Báo Trung Quốc "vén màn" vụ Bạc Hi Lai

TTCT - Khi Hoàn Cầu Thời Báo (Global Times) trách: “Vụ Bạc Hi Lai đã làm dấy lên sự quan tâm của công chúng và báo chí nước ngoài. Một số nhà quan sát phương Tây đặt câu hỏi: Nếu vụ này không được tung hê ra, liệu Trung Quốc sẽ có thể chuyển hướng qua cực tả?” (1).

Không thể không đặt câu hỏi: Vụ Bạc Hi Lai có thật sự phức tạp hơn là một vụ án hình sự (vợ Bạc Hi Lai bị tình nghi liên quan đến một vụ án mạng)?

Phóng to
Cựu bí thư Trùng Khánh Bạc Hi Lai bị cách chức vì vợ bị tình nghi liên quan đến cái chết của doanh nhân người Anh Neil Heywood - Ảnh: Reuters

Hôm 15-3, tất cả bắt đầu bằng một thông cáo lạnh lùng loan báo “Trương Đức Giang thay thế Bạc Hi Lai ở chức vụ bí thư Trùng Khánh” và “Vương Lập Quân cũng đã bị Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc cách chức phó chủ tịch TP Trùng Khánh”.

Màn bí mật

“Vụ Bạc Hi Lai chạm đến suy nghĩ của mỗi người dân Trung Quốc. Họ mong mỏi có đầy đủ thông tin và có ngay kết luận…”

Thông cáo không nêu lý do cách chức mà chỉ vắn tắt cho biết “Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đi đến quyết định này sau khi kín đáo xem xét và căn cứ trên các hoàn cảnh đương thời cùng tình hình chung”. Ngược lại, thông cáo lại nghiêm trọng cho biết “Vương Lập Quân đã vô Lãnh sự quán Mỹ tại Thành Đô (tỉnh Tứ Xuyên) hôm 9-2 và ở trong đó một ngày” và rằng “Thủ tướng Ôn Gia Bảo đề nghị chính quyền Trùng Khánh phải phản ánh nghiêm túc và rút ra bài học từ vụ việc này”.

Thông cáo kết thúc bằng chi tiết “chính quyền trung ương đã xem xét vấn đề rất nghiêm túc và đã chỉ thị các ban ngành hữu quan khởi sự điều tra ngay sau khi nội vụ diễn ra” - Thủ tướng Ôn Gia Bảo phát biểu như thế trong một cuộc họp sau khi kết thúc khóa họp thường niên của Quốc dân đại hội (2).

Một thông báo dài 348 từ, khá chi tiết về vụ Vương Lập Quân vô tòa lãnh sự Mỹ, song lại hết sức kín tiếng về vụ Bạc Hi Lai, không thể không khiến dư luận bàn tán, đồn thổi...

Ba tuần sau mới vén màn

Đến ngày 12-4, Global Times đăng bài “Nhân Dân Nhật Báo kêu gọi ổn định sau khi vụ Bạc Hi Lai được công bố”. Đọc bài báo này mới thấy chi tiết “vợ của Bạc Hi Lạc bị tình nghi liên quan đến cái chết của doanh nhân người Anh Neil Heywood…” và rằng “vụ việc khẩn cấp này bắt đầu từ việc nguyên phó chủ tịch Trùng Khánh Vương Lập Quân tìm cách tị nạn chính trị tại Lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô… (3)”.

Thông tin về nội vụ thì vắn tắt, song lại mô tả đậm đà hậu quả: “Quyết định của trung ương và việc tái điều tra đã làm dấy lên những “phản ứng mạnh mẽ” trong đảng viên và xã hội”. Bài báo không nói rõ “những phản ứng mạnh mẽ” này là gì, song tiếp đó giãi bày “quyết định của trung ương dựa trên các sự kiện và thượng tôn pháp luật… nhằm tìm kiếm sự thật” để rồi “yêu cầu người Trung Quốc hiểu ý nghĩa của quyết định của trung ương và hành động một cách ý thức thuận chiều với Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc…”.

Thật ra, Global Times thường đưa lại tin tức theo Tân Hoa xã hoặc Nhân Dân Nhật Báo. Cách đưa tin đó dẫn đến hậu quả là đồn đại càng trở nên hỗn loạn đến nỗi cùng ngày, Global Times cho biết từ giữa tháng 3, tức ngay sau vụ này được công bố hôm 15-3, cho đến ngày 12-4 đã phải đóng cửa 42 trang web đồn thổi và xóa đi 210.000 cái “comment” (bình luận) về vụ này (4).

Càng thanh minh, càng khó hiểu

Đồn thổi trong nước một, suy đoán ngoài nước mười! Nhất là hôm sau (13-4) lại có tin “Phản kháng ở Trùng Khánh bị giải tán sau hai ngày”, theo đó “cuộc biểu tình kéo dài hai ngày huy động khoảng 10.000 cư dân đụng độ với cảnh sát do việc sáp nhập hai khu vực của Trùng Khánh, không liên quan gì đến việc cách chức nguyên chủ tịch đảng bộ Trùng Khánh Bạc Hi Lai. Bốn xe cảnh sát bị đốt, 12 xe cảnh sát bị đập phá…” (5).

Cùng ngày (13-4), Global Times lại đăng một bài “đánh đố” không rõ điều gì thật sự xảy ra mà tờ này lại phải biện luận rằng: “Đất nước đang trở nên đa dạng, điều đó tác động đến việc quản lý xã hội ở mọi cấp. Quản lý một xã hội đa dạng vẫn còn là một thách đố mới mẻ đối với Trung Quốc. Đối với một nước đã quen lâu với sự đồng nhất, việc đa dạng hóa sẽ đem đến một số rối rắm, nên cần dung thứ hơn nữa. Song đoàn kết xã hội cần được tăng cường để bổ sung cho sự đa dạng này” (6).

Mãi đến đây, bài báo mới giải thích thế nào là tác động của sự đa dạng xã hội đó: “Có những tiếng nói chống lại sự đoàn kết. Họ nghĩ rằng xã hội đa dạng như thế nào thì có thể phát triển như thế đó. Song tuyến suy nghĩ này không khống chế hệ thống quyết định chính sách”.

Đến cuối bài lại thêm một câu kinh thiên động địa: “Những kẻ theo phái tự do (nguyên văn: the liberals) cùng báo chí phương Tây đang ra sức thuyết phục công chúng Trung Quốc rằng có thể đạt đến dân chủ ở Trung Quốc bằng cách làm phân hóa Đảng Cộng sản Trung Quốc. Suy nghĩ này phải bị bác bỏ” (7).

“Thông thái" gải thích

Thế là đến ngày 19-4, Global Times nhờ Lư Tiểu Ba, một giáo sư Trường Hành chính thuộc Đại học Nam Kinh, “giải độc dư luận”. Trả lời câu hỏi “Một số nhà quan sát phương Tây tin rằng nếu vụ Bạc Hi Lai không bị phơi bày, Trung Quốc dám nghiêng qua cực tả”, giáo sư Lư luận thuyết: “Chính trị trong mọi chế độ đều bao gồm những bất định.

Thường thì bất định trong một hệ thống dân chủ ở mức độ thấp hơn là trong một hệ thống chuyên chế. Trường hợp của Bạc Hi Lai cho thấy một vài khu vực của đất nước, bị chế ngự bởi một vài khuôn mặt quyền lực, có thể chứng kiến những bất ổn trong ý tưởng cầm quyền và mô hình phát triển.

Một vài bất định đó có thể làm nảy sinh một mô hình tăng trưởng mới tinh và hiệu quả, như vào đầu quá trình triển khai sách lược cải cách và mở cửa, lúc đó cũng bao gồm một số bất định và gặp phải những nghi kỵ và đối kháng, song lần hồi chiếm được sự đồng thuận của xã hội. Ngược lại, một số bất định lại có thể dẫn đến con đường ngược chiều hoàn toàn. Song những bất định như thế thường mang tính địa phương và tạm thời, không khó để sửa sai”.

Nếu hiểu đúng giáo sư Lư, vụ vợ Bạc Hi Lai dính líu đến án mạng là một chuyện, còn việc Bạc Hi Lai định đưa thành phố có dân số đông nhất Trung Quốc, 32 triệu người (tương đương 1/3 dân số Việt Nam) trên một diện tích 82.400km2 (gần bằng 1/4 diện tích Việt Nam), đi đến đâu lại là chuyện khác, gọi là “cực tả”.

Được hỏi về dư luận nháo nhào, giáo sư Lư góp ý: “Vụ Bạc Hi Lai chạm đến suy nghĩ của mỗi người dân Trung Quốc. Họ mong mỏi có đầy đủ thông tin và có ngay kết luận. Song điều tra thì phải qua đủ thủ tục và đúng quy định để tránh đưa ra phán đoán sai.

Điều tra lần này không chậm, song trong kỷ nguyên Internet, nhu cầu thỏa mãn quyền được biết ngày càng tăng, những nhà lãnh đạo cấp cao nhất cần phải cải thiện trong việc cân bằng giữa thận trọng và tính thời gian, trả lời các tin đồn và công bố các dữ kiện. Mong rằng trong tương lai sẽ nhanh chóng công khai hơn”.

__________

(1) China on path of greater certainty after Bo case , Global Times | April 19, 201
(2) Zhang Dejiang replaces Bo Xilai as Chongqing Party chief , Xinhua | March 16, 2012
(3) People's Daily calls for stability after Bo's case exposed , Xinhua | April 12, 2012
(4)
http://www.globaltimes.cn/NEWS/tabid/99/ID/704587/China-removes-210000-online-posts-closes-42-websites-in-rumor-cleanup.aspx
(5) Protest in Chongqing disperses after 2 days, Global Times | April 13, 2012
(6) People's Daily calls for stability after Bo's case exposed Xinhua | April 12, 2012
(7) Unity and diversity key to China’s future, Global Times | April 13, 2012

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận