TTCT - Chỉ một nền kinh tế lớn và tăng trưởng nhanh như Trung Quốc mới có triển vọng tối ưu hóa hiệu suất và hiệu quả của những công nghệ mới gắn với nền kinh tế chia sẻ. Dịch vụ chia sẻ xe đạp ở Trung Quốc bùng nổ đã dẫn tới các hệ lụy như bãi rác xe đạp này tại Thâm Quyến.-Ảnh: AFP Xét về cả thời điểm lẫn quy mô, nếu kinh tế chia sẻ là tương lai của kinh tế toàn cầu, thì tương lai đó nằm ở Trung Quốc.Trung tâm Thông tin kinh tế nhà nước Trung Quốc cho biết trong một báo cáo công bố giữa năm 2017 rằng hiện tới 600 triệu người ở nước này tham gia nền kinh tế chia sẻ, với tổng giá trị giao dịch lên đến 500 tỉ USD. South China Morning Post dẫn lại báo cáo nói đến năm 2020, các hoạt động xoay quanh kinh tế chia sẻ sẽ chiếm tới 10% GDP của Trung Quốc.Từ xe, nhà, tới bóng rổTrong khi tại Mỹ chẳng hạn, kinh tế chia sẻ gắn liền với các ứng dụng đi xe như Uber hay cho thuê chỗ ở như Airbnb, thì với Trung Quốc, những hoạt động dùng chung cho tiết kiệm rộng lớn hơn nhiều. Xe đạp chẳng hạn, đang là một ngành làm ăn rất lớn.Hai công ty chia sẻ xe đạp lớn nhất nước, Ofo và Mobike, phục vụ 50 triệu lượt đi xe mỗi ngày, theo CBS News. Các nhà đầu tư đã đổ hơn 1 tỉ USD vào những công ty này: Ofo huy động được 700 triệu USD từ Alibaba của tỉ phú Jack Ma, trong khi Mobike nhận khoản tiền 600 triệu USD từ Công ty Tencent, nhà điều hành mạng xã hội lớn nhất Trung Quốc.Ở Trung Quốc, ta có thể chia sẻ cả một quả bóng rổ với giá 15 xu mỗi giờ, chia sẻ pin điện thoại di động và những “khoang ngủ” cho các tay du lịch bụi chỉ cần một chỗ qua đêm. Khoảnh khắc mà nền kinh tế chia sẻ ở Trung Quốc có vẻ đi quá giới hạn là khi một doanh nhân bung ô ra vào một ngày mưa và nghĩ rằng chia sẻ những chiếc ô là một ý tưởng sáng suốt.Dịch vụ chia sẻ ô ra mắt ở Thượng Hải, nhưng cho tới giờ đang gặp vấn đề lớn: 300.000 chiếc đã bị đánh cắp và công ty đã phải tăng mức tiền đặt cọc lên gần gấp đôi.“Tôi nghĩ khác biệt ở đây là việc áp dụng quá nhiều thứ mới. Con người quen với việc làm từng thứ mới mẻ một, nhưng ở Trung Quốc hiện giờ người ta cứ nhảy vào bất cứ ý tưởng nào vừa nảy ra” - Jeffrey Towson, giáo sư về đầu tư ở Đại học Bắc Kinh, nói với CBS News. Nhưng không hề gì, bởi những thất bại sẽ khiến thành công đến sớm hơn và ở một thị trường 1,3 tỉ người, người ta sẽ còn nhảy vào các ý tưởng mới một cách ngẫu hứng như thế, một phần quan trọng vì công nghệ hiện giờ đang cho phép điều đó.Thành công lớn nhất hiện giờ vẫn là các mảng kinh tế chia sẻ “truyền thống”. Phiên bản Uber của Trung Quốc, Didi đã có 1,4 tỉ lượt khách trong một năm vào năm 2016. Để so sánh, Uber phải mất 6 năm mới đạt tới mốc 1 tỉ lượt khách một năm, và Didi mới ra mắt tháng 6-2012.“Chúng ta không thể biết mọi chuyện sẽ tới đâu, nhưng chúng ta đều biết đây là khởi đầu cho điều gì đó vĩ đại” - Towson khẳng định. Nhiều người tin điều đó: Trong năm 2016, các công ty kinh tế chia sẻ của Trung Quốc đã huy động được gần 25 tỉ USD.Có ba yếu tố giải thích cho sự lạc quan. Thứ nhất là cấu trúc nhân khẩu học của Trung Quốc. Những thanh niên thuộc thế hệ thiên niên kỷ vốn là động cơ cho ngành thương mại điện tử và kinh tế chia sẻ bùng nổ ở nước này đang giàu có hơn, nhưng đồng thời điều chỉnh lối sống của họ khác với những thế hệ trước. Thay vì bỏ tiền mua xe chẳng hạn (hay thậm chí là mua điện thoại mới), họ muốn tiết kiệm để trải nghiệm: đi du lịch, học hành, đầu tư cho bản thân và cả khởi nghiệp nữa.Trong khi đó, người già ở Trung Quốc thiếu một mạng lưới phúc lợi xã hội hiệu quả và phải dựa vào con cháu. Họ cũng đã quen tiết kiệm bởi trải qua thời kỳ gian khổ trước kia, nên việc chia sẻ và giảm bớt chi phí trở nên thật hấp dẫn.Yếu tố thứ hai là sự thay đổi trong bản chất tiêu dùng của nền kinh tế Trung Quốc. Ngờ vực về an toàn sản phẩm, đối mặt với giá nhà tăng cao và gánh nặng chăm lo cho cha mẹ lớn tuổi, tầng lớp trung lưu nước này đang thay đổi thói quen tiêu dùng.Nhiều công ty nghiên cứu thị trường ghi nhận sự dịch chuyển mạnh mẽ khỏi các sản phẩm đại trà để chuyển sang sản phẩm và dịch vụ cao cấp. Điều này tạo ra hai hiệu ứng. Thứ nhất, tiền dùng để mua xe sang giờ được chuyển sang chia sẻ xe và mua những thứ khác cao cấp. Thứ hai, chia sẻ giúp người tiêu dùng dễ được sử dụng các sản phẩm cao cấp hơn: một kỳ nghỉ năm sao, hàng hiệu dùng rồi...Yếu tố thứ ba và quan trọng nhất là công cụ cho nền kinh tế chia sẻ ở Trung Quốc giờ rất sẵn và dễ dàng. Những hệ thống thanh toán di động như AliPay, WeChat Pay, hay Apple Pay khiến việc mua sắm tiện dụng hơn bao giờ hết.Thanh toán trên nền tảng di động ở Trung Quốc ước tính có tổng giá trị giao dịch lên tới 5,5 nghìn tỉ USD, lớn gấp 50 lần so với ở Mỹ vào năm 2016!Cảnh tượng quen thuộc ngày nay là người tiêu dùng Trung Quốc vẫy chiếc điện thoại của họ ở một điểm thanh toán, hay quét mã QR để hoàn tất giao dịch cho những món hàng lặt vặt (tính trung bình cứ 30 phút dùng xe đạp chia sẻ, người tiêu dùng Trung Quốc chi 0,07 tới 0,14 USD). Bloomberg nhận định môi trường đó đồng nghĩa rất nhiều sáng tạo của thế giới trong nền kinh tế chia sẻ có thể sẽ bắt đầu ở Trung Quốc, thay vì Thung lũng Silicon như thường lệ.Còn nhiều bất trắcMọi thứ tất nhiên vẫn còn rất mới mẻ và đang trong quá trình định hình, tới mức thực ra không ai có thể nói chắc chắn “kinh tế chia sẻ” là gì. Gao Shen, người góp vốn ở Phoenix Tree Capital Partners, nói đại khái có thể phân làm hai loại. Những công ty như Didi và Tujia - chia sẻ nơi ở - sử dụng các nguồn lực sẵn có (xe và nhà), rồi mở rộng việc sử dụng cho nhiều người hơn với một mức phí. Những công ty khác thì mua nguồn lực mới và để cho mọi người dùng (như với xe đạp, dù, pin điện thoại...). Ranh giới với loại thứ hai này mờ nhạt. Chẳng hạn, một công ty “chuyên chia sẻ máy giặt” thực ra chính là một cửa hàng giặt ủi, và “chia sẻ xe đạp” khác gì với “cho thuê xe đạp”?Nhưng mọi khởi đầu đều lộn xộn và cần điều chỉnh như thế. Điều đó không khiến giới đầu tư ngừng lại. Trung Quốc hiện tự hào có 12 công ty “kỳ lân” - thuật ngữ dùng để chỉ các công ty tư nhân được định giá từ 1 tỉ USD trở lên - riêng trong lĩnh vực kinh tế chia sẻ, nhiều nhất trên thế giới. Những xu hướng công nghệ và xã hội mới mẻ, được hỗ trợ bởi một chính quyền quyết đoán, đầy quyền lực và không thiếu tiền, đang làm thay đổi sâu sắc nền kinh tế Trung Quốc - cũng tức là kinh tế thế giới.Giống như thương mại điện tử trước đó, kinh tế chia sẻ ở Trung Quốc nhận được không ít sự ủng hộ quan trọng từ chính quyền. Trong một hội thảo công nghệ năm 2016, Robin Li (Lý Ngạn Hoành), tổng giám đốc công cụ tìm kiếm lớn nhất Trung Quốc Baidu, nói rằng nền kinh tế chia sẻ là phù hợp với tuyên ngôn xã hội chủ nghĩa của Trung Quốc. Li nói cả hai đều tập trung vào việc phân bổ của cải xã hội “theo năng lực và nhu cầu”.Tuy nhiên, vấn đề không chỉ là tuyên ngôn và hệ tư tưởng, những ý nghĩa thực dụng của kinh tế chia sẻ vẫn quan trọng hơn nhiều. Ở thời điểm mà các ngành chế tạo công nghiệp truyền thống đang vất vả vì giá nhân công tăng cao, những người làm chính sách Trung Quốc hiểu họ phải tìm hướng đi mới, và lĩnh vực dịch vụ có tầm quan trọng đặc biệt.Kinh tế chia sẻ - được gọi là “cộng hưởng kinh tế” ở Trung Quốc - đã xuất hiện trong báo cáo công tác của chính phủ Thủ tướng Lý Khắc Cường 2016 với mục tiêu: “Cải thiện hiệu quả của việc sử dụng nguồn lực” và “Giúp người dân giàu có hơn”. Viện Nghiên cứu kinh tế chia sẻ, một cơ quan nghiên cứu quy mô toàn quốc, cũng đã được thành lập.Những công ty chia sẻ của Trung Quốc hiện vẫn tiếp tục gia nhập thị trường và chắc chắn lĩnh vực này còn tăng trưởng nhưng đồng thời, nhiều dấu hiệu điều chỉnh cũng đã xuất hiện. Khoảng thời gian 5 năm tới sẽ bộc lộ sự thiếu vững vàng của nhiều mô hình kinh doanh doanh số thấp nhưng lại đòi hỏi vốn lớn, dù hiện giờ rào cản gia nhập còn thấp khiến nó tiếp tục bùng nổ.“Những người trẻ đang đón nhận việc thuê và dùng chung như một lối sống mới thay vì sở hữu đồ vật - Emm Zhu, giám đốc đầu tư của quỹ Innoangel tại Bắc Kinh, nói với Reuters - Nhưng mô hình chia sẻ không phải lúc nào cũng hiệu quả. Trong một số trường hợp, giới kinh doanh đáp ứng được những nhu cầu thật, nhưng nhiều trường hợp khác thì không hề”.Nhiều nhà đầu tư cảnh báo đợt bùng phát hiện tại giống với phong trào mua chung vào những năm 2010-2012, khi hầu hết các công ty cuối cùng sụp đổ vì cuộc chiến tranh giá cả quá khốc liệt. “Ở Trung Quốc, rào cản duy nhất lúc này là ai có thể huy động được vốn - điều đó vừa hay vừa dở - Xu Miaocheng, giám đốc đầu tư ở Unity Ventures Bắc Kinh, nói - Mặt tốt là nguồn vốn khá sẵn, nhưng mặt xấu là có thể không cần chuyên môn hay công nghệ mới, và rất nhiều tiền bạc sẽ bị lãng phí”.Sự phát triển mạnh của thương mại điện tử ở Trung Quốc, thật trớ trêu, cũng có thể là vấn đề cho các công ty kinh tế chia sẻ mới. “Những doanh nghiệp thành công như Didi tạo ra hiệu ứng mạnh - Shu Huan, giám đốc công ty dữ liệu đầu tư VC Smart nói với SCMP - Giới đầu tư không muốn bỏ lỡ Didi tiếp theo. Tuy nhiên, thị trường trực tuyến ở Trung Quốc đã tương đối trưởng thành. Chi phí để có thêm một khách hàng trên mạng giờ không rẻ hơn nhiều, thậm chí là đắt hơn, so với để có một khách hàng kiểu truyền thống”. ■Nền kinh tế chia sẻ của Trung Quốc đã tăng trưởng ở mức 103% trong năm 2016, đạt giá trị 500 tỉ USD. 600 triệu người tham gia các hoạt động kinh tế chia sẻ, tạo ra 5,85 triệu công ăn việc làm, theo báo cáo của Trung tâm Thông tin kinh tế nhà nước. Tags: Trung QuốcKinh tế chia sẻ trung quốc
Metro định hướng cho tương lai đô thị ts nguyễn ngọc hiếu (Trường đại học Việt Đức) 25/12/2024 1607 từ
Donald Trump - Tập Cận Bình: Quan hệ cá nhân, quan hệ siêu cường NGUYỄN THÀNH TRUNG 23/12/2024 1666 từ
Xuân Son, Tiến Linh giúp Việt Nam đặt một chân vào chung kết ASEAN Cup 2024 ĐỨC KHUÊ 26/12/2024 Đội tuyển Việt Nam đánh bại Singapore 2-0, rộng cửa vào chung kết ASEAN Cup 2024.
Vì sao trọng tài từ chối siêu phẩm của Nguyễn Xuân Son vào lưới Singapore? QUANG THỊNH 26/12/2024 Trọng tài Kim Woo Sung (Hàn Quốc) cho rằng tiền đạo Nguyễn Xuân Son đã để bóng chạm tay trước khi tung cú sút tung lưới Singapore ở trận bán kết lượt đi ASEAN Cup 2024.
Nguyễn Xuân Son: Tôi không nghĩ đó là một pha bóng chạm tay NGUYÊN KHÔI 26/12/2024 Phát biểu sau trận thắng Singapore 2-0, tiền đạo nhập tịch Nguyễn Xuân Son cho rằng tình huống anh khống chế bóng và ghi bàn mà trọng tài không công nhận không hề chạm tay.
Reuters: Máy bay Azerbaijan chở 67 người rơi do bị hệ thống phòng không Nga bắn hạ TRẦN PHƯƠNG 26/12/2024 4 nguồn tin thông tin với Reuters ngày 26-12: Máy bay Azerbaijan chở 67 người rơi do bị hệ thống phòng không Nga bắn hạ.