Bầu cử Philippines: Những di sản Duterte

DU LONG 09/05/2022 01:00 GMT+7

TTCT - Ngày 9-5 này, cử tri Philippines sẽ lại đi bầu tổng thống, 12 thượng nghị sĩ, toàn bộ 316 hạ nghị sĩ, 81 thống đốc, cùng vô vàn thị trưởng và nghị viên hội đồng địa phương. Ai sẽ thế chỗ tổng thống mãn nhiệm Rodrigo Duterte sau 6 năm cầm quyền? Đường lối đối ngoại tới đây sẽ hướng đến đâu? Kinh tế - xã hội như thế nào cho cả trăm triệu dân?

Hiến pháp 1987 chỉ cho phép một nhiệm kỳ tổng thống, nên nói vui, sẽ không có một vụ 6-1-2021 như ở Mỹ, khi đam mê quyền lực vượt lên lý trí và khuôn khổ luật pháp. Dẫu sao cũng có lúc ông Duterte tuyên bố “hết hồn” như khi đòi ra ứng cử phó tổng thống (hiến pháp cho phép) - khiến tờ New York Times 27-8-2021 còn giựt tít: “Làm thế nào Duterte vẫn là số 1 bằng cách trở thành số 2?”. 

Trong kịch bản đó, Duterte có thể thắng cử phó tổng thống trong liên danh với ái nữ của ông, bà Sara Duterte, thị trưởng thành phố Davao, người bấy giờ tính ra tranh cử tổng thống. Nhưng cuối cùng tới giữa tháng 11-2021, ông Duterte thôi đòi ra tranh cử, còn bà Sara thì sẽ chỉ đứng tên tranh ghế phó tổng thống.

 
 Phó tổng thống Robredo và Tổng thống Duterte. Ảnh: Reuters

Các vấn đề chung

Trong số những người chính thức ứng cử tổng thống năm nay, nổi bật nhất là Ferdinand “Bongbong” Marcos Jr., con trai của tổng thống độc tài bị lật đổ Ferdinand Marcos; Manny Pacquiao, một thượng nghị sĩ và cựu vô địch quyền anh; Phó tổng thống Leni Robredo, người đã chỉ trích ông Duterte 6 năm qua; và ông Isko Moreno, thị trưởng Manila, cựu diễn viên.

Ở Philippines chỉ bỏ phiếu một vòng, đồng nghĩa người đứng đầu sẽ trở thành tổng thống, dù với đa số tuyệt đối hay tương đối. Năm 2016, ứng cử viên Duterte về nhứt với 39,01% số phiếu trong một cuộc bầu cử mà tỉ lệ tham gia là 80,69%, tăng 6,35% so với năm 2010.

Năm nay, cuộc bầu cử diễn ra sau khi đại dịch COVID-19 đã tàn phá nền kinh tế Philippines trong năm 2020, GDP sụt giảm tới 9,5%, còn tệ hơn cả cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1998. Song qua năm 2021, GDP đã lên lại được 5,6% (Nikkei Asia 27-1-2022). 

Báo cáo “Giành lại vùng đất đã mất, phục hồi lực lượng lao động Philippines” Ngân hàng Thế giới (WB) công bố đầu tháng 12-2021 ghi chép khá lạc quan sự hồi sinh của nền kinh tế: “Phục hồi từ mức suy giảm sâu vào năm 2020, nền kinh tế Philippines được dự báo sẽ tăng trưởng 5,3% trong năm nay trước khi tăng tốc lên mức trung bình 5,8% vào năm 2022-2023”. Để dễ hình dung: WB 13-1-2022 dự báo năm 2022, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vào khoảng 5,5%.

WB cho rằng chìa khóa cho tăng trưởng của Philippines là: “Chi tiêu của chính phủ cho cơ sở hạ tầng dự kiến sẽ thúc đẩy tăng trưởng, được hỗ trợ bởi tiến độ ổn định trong tiêm chủng, dẫn đến việc người dân chuyển dịch nhiều hơn và sự hồi sinh của các doanh nghiệp. Trừ phi có một đợt gia tăng COVID-19 mới, việc tiêu dùng của các hộ gia đình được dự báo sẽ phục hồi, nhờ vào lượng kiều hối tăng và cải thiện thu nhập khi nhiều người lấy lại hoặc tìm được việc làm mới”.

Bản tin của WB trích lời Ndiame Diop, giám đốc phụ trách Brunei, Malaysia, Philippines và Thái Lan: “Việc mở cửa kinh tế trở lại, cùng tiến bộ trong tiêm chủng rõ ràng đang củng cố sự năng động trong nước và niềm tin thị trường... Điều quan trọng là phải tăng cường sự tham gia của khu vực tư nhân vào quá trình phục hồi bằng cách đẩy mạnh các nỗ lực hiện tại khiến môi trường kinh doanh của quốc gia thuận lợi cho việc tạo việc làm và nâng cao kỹ năng cho người lao động để họ có thể hưởng lợi từ các cơ hội việc làm mới hoặc đang phát triển”.

Trọng điểm nợ công

Trên đây là bối cảnh chung, song nhìn kỹ, theo Bộ trưởng Tài chánh Carlos Dominguez III, sẽ thấy nổi lên 4 vấn đề căn bản: quản lý nợ; lạm phát do thiếu hụt toàn cầu; sự bất bình đẳng do đại dịch gây ra; và biến đổi khí hậu (PhilStar 25-11-2021). Trong số 4 vấn đề được Bộ trưởng Dominguez đề cập, Nicholas Antonio Mapa, nhà kinh tế cấp cao tại Ngân hàng ING ở Manila, tin rằng vấn đề đau đầu nhất với tổng thống tiếp theo sẽ là khoản nợ chồng chất của chính phủ đã tích tụ trong đại dịch.

Những cảnh báo đó được Bloomberg 2-2-2022 củng cố: “Theo Bộ Tài chánh, khoản nợ chưa thanh toán của Chính phủ Philippines lên đến 11.700 tỉ peso (229 tỉ USD) vào cuối tháng 12-2021, tăng 1/5 so với một năm trước. Tỉ lệ nợ trên GDP tăng lên 60,5% vào năm 2021 từ 54,6% của năm trước”.

Tại sao lại tăng công nợ? Michael Ricafort, kinh tế gia tại Rizal Commercial Banking Corp., Manila, giải thích đại dịch đã làm giảm hoạt động kinh doanh và chậm việc thu thuế. Bộ Tài chánh Philippines thì cho biết tỉ lệ này vẫn “nằm trong ngưỡng bền vững được chấp nhận khi nền kinh tế tiếp tục phục hồi sau những ảnh hưởng của đại dịch”. 

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Benjamin Diokno cũng phủ nhận những lo ngại về việc gia tăng các khoản vay và quả quyết rằng tỉ lệ nợ trên GDP sẽ được kiểm soát và giảm dần xuống dưới mức 60% giai đoạn 2022-2024, theo Bloomberg. Trong góc nhìn đó, ông Ricafort phân tích: “Mở cửa kinh tế trở lại sẽ thu hẹp thâm hụt ngân sách và giảm nhu cầu vay nợ”.

Dẫu vậy, đó vẫn là một nỗi lo có thực. Kinh tế gia Mapa cho rằng tân tổng thống có thể buộc phải đưa ra “những quyết định khó khăn” như tăng thuế hoặc hạn chế chi tiêu, mà cả hai biện pháp này đều có thể có tác động lớn lên tham vọng tăng trưởng và danh tiếng của chính quyền sắp tới. Ông Mapa kết luận: “Chính quyền mới có thể phải thừa kế một nền kinh tế thách thức hơn nhiều so với chính quyền đương nhiệm”.

Các vấn đề trên, các ứng cử viên ra tranh cử đều biết, ý thức gánh nặng sẽ phải gánh, và mỗi người có cách tiếp cận riêng. Tỉ như ông Marcos Jr., người liên danh với con gái ông Duterte trong liên minh “BBM-Sara UniTeam”, chủ trương cơ bản sẽ tiếp tục các chính sách của ông Duterte, hứa hẹn thúc đẩy đầu tư nước ngoài và tiếp tục phát triển cơ sở hạ tầng. 

Ông Marcos Jr. còn nhấn mạnh ưu tiên của BBM-Sara UniTeam là tạo ra thêm nhiều việc làm, tập trung vào lĩnh vực kinh doanh, nông nghiệp, du lịch và cơ sở hạ tầng phù hợp với chương trình “Xây dựng, xây dựng, xây dựng” khá thành công của chính quyền Duterte.

Ông hô hào: “Chúng ta phải chuẩn bị cho sự phục hồi đó, chúng ta phải tạo ra công ăn việc làm... Trong số các ưu tiên hàng đầu là tập trung vào các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, vì họ có thể nhanh chóng tạo việc làm cho người Philippines và trong quá trình này, sẽ mang thức ăn lên bàn ăn của dân chúng” (Business Mirror 17-1-2022).

Một ứng cử viên hàng đầu khác là bà Leni Robredo, 57 tuổi, đương kim phó tổng thống, được xem là đại kình địch của ông Marcos Jr. ngay từ cuộc bầu cử trước khi thắng ông nay sát nút, chỉ hơn có 263.473 phiếu bầu, khi cùng tranh chức phó tổng thống. Bà Robredo là một nữ chính khách tầm cỡ quốc tế, từng được Chính phủ Thái Lan tôn vinh vào năm 2016 vì công trạng đấu tranh cho nữ quyền và bình đẳng giới.

Khi lên làm phó tổng thống, bà đảm trách chương trình chống đói nghèo Angat Buhay. Trong đại dịch, phủ phó tổng thống của bà phục vụ xe buýt chở nhân viên y tế ra tuyến đầu, xét nghiệm, gây quỹ... Tất cả các hoạt động này đều “chạy bằng tiền”, nên theo chính sách phòng chống tham nhũng ở Philippines, hằng năm phủ phó tổng thống đều được tổng Kiểm toán Nhà nước kiểm toán và kết quả các năm 2018, 2019, 2020 đều là trong sạch “ngoại hạng” (Inquirer 29-6-2021).

Khác biệt giữa hai ứng viên chính

Suốt 6 năm trào Duterte, bà Robredo đã kịch liệt chỉ trích các chính sách của ông tổng thống, bao gồm chính sách đối ngoại, cụ thể là quan hệ với Trung Quốc. Ngay từ năm 2019, Bloomberg đã loan tin: “Phó tổng thống Philippines Leni Robredo cho biết người dân lo lắng rằng ông Rodrigo Duterte đang “bán đứng” cho Bắc Kinh và kêu gọi tổng thống có lập trường mạnh mẽ hơn để bảo vệ chủ quyền đất nước ở Nam Hải [Biển Đông] đang tranh chấp”.

Cụ thể, bà Robredo cho rằng tổng thống đã không tận dụng phán quyết của Tòa trọng tài thường trực quốc tế về Biển Đông. Bà nói với Bloomberg TV tại Manila: “Tôi hiểu tại sao chính quyền mới thân thiện hơn với Trung Quốc, nhưng tôi nghĩ rằng cần phải có đường lối rõ ràng trong việc bảo vệ lãnh thổ và chủ quyền. Tổng thống đã đưa ra rất nhiều tuyên bố mang lại cảm giác rằng chúng tôi đang thuận tình đáp ứng những gì Trung Quốc muốn”.

Báo Philippinses Inquirer 8-2-2022 giật tít: “Về Trung Quốc: Bongbong đấu Leni”. Tờ này nhắc lại ông Marcos cha: 

“Khi nói đến chính sách đối ngoại, và quan hệ của chúng ta với các siêu cường, Ferdinand Marcos không phải là một kẻ ngốc, cũng không phải là một con rối điên rồ. Nếu có gì thì đó là người hùng cũ của Philippines đã đứng lên chống lại những kẻ bắt nạt trong chiến tranh lạnh và qua đó triển khai chính sách ngoại giao chủ động để tăng cường khả năng cơ động chiến lược của Philippines. Trong khi gắn bó với liên minh Philippines - Mỹ, ông Marcos đã khéo léo vận động Washington, Matxcơva và Bắc Kinh chống lại nhau để tạo ra cơ hội tối đa cho Philippines. Ông cũng tích cực bảo vệ lợi ích của Philippines ở biển Tây, xây dựng đường băng hiện đại đầu tiên ở khu vực này vào cuối những năm 1970 để ngăn chặn các đối thủ như Trung Quốc”.

Sau đó, tờ báo so sánh với ông con Marcos Jr.: "Nửa thế kỷ sau, con trai nhà cựu độc tài đang hát một giai điệu khác, vuốt ve chủ nghĩa dân túy Hán tộc ở dinh Malacañang, thay vì chính sách đối ngoại quyết đoán của ông bố Marcos. Trớ trêu thay, chính phe đối lập tự do, do Phó tổng thống Leni Robredo đứng đầu, lại đang ủng hộ cách tiếp cận chủ động và yêu nước với các tranh chấp biển Tây và mối quan hệ tổng thể của chúng ta với các siêu cường".■

Ông Marcos Jr., 64 tuổi, sẽ thu được bao nhiêu lá phiếu tín nhiệm vào thứ hai tới sẽ là một câu chuyện rất lý thú, nhất là khi dù muốn hay không, tên tuổi ông vẫn gắn với cha ông. Cựu tổng thống Ferdinand Marcos bị lật đổ vào năm 1986 do đã cai trị bằng bàn tay sắt với Philippines từ năm 1972 và thản nhiên gọi đó là “chuyên quyền hợp hiến”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận