Trong khủng hoảng không để mất văn hóa

ĐĂNG BẨY (AIF.RU) 15/01/2012 01:01 GMT+7

TTCT - Nếu như soạn một cuốn sách kỷ lục trong thế giới âm nhạc kinh điển, chắc chắn phải đưa vào đó nhà hát Marynka (Nga): bình quân mỗi năm trình diễn 750 suất! Tờ Luận Chứng Và Sự Kiện (AIF - Nga) đã trao đổi với nhạc trưởng Valery Gergiev, lãnh đạo nhà hát này, về chính sách và văn hóa... TTCT trích dịch.

Nhạc trưởng Valery Gergiev - Ảnh: smolensk2.ru

* AIF: Nếu nói về công việc thì trong các việc đã làm được năm qua, điều gì mang lại niềm kiêu hãnh lớn nhất, thưa ông?

- Valery Gergiev: Sân khấu thứ hai của nhà hát Marynka sắp sửa khai trương. Vào một ngày tuyệt vời, tôi sẽ được công bố khánh thành công trình xây dựng đó trước tất cả những ai yêu Saint Petersburg và văn hóa của nó. 

Bạn thử điện hỏi bất kỳ thành phố nào nhà hát Marynka đã đến biểu diễn - thính phòng bao giờ cũng chật nêm. Nhiều khi phải diễn hai suất mỗi ngày, nếu không, tiếp nhận sao hết thính giả. Cho nên nhà hát không chút nào thấy mình thừa, mình ế - rất nhiều người hướng về thứ nghệ thuật cao sang mà chúng tôi đang phục vụ. 

Marynka còn có những chuyến lưu diễn rất thành công ở Bắc Mỹ, đặc biệt tự hào vì ở New York, trên sân khấu nhà hát Metropolitan Opera đã trình diễn Anna Karenina, Chú ngựa gù - những vở balê hoàn toàn mới mẻ đối với nước Mỹ, và giao hưởng của Chaikovsky được thính giả ở Carnegie Hall tiếp nhận thật mặn nồng nếu tính theo cả sự đánh giá hào hứng của thính giả, cả lượng vé bán hết. 

Với tư cách những người đến New York biểu diễn thường xuyên, chúng tôi biết nếu không biểu diễn tận lực và cao hứng, công chúng ở đó lập tức chê ngay. Vinh quang của nhà hát Marynka để lại từ những năm 1960-1970, tôi không muốn và quyết không cho phép buông lơi! Bởi vì chúng tôi trình bày không chỉ nhà hát Marynka, mà cả trường phái nghệ thuật kinh điển của Nga - đấy là uy tín của đất nước!

* Ông đi hòa nhạc khắp nước và khắp thế giới, âm nhạc kinh điển vốn có uy tín cao vậy mà tivi vẫn cứ ưu tiên những giờ vàng cho mấy thứ nhạc pop...

- Ai mà tin được? Tivi của ta còn lâu mới đến độ hoàn hảo. Bật hết kênh này kênh khác để tìm và thấy những gì? Chất lượng đa số chương trình may lắm cũng chỉ đủ để nhếch mép, phần lớn là gây bực tức. Tìm được một chương trình phổ biến kiến thức hay hòa nhạc kinh điển thì tất cả những cái hay ho đều bị nhấn chìm trong biển rác cơ man là quảng cáo, chúng còn đáng khiếp hơn cả sóng thần.

Tôi biết ở những nước như Nhật Bản, Thụy Điển, Phần Lan đều có quy định tỉ trọng quảng cáo được phép chen vào một bộ phim hoặc một chương trình tivi. Ở ta thì tỉ trọng quảng cáo chắc phải chiếm hàng đầu thế giới!

Theo tôi, kênh truyền hình quốc gia không được phép quảng cáo cho một doanh nghiệp tư nhân nào! Ngược lại, kênh truyền hình quốc gia phải chứng minh được chất lượng của mình tương xứng với đầu tư nhận được từ tiền đóng thuế của dân. Câu chuyện hoang đường rằng thiếu quảng cáo sẽ không sống nổi chẳng qua chỉ là bịa đặt! Tôi lúc nào cũng phải nghĩ nên dọn hay để tivi trong nhà, bởi vì thương lũ trẻ con lắm!

Trong cuộc sống hiện đại của chúng ta có nhiều cái tốt và cũng nhiều cái xấu. Có thể tìm thấy cái tốt mà không cần nhờ tivi.

* Hiện nay tất cả đều dồn vào chống khủng hoảng... Hồi những năm 1930, khủng hoảng ghê gớm, nhưng hứng thú đối với âm nhạc kinh điển vẫn cao chưa từng thấy - con người tìm đến điểm tựa tinh thần ở những gì có giá trị, có chân lý. Thời nay liệu chúng ta có thể mong một sự bừng khởi trong mối quan tâm tới âm nhạc kinh điển?

- Thế giới nhất định phải thay đổi, tất nhiên rồi! Nhưng chúng ta việc gì phải thở dài hoặc than khóc cho những vị trí đã mất. Cuộc khủng hoảng kinh tế trong nước năm 2008-2009 có lẽ là thử thách khó khăn nhất, xét theo hậu quả của nó mà ta phải khắc phục. Rất may là chính phủ có đủ kinh nghiệm để vượt qua, tôi đặc biệt khâm phục việc không xén lẹm vào gốc rễ thiêng liêng của văn hóa dân tộc.

Chính phủ đã lựa chọn một chính sách cân đối và sáng suốt: thậm chí ngay trong khủng hoảng cũng không cắt giảm ngân sách của trường học nào, ngành nghệ thuật nào có tính cao cả thật sự - điều đó cho phép chúng ta làm việc hết mình.

Tôi coi văn hóa dân tộc của chúng ta có tầm cỡ hiếm thấy! Pushkin, Chaikovsky, Prokofiev, Tolstoy - những vị ấy vẫn đang cất cánh trên tất cả các khó khăn. Không được phép quên rằng văn thơ của họ, âm nhạc của họ cần được vang lên hằng ngày. Không được ẩn nấp vào khủng hoảng để trốn tránh. Vin vào những khó khăn kinh tế để cắt xén ngân sách liên quan đến môi trường tinh thần, làm thế chẳng gì dễ bằng...

Những người dựng nên đế chế La Mã đã biết đầu tư vào văn hóa. Triều đại Medici cai trị nước Ý thời Trung cổ cũng đã đầu tư vào văn hóa. Và sau họ, còn đấy không chỉ những thành tựu kinh tế mà cả những bảo tàng mỹ thuật vĩ đại, những pho tượng vĩ đại, những công trình kiến trúc vĩ đại. Nếu tính theo kiểu người trần mắt thịt, đó là thu nhập khủng khiếp cho công nghiệp du lịch bây giờ.

* Có một quan niệm thế này: đầu tiên phải ổn định xã hội trước, rồi mới tính đến đời sống tâm hồn. Theo ông, có nên để đời sống tâm hồn đứng sau?

- Mọi người đều nhận rõ trong khủng hoảng tuyệt nhiên không được phạm đến những người hưu trí. Không được phép lấy quỹ lương hưu sang nuôi văn hóa! Vấn đề là phải mạch lạc, phải mạch lạc trong phân phối ngân sách.

Có nên tiết kiệm trong lĩnh vực văn hóa hay không? Một dân tộc bất kỳ, ngay cả dân tộc vĩ đại đi chăng nữa cũng sẽ phải trả giá rất đắt cho những sai lầm biểu hiện sự mù quáng đó. Rất may là nước ta có dầu và có khí.

Với trữ lượng như thế được thiên nhiên ban tặng, chúng ta phải là dân tộc giàu có nhất trái đất. Nhưng than ôi, chúng ta lại không biết phân phối cho đúng đắn. Giả sử bây giờ để xảy ra một sai lầm chết người như thế này - chôn sống văn hóa của chúng ta, thì sau này con cháu chúng ta sẽ hết sức khó khăn nếu muốn hồi phục.

Nhạc trưởng Valery Gergiev sinh năm 1953, người gốc Osetia, nghệ sĩ nhân dân Liên bang Nga, chỉ huy trưởng Dàn nhạc quốc gia Armenia (1981-1985), được mời chỉ huy Dàn nhạc New York Opera (1997-2002) và Dàn nhạc giao hưởng Rotterdam (Hà Lan, 1995-2008), đạo diễn chính của Dàn nhạc giao hưởng London (Anh, từ năm 2007). 

Ông chỉ đạo nghệ thuật Liên hoan âm nhạc kinh điển toàn Nga (từ năm 2002, hiện do tổng thống đỡ đầu, mỗi năm biểu diễn 100-120 suất ở khắp các địa phương trong nước và những nước lân cận), chỉ huy trưởng dàn nhạc (1988) rồi chỉ đạo nghệ thuật nhà hát Marynka (Saint Petersburg, Nga, từ 1992), mới đây (là nhân vật thứ ba trong lịch sử) được bầu làm chủ tịch danh dự Liên hoan nghệ thuật quốc tế Edinburgh (Scotland).



Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận