giác của con người, là những điều mà khoa học và công nghệ hay trí tuệ nhân tạo chưa tài nào đạt được, dù chúng đã được dùng để làm thơ, vẽ tranh, hay chơi cờ giỏi hơn cả con người.


 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận