Từ một bài báo cũ về "Ngày Thế giới không golf"

YÊN LAM 29/04/2021 17:05 GMT+7

TTCT - Từ một bài báo cũ năm 1995 về phát triển nóng của sân golf mới thấy 1/4 thế kỷ đã qua mà mọi chuyện gần như chẳng khác.

 
 Ảnh từ phim tài liệu Dangerous Game năm 2020 của nhà làm phim, nhà báo điều tra Anthony Baxter.

“Ngày mai là Ngày thế giới không golf. Không có hoạt động nào được lên kế hoạch ở Anh trong lần kỷ niệm thứ 3 này; nó chỉ đơn giản là một cái đánh dấu trên lịch, một cách để thông tin cho công chúng vô tư với túi gậy golf trên lưng biết rằng đằng sau mỗi câu lạc bộ mới xây (…) là cơn ác mộng của các nhà môi trường về sự phát triển quá mức, sự mất chỗ ở của người bản địa, sự xói mòn và khan hiếm nước”.

Đây là mở đầu của bài báo ngày 28-4-1995 của tờ Independent (Anh), hiện vẫn còn đọc được trên web. Ngày thế giới không golf (World No Golf Day) 29-4 ở đây là sáng kiến của phong trào chống golf Global Anti-Golf Movement khởi sự năm 1993, và đến ngày nay vẫn còn được nhắc đến.

Theo Independent, phong trào do nông dân người Nhật Gen Morita phát động, sau khi phát hiện nước tưới ruộng của ông bị ô nhiễm và biến thành màu đỏ vì nhiễm thuốc trừ sâu dùng để chăm sóc các sân golf gần đó, trong vùng Kamogawa, phía nam thủ đô Tokyo. 

Ý tưởng về một ngày để thế giới nói không với golf, hay nói đúng hơn là quan tâm đến những vấn đề ẩn sau bãi cỏ xanh mướt của Morita được nhiều nhà môi trường hưởng ứng, và như bài báo năm 1995 cho biết “nó đã là một phong trào toàn cầu”.

Independent trích lời Tricia Barnett, đồng điều phối tổ chức vận động Tourism Concern, cho biết sân golf đang phát triển với tốc độ đáng báo động. “Xây sân golf không chỉ là chặt cây. Nó còn tiêu tốn các tài nguyên thiết yếu là đất và nước (...). Ở các nước như Malaysia và Philippines, xây sân golf khiến người ta phải rời đất của mình”. 

Tourism Concern dẫn chứng người dân ở đảo Oahu trong quần đảo Hawaii hồi năm 1986 buộc phải rời nơi họ đã sống suốt 3 thập kỷ, sau khi doanh nhân người Nhật Yasuo Yasodo mua lại gần 500ha đất để làm sân golf.

“Ý tưởng về phát triển sân golf của Mỹ được ưa chuộng: san phẳng môi trường, dọn sạch đồi và trong trường hợp như mới đây ở Malaysia, là san cả đỉnh núi” - Barnett nói. 

Ngày nay nhìn lại, có thể bổ sung ý của Barnett: sau khi dọn sạch những gì thiên nhiên sẵn có là đổ tài nguyên dựng nào địa hình đồi dốc, tạo hồ, bãi cát, trồng cây và cấy cỏ.

Chuyện chuyển đổi các quỹ đất quý giá thành các sân golf hái ra tiền không chỉ gói gọn trong các nước đang phát triển. Chỉ một tuần trước lần kỷ niệm thứ ba của Ngày thế giới không golf năm 1995 ấy, những người thuộc phong trào Land is Ours (Đất đai là của chúng tôi) đã xâm nhập vào sân golf St George's Hill, nằm trong một khu dân cư sang chảnh ở Surrey (đông nam nước Anh), trồng một cái cây ngay rìa sân, thể hiện ý muốn giành lại chỗ đất bị tư hữu hóa.

Tác giả bài viết, Genevieve Fox, cho rằng các sân golf cũng là một phần của văn hóa công viên giải trí: tạo các không gian mô phỏng và đổ tiền bạc, công sức vào duy trì những cảnh quan giả hiệu đó. 

Chỉ có điều, giữ cho thảm cỏ xanh mượt trong các tháng hè, nhất là ở các vùng hạn hán như miền nam Tây Ban Nha, nơi du lịch phụ thuộc vào golf, là một quá trình tốn sức lao động và đắt đỏ.

“Vậy là bình minh của Ngày thế giới không golf đã bắt đầu. Các vòi tưới chắc chắn sẽ phun khắp các sân golf ở vùng hạn hán nam Tây Ban Nha (…). Màu xanh mướt của các thảm cỏ trên sân golf thật lừa dối” - Fox kết bài. 

Đọc một bài báo từ 1/4 thế kỷ trước mà sao thấy chẳng xa lạ chút nào.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận