Bầu cử Mỹ:Kết quả cuối cùng

ANH QUÂN 19/12/2020 21:00 GMT+7

TTCT - 42 ngày sau bầu cử, lãnh đạo Thượng viện Mỹ phe Cộng hòa Mitch McConnell cuối cùng đã thừa nhận và chúc mừng chiến thắng của ông Joe Biden.

Tổng thống và Phó tổng thống tân cử của Mỹ. Ảnh: Washington Post

“Nhiều người hi vọng cuộc bầu cử tổng thống có kết quả khác, nhưng hệ thống chính quyền có quy trình quyết định ai sẽ tuyên thệ vào ngày 20-1, ông McConnell phát biểu ở Thượng viện hôm 15-12, Đại cử tri đoàn đã lên tiếng. Nên hôm nay, tôi muốn chúc mừng Tổng thống tân cử Joe Biden”.

Tránh kết cục hỗn loạn

Dù động thái của ông McConnell chỉ tới nhiều tuần sau khi ông Biden đã được xác định thắng cử, hành động này có ý nghĩa lớn khi ông là nhân vật quan trọng nhất của phe Cộng hòa ở Quốc hội. Nó đồng thời chấm dứt các nỗ lực liên tiếp của phe Cộng hòa nhằm lật lại kết quả bầu cử và giúp tránh một kết cục hỗn loạn ở Quốc hội trong tháng tới, tháng mà tổng thống tân cử sẽ nhậm chức chính thức.

Trong cuộc điện thoại với các thượng nghị sĩ Cộng hòa sau đó, ông McConnell và các lãnh đạo Thượng viện kêu gọi các nghị sĩ không tham gia phản đối kết quả hôm 6-1 tới, khi Quốc hội họp để phê chuẩn quyết định của đại cử tri đoàn.

Nhóm nhỏ các hạ nghị sĩ Cộng hòa, đứng đầu là Mo Brooks của Alabama, muốn dùng quy trình hiến pháp để loại các phiếu của năm bang chiến trường trong ngày hôm đấy. Theo The New York Times, khả năng chuyện này xảy ra gần như bằng không, nhưng chỉ cần một nghị sĩ ủng hộ đề đạt của Brooks thì cuộc kiểm phiếu hôm 6-1 có nguy cơ trở nên rất hỗn loạn và biến thành một cuộc khủng hoảng hiến pháp.

Bắt đầu từ 10h sáng 13-12 ở New Hampshire, các đại cử tri gặp gỡ ở nghị viện bang để bỏ phiếu cho ông Biden. Tới trưa 14-12, đại cử tri các bang chiến trường Arizona, Georgia và Pennsylvania - tâm điểm các vụ kiện cáo của ông Trump - đều đã bỏ phiếu cho Biden. Khi những đại cử tri cuối cùng ở Hawaii bỏ phiếu, ông Biden chính thức giành được 306 phiếu đại cử tri. Không có đại cử tri nào “bất trung” trong lần bỏ phiếu này.

Phát biểu tối 14-12 từ Wilmington, Delaware, ông Biden nói giờ là lúc “lật sang trang mới”. Ca ngợi các quan chức bầu cử đã duy trì được sự minh bạch, ông nói thêm: “Đó là cuộc bầu cử trung thực, tự do, và công bằng. Họ nhìn bằng mắt của mình và họ không để bị ép nói bất cứ điều gì khác”.

Giữa tất cả hỗn loạn mà ông Trump khuấy lên với các thuyết âm mưu, kiện tụng và cáo buộc vô căn cứ về gian lận, lá phiếu của đại cử tri đoàn chính thức xác nhận chiến thắng cho ông Biden, theo khuôn mẫu thường kỳ của nền dân chủ Mỹ. Dù người ủng hộ ông Trump đe dọa biểu tình bên ngoài nghị viện những bang chiến trường, cuộc bỏ phiếu của đại cử tri phần lớn diễn ra êm ả. Ở một số bang, số cảnh sát có mặt còn đông hơn người biểu tình.

 Theo hiến pháp Mỹ, tổng thống được đại diện của 50 tiểu bang - chứ không phải cử tri phổ thông - lựa chọn. Khi hiến pháp được soạn thảo năm 1788, chế độ quân chủ vẫn là hình thức cai trị phổ biến, nên không có mô hình lý tưởng nào cho việc lựa chọn tổng thống. Một số người soạn hiến pháp muốn dựa trên phiếu phổ thông, một số thì muốn bầu gián tiếp qua các nghị sĩ. Phương án thỏa hiệp được lựa chọn là mỗi bang sẽ lựa chọn đại cử tri tương đương với số nghị sĩ mà bang này có ở quốc hội. Do mỗi bang đều có hai thượng nghị sĩ - dù quy mô dân số ra sao - các bang nhỏ có lợi thế hơn hẳn trong bầu cử tổng thống. Điều đó khiến một đại cử tri của bang Wyoming đại diện cho chỉ 193.000 dân, trong khi ở California, một đại cử tri lại nói thay cho tới 718.000 dân.

Sự thừa nhận muộn màng

Dù việc đại cử tri đoàn tập hợp bỏ phiếu là mốc quan trọng, sự kiện này thường ít được chú ý trong diễn trình lịch sử Mỹ, cho tới khi ông Trump liên tục bác bỏ kết quả cuộc bầu cử vừa rồi. Giờ thì cuộc bỏ phiếu hôm 14-12 có thể coi là dấu chấm hết cho những bất ổn và kiện cáo từ sau bầu cử.

Một số thượng nghị sĩ Cộng hòa đã thừa nhận, dù hằn học, rằng ông Biden đã thắng. Trong khi đó, ông Trump vẫn tỏ thái độ thách thức. Ông chỉ trích Tòa tối cao vì bác đơn kiện của bang Texas, tiếp tục những cáo buộc vô căn cứ về gian lận bầu cử, và chưa nhận thua công khai. Những ngôn từ ngày càng cay cú từ tổng thống khiến căng thẳng tiếp tục trên khắp nước Mỹ. Biểu tình đã biến thành bạo động giữa phe ủng hộ và chống đối ông Trump ở Washington DC vào cuối tuần rồi, khiến ít nhất 4 người bị đâm và hàng chục người bị bắt.

Những nỗ lực của ông Trump có sự tiếp sức của rất nhiều chính trị gia Cộng hòa, bao gồm 126 nghị sĩ và 18 tổng chưởng lý các bang Cộng hòa ủng hộ vụ kiện của bang Texas ra Tòa tối cao - đã bị bác hôm 11-12. Ngay cả khi áp đảo hoàn toàn về số phiếu phổ thông, có lúc phe Dân chủ vẫn ở ngưỡng chấp chới thua cuộc bởi hệ thống rắc rối của đại cử tri đoàn, vốn thổi phồng vai trò của các bang nhỏ, có khuynh hướng thiên Cộng hòa.

Hôm 8-12 có lẽ là đòn kết liễu những nỗ lực của ông Trump và đội ngũ pháp lý: Tòa tối cao bác vụ kiện hoang đường về kết quả bầu cử ở Pennsylvania. Phe ông Trump hi vọng tòa tuyên vô hiệu toàn bộ 2,6 triệu phiếu bầu qua thư của bang này. Nhưng tòa đã bác đơn kiện chỉ 34 phút sau khi bên nguyên, một nhóm gồm tám người Cộng hòa ở Pennsylvania, nộp phần tóm tắt lập luận. Bất chấp sự vô lý đến nực cười của vụ kiện, nó vẫn nhận được sự ủng hộ của 24 dân biểu Cộng hòa, gồm 23 hạ nghị sĩ và thượng nghị sĩ Ted Cruz (ông Cruz thậm chí nói ông sẽ ra tranh luận tại tòa, nếu đơn được thụ lý).

Nhưng đó vẫn chưa phải là vụ kiện lố bịch nhất. The Economist trao “danh hiệu” đấy cho vụ tiểu bang Texas kiện bốn tiểu bang Georgia, Michigan, Pennsylvania và Wisconsin nhằm bác chiến thắng của ông Biden.■


Bốn năm trước, phe Dân chủ cằn nhằn là ông Donald Trump thắng quá sít sao ở ba bang - chỉ với 77.774 phiếu ở Wisconsin, Michigan và Pennsylvania - thay đổi cục diện của cả cuộc bầu cử. Lần này, dù ông Biden hơn tới 7 triệu phiếu phổ thông, khoảng cách định đoạt phiếu đại cử tri đoàn thực tế còn sít sao hơn nhiều. Con số cuối cùng cho thấy nếu 43.560 phiếu (0,03% tổng số phiếu) ở ba bang (Arizona, Georgia và Wisconsin) thay đổi lựa chọn thì kết quả của bầu đại cử tri đã là hòa 269-269.

Kết quả bầu cử khi đó sẽ được quyết định bởi cuộc bỏ phiếu theo cơ chế cổ lỗ “Yea or nay” (yes or no) ở Hạ viện. Phe Dân chủ đã tránh được kịch bản ác mộng này. Tất cả các bang đều đã xác nhận kết quả và đại cử tri đoàn đã gặp gỡ hôm 14-12 để bỏ phiếu bầu ông Biden làm tổng thống. Ông Biden thắng với tỉ lệ 306-232 đại cử tri. Bốn năm trước, cùng với tỉ lệ này, ông Trump khoe là “áp đảo”, còn giờ thì ông chỉ trích nó là “lừa đảo”. Khoảng cách dẫn phiếu phổ thông của ông Biden cũng tăng lên 4,5 điểm phần trăm, tương đương 7 triệu phiếu - lớn hơn nhiều so với khoảng cách dẫn 2,1 điểm phần trăm của bà Hillary Clinton năm 2016.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận