Tư vấn sau tốt nghiệp cấp II: chỉ là chuyện phân luồng

TRỌNG NHÂN 29/05/2024 17:36 GMT+7

TTCT - Bản chất của các cuộc tư vấn hiện nay ở nhiều trường cho học trò lớp 9 là để phân luồng hướng học tiếp theo của các em sau khi tốt nghiệp cấp II. Ý niệm về tư vấn nghề nghiệp là rất ít.

Một buổi tư vấn tuyển sinh lớp 10 chuyên sâu tại Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM). Ảnh: NHƯ HÙNG

Một buổi tư vấn tuyển sinh lớp 10 chuyên sâu tại Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM). Ảnh: NHƯ HÙNG

Cô giáo N.T.T. (dạy lớp 9 một trường THCS ở quận Bình Tân, TP.HCM) cho biết những buổi tư vấn cho các học sinh "cần được phân luồng" là những buổi hết sức tế nhị. Năm nay, lớp cô T. có ba học sinh phải phân luồng nên cô hẹn cả học sinh và phụ huynh đến trường để tư vấn, mỗi gia đình một khung giờ riêng.

"Điểm không cao, không nên thi vô lớp 10"

Mỗi buổi tư vấn dài hơn một giờ đồng hồ có thể tóm gọn thành: "Con của anh chị rất khó đậu lớp 10 công lập, cha mẹ nên chuẩn bị tinh thần tìm trường cho con". Khó khăn lớn nhất của một cuộc tư vấn như vậy là tìm lời lẽ phù hợp, vì chỉ cần sơ sểnh sẽ khiến phụ huynh tự ái, tổn thương. Cô T. từng bị cha mẹ học sinh cho rằng cô đang vòng vo, ngăn trở không cho con thi vào lớp 10 trường công lập.

Chuyên gia ở Trường Việt - Úc tư vấn hướng nghiệp cho học sinh. Ảnh: TRƯỜNG VIỆT -  ÚC

Chuyên gia ở Trường Việt - Úc tư vấn hướng nghiệp cho học sinh. Ảnh: TRƯỜNG VIỆT - ÚC

Ở hầu hết các trường THCS hiện nay, việc tư vấn các hướng đi sau khi tốt nghiệp lớp 9 là trách nhiệm của giáo viên chủ nhiệm. Mỗi năm, cô T. phải gặp hai, ba trường hợp cần được tư vấn đặc biệt trước khi bước vào kỳ thi tuyển sinh lớp 10. "Việc tư vấn này trước hết xuất phát từ tấm lòng của thầy cô chứ không phải bệnh thành tích. Nếu giáo viên không hướng dẫn trước thì khi các con rớt lớp 10 công lập, gia đình sẽ lúng túng tìm chỗ học cho con", cô T. nói.

Hiệu trưởng một trường THCS quận 12 cho biết mỗi năm, đến mùa chuẩn bị tuyển sinh lớp 10, các hiệu trưởng được Phòng Giáo dục và Đào tạo yêu cầu thực hiện công tác tư vấn tuyển sinh lớp 10. Tinh thần của kiểu tư vấn tuyển sinh này là giúp các em chọn đúng trường trung học để đăng ký nguyện vọng thi vào, vừa sức.

Ở đó, các giáo viên chỉ tư vấn, học sinh và gia đình là người quyết định. Người tư vấn không được ép học sinh chọn những trường xa để đạt tỉ lệ đậu trường công lập cao, không lấy tỉ lệ đậu trường công lập để đánh giá thi đua của giáo viên. Hiệu trưởng là người truyền đạt tinh thần tư vấn tuyển sinh này cho các giáo viên chủ nhiệm lớp 9.

Giáo viên chủ nhiệm đánh giá học sinh trên điểm số, trao đổi với các giáo viên bộ môn. Với những học sinh có điểm không cao, giáo viên chủ nhiệm sẽ giới thiệu cho các em và phụ huynh những trường trung cấp nghề, các trung tâm giáo dục thường xuyên, hoặc một số trường trung cấp nghề với học phí rất thấp hoặc miễn phí.

Với những gia đình có điều kiện, giáo viên sẽ giới thiệu các trường dân lập, tư thục có chương trình học nhẹ nhàng, môn học ít... "Nếu vẫn để các em thi tuyển sinh lớp 10, điểm thi thấp sẽ tác động tiêu cực đến tâm lý của học sinh", vị hiệu trưởng phân trần.

Tại Trường THCS Âu Lạc (Q.Tân Bình), giáo viên chủ nhiệm và ban giám hiệu gặp riêng một số phụ huynh học sinh có điểm trung bình môn thấp. "Căn cứ có sức thuyết phục nhất để tư vấn là điểm số của học sinh trong năm lớp 9. Nếu học sinh có điểm trung bình ba môn (toán, ngữ văn, tiếng Anh) chỉ khoản 3-4 điểm thì khả năng đậu lớp 10 công lập không cao", cô hiệu trưởng Bùi Thị Thu Tâm cho biết.

Ở khía cạnh hướng nghiệp, hằng năm, Trường THCS Âu Lạc cho học sinh lớp 9 tham quan các trường nghề như Trung cấp du lịch và khách sạn Saigontourist, Cao đẳng nghề Lý Tự Trọng để các em tiếp xúc và tìm hiểu. Nhưng mỗi năm chỉ có 2-3 học sinh của Trường Âu Lạc chọn học nghề sau các chuyến đi thực tế trường trung cấp, cao đẳng nghề.

Kỹ năng tư vấn rất quan trọng

Về kỹ năng tư vấn, một hiệu trưởng ở quận 12 nói mình chỉ là người triển khai "công tác tư vấn" cho giáo viên chủ nhiệm lớp 9, còn phần lớn sự thành bại của tư vấn là "dựa vào kinh nghiệm và sự khéo léo của các thầy cô".

Thầy Võ Kim Bảo, giáo viên Trường THCS Nguyễn Du (Q.1), cho biết nhiều buổi tư vấn đã trở thành những buổi cân, đong, đo, đếm giữa phụ huynh, học sinh và giáo viên về nguyện vọng và chọn trường. Gia đình, giáo viên và cả học sinh căn cứ điểm số của ba môn toán, ngữ văn, tiếng Anh ở lớp, kết quả thi thử, tham khảo ý kiến của giáo viên từng bộ môn để ước lượng điểm số của học sinh khi thi tốt nghiệp. Sau cùng, học sinh sẽ đối chiếu với điểm chuẩn tuyển sinh của các trường những năm trước để chọn nguyện vọng.

"Tất nhiên, quá trình thương lượng, ước lượng như vậy cũng xảy ra sai sót. Có trường hợp phụ huynh và giáo viên thuyết phục học trò chọn trường thấp hơn để an toàn, sau đó em này đạt điểm nguyện vọng 1 vào trường em yêu thích ban đầu. Em đã rất giận giáo viên và gia đình", thầy Bảo kể.

Thầy Bảo cho rằng nếu cuối cùng không tìm được tiếng nói chung, ba mẹ nên "nhượng bộ" cho con đặt nguyện vọng 1, cha mẹ sẽ chọn trường cho nguyện vọng 2. Như vậy, các em sẽ được thử sức với trường mình yêu thích nhất, trường cha mẹ chọn sẽ là phương án dự phòng.

Theo ông Phó Trọng Huy, hiệu trưởng Trường THCS Tùng Thiện Vương (Q.8), mỗi năm, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận 8 tổ chức nhiều buổi tập huấn cho các giáo viên chủ nhiệm phụ trách chuyên môn về công tác hướng nghiệp cho học sinh.

Tại đây, các giáo viên được hướng dẫn về các công cụ giúp học sinh trắc nghiệm tính cách, năng lực của bản thân, ví dụ bài trắc nghiệm định hướng nghề nghiệp Holland (bảng trắc nghiệm đánh giá tình cách con người qua 6 nhóm xu hướng nghề nghiệp: xã hội, nghiên cứu, kỹ thuật, nghệ thuật, quản lý và nghiệp vụ).

Thầy Huy cho biết học sinh lớp 9 được học cả thảy 9 tiết hướng nghiệp. Các em làm bài trắc nghiệm định hướng nghề nghiệp Holland, được giới thiệu các chủ điểm nghề nghiệp từ kinh doanh, quản lý đến kỹ thuật, y khoa, và một số hướng học tập sau lớp 9 như học THPT hoặc vào trường nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên... Nhưng "Nhiều giáo viên nói họ cần được tập huấn", thầy Huy cho biết.■

Trường "nhà giàu" tư vấn hướng nghiệp từ lớp 8

Trung tâm tư vấn hướng nghiệp và chuẩn bị vào đại học của Trường TH-THCS-THPT Việt Úc được thành lập từ năm 2017 với mục tiêu tư vấn cho học sinh về nghề nghiệp, định hướng chọn ngành, chọn trường đại học. Trụ cột trong chương trình tư vấn là các buổi gặp gỡ riêng giữa chuyên gia với từng học sinh vào 3 thời điểm: lớp 8, lớp 10 và lớp 12.

Lớp 8, học sinh làm bài trắc nghiệm Holland để phân tích các tính cách và xu hướng nghề nghiệp. Chuyên gia cùng học sinh phân tích kết quả bài trắc nghiệm, kết hợp với những sở thích của học sinh để đưa ra những tư vấn ban đầu. Với những học sinh chưa rõ mong muốn, thế mạnh của mình, chuyên gia sẽ đưa ra những gợi ý và phân tích cụ thể.

Đến lớp 10, học sinh sẽ gặp lại chuyên gia một lần nữa để xem những định hướng nghề nghiệp có thay đổi hay không. Ở thời điểm này, hướng nghiệp sẽ gắn với việc lựa chọn môn học. Học sinh muốn du học phải có kế hoạch chuẩn bị thêm về ngoại ngữ, hoạt động ngoại khóa, hoạt động cộng đồng...

Lần tư vấn hướng nghiệp ở lớp 12 sẽ có nội dung xoay quanh chiến lược thi cử, xét tuyển đại học. Các học sinh chuẩn bị du học sẽ được hướng dẫn cách viết hồ sơ, làm bài luận, chuẩn bị visa...

Ngoài ra, học sinh có thể đến gặp các tư vấn viên bất cứ lúc nào để giải đáp những thắc mắc về nghề nghiệp, định hướng tương lai...

Loay hoay phân luồng trong 30 năm

TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD-ĐT), nhận định sau 30 năm kể từ khi thực hiện phân luồng học sinh lớp 10, vấn đề này đến nay vẫn còn nhiều tranh cãi.

Tâm lý chung các phụ huynh đều muốn con có bằng tốt nghiệp THPT. Các trường trung cấp nghề chỉ dạy 4 môn văn hóa trong khi quy định học sinh phải hoàn thành 7 môn văn hóa cấp III mới được thi tốt nghiệp THPT. Vì thế, nhiều trường trung cấp nghề phối hợp với trung tâm giáo dục thường xuyên để dạy đủ 7 môn văn hóa. Song việc vừa học nghề, vừa học 7 môn văn hóa là quá sức đối với các học sinh vốn có học lực không khá. Kết quả là có nhiều em đang học trường nghề đã bỏ học. Bài toán này quanh đi quẩn lại suốt nhiều năm qua vẫn chưa có đáp số.

TS Trần Thanh Hải, hiệu trưởng Trường cao đẳng Viễn Đông, cho rằng các trường nghề không hấp dẫn, tâm lý học sinh và cả phụ huynh xem việc học trường nghề là một bước thụt lùi. Các trường nghề cần mời doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào mô hình dạy nghề sau lớp 9.

Ở Nhật có mô hình KOSEN, các doanh nghiệp Nhật tham gia đào tạo các học sinh học nghề sau bậc THCS. Học sinh được học, thực hành gắn liền với máy móc, trang thiết bị thực tế tại doanh nghiệp. Sau khi ra trường, học sinh được doanh nghiệp nhận làm việc với mức lương cao hơn lao động kỹ thuật qua đào tạo thông thường.

"Nhờ mô hình này mà học sinh và phụ huynh mới thấy được lợi ích và tương lai của việc học trung cấp nghề sau bậc THCS. Nhiều học sinh khá giỏi cũng chuyển hướng sang học trung cấp nghề để sớm có công việc ổn định sau khi tốt nghiệp", ông Hải nói.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận