Ai nói ai nghe ?

DANH ĐỨC 21/04/2018 20:04 GMT+7

TTCT - Nếu như trong truyền thuyết tháp Babel, do loài người muốn tỏ lòng kiêu ngạo tự sánh mình với trời đất nên bị trừng phạt phải phân tán, thì cái tháp Babel tân thời cao 39 tầng ở New York mà từ năm 1952 là trụ sở Liên Hiệp Quốc đã chứng kiến biết bao mâu thuẫn, đối kháng chết người, theo nghĩa đen, mà cuộc chiến ở Syria từ bảy năm qua chính là thí dụ mới nhất.

Hình ảnh chim bồ câu trên tác phẩm
Hình ảnh chim bồ câu trên tác phẩm "Cửa sổ hòa bình" mà danh họa Marc Chagall tặng cho Liên hiệp quốc, hiện đặt tại cánh Đông của trụ sở LHQ..

 

Chỉ riêng từ thứ năm (12-4) tới thứ bảy (14-4), Hội đồng Bảo an (HĐBA) Liên Hiệp Quốc (LHQ) đã năm lần bỏ phiếu và không thông qua được dự thảo nghị quyết nào, thậm chí phủ quyết hết dự thảo nghị quyết này tới dự thảo nghị quyết khác kể từ sau thảm kịch vũ khí hóa học ở thị trấn Damascus của Syria.

Các trích dẫn và số liệu dưới đây từ các biên bản của chính HĐBA, nhằm đảm bảo tính trung thực và khách quan, cho thấy sự phân hóa sâu sắc và giải thích tại sao các cuộc họp cứ rơi vào ngõ cụt.

Nguồn tin dân sự vô giá trị?

Trên trang web của mình, HĐBA định nghĩa chức trách của mình: “HĐBA dẫn đầu trong việc xác định sự tồn tại của một mối đe dọa hòa bình hoặc một hành động xâm lược... Trong một số trường hợp, HĐBA có thể áp dụng lệnh trừng phạt hoặc thậm chí cho phép sử dụng vũ lực để duy trì hoặc khôi phục hòa bình và an ninh quốc tế”.

Từ chức trách này, HĐBA đã họp khẩn cấp lần đầu hôm 9-4, nội dung cuộc họp được đúc kết trong biên bản SC/13284 có tựa đề: “Trong cuộc họp khẩn cấp, các quan chức của HĐBA đã bày tỏ quan ngại về việc sử dụng vũ khí hóa học ở Syria, vào lúc mà các nguồn tin về những vụ tấn công gần đây khác nhau rõ rệt”.

Tính khách quan của biên bản cuộc họp HĐBA thể hiện rất rõ qua tiêu đề phụ của biên bản này khi dẫn ý kiến của phía Syria: “Đại diện của Syria cho biết cuộc họp đã được triệu tập từ những báo cáo giả, đề nghị tạo điều kiện thuận lợi cho chuyến thăm của Cơ quan Thẩm định vũ khí hóa học thế giới (OPCW) nhằm bác bỏ các khiếu kiện liên quan”.

Cuộc họp bắt đầu bằng phát biểu của Staffan de Mistura, đặc phái viên về vấn đề Syria, phản ánh quan điểm của LHQ: “... Vào cuối tuần, các bức ảnh bắt đầu lan truyền trên các phương tiện truyền thông xã hội cho thấy nhiều đàn ông, phụ nữ và trẻ em không còn sống, trong khi các tổ chức phi chính phủ tuyên bố đã ghi nhận được những trường hợp dân thường gặp phải các hậu quả của vũ khí hóa học... LHQ không thể bỏ qua chúng”.

Như đã thấy từ bao cuộc chiến lớn nhỏ, sự cố nhân đạo, thường dân chạy loạn hay gặp nạn chính là những nguồn tin đầu tiên, sau đó các hãng tin hay các tổ chức hoặc nhà chức trách mới tìm đến.

Nhìn lại các thảm kịch nhân đạo đã qua, từ cuộc diệt chủng của Pol Pot ở Campuchia tới thảm kịch ở Sarajevo (Nam Tư cũ), lời kể của thường dân chạy loạn và ghi nhận của các tổ chức phi chính phủ lo việc cứu trợ luôn là những chứng cớ ban đầu để sau đó giới hữu trách xác minh, thẩm định và xử lý.

Sau này trên mạng xã hội phổ biến các lời chứng hay ghi nhận đó, chẳng qua là chuyện tất nhiên với đà tiến hóa từ giai đoạn “chữ viết” sang giai đoạn “nghe nhìn” của thời đại kỹ thuật số. Tất nhiên, cũng không loại trừ một số tổ chức phi chính phủ “dỏm” có thể bày trò đầu độc thông tin, song điều đó không có nghĩa là tất cả đều “dỏm”.

Mặt khác, chuyện đầu độc thông tin là chuyện xưa như trái đất chớ không chỉ ở thời đại của mạng xã hội. Vấn đề là các quốc gia, bằng các cơ quan tình báo của mình, giải mã các chứng cớ đưa ra trên mạng xã hội đó như thế nào, trung thực, chính xác và nhanh chóng tới đâu.

Đó là điều mà các quốc gia đã và đang làm, đặc biệt các quốc gia lớn, nhỏ trong HĐBA chứ chẳng nước nào “khơi khơi” vô HĐBA họp với “hai bàn tay trắng” - bởi thế trong các phái bộ ngoại giao luôn có các nhân viên tình báo mang hàm nhân viên ngoại giao “hỗ trợ”.

Trong khoảng thời gian từ khi những tin tức đó xuất hiện tới cuộc họp khẩn hôm 9-4 của HĐBA, đã có những trao đổi thông tin giữa một số quốc gia thành viên với đặc phái viên LHQ.

Và ông này cho biết: “Nhiều quốc gia đã gợi ý rằng Chính phủ Syria phải chịu trách nhiệm, trong khi đó một số nước khác, trong đó có Syria, cho rằng các khiếu nại này là ngụy tạo”. Như trong mọi khủng hoảng quốc tế khác, luôn có một sự “chia phe đánh nhau”.

Song lần này sự “chia phe đánh nhau” đã đến mức kèm theo những đe dọa “thế chiến thứ ba”, nên đặc phái viên của LHQ bắt buộc phải có một thái độ khác như ghi chép của biên bản cuộc họp: “Lần đầu tiên kể từ khi giữ chức vụ này, ông lên tiếng bày tỏ quan ngại không chỉ về tình hình an ninh của Syria hay của khu vực mà là của thế giới”, và nhấn mạnh: “HĐBA không thể cho phép một tình huống leo thang không kiểm soát phát triển ở Syria, ở bất kỳ mặt trận nào”.

Ảnh: wordpress.com

Đa số thua phiếu phủ quyết

Qua hôm sau, 10-4, HĐBA họp tiếp và bỏ phiếu về ba dự thảo nghị quyết liên tiếp được đưa ra. Đầu tiên là dự thảo của Mỹ.

Biên bản cuộc họp mang số SC/13288 cho biết: “Theo các điều khoản của một dự thảo nghị quyết do Hoa Kỳ đưa ra và không được thông qua sau một cuộc bỏ phiếu với 12 phiếu thuận, 2 phiếu chống (Bolivia, Nga) và một phiếu trắng (Trung Quốc) do bị Nga phủ quyết”. Dự thảo đề nghị một cơ chế điều tra độc lập do Tổng thư ký LHQ chỉ đạo trực tiếp.

Biên bản ghi chép tiếp về cuộc bỏ phiếu thứ nhì: “Hội đồng sau đó đã tiến hành bỏ phiếu cho một dự thảo cạnh tranh do Nga đệ trình, và cũng đã bác bỏ nó bằng số phiếu ghi nhận là 6 phiếu ủng hộ (Bolivia, Trung Quốc, Guinea Xích Đạo, Ethiopia, Kazakhstan, Nga) so với 7 phiếu chống (Pháp, Hà Lan, Peru, Ba Lan, Thụy Điển, Anh, Hoa Kỳ), 2 phiếu trắng (Bờ Biển Ngà, Kuwait)”.

Dự thảo này cũng muốn OPCW tiến hành điều tra độc lập tại hiện trường nhưng khác biệt cơ bản là trao quyền chỉ đạo vào tay HĐBA.

So sánh hai dự thảo nghị quyết trên cùng hai kết quả bỏ phiếu, có thể thấy:

1/ Về số phiếu. Theo hiến chương LHQ, HĐBA có 15 thành viên và mỗi thành viên có một phiếu. Dự thảo đầu tiên với 12 phiếu thuận, 2 phiếu chống (trong đó có một phiếu phủ quyết) và 1 phiếu trắng, rõ ràng đã được đa số ủng hộ nhiều hơn dự thảo thứ nhì. Dự thảo thứ nhì này, vốn chỉ được 6 phiếu thuận, so với 7 phiếu chống và 2 phiếu trắng, rõ ràng ít được ủng hộ hơn.

2/ Về kết quả: Dự thảo thứ nhất của Mỹ không được thông qua cho dù có được tới 12 phiếu thuận/15 là do vướng phiếu phủ quyết của Nga. Đáng lưu ý là Trung Quốc đã không kịch liệt chống dự thảo này mà chỉ bỏ phiếu trắng. Dự thảo thứ nhì của Nga, với chỉ 6/15 phiếu, thấp hơn số phiếu chống (7) và bị tới 2 phiếu trắng, bị bác là đương nhiên.

3/ Về nội dung: Tại sao có đến 12/15 nước bỏ phiếu thuận dự thảo thứ nhất trong khi chỉ có 6/15 nước bỏ phiếu thuận dự thảo thứ nhì? Đó là do khác biệt “ai” sẽ “làm gì” cái “cơ chế độc lập điều tra”? Ở dự thảo thứ nhất, người có quyền với cơ chế này là Tổng thư ký LHQ và ông chỉ có thể “đưa ra các khuyến nghị”. Còn trong dự thảo thứ nhì thì “HĐBA chỉ đạo cơ chế” này.

Vấn đề đặt ra là: tại sao lại muốn cơ chế này phải được HĐBA chỉ đạo sử dụng các thông tin, nhất là các thông tin “do Chính phủ Syria và các cơ quan khác cung cấp về hoạt động của các bên tham gia không mang tính nhà nước?”. Có phải để “đề phòng” các nguồn tin dân sự?

Coi như cơ chế này đã bị vô hiệu hóa từ trong trứng nước do lẽ mỗi khi xảy ra cớ sự cần điều tra, cơ chế này sẽ lại lâm vào tình cảnh đợi HĐBA “đánh nhau” trong các cuộc bỏ phiếu, và rồi sẽ “bất động” do lại dính phiếu phủ quyết.

Dự thảo nghị quyết thứ ba của Thụy Điển ngắn hơn hai dự thảo trước, đề xuất cử các điều tra viên của OPCW tới Syria, lên án mạnh mẽ bất cứ hành động sử dụng bất cứ chất độc hóa học nào làm vũ khí ở Syria, nên không được cánh “truy tìm thủ phạm” ngó ngàng đến (Anh, Ba Lan, Pháp, Mỹ), nhưng lại được Bolivia, Ethiopia, Kazakhstan, Nga, Trung Quốc ủng hộ.

Hai ngày sau, tức 12-4, HĐBA lại họp và bỏ phiếu biểu quyết. Biên bản cuộc họp mang số SC/12791 chạy tiêu đề: “HĐBA thất bại trong việc thông qua nghị quyết về việc sử dụng vũ khí hóa học ở Syria, sau khi Liên bang Nga phủ quyết”.

Biên bản ghi chép: “HĐBA hôm nay bác bỏ một dự thảo nghị quyết lẽ ra đã có thể lên án cuộc tấn công vũ khí hóa học được thông tin ở thành phố Khan Shaykhun của Syria và bày tỏ quyết tâm buộc các thủ phạm gây ra vụ này phải chịu trách nhiệm.

Bị bác bỏ với 10 phiếu ủng hộ, 2 phiếu chống (Bolivia, Nga) và 3 phiếu trắng (Ethiopia, Kazakhstan và Trung Quốc), dự thảo này nhấn mạnh nghĩa vụ của Syria phải tuân thủ các khuyến cáo của phái bộ tìm kiếm sự thật của OPCW và của cơ chế điều tra hỗn hợp OCPW - LHQ...

Được đưa ra bởi Pháp, Anh và Mỹ, dự thảo này lẽ ra sẽ yêu cầu Tổng thư ký LHQ báo cáo mỗi 30 ngày về việc theo đuổi nghị quyết 2118 (năm 2013), theo đó HĐBA quyết định rằng Syria sẽ không được sử dụng, phát triển, sản xuất, lưu trữ hay giữ lại các vũ khí hóa học”.

Yêu cầu sau cùng này, kiểm tra hằng tháng việc Syria tuân thủ nghị quyết 2118 (năm 2013), chẳng khác cáo giác Syria đã không giao nộp hết vũ khí hóa học cho Nga và Nga đã không làm tròn nghĩa vụ này. Một lần nữa, Bolivia và Nga bỏ phiếu chống, trong khi có đến 10 phiếu thuận và 3 phiếu trắng (trong đó có phiếu của Trung Quốc).

Các nước khác không ủng hộ hay chống dự thảo này đều đã “cả tin” các luận cứ ngụy tạo chăng? Đây không phải là lần đầu mà thế sự vướng cơ chế phủ quyết trong HĐBA. Năm ngoái, HĐBA đã nhiều lần biểu quyết bất thành vì hai lá phiếu phủ quyết “duy nhất” nên Triều Tiên cứ thế mà làm chủ vũ khí hạt nhân và tên lửa liên lục địa.■

Ý nghĩa của các con số

Một ngày sau cuộc không kích của Mỹ, Anh và Pháp, Nga yêu cầu họp khẩn cấp và đưa ra một dự thảo nghị quyết “yêu cầu Mỹ và các đồng minh ngưng ngay và không trì hoãn cuộc xâm lược chống lại nước Cộng hòa Ả Rập Syria, đồng thời kiềm chế các hành động xâm lược khác vi phạm luật pháp quốc tế và hiến chương LHQ” song “đã không nhận được đủ số phiếu” - Đài Nước Nga ngày nay (RT) 14-4 đưa tin.

Đài này cho biết chi tiết: “Dự thảo của Nga đã được ủng hộ bởi 3 nước: Nga, Bolivia và Trung Quốc. 8 nước, trong đó có Mỹ, Anh và Pháp, vốn đã mở không kích Syria rồi, bỏ phiếu chống, cùng 4 nước khác bỏ phiếu trắng.

Tại sao dự thảo này được đưa ra sau khi Syria đã bị tấn công chỉ thu được ba phiếu “thuận” (trong đó có Nga), bằng phân nửa số phiếu dành cho dự thảo trước cũng của Nga về “cơ chế điều tra độc lập dưới sự chỉ đạo của HĐBA” ngày 10-4?

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận