Từ tác giả đoạt Nobel Văn chương 2022: Những sự trở về

ANNIE ERNAUX 04/12/2022 06:14 GMT+7

TTCT - Lần cuối cùng tôi thăm mẹ tôi ở nhà bà là vào tháng bảy, một ngày chủ nhật. Tôi đi tàu đến đó. Ở Motteville, chúng tôi ngồi trong ga tàu một lúc lâu. Trời nóng. Mọi thứ im ắng, cả trong khoang lẫn bên ngoài. Tôi nhìn ra cửa sổ mở, sân ga trốn

Lần cuối cùng tôi thăm mẹ tôi ở nhà bà là vào tháng bảy, một ngày chủ nhật. Tôi đi tàu đến đó. Ở Motteville, chúng tôi ngồi trong ga tàu một lúc lâu. Trời nóng. Mọi thứ im ắng, cả trong khoang lẫn bên ngoài. Tôi nhìn ra cửa sổ mở, sân ga trống trải. Ở bên kia rào chắn của đường ray Công ty Đường sắt Quốc gia, cỏ cao gần chạm đến những cành táo thấp nhất. Đó là lúc tôi thực sự cảm thấy mình sắp đến C. và sắp gặp mẹ. Tàu đi tiếp đến C., giảm dần tốc độ.

Từ tác giả đoạt Nobel Văn chương 2022: Những sự trở về - Ảnh 1.

Bức tranh Old lady's garden của họa sĩ Pháp Jean-François Raffaëlli (1850 - 1924)

Rời nhà ga, tôi nghĩ mình nhận ra nhiều khuôn mặt mà không thể nhớ tên của bất kỳ ai. Có lẽ tôi chưa bao giờ biết tên họ. Đỡ nóng hơn vì có gió. Ở C. lúc nào cũng gió. Mọi người, kể cả mẹ tôi, đều nghĩ ở đó lạnh hơn bất kỳ nơi nào khác, kể cả những chỗ chỉ cách đó năm cây số.

Tôi không bắt chiếc taxi đậu trước khách sạn đường sắt, như thường làm ở chỗ khác. Ngay khi đến C., tôi quay lại những lề thói cũ: taxi là dành cho các đám rước, đám cưới và đám tang. Chẳng có lý do gì để phí tiền như thế. Tôi đi theo Rue Carnot đến trung tâm thị trấn. Đến tiệm bánh đầu tiên, tôi mua bánh ngọt, bánh éclair và bánh táo – những thứ mà bà thường sai tôi đem về sau thánh lễ giữa trưa. Tôi cũng mua một ít hoa lay ơn, loại này lâu tàn. Tôi không nghĩ gì nữa cho đến khi tới khu nhà bà ở, ngoài "Mình sắp gặp mẹ" và "Mẹ đang đợi mình".

Tôi gõ cánh cửa hẹp căn hộ một phòng của bà dưới tầng trệt. Bà gọi với ra: "Đây. Vào đi!".

"Mẹ phải khóa cửa vào chứ!".

"Mẹ biết là mày rồi. Làm gì còn ai".

Bà đánh son, không đeo tạp dề, đứng cạnh bàn, cười. Bà đặt tay lên vai tôi, hếch mặt lên cho tôi hôn má. Cùng lúc đó, bà bắn một tràng hỏi thăm chuyến đi của tôi, bọn trẻ, con chó. Tôi hỏi thì bà không đáp. Lúc nào bà cũng sợ nhàm chán khi nói về bản thân mình. Lúc sau, bà lặp đi lặp lại, như thường lệ, "Ở đây ổn. Chẳng thể tốt hơn được", rồi "Chẳng có gì để mà phàn nàn". TV bật, không có tiếng, chỉ có nhiễu trên màn hình.

Bà nhận lấy bó lay ơn, hơi bứt rứt, cảm ơn tôi, giọng điệu có phần gượng gạo. Tôi quên mất, đối với bà, chuyện tôi mua hoa ở cửa hàng mang đến vẫn luôn là một sự ra vẻ, quá hình thức; nó làm bà tự ái. Như thể tôi rối rít với bà như rối rít với một người lạ, không phải người nhà. Mấy cái bánh thì bà ưng, nhưng bà cũng đã mua một ít trên đường từ thánh lễ về nhà.

Chúng tôi ngồi đối diện bên cái bàn mà, cùng với cái tủ búp phê, choán gần hết căn hộ. Tôi còn nhớ bà nói lần đầu tiên tôi đến sau khi bà chuyển đến đây: "Mẹ mua cho đã – mười người ngồi cũng được!" Sáu năm, không một lần… Song bà vẫn trải một tấm vải bạt để không làm hỏng bàn.

Bà thở hổn hển, như thể không biết phải bắt đầu từ đâu với những chuyện chúng tôi phải nói. Căn hộ bà tối, có một cái mùi thoang thoảng; nó không đủ thoáng. Hồi còn nhỏ, bà thường đưa tôi đi thăm mấy bà cụ già vào chủ nhật. Lúc về, bà khịt mũi: "Nhà dưỡng lão lúc nào cũng có mùi ẩm mốc – họ chẳng bao giờ mở cửa sổ". Vì bà hay nói vậy, tôi đã không nghĩ bà sẽ trở thành một trong những người như họ.

Bà nói về thời tiết mùa xuân ở C. và những người đã mất kể từ lần trước tôi đến, bực mình vì tôi không nhớ ra họ, mà bà cảm thấy như là tôi cố tình vậy – "Đấy là mày không muốn nhớ". Kể hết chi tiết này đến chi tiết khác, cho đến khi tôi mường tượng ra được người ấy là ai: bà ấy sống ở chỗ này chỗ kia, con gái bà ấy đi học cùng tôi, vân vân và mây mây.

Chúng tôi dọn bữa lúc mười hai giờ kém mười lăm. Lần trước, bà đợi đến tận mười hai rưỡi. Bà đang cấp tập mọi thứ. Có lúc bà nói những ngày thời tiết đẹp trời sẽ sớm qua đi.

Lúc tìm giấy ăn, tôi thấy một chồng tạp chí lãng mạn sau tủ búp phê. Tôi không nói gì, nhưng bà đoán tôi đã nhìn thấy chúng. "Mấy quyển tạp chí đấy là cái Paulette đưa cho, không thì mày biết mẹ đâu có đọc. Con bé ấy đọc có thế thôi, mấy chuyện chẳng ra đâu vào đâu". Bà vẫn sợ tôi chê trách thói quen đọc của bà. Tôi suýt nói bà có thích mấy tờ kiểu Gia đình hơn quyển sách của Malraux mà bà vừa mượn ở thư viện công cộng thì cũng không quan trọng. Bà sẽ không vui nếu tôi tỏ vẻ tôi nghĩ bà không đọc nổi những thứ mà tôi đọc.

Bữa ăn trôi qua trong im lặng. Mắt bà dán chặt vào đĩa, những cử động hơi cẩu thả của một người đã quen ăn một mình. Bà không chịu để tôi cất dọn: "Mày về rồi mẹ làm gì?".

Bà ngồi thẳng trên ghế, khoanh tay. Tôi chưa bao giờ thấy bà cử động cơ thể một cách tự nhiên, thoải mái; không bao giờ luồn ngón tay nhẹ nhàng qua tóc, không bao giờ luồn một tay vào trong viền cổ áo khi đang đọc sách. Cử chỉ thả lỏng duy nhất của bà là những biểu hiện của sự mệt mỏi: duỗi tay qua đầu, ngồi thụp xuống ghế, hai chân dang ra trước mặt. Khuôn mặt bà bớt cứng nhắc hơn trước đây, bớt cái sự căng thẳng bạn cần để vượt qua cuộc sống. Đôi mắt xám của bà, đôi mắt lúc nào cũng nghĩ xấu về tôi, dán chặt vào tôi với một sự mềm mại đói khát. Bà đếm ngày, tự nhủ vào buổi sáng rằng hôm nay là ngày tôi đến, và chúng tôi ở đó, hai chúng tôi, một nửa thời gian của chúng tôi đã qua. Giọng điệu cuộc gặp của chúng tôi vui vẻ và hiền dịu. Cái giọng điệu kia, giọng điệu bạo lực hồi tôi còn mười lăm, sẽ không trở lại. "Đồ bò cái, tôi sẽ tự sát cho bà xem", "Tôi sẽ cuốn xéo khỏi đây", "Rồi vào tù mà ở, thứ ngu đần vô dụng".

Bà cố nghĩ thêm nhiều chuyện để nói, để tôi không về sớm quá, bỏ lại bà với mong muốn có tôi ở cạnh, mong mỏi sống với tôi, con gái bà, mãi mãi. "Cái Paulette mang cho mẹ ít lý chua. Mày không tin được ngon thế nào đâu. Cũng phải thôi, đang vào mùa mà. Tí về nhớ nhắc mẹ lấy cho một ít". Paulette – hàng xóm cũ bằng tuổi tôi – tuần nào cũng đến thăm bà và chưa bao giờ ra khỏi C..

Tôi có thể nghe thấy tiếng ô tô từ xa trên con đường trục chính, một chiếc đài trong căn hộ bên cạnh đang tường thuật giải Tour de France.

"Yên bình thật".

"Ở đây lúc nào cũng yên bình. Chủ nhật là yên tĩnh nhất".

Nhiều lần bà khuyên tôi nên nghỉ ngơi một chút trong khi tôi đang đi nghỉ. Câu làm tôi hãi nhất khi tôi than phiền tôi không biết làm gì là "Nghỉ một chút". Một lần nữa, tôi cảm thấy sự khó chịu sắp sửa ập đến, nhưng lời nói của bà không còn sức mạnh đối với tôi nữa. Chúng chỉ đánh thức ký ức, theo cách mà đài thể thao chủ nhật hay một chiếc bánh táo đánh thức. Tôi có thể cảm thấy sự nhàm chán của những mùa hè ở C.: đọc sách từ sáng đến tối; những bộ phim chủ nhật, hạn chế độ tuổi hoặc chỉ cho người lớn, trong rạp Mondial trống ba phần tư, trong khi bà nghĩ tôi đang "dạo mát" với một ông anh họ lớn tuổi; trò chơi trẻ con ở hội chợ đường phố dành cho các doanh nghiệp địa phương; sảnh khiêu vũ công cộng mà tôi không dám vào.

Giữa chiều, một con mèo xuất hiện trên bệ cửa sổ của gian bếp nhỏ. Bà bật dậy khỏi ghế để cho nó vào, một con mèo "nhận nuôi" mà bà cho ăn ngủ trên giường của bà vào ban ngày. Bà tươi tỉnh nhất kể từ khi tôi đến. Con mèo làm chúng tôi có việc để làm một lúc lâu – nhìn nó, thay phiên nhau ôm nó. Bà kể lại mọi trò của con mèo; "con lợn nhỏ" cào rèm cửa, cào cả cổ tay bà, để lại hai vệt xước đỏ. Như mọi khi, bà nói: "Mọi sinh vật đều xinh đẹp". Bà như quên mất tôi sắp về.

Vào phút cuối, bà rút ra một tờ đơn cần điền gấp cho trợ cấp xã hội của bà. "Con không có thời gian đâu. Mẹ cứ đưa đây rồi con gửi lại". "Làm gì mà mất thời gian. Từ đây đến ga tàu có năm phút". "Con lỡ tàu mất". "Mày đã lỡ tàu bao giờ đâu. Bắt chuyến sau chẳng được". Bà chực khóc. Bà kết luận bằng câu cửa miệng của bà: "Rất là phiền hà".

Sau khi hôn má tôi ở cửa, bà vẫn cố nói chuyện tiếp. Hình ảnh cuối cùng của bà: đứng ở bậc cửa, hai cánh tay tròn trịa đóng khung lấy hình bóng nặng nề của bà trong chiếc váy vàng – chiếc váy đẹp nhất của bà, chật quanh ngực và bụng – một nụ cười rộng, cố định. Lần này, một lần nữa, tôi cảm thấy mình đang bỏ đi một cách tồi tệ, một cách hèn nhát.

Tôi đi con đường ngắn nhất ra ga, con đường đi qua trạm xăng. Ở đó, ngày xưa, tôi vẫn hay dừng lại để chuẩn bị tinh thần cho ánh mắt tra khảo của bà khi tôi trở về từ rạp chiếu phim, sửa soạn, lau sạch những gì son môi còn sót lại. Người ta sẽ nghĩ gì về mày?

Trên tàu, tôi không thể nào ngưng hình dung về bà, rửa bát đĩa trong sự im lặng cô độc, mọi dấu hiệu rằng tôi từng hiện diện sẽ sớm bị xóa sạch. Tôi nhìn C. biến mất – những tòa nhà Sernam, nhà ở của công nhân đường sắt bên cạnh đường ray.

Một tháng sau, tôi về thăm mẹ. Bà bị say nắng sau thánh lễ và được đưa vào nhập viện ở C.. Tôi mở cho thông căn hộ của bà, lấy giấy tờ trong tủ búp phê, vứt những thứ dễ hỏng trong tủ lạnh đi. Trong ngăn rau quả, trong một cái túi ni lông thắt nút ở trên cùng, là những quả lý chua mà tôi đã quên mang về lần trước, giờ chỉ còn là một đống chất lỏng màu nâu. ■

(Nguyễn Huy Hoàng dịch từ bản tiếng Anh của Deborah Treisman, nguyên tác Retours)

Annie Ernaux (1940 - ) là nhà văn người Pháp đoạt giải Nobel văn chương năm 2022. Các tác phẩm đã được dịch ra tiếng Việt của bà bao gồm Hồi ức thiếu nữ và Một chỗ trong đời.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận