Trung Quốc: Con tiêu sạch tiền cha mẹ, fan bán nhà tặng quà thần tượng

CẢNH CHÁNH 03/06/2022 17:05 GMT+7

TTCT - Nền kinh tế cho tặng quà thần tượng livestream ở Trung Quốc cực kỳ sôi động, với đủ sắc thái và chiêu trò, đến mức cơ quan chức năng phải siết chặt quản lý để làm trong sạch môi trường mạng, nhất là đối với trẻ vị thành niên.

 
 Ngôi sao livestream Trung Quốc Viya (Huang Wei, bên trái) và Li Jiaqi. Ảnh: Reuters

Năm 2020, dịch COVID-19 bùng phát khiến thị trường livestream ở Trung Quốc cũng bùng nổ theo, doanh thu thị trường này đạt 1.288,1 tỉ tệ, tăng 4.700% so với năm 2017 (26,8 tỉ tệ). Trong 6 tháng đầu năm 2020, Trung Quốc có hơn 50.000 lượt livestream với 260 triệu lượt người xem mỗi ngày, theo số liệu từ Bộ Thương mại nước này do people.com.cn dẫn lại. Theo báo cáo năm 2021 của Công ty phân tích thị trường iMedia Research, số tài khoản livestream ở Trung Quốc đã lên đến 635 triệu.

Năm 2022 được dự báo quy mô thị trường livestream sẽ tăng lên 1.507,3 tỉ tệ, tạp chí Pháp Nhân (trực thuộc tờ Pháp Chế Nhật Báo) trích số liệu từ nghiên cứu của Viện nghiên cứu các ngành nghề thương mại Trung Quốc.

Siết chặt quản lý thị trường ngàn tỉ tệ

Ngày 7-5, 4 cơ quan gồm Văn phòng Ủy ban chỉ đạo xây dựng văn minh tinh thần trung ương, Bộ Văn hóa và du lịch, Tổng cục phát thanh truyền hình quốc gia, Văn phòng Không gian mạng quốc gia của Trung Quốc cùng ban hành quy định “chấn chỉnh việc tặng thưởng/tiền tip trong nền tảng livestream nhằm tăng cường bảo vệ trẻ vị thành niên”.

Quy định mới yêu cầu người dùng phải đăng ký bằng tên thật, cấm các ứng dụng cung cấp dịch vụ nạp tiền, mua quà, tặng tiền tip cho trẻ vị thành niên. Không được cấp tài khoản cho người phát trực tuyến (streamer) chưa đủ 16 tuổi, người 16-18 tuổi muốn làm streamer phải được sự đồng ý của người giám hộ.

Trong vòng 1 tháng sau khi quy định có hiệu lực, các nền tảng số phải xóa hết các bảng xếp hạng liên quan đến tiền thưởng. Đồng thời tăng cường quản lý trong thời gian cao điểm từ 20-22h, không cho người dùng vị thành niên đăng nhập sau 22h mỗi ngày, đảm bảo trẻ có thời gian nghỉ ngơi tốt nhất.

Trong giờ cao điểm, mỗi kênh livestream không được thách đấu với các kênh khác nhiều hơn 2 lần; không được tổ chức trò chơi thách đấu xử phạt giữa các kênh livestream. Khuyến khích các trường học tăng cường giáo dục về hành vi chuẩn mực ý thức đạo đức trên môi trường mạng, bảo vệ an toàn tài sản cá nhân, xây dựng kỹ năng sử dụng mạng Internet…

Phụ huynh coi nhẹ

Livestream không chỉ là loại hình kinh doanh mới thúc đẩy kinh tế phát triển mà đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của người dân Trung Quốc. Sức hút của một thị trường quá rộng lớn, sự tăng trưởng chóng mặt khiến các kênh livestream chạy theo lợi nhuận mù quáng, hoạt động bát nháo, xuất hiện nội dung bạo lực, dung tục, ô nhiễm môi trường sinh thái của mạng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự phát triển lành mạnh của nền tảng livestream.

Người livestream đông, doanh nghiệp chuyên sản xuất kênh livestream cũng đến hàng vạn. Để thu hút người hâm mộ, một số người đã dùng đủ mọi chiêu trò. Để thu hút thanh thiếu niên, không khó tìm thấy cảnh livestream của trẻ mặt còn búng ra sữa, trang điểm lòe loẹt đứng trước ống kính giới thiệu cách làm đẹp, và những nội dung đó mau chóng lan truyền trong trường học.

Cô Lương, giáo viên lớp 4 một trường tiểu học ở Bắc Kinh, kể một học sinh tên Tiểu Đào từng hỏi cô có biết màu đỏ chánh cung là gì không; cô không trả lời được, thế là cả lớp cười vang, em Đào hí hửng giải thích: “Màu đỏ chánh cung là màu son môi đó cô. Em xem livestream một sao nhí đang dùng”. Cô giáo kinh ngạc vì tất cả các học sinh đều biết câu trả lời. Khi tìm hiểu, cô mới biết các em đều xem livestream khi ở nhà, các em đều biết hôm nay ai livestream bán quần áo, ngày mai ai bán mỹ phẩm. Cha mẹ em Đào thừa nhận vì ít có thời gian bên con, Đào hay đòi mua hàng trên livestream, và họ đã xem nhẹ mức độ nguy hại của các kênh livestream.

Ngay từ năm 2018, một điều tra của Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Trung Quốc cho thấy 20% thanh thiếu niên thường xuyên xem livestream, 10% một ngày xem mấy lần. Báo cáo của iMedia Research năm 2021 cho thấy tài khoản xem livestream chủ yếu là thanh niên; 46,1% xem 4-5 lần/tuần, 60% theo dõi livestream bình quân từ 30 phút - 1 giờ. Thanh thiếu niên là đối tượng ưa thích xem livestream, nên hành vi lời nói hay tâm lý đều chịu ảnh hưởng nặng từ nội dung livestream.

Nhiều trẻ em bị lôi cuốn chi tiền vô tội vạ. Năm 2020, một cậu bé ở Giang Tô sử dụng tài khoản của mẹ để chơi game, mua quà khi xem livestream, hậu quả là 400.000 tệ (gần 1,4 tỉ đồng) dùng để trả tiền mua nhà chỉ còn 0,23 tệ. Một học sinh 16 tuổi khác thì tặng thưởng cho thần tượng tới 2 triệu tệ. Các vụ tranh chấp liên quan đến việc trẻ vị thành niên tặng thưởng, nạp tiền thẻ ngày càng nhiều. Nguyên nhân là do bố mẹ không ở cạnh con cái, người giám hộ không chăm sóc trẻ, không giám sát việc chơi điện thoại.

Viên Kỷ, ủy viên thường trực Hội nghiên cứu phòng chống tội phạm trẻ em Bắc Kinh, chia sẻ trên tạp chí Pháp Nhân rằng trẻ em là đối tượng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi những nội dung livestream độc hại. Trình độ nhận thức trẻ còn đang trong giai đoạn phát triển, các em vẫn còn non nớt, chưa nhận thức được hết những rủi ro, nguy hại của môi trường mạng. Những nội dung bạo lực, dung tục sẽ dễ dàng ảnh hưởng đến quá trình trưởng thành của các em.

 
 Trẻ vị thành niên trên nền tảng livestream ở Trung Quốc. Ảnh: whatsonweibo.com

Vì sao fan sẵn sàng vung tiền?

Dễ kiếm tiền, yêu cầu thấp, không chỉ những cô gái trẻ thích nổi tiếng, mà ngay cả những phụ nữ, bà mẹ trẻ có nhu cầu kiếm tiền đều có thể trở thành một streamer. Mùa hè năm 2021, Lý Lam (31 tuổi) tình cờ gia nhập thị trường livestream khi kết hôn được một năm rưỡi. Cô bật livestream của ứng dụng Douyin, nhìn vào ống kính phàn nàn mấy câu, thế mà chỉ trong vòng mấy phút đã có người tặng cho cô 8 tệ tiền tip. Lần thứ hai cô bật chế độ làm đẹp, nhìn không khác gì gái 25 tuổi. Sau mấy ngày livestream, thu nhập của cô được 300 tệ (1 triệu đồng)/ngày, rồi tăng dần lên 500 và 1.000 tệ/ngày.

Trước đây cô làm nhân viên tổng đài, chỉ 120 tệ/ngày. Sau đó cô xin nghỉ việc, giấu người nhà để làm streamer chuyên nghiệp. Làm được 3 tháng cô phát hiện mình không có “fan cứng” sẵn sàng tặng thưởng khủng, từ đó rơi vào trạng thái lo âu, bất an, cô đơn. May mắn là cô đã kịp dừng lại, nếu không sẽ lại như những streamer khác tìm đủ cách để giữ chân fan cứng.

Vậy tại sao các tài khoản livestream, lại dễ dàng chi tiền khủng để tặng thưởng cho thần tượng? Một fan cấp 54 (về độ chịu chi) giải thích với tạp chí Nam Phong Song (trực thuộc Nhật báo Quảng Châu): "Chúng tôi không phải vì thích streamer, xem thách đấu hay tài nghệ streamer, mà muốn cư dân mạng xem cách chúng tôi tiêu tiền; chúng tôi tặng thưởng không phải chỉ vì muốn lấy lòng người đẹp mà còn muốn được cư dân mạng tôn sùng như anh hùng. Ai cũng gọi mình là anh hùng cứ như đang trong phim ấy!” - anh chia sẻ. Theo thứ hạng trên ứng dụng Douyin, muốn đạt cấp 54 phải mua 40,9 triệu tiền ảo, tức anh này đã chi ra khoảng 4,09 triệu tệ.

Một anh thủ quỹ ở Sơn Đông, để giữ vững vị trí đầu bảng của mình, đã biển thủ công quỹ 48 triệu tệ, sau khi bị phát hiện, anh ta bị kết tội 12 năm tù. Theo lời anh, Đài CCTV tường thuật, để khuyến khích anh tặng thưởng, streamer thường gửi riêng những hình ảnh, đoạn clip thiếu vải hay có những lời đường mật với anh.

Theo tờ Nam Phong Song, việc phân chia doanh thu livestream của các streamer như sau: 50% chia cho nền tảng trực tuyến, 25% cho công ty quản lý, streamer chỉ giữ lại 25% để hoạt động.

 Theo điều tra năm 2021 của tờ Hoa Thương, một số kênh livestream thuê người giả làm fan cứng và tặng thưởng liên tục để những fan khác tặng theo. Tờ này từng có bài báo vạch trần sự việc một streamer nhận được 30 quà tặng ảo có giá trị 10.000 tệ/phần, tức tổng cộng được 300.000 tệ/buổi; trong đó có 1 fan cứng tặng thưởng đến con số 80 triệu tệ. Khi cư dân mạng tỏ vẻ nghi ngờ thân phận thật của fan này thì tài khoản đó cũng đột nhiên biến mất. Những chiêu trò kích động người khác tặng quà theo gây xôn xao cư dân mạng.

Theo các chuyên gia, khi livestream không còn những bảng xếp hạng, không thể thỏa mãn nhu cầu khoe khoang của các fan, việc chi tiền thưởng có thể trở nên lý trí hơn, bớt hành vi tiêu tiền bồng bột. Các cư dân mạng thì kiến nghị xóa hiệu ứng làm đẹp trong ứng dụng livestream. Theo họ, hiệu ứng làm đẹp là nguyên nhân sâu xa khiến người dùng tặng thưởng. Sự phát triển của công nghệ khiến ai ai cũng có thể trở thành soái ca và mỹ nữ trong vòng một nốt nhạc, làm người dùng mê mệt và tặng thưởng liền tay.

Ngày 6-5 vừa qua, ở Sơn Đông xảy ra một vụ án thương tâm của một streamer và fan. San Muội (34 tuổi) là người có đến 250.000 người hâm mộ, khi livestream giới thiệu là người độc thân, thích hát, trắng trẻo xinh xắn, mặt trái xoan. Còn anh Quách thì vì mua quà cho cô mà đã bán nhà, bán xe, tổng cộng tặng thưởng cho cô 1,3 triệu tệ. Tuy nhiên khi gặp mặt offline mới phát hiện cô ấy không chỉ đã kết hôn mà còn là mẹ của hai con. Trong lúc tức giận, anh Quách đã ra tay sát hại cô San và tự kết liễu đời mình.■

Ngày 25-3, ba cơ quan an ninh mạng, Tổng cục thuế và Tổng cục quản lý giám sát thị trường của Trung Quốc đã ban hành quy định “chấn chỉnh hoạt động livestream nhằm thúc đẩy thị trường livestream phát triển lành mạnh”. Theo đó, các ứng dụng phải cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản, nickname, tài khoản nhận thù lao, loại hình thu nhập và tình hình kinh doanh của tất cả streamer mỗi 6 tháng/lần.

Các ứng dụng phải tạm khấu trừ thuế thu nhập cá nhân của streamer, nếu không sẽ bị phạt 0,5% tiền trốn thuế. Doanh nghiệp và văn phòng của các streamer phải báo cáo thuế, tính thuế thu nhập đầy đủ theo quy định. Các cơ quan môi giới, các cơ quan liên quan tiếp tay cho streamer trốn thuế, vi phạm chính sách nhà nước sẽ bị trừng phạt thích đáng.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận