ASEAN là gì trong tương lai gần?

DANH ĐỨC 06/12/2015 17:12 GMT+7

TTCT - Lịch sử sẽ ghi “ASEAN đã được tuyên cáo là một cộng đồng qua một bản tuyên cáo ký kết bởi 10 nhà lãnh đạo ASEAN tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 27 ở Kuala Lumpur hôm 22-11-2015. ASEAN sẽ là gì trong 10 năm tới, trong mắt các “ông lớn” khu vực và thế giới?

Không ít trái cây bán ở Việt Nam vốn là hàng Thái hoặc trồng từ giống Thái, như chôm chôm, sâu riêng, xoài, mít... -T.T.D.
Không ít trái cây bán ở Việt Nam vốn là hàng Thái hoặc trồng từ giống Thái, như chôm chôm, sâu riêng, xoài, mít... -T.T.D.

Cộng đồng ASEAN chính thức ra đời 48 năm sau ngày thành lập ASEAN, và đúng hạn bảy năm theo “Lộ trình cho một Cộng đồng ASEAN: 2009 - 2015” mà các nhà lãnh đạo đã đề ra tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 14 ở Cha-am, Thái Lan (ASEAN 2025 at A Glance).

Nhân dịp này, các nhà lãnh đạo cũng đã ký kết văn kiện “ASEAN 2015: Cùng hun đúc tới trước”, ấn định con đường xây dựng Cộng đồng ASEAN trong 10 năm tới. Đó là một lộ trình dự kiến củng cố hơn nữa sự hội nhập và gắn kết mạnh mẽ hơn là một cộng đồng.

Hun đúc gì trong 10 năm tới?

Qua văn kiện trên, ASEAN sẽ tập trung vào các việc sau:

1. Nhấn mạnh hơn đến người dân các nước ASEAN cùng sự ấm no của họ.

2. Tăng cường tính cảnh giác cùng tầm nhìn của ASEAN như là một cộng đồng gắn bó về chính trị, tích hợp về kinh tế và có trách nhiệm xã hội.

3. Tạo ra những mặt bằng sáng kiến và hiệu quả nhằm gắn bó mọi công dân các nước thành viên vào những chính sách và lợi ích của ASEAN. Đảm bảo các quyền tự do và quyền con người căn bản cùng cuộc sống tốt hơn cho mọi dân tộc ASEAN.

4. Tăng cường khả năng ứng phó với các thách thức hiện hữu và đang nổi lên trong lúc vẫn duy trì tính trung tâm của ASEAN...

Các chủ điểm tập chú trên (và còn nữa) cho thấy ASEAN muốn nâng cao đời sống vật chất và tinh thần (trong đó có quyền tự do cơ bản và quyền con người) “cho mọi dân tộc ASEAN”, tức không có sự “so le” quá đáng như trước kia khi ASEAN chưa là một cộng đồng. Trước kia, các nước ASEAN thường “ái ngại” nhìn nhau mỗi khi một nước thành viên có vấn đề về chính trị mà không can thiệp gì được vì tính “thống nhất trong đa dạng”. Nay thì không còn tình trạng “vách ngăn” khép kín đó nữa.

Có thể chờ xem các “mặt bằng sáng kiến và hiệu quả nhằm gắn bó mọi công dân các nước thành viên ASEAN vào những chính sách và lợi ích của ASEAN” cụ thể là gì để các cá nhân có thể chọn lựa trong một ASEAN nay mở cửa cho người ASEAN, một chọn lựa theo định luật “bình thông nhau”, “nước chảy vào chỗ trũng”... nhất là trong lĩnh vực nhân lực.

Ta ở đâu trong đó?

Nói theo nhà thơ ngụ ngôn La Fontaine “lý lẽ của kẻ mạnh bao giờ cũng là tốt nhất”. Có người bảo rằng Cộng đồng ASEAN là một thị trường rộng lớn đông đến 620 triệu người, song vấn đề là nước nào có sản phẩm gì, dịch vụ gì thừa sức cạnh tranh trong đó.

Có thể tự điểm danh xem ta đang hùng mạnh trong lĩnh vực nào trong số 12 ngành ưu tiên hội nhập gồm bảy ngành sản xuất hàng hóa (nông sản, thủy sản, sản phẩm cao su, sản phẩm gỗ, dệt may, điện tử, ôtô), hai ngành dịch vụ (hàng không và thương mại điện tử, hậu cần), hai ngành vừa là hàng hóa vừa là dịch vụ (y tế và công nghệ thông tin) và lĩnh vực khác do các Bộ trưởng phụ trách hội nhập kinh tế ASEAN xác định.

Lấy một ngành ưu tiên hội nhập là nông nghiệp, xin nêu thắc mắc sau: đầu thế kỷ trước đã rộ lên những tên gọi hàm ngụ sự trầm trồ như “dừa xiêm, vịt xiêm, mãng cầu xiêm...” (Xiêm, Siam, tức Thái Lan sau Thế chiến thứ hai); sang đầu thế kỷ này là một lớp nông sản mới “gạo Thái”, “xoài Thái”, “sầu riêng Thái”, “chuối Phi”... thậm chí “ăn chơi” cũng phải bái phục “massage Thái”!

Thế còn đặc sản chiếm lĩnh thị trường Thái của ta là gì? Chưa thắng được đối thủ cạnh tranh trực tiếp về mặt chất lượng cùng chủng loại, khoan nói đến chiến thắng thị trường 620 triệu dân ASEAN.

Liệu thời gian 10 năm “khởi động” tới đây sẽ kịp để “đánh thức” lần chót các tổ chức kinh doanh, sản xuất, dịch vụ, học thuật... của Việt Nam? Vài thí dụ cho thấy băn khoăn không là thừa: đến nay, Singapore vẫn là điểm đến học tập hoặc chữa bệnh của không ít người Việt “có điều kiện”, song từ vài năm gần đây Thái Lan rồi Malaysia đã chen vào thị trường này.

Vấn đề đặt ra là tại sao những người “có điều kiện nhất” vẫn ung dung sang Singapore chữa bệnh mà quên nâng tầm cỡ bệnh viện Việt Nam lên? Tất nhiên cũng còn chút an ủi khi các bệnh viện Chợ Rẫy, Tâm Đức... vẫn đang là điểm đến chữa bệnh của một số người dân láng giềng!

Tính trung tâm

Trong văn kiện ký hôm 22-11, cụm từ “tính trung tâm của ASEAN” được nhắc lại trong mệnh đề: “Tăng cường khả năng ứng phó với các thách thức hiện hữu và đang nổi lên trong lúc vẫn duy trì tính trung tâm của ASEAN”. Câu này tóm tắt quá chính xác tình hình của ASEAN đang tứ bề thọ... thách thức - thách thức hiện tại và đang nổi lên.

Do vị trí “ngã tư quốc tế” của mình trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mà nay các thế lực lớn đang tranh giành ảnh hưởng, ASEAN đã thu hút các “ông lớn” này đến từ đầu tư, thương mại đến hợp tác các mặt, trong đó có cả chính trị và quân sự.

Bởi thế từ năm 2005, bắt đầu Thượng đỉnh Đông Á lần thứ nhất ở Kuala Lumpur và lần mới nhất cũng tại Kuala Lumpur vào hạ tuần tháng 11 vừa qua, trong tất cả thông cáo chung hay tuyên bố của chủ nhà đều có những mệnh đề nêu tính trung tâm của ASEAN.

Bài phân tích “ASEAN: Từ khu vực thương mại tự do đến cộng đồng kinh tế” của tạp chí Châu Á - Thái Bình Dương Đương Đại của Trung Quốc phần nào giải thích tính trung tâm này: “Địa vị “trung tâm” của ASEAN phần lớn là quan hệ cạnh tranh giữa các nước lớn bên ngoài khu vực.

Xem xét từ Khu vực thương mại tự do Trung Quốc - ASEAN đến ASEAN + 3, ASEAN + 6..., tuy hiệu quả thực tế của ASEAN khi thúc đẩy liên kết khu vực không hoàn toàn phù hợp với địa vị “trung tâm” của họ, nhưng nước lớn bên ngoài khu vực cũng ý thức việc xa rời ASEAN thì khuôn khổ hợp tác khu vực mà họ khởi xướng ở châu Á - Thái Bình Dương cũng không thể thực hiện được.

ASEAN trên thực tế đã trở thành ý tưởng hợp tác khu vực mà các nước lớn bên ngoài như Mỹ, Trung Quốc... thúc đẩy, kết nối và phối hợp ở sân chơi quan trọng mà họ có lợi ích và chủ trương”.

Tồn tại giữa phong ba

Cộng đồng ASEAN làm háo hức nhà đầu tư

Đó là đánh giá của tờ The Nation (Thái Lan), đi kèm với nhắc nhở trong thực tế vẫn còn nhiều bước phải vượt qua để biến cộng đồng kinh tế này thành hiện thực. “Các nhà đầu tư nước ngoài rất háo hức được đặt chân vào khu vực đang trở thành nền kinh tế thứ bảy ở tầm mức thế giới và tìm cách hưởng lợi từ đó” - tờ The Nation viết.

Tờ The Straits Times (Singapore) cho rằng ký kết trên là đúng thời điểm vì nền kinh tế Trung Quốc lộ rõ những dấu hiệu suy yếu. Tuy nhiên, The Nation cho biết còn đến 37 biện pháp phải giải quyết trên tổng số 506 biện pháp. Hiện nay, chỉ có tám nghề gồm bác sĩ, nha sĩ, kỹ sư, kiến trúc sư, kế toán, giám định, điều dưỡng và hướng dẫn viên du lịch được 10 nước thành viên công nhận lẫn nhau, cho phép công dân có bằng cấp tương ứng được hành nghề ngoài biên giới nước mình. Tờ The Nation lưu ý Cộng đồng ASEAN sẽ chỉ “là một thực tế khi lãnh đạo các nước thuyết phục được công dân nước mình và những nhà lập pháp về những lợi ích mà họ có thể hưởng”. L.T.

Thế nhưng những diễn biến gần đây cho thấy ASEAN không hẳn là “trung tâm”, tỉ như Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) do Mỹ khởi xướng, Hiệp định thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP) do Trung Quốc khởi xướng. ASEAN sẽ phải nằm giữa hai khu vực thương mại tự do do hai “đầu tàu” đang tranh chấp nhau kịch liệt, chỉ tranh giành ve vãn ASEAN chứ không nhắm gì khác?

Nghi vấn đó có thể nhận ra qua “mệnh lệnh” kép trong văn kiện nêu trên của ASEAN: “Tăng cường khả năng ứng phó với các thách thức hiện hữu và đang nổi lên...”.

Thách thức nào? Thượng đỉnh ASEAN - Mỹ lần thứ ba kết thúc bằng “Thông cáo chung về quan hệ đối tác chiến lược ASEAN - Mỹ” ngày 21-11-2015: “Chúng tôi tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và ổn định, việc đảm bảo an ninh và an toàn hàng hải, sự tự do hàng hải trong Biển Đông và bay bên trên Biển Đông...

Chúng tôi hậu thuẫn các nỗ lực đương thời của ASEAN - Trung Quốc nhằm thực thi đầy đủ, hiệu quả DOC trong toàn bộ và nhằm làm việc hướng tới việc nhanh chóng kết thúc một Bộ quy tắc ứng xử (COC) có hiệu lực thực thi”. Tuyên bố trên chẳng khác nào nhắc nhở Trung Quốc nghiêm chỉnh với DOC và thúc hối sớm sủa với COC. Một sự đồng thanh hiếm thấy của ASEAN.

Có lẽ cuối cùng ái ngại vẫn là một thôi thúc từ vô thức, y hệt sự hớn hở cũng từ vô thức của Jin Yongming - nhà nghiên cứu Học viện luật, Hàn lâm viện khoa học xã hội Thượng Hải - khi viết: “Sáng kiến chiến lược “một vành đai, một con đường” là bước tiến quan trọng của Trung Quốc trong việc chống lại các chính sách ngăn chặn của một vài nước phương Tây...

Nếu được thực hiện đúng cách, những sáng kiến này sẽ giúp xây dựng hình ảnh của Trung Quốc như là một quốc gia đã sẵn sàng thực hiện trách nhiệm quốc tế hơn nữa và bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của mình”. Jin Yongming tán dương sáng kiến này của Chủ tịch Tâp Cận Bình là sự khôi phục vinh quang đã mất của nền văn minh Trung Quốc.

Còn tờ Myanmar Times ngày 13-7-2015 nêu câu hỏi: “Myanmar có thể hưởng lợi từ kế hoạch của Trung Quốc?”, đồng thời tự trả lời một cách thận trọng: “Trong những năm tới, Myanmar sẽ phải đấu tranh để hài hòa các nhu cầu của mình với những mong muốn của người hàng xóm khổng lồ. Đảm bảo rằng mỗi khoản đầu tư sẽ tối đa hóa lợi ích địa phương vẫn là một thách thức đương thời.

Làm sao cân bằng việc duy trì dòng vốn đầu tư sản xuất từ Trung Quốc với việc bảo vệ lợi ích các địa phương sẽ đòi hỏi một chiến lược phát triển rõ ràng, các định chế mạnh mẽ và sự minh bạch ở mức độ cao để có thể làm giảm bớt những lo ngại của công chúng về việc mất kiểm soát tương lai kinh tế của Myanmar”.

ASEAN đã nhìn thấy những thách thức chung. Mỗi nước trong ASEAN từ vị trí địa lý của mình có thể cảm nhận ít hay nhiều hơn. Hoài nghi tuyệt đối đến mức phủ định là không thực tế, song háo hức vô hạn cũng là phi thực tế.■

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận