Trong căn nhà hoài niệm 133 Cô Bắc

TRẦN MINH HƠP 06/04/2018 21:04 GMT+7

TTCT - Ngôi nhà số 133 Cô Bắc (quận 1) đã 70 năm hiện diện cùng dòng chảy lịch sử TP.HCM, từ một nơi buồn heo hắt trở thành một nơi sáng đèn. Ngôi nhà không chỉ là nơi chốn của những phút giây im lìm, tĩnh tại để tưởng nhớ tổ nghiệp sân khấu, mà trong từng hơi thở bức tường, thớ gạch còn mang hoài niệm tuôn trào về lịch sử thiêng liêng, chân tình của cuộc đời sân khấu Sài Gòn - TP.HCM.

Ngôi nhà số 133 Cô Bắc nằm ở góc ngã tư thanh bình
Ngôi nhà số 133 Cô Bắc nằm ở góc ngã tư thanh bình

 Ngôi nhà ba tầng nằm ngay một ngã tư đường phố vắng, trên cao bảng chữ “Nhà truyền thống sân khấu” gợi lên những hoài niệm đất nước, hoài niệm của nghệ thuật... rất tự nhiên. Ngước nhìn căn nhà, tôi thúc bách mình rằng đây hẳn phải là một nơi hoài niệm cần ghé qua giữa thành phố náo nhiệt và trầm tư này.

Nền móng vật chất của tòa nhà là những viên gạch, đá sắm bằng tiền chung tay và nền móng tinh thần là từ hơi ấm tình thương, lòng trân trọng đối với người nghệ sĩ của ông cha chúng ta. 

Cái tên ban đầu từ năm 1948 - ngôi nhà của “Hội nghệ sĩ ái hữu tương tế” - đã gợi về một nơi chốn được xây từ tình thương yêu. Đó là cái tình của những người nghệ sĩ tiền phong như Trần Hữu Trang, Nguyễn Thanh Châu, nghệ sĩ Bảy Nam, nghệ sĩ Phùng Há, nghệ sĩ Năm Phỉ, nghệ sĩ Huỳnh Văn Nhiêu, chú Tư Chơi...

Đó là cái tình từ những người giàu, những trí thức, kiến trúc sư, bác sĩ, thầu khoán... có tấm lòng thương sân khấu, yêu nghệ thuật, thương nghệ sĩ và khát khao bảo vệ văn hóa dân tộc. Họ chung tay góp từng viên gạch đá tạo lập một nơi chốn để tương tế, giúp đỡ, xây dựng ngành sân khấu và bảo vệ người nghệ sĩ giữa cảnh đất nước chiến tranh và cuộc sống cơ hàn.

Di sản lòng người

Có thể nói ngôi nhà 133 Cô Bắc đã mang cuộc đời của một di sản, di sản vật thể và di sản phi vật thể. Một ngôi nhà từ trong lịch sử đã ôm chứa những câu chuyện của quá khứ, của tinh thần tương tế từ thời kháng chiến chống Pháp đến tận hôm nay.

Trong ngôi nhà, hiện hữu giá trị một công trình kiến trúc cổ xưa, hiện hữu giá trị tâm linh về tổ nghiệp sân khấu, hiện hữu giá trị về truyền thống tương thân, tấm lòng dành cho người nghệ sĩ, hiện hữu giá trị về lịch sử biểu diễn và hoạt động cách mạng của nghệ sĩ Sài Gòn.

Trong những năm kháng chiến, 133 Cô Bắc là địa chỉ hoạt động cách mạng công khai hợp pháp của Đảng Cộng sản Việt Nam. Ngôi nhà giữa ngã tư phố này đã nuôi giấu cán bộ cách mạng hoạt động nghệ thuật, bảo vệ những nhà viết kịch, nghệ sĩ có tư tưởng tiến bộ yêu nước. Chủ trương của hội trên các vở diễn gửi gắm khéo léo tinh thần yêu nước, đánh giặc qua từng tác phẩm.

Những người nghệ sĩ năm ấy, mang dòng máu của một dân tộc bị xâm lược và chia cắt, đã dũng cảm vượt lên những khắc nghiệt giữa thời cuộc mất tự do để chiến đấu. Chiến đấu bằng nòng súng nghệ thuật, thông qua lời ca điệu hát trên sân khấu để làm cách mạng tư tưởng. Họ là người chiến sĩ và cũng phải chịu hi sinh, mất mát trong sự tấn công bằng súng đạn thật.

Như câu chuyện về vở diễn Lấp sông Gianh đêm 19-12-1955 tại sân khấu Nguyễn Văn Hảo để thể hiện khát vọng phá vỡ sự chia cắt đất nước. Đêm ấy thành đêm khói lửa, có nghệ sĩ, nhân viên hậu đài bị hi sinh hoặc trở thành thương binh, sân khấu bị tàn phá.

Lấp sông Gianh như một trận đánh trên mặt trận tư tưởng, nhưng sự hi sinh và để lại một phần thân thể tại sân khấu như một trận đánh trên chiến trường. Và chính từ 133 Cô Bắc cũng là nơi xuất phát những phong trào tranh đấu trên mặt trận tư tưởng khác của thời kỳ chống Mỹ - ngụy như Ngày ký giả ăn mày, phong trào đòi tự do ngôn luận, tự do nghệ thuật... thể hiện khát vọng và ý chí sáng tạo cho đất nước của văn nghệ sĩ bấy giờ.

Một câu chuyện khác được khởi xuất từ ngôi nhà 133 Cô Bắc này là tình người trong giới nghệ sĩ. Người nghệ sĩ hiểu được nghề nghệ thuật, hiểu những vui buồn và thảm kịch trong đời nghề. 70 năm trước, cha ông ta đã có tầm nhìn về sự san sẻ và hậu vận buồn của người nghệ sĩ sân khấu.

Người xưa đã nghĩ tường tận, thương cho đời người nghệ sĩ làm cái nghề thanh sắc nên chuyện ngày mai còn diễn hay không là chuyện thân phận không đoán định.

Tai nạn, giọng ca tiếng hát nhạt đi, bị lãng quên và những con người công nhân sân khấu, cả đời kéo rèm, rước cảnh cho sân khấu... về già sẽ về đâu? Chính bàn tay ái hữu tương tế sẽ lo chút gạo, chút mắm cho người nghệ sĩ già, lo cho họ một chiếc hòm ngày mất đi.

Như câu chuyện về nghệ sĩ Phùng Há, một đời đã cưu mang, lo lắng, kêu gọi cho những nghệ sĩ nghèo từ chút cơm gạo đến nhà dưỡng lão, nghĩa trang nghệ sĩ... cũng đáng được kể lại nhiều hơn. Tấm lòng ái hữu nghệ sĩ của 70 năm trước giờ vẫn được hậu thế tiếp nối như một truyền thống của sân khấu TP.HCM.

Một phần không gian của ngôi nhà 133 Cô Bắc - nơi mong muốn được trưng bày tư liệu về truyền thống hội nghệ sĩ ái hữu tương tế
Một phần không gian của ngôi nhà 133 Cô Bắc - nơi mong muốn được trưng bày tư liệu về truyền thống hội nghệ sĩ ái hữu tương tế

 Sáng đèn mãi những ký ức, những tinh thần

Những người phụ trách ngôi nhà 133 Cô Bắc luôn khao khát lưu giữ những câu chuyện về nghệ thuật tranh đấu, câu chuyện ái hữu tại chính ngôi nhà năm xưa này. Và khát khao nữa là làm sống dậy những khoảnh khắc rực rỡ của quá khứ sân khấu.

Hiện một phần ngôi nhà được cho thuê. Họ đến đây lập quán vì thích cái mặt tiền xưa này. Trong quán chỉ sơn phết thêm cho sạch, với tinh thần không phá bỏ điều gì kiến trúc của 70 năm trước. Quán như một nơi sống động cộng thêm trong hành trình bảo tồn, giữ gìn ngôi nhà.

Uống cà phê bên bức tường cũ, những lỗ thông gió cũ, gợi đúng những hoài niệm thời xa xưa và an bình trong phố. Tâm niệm họ đến mở quán để dùng hương vị cà phê mời mọi người vào không gian tuôn chảy mạch ngầm quá khứ, cho người già, người trẻ gặp nhau trò chuyện và giao lưu văn hóa.

Quán cà phê bên trong 133 Cô Bắc
Quán cà phê bên trong 133 Cô Bắc

 133 Cô Bắc cần thêm những yếu tố cộng thêm như vậy từ những người yêu văn hóa, yêu sân khấu để cùng tạo ra một điểm đến truyền thống, lịch sử và nghệ thuật, một điểm đến để được bước đi trong hoài niệm. Chút lợi vật chất sẽ tăng thêm hỗ trợ cho người nghệ sĩ nghèo khó, đã một thời sống cho trọn tiếng hát và cuộc đời trên sâu khấu... Ngôi nhà sẽ không biến mất mà sáng hơn. Tinh thần ái hữu tương tế sẽ được sống mãi.

Cô Hồng Dung (người được giao quản lý ngôi nhà) đi nhiều nơi và vỡ lẽ rằng: “Ủa, mình có mà, sao mình không biết làm...!”, bởi vì tinh thần, nét đẹp, địa thế đã sẵn. Nghệ sĩ, tác phẩm, tư liệu trong 70 năm như một kho tàng còn cất giữ.

Đôi khi cần thêm một góc trưng bày hoài niệm quá khứ, nơi có dòng tiểu sử của những nghệ sĩ tiền phong đã tận tụy cho sự nghiệp sân khấu và đã tận tụy với những nghệ sĩ nghèo. Trong gian nhà ấm cúng này, cần được tiếp phát những bản nhạc, vở kịch, vở tuồng giá trị.

Câu chuyện về tổ nghiệp sân khấu cần phác họa sâu sắc thêm như một nét văn hóa truyền thống. Và mong được dựng lên một cái sân khấu nhỏ ngay tại nơi thờ tổ cho những nghệ sĩ thèm được diễn hát cho khán giả. Biết đâu, nhờ vậy mà 133 Cô Bắc sẽ còn là một điểm du lịch thu hút khách.■

Cuộc thi “Tận hưởng bản sắc Việt” lần 2 do báo Tuổi Trẻ cùng Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist) tổ chức, với sự đồng hành của Công ty dịch vụ lữ hành Saigontourist, khách sạn Grand, khách sạn Rex.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận