ADMM-Plus: An ninh bền vững, nhưng tới đâu?

DANH ĐỨC 22/11/2019 23:11 GMT+7

TTCT - Những “la lối” qua lại giữa hai bộ trưởng quốc phòng Mỹ và Trung Quốc, những thỏa thuận giữa một số bộ trưởng quốc phòng tại Hội nghị các bộ trưởng quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM-Plus) lần thứ sáu vừa kết thúc ở Bangkok, thật ra chỉ là tiếp nối của những động thái “bắt nạt” và “chống bắt nạt” trước đó.

18 bộ trưởng quốc phòng ở ADMM-Plus Bangkok. Ảnh: MINDEF Singapore
18 bộ trưởng quốc phòng ở ADMM-Plus Bangkok. Ảnh: MINDEF Singapore

“Bức ảnh gia đình” chụp 10 bộ trưởng quốc phòng ASEAN và tám đối tác đồng cấp Úc, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand, Hàn Quốc, Nga và Hoa Kỳ đan chéo tay nhau dưới khẩu hiệu ngắn “An ninh bền vững” thể hiện ước nguyện được nêu trong Tuyên bố chung ADMM-Plus vừa công bố tối thứ hai 18-11. Vấn đề là đã thấy có an ninh chưa, nếu có thì ai thấy và thấy an ninh tới đâu?

Mối lo an ninh truyền thống

Trung Quốc có lẽ là nước cảm thấy hài lòng nhiều về những đóng góp cho việc xây dựng an ninh khu vực theo kiểu của họ. Ba ngày trước ADMM-Plus, hôm 14-11, tờ Hoàn Cầu Thời Báo (Global Times) hân hoan loan tin: “Trung Quốc tổ chức cuộc tập trận trên bộ lớn nhất của ADMM-Plus chống khủng bố”.

Theo tờ báo này, cả 10 thành viên ASEAN cùng tám đối tác đối thoại đã bắt đầu cuộc diễn tập chung chống khủng bố tại Quế Lâm, Quảng Tây. Một cuộc diễn tập mà theo báo này sẽ đẩy mạnh nỗ lực đối phó các đe dọa khủng bố thấp thoáng ở Đông Nam Á và các khu vực lân cận.

Cuộc tập trận quy tụ đến hơn 800 nhân viên quân sự, 10 máy bay và hơn 60 xe cơ giới bọc thép. Theo Tân Hoa xã, chống khủng bố đã là nhiệm vụ và mục tiêu mà các nước ADMM-Plus đã đề ra từ năm 2011, nhằm làm sâu sắc thêm trao đổi và hợp tác giữa các cơ quan sức mạnh của những nước thành viên trong tăng cường khả năng giải quyết các thách thức an ninh.

Về chuyện khủng bố đang lấp ló thì hẳn Trung Quốc quan tâm nhất rồi, bởi nước này đang tổ chức tập chống khủng bố ở Quảng Tây, cũng là khu tự trị người Choang (Tráng), nhất là khi theo lời trung tướng Zhang Jian (Trương Tiễn), tư lệnh bộ binh của Chiến khu Nam bộ Trung Quốc: “Cuộc tập trận này tập trung vào các sứ mạng chống khủng bố ở môi trường đô thị” (China Daily 14-11).

Nhưng cả China Daily lẫn Tân Hoa xã không cho biết thêm chi tiết về thành phần tham dự của từng nước, để có thể cảm nhận rõ hơn tính đoàn kết trong sự nghiệp chống khủng bố của 18 quân đội ADMM-Plus, cũng như đánh giá mức độ tham gia nhiều hay ít tới đâu.

Thực ra, nếu xét đến cấu trúc của ADMM-Plus, được “cầm lái” bởi các nhóm chuyên gia công tác (EWG) làm việc trong bảy lĩnh vực hợp tác an ninh khác nhau - trong đó có chống khủng bố, an ninh hàng hải và gìn giữ hòa bình - thì cuộc tập trận quả đã đóng góp cho an ninh của ASEAN.

Không mấy người biết rằng trong cấu trúc của ADMM-Plus, mỗi nhóm EWG đều được luân phiên cầm trịch bởi một thành viên ASEAN và một nước đối tác, nên việc đóng góp và chia sẻ chuyên môn ắt là hữu ích.

Thế nhưng, đối với ASEAN như là một thực thể độc lập có chủ quyền, thì những đe dọa khủng bố phi truyền thống vẫn chỉ là thứ yếu so với những đe dọa truyền thống (chiến sự giữa các quốc gia). Thành ra, những thành quả đạt được trong lĩnh vực huấn luyện chống khủng bố này sẽ rất ý nghĩa nếu như ASEAN không còn vướng mắc với các mối đe dọa truyền thống bên ngoài.

Sao cứ phải “tái cam kết”?

Trong bối cảnh từ hơn chục năm qua, cụm từ “xây dựng niềm tin” không ngớt được nhắc đi nhắc lại trong các tuyên bố của ASEAN, thì việc 18 bộ trưởng quốc phòng với những tham vọng hay mong mỏi dị biệt, thậm chí đối nghịch, nay “tái khẳng định cam kết tôn trọng các nguyên tắc được quốc tế công nhận” quả là điều đòi hỏi một “lòng tin” vô cùng vững vàng.

Nếu thành thật với nhau, nay chính là lúc đặt câu hỏi: vậy “các nguyên tắc được quốc tế công nhận” đó là gì, nếu như không phải các hiến chương và công ước của Liên Hiệp Quốc, tỉ như Luật biển?

Chính trong sự lung lay về niềm tin đó, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch đã có một khuyến cáo thực lòng: “Việc xây dựng và củng cố niềm tin đòi hỏi thời gian và sự kiên nhẫn, và niềm tin phải được củng cố thường xuyên trên cơ sở các nguyên tắc và hành động cụ thể”.

Ông nhấn mạnh: “Quá trình xây dựng lòng tin cần sự nhất quán giữa lời nói và hành động, sự minh bạch trong hoạch định và thực thi chính sách, và sự hài hòa giữa lợi ích của mỗi quốc gia với các quốc gia khác trong khu vực” (Vietnamnews 19-11).

Ngay trước ADMM-Plus Bangok, đã xảy ra một sự cố. Hôm 8-11, Reuters loan tin người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã cảnh cáo Việt Nam “nên tránh những hành động có thể làm phức tạp vấn đề và tác động đến quan hệ song phương” sau khi một quan chức Việt Nam cho biết Việt Nam có thể thăm dò các hành động pháp lý trong tranh chấp với Trung Quốc trên biển.

Lời cảnh cáo đó không đơn giản là một màn bắt nạt, mà còn là một thể hiện bác bỏ mọi khuôn khổ pháp lý mà thế giới đang tuân thủ và áp dụng.

Càng đáng nói là phát biểu có thể thăm dò hành động pháp lý đã được đưa ra trong khuôn khổ một hội thảo quốc tế về Biển Đông do Việt Nam chủ trì vào thượng tuần tháng 11 vừa rồi, một trao đổi học thuật thuần túy với chủ đề: “Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển khu vực”, một nội dung tích cực không có gì có thể gọi là “gây phức tạp”!

Quan chức đó đã nêu ra ba thách thức hiện nay là: (1) Khi các tranh chấp và dị biệt xuất hiện, liệu các quan điểm và yêu sách của các quốc gia sẽ được thiết lập theo luật pháp quốc tế và Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982 hay không?; (2) dị biệt và thách thức là không thể tránh khỏi bởi vì không dễ để có nền tảng khoa học hoàn chỉnh cho nhiều vấn đề liên quan đến hợp tác hàng hải, các yêu sách và tranh chấp chồng chéo.

Đây là thực tế không chỉ ở Biển Đông mà còn ở các khu vực khác trên thế giới; và (3) làm thế nào để thúc đẩy hợp tác hơn là cạnh tranh và tránh khả năng cạnh tranh làm lu mờ hợp tác?

Theo ông, có thể “thông qua các đàm phán và các biện pháp khác theo Chương VI của Hiến chương Liên Hiệp Quốc về nghĩa vụ giải quyết tranh chấp quốc tế bằng các biện pháp hòa bình”. Ông cho rằng tất cả đều biết những biện pháp hòa bình này là gì: là tìm hiểu thực tế, hòa giải, đàm phán, trọng tài và kiện tụng quốc tế.

Câu chuyện chỉ như thế: một bài phát biểu mà cách đặt vấn đề, lý lẽ và lời lẽ hoàn toàn mang tính học thuật, trong tinh thần thượng tôn pháp luật. Thế nhưng, Bắc Kinh đã không ngần ngại phản ứng.

Cảnh cáo của Trung Quốc được đưa ra một ngày sau khi hội thảo quốc tế về Biển Đông đó kết thúc. Trong một hội thảo học thuật, ý kiến đa chiều, đào xới mọi khả năng có thể không chỉ được khuyến khích mà còn là bắt buộc. Thành ra, việc Bắc Kinh phản ứng là vô cùng khác thường.

Thái độ đó thật ra cũng không mới. Global Times 22-9 còn thô bạo hơn khi cảnh cáo một nước láng giềng khác: “Ấn Độ nên từ bỏ chính sách đầy mâu thuẫn với Trung Quốc”. Không đầy một tháng sau, Global Times 29-10 lại cảnh cáo “Tàu duyên phòng Mỹ đã sai khi thực hiện nhiệm vụ trong vùng biển của Trung Quốc”.

Chẳng qua, tàu duyên phòng (cảnh sát biển) Stratton của Mỹ đã đi vào Hoàng Hải và Biển Đông trong thời gian hai tháng 9 và 10 năm nay. Dựa vào gì mà Global Times thản nhiên cho rằng Hoàng Hải và Biển Đông là biển của Trung Quốc?

Global Times cũng nhắc lại luật chơi của kẻ mạnh bằng ngôn từ hoa mỹ song không che giấu sự ngạo mạn: “Các nước châu Á đang thực hiện các bước thực tế nhằm giảm bớt căng thẳng và giải quyết vấn đề... [Nhưng] Mỹ đang can thiệp vào các vùng biển này, gây ra hỗn loạn.

Mỹ nên hiểu rằng vấn đề Biển Đông phải được giải quyết trong khu vực với nhau mà không có ảnh hưởng nào từ bên ngoài”. Không chừa một nước nào, gần đây nhất, hôm 12-11, Global Times lại cảnh cáo NATO rằng nếu nghe lời Tổng thống Mỹ Donald Trump mà xem Trung Quốc “như một mối đe dọa”, coi chừng “sẽ dẫn đến hậu quả”!

Sau khi ADMM-Plus kết thúc. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper bay sang Manila, Philippines. Ở đó, ông một lần nữa bác bỏ mọi nỗ lực của bất kỳ quốc gia nào nhằm ép buộc hoặc đe dọa khiến nước khác thiệt hại. Ông Esper nhấn mạnh: “Tín hiệu rõ ràng mà chúng tôi đang cố gắng gửi đi không phải là chúng tôi phản đối Trung Quốc, mà là tất cả chúng tôi đều ủng hộ luật pháp quốc tế và chúng tôi nghĩ rằng Trung Quốc cũng nên tuân thủ chúng”.

Ông cũng kêu gọi các quốc gia có yêu sách Biển Đông hãy có lập trường chung khẳng định quyền chủ quyền của mình nhằm đưa Trung Quốc đi đúng hướng. Nhưng tất nhiên, cả ông Esper lẫn các đối tác của ông đều chỉ nắm đằng lưỡi một con dao ngày càng sắc bén một cách nguy hiểm.■

Hai ông lớn chạm trán

Ở ADMM-Plus Bangkok, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phương Hòa đã “xát xà phòng” người đồng cấp Hoa Kỳ Mark Esper khi nói rằng Washington phải thôi “cương” ở Biển Đông khi hai bên gặp nhau hôm thứ hai, 18-11, theo tường thuật của CNN. Phía Trung Quốc cũng cho biết tàu sân bay nội địa đầu tiên của nước này đã đi qua eo biển Đài Loan và đang tiến ra Biển Đông, nhằm mục đích đào tạo và nghiên cứu, chớ không liên quan đến bất kỳ sự kiện hiện tại nào.

Trước đó, Hãng thông tấn Nhật Kyodo cho biết ông Esper đã “rủa xả” hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông trong cuộc họp ngày 17-11 với các đối tác Đông Nam Á: “Các hoạt động của Trung Quốc gây ra mối đe dọa không chỉ với các bên yêu sách khác và nhiều quốc gia Đông Nam Á, mà với tất cả các quốc gia thương mại coi trọng tự do hàng hải và giải quyết tranh chấp hòa bình”.

Ông cũng phân tích: “Thông qua các hành động khiêu khích lặp đi lặp lại nhằm khẳng định đường chín đoạn, Bắc Kinh đang ngăn cản các thành viên ASEAN tiếp cận hơn 2,5 nghìn tỉ đôla dự trữ năng lượng, đồng thời góp phần vào sự bất ổn và tăng nguy cơ xung đột”. Rồi ông kết luận: “Hành vi này tương phản mạnh mẽ với trật tự dựa trên luật pháp mà tất cả chúng ta đã cùng nhau xây dựng trong hơn 70 năm qua”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận