TTCT - Sau khi cuốn Từ điển tiếng Việt của GS Nguyễn Lân - Phê bình và khảo cứu của tác giả Hoàng Tuấn Công (H.T.C.) ra đời, tôi không biết các nhà từ điển học, nhà ngôn ngữ học, nhà Việt ngữ học, nhà văn học đến các tổ chức, các hội liên quan mảng này nghĩ gì? Ảnh: M.N.Sau khi cuốn Từ điển tiếng Việt của GS Nguyễn Lân - Phê bình và khảo cứu của tác giả Hoàng Tuấn Công (H.T.C.) ra đời, tôi không biết các nhà từ điển học, nhà ngôn ngữ học, nhà Việt ngữ học, nhà văn học đến các tổ chức, các hội liên quan mảng này nghĩ gì? Tại sao một vấn đề trọng đại liên quan đến bao thế hệ Việt Nam mà nhiều nhà/hội như là vô can? Thế hệ chúng tôi và mai sau nên dùng từ điển nào? Nhiều từ trong các từ điển của tác giả Nguyễn Lân (N.L.) mà tác giả H.T.C. nêu ra và cho là sai, có thật sự là đều sai hay không và hàng loạt câu hỏi khác. Chúng tôi cần câu trả lời từ các nhà/hội có thẩm quyền.Nói về cuốn sách biện chính dày đến 576 trang, tùy mức độ hiểu biết của mỗi độc giả mà có cách nhìn khác nhau. PGS.TS Đỗ Ngọc Thống nói về sức hấp dẫn của nó như sau: “Tôi đã đọc các bài viết của H.T.C. một cách say sưa, không dứt ra được; phần vì những bài viết đó có nhiều lý giải rất mới mẻ, trước hết là với hiểu biết của chính tôi; phần vì cách viết của H.T.C. rất hấp dẫn, vừa khoa học, công phu, lại vừa đáo để trong lập luận, một thứ văn luận chiến (polémique) sắc sảo” (trích Lời bạt trong Từ điển tiếng Việt của GS N.L. - Phê bình và khảo cứu, tr.546).Đây là cuốn sách biện chính những lỗi nằm rải rác trong các từ điển của N.L.. Nhìn chung ở VN, việc tranh luận công khai giữa học giả này với học giả khác trên diễn đàn học thuật có thể nói là rất ít thấy; còn việc biện chính của một tác giả mà tên tuổi, như có người nêu, là “khá xa lạ với giới học thuật” đối với một học giả tên tuổi (có hàng loạt cuốn từ điển đã xuất bản), không chỉ riêng ở VN mà trên thế giới, lại càng ít thấy hơn. Nhưng có phải cứ là học giả nổi tiếng về lĩnh vực nào đó thì những gì vị đó nói ra đều luôn đúng không?Đọc cuốn phê bình của H.T.C. cho chúng ta biết rằng mọi thứ dù là từ điển hay sách giáo khoa cũng chỉ là để tham khảo. Ngay cả sách biện chính, như những lý giải trong cuốn này của H.T.C., theo tôi, cũng không phải là hoàn toàn đúng.Với tầm hiểu biết nhất định về vốn chữ Hán, tôi xin mạo muội nêu ra một vài từ mà H.T.C đã sửa sai cho N.L., mong qua đó được quý bậc thức giả bổ khuyết, giúp cá nhân được sáng tỏ hơn:1. Từ “tinh sương”. Theo N.L., “tinh” nghĩa là sao; “sương” nghĩa là giọt sương buổi sáng. Ông chia ra hai nghĩa: (1) sáng sớm (khi sao chưa lặn và sương rơi); (2) ngày này qua ngày khác.Tuy nhiên, khi giải thích nghĩa (2), tức “ngày này qua ngày khác”, thì H.T.C. cho rằng đó là “kiểu phỏng đoán”, đồng thời khẳng định nghĩa này là “không phải”. Sau khi trích dẫn những giải thích của Đào Duy Anh và Nguyễn Quốc Hùng, thêm một lần nữa H.T.C. đặt ra nghi vấn với hàm ý khẳng định từ “tinh sương” không có nghĩa là “ngày này qua ngày khác” (H.T.C., tr.427).Nhận thấy rằng từ “tinh sương” trong lời giải thích của Nguyễn Quốc Hùng có chú thêm chữ Hán (精霜) mà H.T.C. trích dẫn, cá nhân tôi có chút hoài nghi. Chữ “精” (tinh) này có nghĩa là: tinh ranh, tinh khôn, tinh anh, tinh chất, tinh luyện, tinh hoa,... chứ không phải 星 (tinh: sao). Trong lúc chữ Hán từ “tinh sương” theo hiểu biết có hạn của tôi phải là 星霜?Lại bàn đến từ 星霜 xem có nghĩa nào là “ngày này qua ngày khác” hoặc nghĩa tương tự như N.L. đã nói không. Trong bài thơ Tuế vãn lữ vọng (晚旅望) của Bạch Cư Dị có câu: Triêu lai mộ khứ tinh sương hoán (朝來暮去星霜換). Tôi xin dịch là: Sớm đến tối đi ngày này qua ngày khác thay nhau. Trong câu thơ này, không biết tôi dịch từ “tinh sương” (星霜) thành “ngày này qua ngày khác” có chuẩn không, xin những vị thâm nho chỉ giáo.Theo từ điển LACVIET - mtd10, “tinh sương” (星霜) thì là: “Vị trí của ngôi sao tùy theo mùa mà di chuyển, sương mỗi năm gặp lạnh rét mà rơi xuống. Ví von năm tháng”. Trên baidu, tôi thấy từ “tinh sương” cũng có nghĩa này. Như thế, “tinh sương” thường được ví von hoặc được hiểu là “năm tháng” - liên quan đến thời gian; vậy thì “năm tháng” với cụm từ “ngày này qua ngày khác” ở chừng mực nào đó có giống nhau hay không?2. Từ “ngư cụ”. Theo tác giả N.L., “ngư cụ” trong đó “ngư” là cá, đánh cá. Tác giả H.T.C. thì khẳng định N.L. “giảng nghĩa chữ “ngư” sai hoàn toàn” (H.T.C., tr.376).Từ Tân Đường Thư (3) đến Từ điển Trung - Việt (4), Từ điển Hán - Việt hiện đại (5), đều cho thấy “魚具” hay “漁具” là có cùng một nghĩa (những từ điển này đều được các tác giả người Việt soạn dịch từ các từ điển tiếng Trung).N.L. giải thích chữ “ngư” trong “ngư cụ” nghĩa là cá (魚/ngư), đánh bắt (漁/ngư), ông không chú thêm chữ Hán mà dùng âm Hán - Việt là “ngư”, nên khó kết luận là N.L. “giảng nghĩa chữ “ngư” sai hoàn toàn”.3. Từ “thiết kế”: Theo N.L., “thiết” nghĩa là “sắp đặt”; “kế” là “tính toán”. Ông gom hai chữ ấy lại rồi khái quát là “làm bản đồ án hoặc bản vẽ về công trình phải xây dựng”. Ở từ này, H.T.C. nhận xét cách giải nghĩa trên của N.L. là “rất kém”. Ông đặt câu hỏi: “Vậy, sẽ không được dùng “thiết kế” trong “thiết kế” thời trang; “thiết kế” xe hơi hay sao?”, rồi ông dẫn lời giảng trong Từ điển Vietlex để minh chứng cho điều đó. (H.T.C., tr.416).Từ điển Hán ngữ cao cấp (高級漢語詞典, bản điện tử) cắt nghĩa từ “thiết kế” như sau: “Dựa vào mục đích và yêu cầu của nhiệm vụ, lập sẵn phương pháp, kế hoạch,... vẽ ra bản vẽ”. Còn Từ điển Quốc ngữ (國語辭典, bản điện tử) thì cắt nghĩa: “Lên kế hoạch tính toán (...). Gần với nghĩa “kế họa” (計畫): Lên kế hoạch sẵn, lập ra bản vẽ. Ví dụ: Thiết kế nội thất”.Theo tôi, N.L. tách ra từng chữ (thiết kế/設計) để cắt nghĩa như trên là không có gì sai; tuy nhiên, khi ông gom hai chữ đó lại rồi khái quát như vậy, trong khi từ “thiết kế” ngày nay được dùng khá rộng rãi, cho thấy ông khái quát không đầy đủ chứ nói “giải nghĩa rất kém” e có phần hơi quá...Trong “Lời giới thiệu”, PGS.TS ngôn ngữ học Hoàng Dũng nói: “H.T.C. không phải là người đầu tiên viết về những sai sót trong từ điển của GS Nguyễn Lân, nhưng có lẽ sẽ là người cuối cùng căn bản khép lại vấn đề đã kéo dài hàng chục năm qua với nhiều tranh cãi”. (H.T.C., tr.6) Nhưng gần cuối “Lời giới thiệu” ông lại nói: “Và như thế, nó mời gọi tranh luận” (H.T.C., tr.6). Những ai đã đọc qua cuốn sách này đều biết tác giả tập trung chỉ ra “nhiều sai sót, cần phải đính chính”, nghĩa là những sở tri sở kiến của tác giả về vấn đề đó đã chắc chắn đúng mới đi “đính chính”, và như thế thì không phải để cùng nhau trao đổi hay “mời gọi tranh luận”. Nhưng đọc cuốn biện chính của H.T.C, có thể khẳng định việc hiểu biết chữ Hán giúp chúng ta sử dụng tiếng Việt chính xác hơn. Đấy là hiểu biết và quan điểm của cá nhân tôi, xin quý vị chỉ giáo.■Qua bài viết này của ông Hoàng Độ, tôi thấy hai việc có thể bàn thêm:/ Tinh sương (星霜) [星: sao, 霜: sương]: từ Hán-Việt, nghĩa là “năm”, từ này trong Hán - Việt từ điển của Đào Duy Anh đã có định nghĩa, còn Hán ngữ đại từ điển của Trung Quốc cũng chỉ cho nghĩa là “niên tuế” (tức là năm), vì vậy chỉ có thể vận dụng để nói cho văn vẻ là “năm này qua năm khác”, về cấp độ thời gian nó khác với “ngày qua ngày”, “tháng qua tháng” hay “mùa qua mùa”.Câu thơ của Bạch Cư Dị “Triêu lai mộ khứ tinh sương hoán” mà tác giả Hoàng Độ dịch “sớm đến tối đi ngày này qua ngày khác thay nhau” là chưa chuẩn, sát nghĩa là: “sớm đến tối đi, năm đổi năm”.Bà Huyện Thanh Quan có câu: “Tạo hóa gây chi cuộc hý trường, Đến nay thấm thoát mấy tinh sương” (Hoài cổ), “mấy tinh sương” trong câu này không thể hiểu là “mấy ngày mấy tháng” mà cho thấy rõ ý là “đã mấy năm rồi”.Như tác giả Hoàng Độ viết: [Theo Nguyễn Lân, “tinh” nghĩa là sao; “sương” nghĩa là giọt sương buổi sáng. Ông chia ra hai nghĩa: (1). sáng sớm (khi sao chưa lặn và sương rơi); (2). ngày này qua ngày khác.] thì Nguyễn Lân sai cả hai nghĩa, ở nghĩa (1) căn cứ vào sao và sương để giải thích, nhưng trong từ Hán không có nghĩa “sáng sớm” này; ở nghĩa (2) hạ cấp độ thời gian quá xa, năm xuống ngày.Còn về từ tinh sương (精霜) [精:tinh hoa, 霜:sương] trong từ điển Nguyễn Quốc Hùng mà Hoàng Tuấn Công dẫn: đây mới là từ được tiếng Việt dùng với nghĩa sáng sớm với ý chỉ hạt sương tinh khôi. Từ tinh sương này có thể là dạng từ Nôm Hán, vì không thấy nó trong từ điển Hán ngữ cơ bản như từ nguyên hay từ điển mở rộng như Hán ngữ đại từ điển.2/ Ngư cụ: (魚具) [con cá+dụng cụ] hoặc (漁具) [người đánh cá+dụng cụ] đều có nghĩa là dụng cụ đánh bắt cá, theo Hán ngữ đại từ điển thì đây là từ đồng nghĩa.Nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân Tags: Nguyễn LânTừ điểnPhạm Hoàng QuânHoàng Tuấn Công
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Chi tiết sáp nhập phường của TP.HCM áp dụng từ ngày 1-1-2025 THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành nghị quyết về việc sáp nhập đơn vị cấp xã của TP.HCM giai đoạn 2023 - 2025.
Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo ông Vương Đình Huệ THEO WEBSITE ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM 21/11/2024 Ngày 20-11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm.
Chi tiết sáp nhập xã, phường của Hà Nội: Giảm 53 xã, phường THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sáp nhập phường, xã của Hà Nội giai đoạn 2023 - 2025.
Quân đội Mỹ tuyên bố sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân TRẦN PHƯƠNG 21/11/2024 Bộ tư lệnh chiến lược Mỹ (STRATCOM) nói Washington sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân nếu cần nhưng chỉ trong tình hình 'có thể chấp nhận đượ'".