Cần chính sách rõ rệt về tâm lý học đường

PHI HÀ 10/12/2015 23:12 GMT+7

TTCT- TS Lê Nguyên Phương - người Việt ở Hoa Kỳ, chủ tịch Liên hiệp Phát triển tâm lý học đường quốc tế (CASP-I*) - là chuyên gia tâm lý học đường của Học khu Long Beach, California và là giảng viên của chương trình cao học bộ môn tâm lý học đường tại Đại học Chapman, California, trò chuyện với TTCT về việc đào tạo các chuyên gia tâm lý học đường.

Minh họa: DAD
Minh họa: DAD

Năm 2007, TS Lê Nguyên Phương về làm việc với Viện Tâm lý Hà Nội, sau đó tại ĐH KHXH&NV TP.HCM năm 2008, rồi tổ chức Hội thảo tâm lý học đường quốc tế lần 1 tại Hà Nội năm 2009 (với sự tham gia của ba trường đại học Hoa Kỳ).

Hội thảo là tiền đề cho việc ra đời Liên hiệp Phát triển tâm lý học đường tại Việt Nam (Consortium to Advance School Psychology in Vietnam - CASP-V) vào năm 2009. Ở Việt Nam, CASP-I có các thành viên: ĐH Giáo dục Hà Nội, ĐH KHXH&NV Hà Nội, ĐH Sư phạm Huế, ĐH Sư phạm Đà Nẵng, ĐH Sư phạm TP.HCM, ĐH KHXH&NV TP.HCM. CASP-I đã xây dựng các chương trình đào tạo về tâm lý học đường, thực hiện các dự án phát triển những chương trình giảng dạy, sách giáo khoa, trao đổi giảng viên, đào tạo giảng viên nguồn.

Cần mã ngành, mã nghề

Thưa ông, câu chuyện ông về nước để tìm hiểu rồi hợp tác đào tạo về ngành tâm lý học đường với các trường đại học trong nước đã bắt đầu như thế nào?

- Một câu chuyện mang cho tôi cảm xúc rất mạnh, khiến tôi lần đầu về Việt Nam sau một thời gian dài định cư tại Hoa Kỳ là chuyện của bé Huỳnh Thị Ngọc Trâm ở một trường tiểu học của Đồng Tháp. Em bị giáo viên nghi ngờ ăn cắp 45.000 đồng, thời điểm đó chỉ tương đương 3 USD.

Ông hiệu trưởng đã yêu cầu giáo viên chở em Trâm qua đồn công an và ở đó em đã bị thẩm vấn liên tục trên ba tiếng đồng hồ mà không có sự hiện diện của gia đình hay bất cứ người lớn nào để bảo vệ quyền lợi của em.

Khi em về nhà thì có những triệu chứng mà với con mắt của người chuyên viên tâm lý là bị chấn thương về tâm lý (Việt Nam gọi là sang chấn tâm lý, như khi em gặp người lớn, thấy người lạ là em sợ hãi la hét, co rúm người...). Nếu trong trường có chuyên viên tâm lý học đường thì chuyện đáng tiếc đó sẽ không xảy ra.

Trong trường hợp đó, chuyên viên tâm lý học đường sẽ hành xử thế nào?

- Đầu tiên, nếu hiệu trưởng có sự nghi ngại, ông sẽ điều chuyên viên tâm lý học đường và nhờ hỏi han, tiếp cận ngay mà những cuộc tìm hiểu sẽ không có tính chất áp đặt, trừng phạt. Ở Hoa Kỳ, chuyên viên tâm lý học đường không có quyền đề nghị trừng phạt em này em kia...

Bước thứ hai, nếu chuyện tra vấn như vậy đã lỡ xảy ra thì chuyên viên tâm lý học đường sẽ phối hợp chuyên viên công tác xã hội để làm việc với gia đình em đó, chuyên viên tham vấn học đường sẽ sắp xếp lại chương trình học để em có thời gian tĩnh dưỡng ở gia đình. Và chúng tôi - những chuyên viên tâm lý học đường - có thể trắc nghiệm xem em có bị chấn thương tâm lý hay không và tiến hành chương trình điều trị tâm lý cho em.

Có thể thấy ngay khi Bộ GD-ĐT chưa có chuyên viên tâm lý học đường thì cũng chính ngành giáo dục chịu áp lực rất nhiều khi có bất kỳ chuyện gì xảy ra trong quan hệ thầy trò, hoặc quan hệ giữa học sinh với nhau. Dư luận thường cho rằng trước tiên là lỗi tại nhà trường đã không quan tâm đến học sinh...

- Có một trường hợp điển hình, do một chuyên viên tham vấn ở TP.HCM kể: Có một học sinh lớp 9 lúc trước rất ngoan, nhưng sau đó có những hiện tượng ngỗ nghịch, chọc phá người khác, thậm chí ăn cắp... Nhà trường muốn can thiệp, đuổi học em đó, người tham vấn xin nói chuyện với em trước. Qua nhiều buổi mới hiểu là ba em - lao động chính của gia đình - bị đi tù nên gia đình lâm vào cảnh túng thiếu. Em còn nhỏ, suy nghĩ chưa chín chắn nên nghĩ rằng nếu em làm những hành động xấu trong trường, em sẽ “được” đi tù thay cho ba. Người tham vấn đó làm việc lại với ban ngành đoàn thể, tìm cách hỗ trợ kinh tế gia đình em và can thiệp với bên công an để tạo điều kiện cho người cha... Những hành động ngỗ nghịch của em dần dần biến mất. Vậy người chuyên viên tâm lý học đường, người tham vấn phải là người lắng nghe.

Hay với trường hợp trẻ học kém. Ngày xưa tôi còn học ở Việt Nam, nhớ tới những anh bạn lớn tồng ngồng, lưu ban 2-3 năm, ngồi cuối lớp gọi là “xóm nhà lá”, rồi cuối cùng cuộc đời đưa đẩy, lưu ban một vài năm chán nản bỏ ra đời kiếm được cái nghề nào đó.

Đối với người chuyên viên tâm lý học đường, đó là đối tượng mà chúng tôi có thể trắc nghiệm xem có khuyết tật khả năng học tập hay không. Vì có những người trí thông minh bình thường nhưng có thể có khuyết tật về khả năng học toán hay khuyết tật về khả năng đọc... Nếu chúng ta cứ thấy kém điểm là lưu ban, hay là phụ đạo, dạy kèm..., cho rằng đó là phương pháp can thiệp tốt nhất, thì ta sẽ không bao giờ giải quyết được sự việc...

Ông đánh giá như thế nào về hiệu quả công việc của CASP-I làm tại Việt Nam?

- Do điều kiện thiếu thốn, trở ngại vì chưa làm quen với môi trường của Việt Nam nên chúng tôi chưa đánh giá được những tác động công việc của mình. Tuy nhiên, số lượng 15 khóa tập huấn và mỗi khóa từ 30-300 người tham gia, nếu tính trung bình là 50 người thì sẽ tác động vào 750 người vừa giảng viên vừa thỉnh giảng toàn quốc.

Năm 2008, khi tôi về làm nghiên cứu tại Việt Nam, lúc đó ở Việt Nam chỉ có khoảng 100 người làm công việc gọi là tham vấn học đường, chủ yếu tốt nghiệp từ các ngành khác nhau như luật, xã hội, báo chí, truyền thông, làm bán thời gian. Lúc chúng tôi phỏng vấn sâu, họ hoàn toàn không có khái niệm về can thiệp khủng hoảng học đường.

Trong thời gian qua, chúng tôi đã giúp họ chuẩn hóa được quy trình đó và giúp họ hiểu được can thiệp khủng hoảng phải được thực hiện từng bước một như thế nào.

Ở tầm vĩ mô, ưu tiên nào đem lại hiệu quả nhất cho công việc của CASP-I cũng như của các lực lượng chăm sóc, bảo vệ trẻ em tại Việt Nam?

- Tôi cho rằng phải có một chính sách rõ rệt về triển khai vấn đề tâm lý học đường ở Việt Nam. Thông tư 5971 của Bộ GD-ĐT năm 2001 đáp ứng được điều đó nhưng chưa có kế hoạch triển khai, chưa có nguồn kinh phí để các trường thực hiện. Cụ thể hơn, tôi rất mong muốn có mã ngành và mã nghề. Những phần còn lại của việc hỗ trợ về chuyên môn, đào tạo đội ngũ có năng lực làm việc, chúng tôi có thể bảo đảm cho các trung tâm, chúng tôi đủ nguồn lực về chuyên viên để hỗ trợ thật chuẩn.

TS Lê Nguyên Phương
TS Lê Nguyên Phương

Đừng nhầm lẫn giữa tâm lý và tham vấn học đường

Ông khẳng định phần làm chính sách là rất quan trọng?

- Đúng. Chính sách không chỉ để đào tạo chuẩn, đầu ra thế nào mà còn đào tạo để phù hợp đạo đức và văn hóa của người Việt Nam nữa. Không có chính sách sẽ rất khó. Ngoài ra còn phải trả lương cho những người làm chứ không thể để kiêm nhiệm.

Ở Hoa Kỳ, ba ngành tâm lý học đường, tham vấn học đường, công tác xã hội học đường độc lập với nhau (ở Việt Nam hiện nay vẫn nhầm lẫn về các ngành này). Đào tạo về tâm lý học đường đòi hỏi chuẩn đầu vào cao nhất. Bây giờ ở hầu hết các trường tuy là bằng thạc sĩ nhưng học ba năm và được gọi là chuyên viên giáo dục, ở giữa thạc sĩ và tiến sĩ.

Đối với Việt Nam, tôi đề nghị tên của ngành nghề này phải là tâm lý học đường chứ không phải là tham vấn học đường, vì tham vấn chỉ là một dịch vụ nhỏ so với tâm lý học đường. Trên thế giới, các hiệp hội về tâm lý học đường mạnh hơn các hiệp hội về tham vấn, nên muốn vận dụng các nguồn lực chuyên viên trên thế giới, chúng ta nên dùng tên “tâm lý học đường” để có sự nhận diện lẫn nhau.

Ở Việt Nam hiện nay, người đang làm việc được gọi là tham vấn học đường vẫn thiếu mã nghề và cũng không có khả năng nhận diện được khuyết tật khả năng học tập. Có một tin mừng tôi muốn chia sẻ là hiện nay Chicago School of Professional of Psychology đang bắt đầu phối hợp với Trường ĐH Sư phạm Huế, đều là hai thành viên của tổ chức CASP-I, xây dựng một mô hình chẩn đoán khuyết tật khả năng học tập.

Khả năng là trong tương lai, tôi chưa dám nói là trên khắp cả nước, nhưng ít nhất là Trường ĐH Sư phạm Huế, vùng Thừa Thiên - Huế sẽ có một quy trình chẩn đoán tốt.■

(*): Một tổ chức phi lợi nhuận, đăng ký tại bang California, Hoa Kỳ cho hoạt động quốc tế của mình với tên mới là Liên hiệp Phát triển tâm lý học đường - quốc tế (Consortium to Advance School Psychology - International, CASP-I).

Kinh nghiệm của Hoa Kỳ cho thấy ba ngành tâm lý học đường, tham vấn học đường và công tác xã hội học đường có những tính chất đặc thù khác nhau, nên việc đào tạo cũng như sự phân công hoạt động trong nhà trường cũng khác nhau.

Chuyên viên tâm lý học đường chủ yếu lo về chương trình giáo dục đặc biệt, nhận diện những đứa trẻ bị khuyết tật từ thể xác tới tinh thần. Những đứa trẻ khuyết tật khả năng học tập, khuyết tật trí năng hay khuyết tật về cảm xúc cho tới những đứa trẻ bị tăng động giảm chú ý... chuyên viên tâm lý học đường sẽ phải phát hiện, chẩn đoán và trắc nghiệm, đồng thời xây dựng chương trình can thiệp, tư vấn cho ban giám hiệu cũng như cho giáo viên. Ngoài ra, sự can thiệp còn ở mức hệ thống cao hơn, đó là ngăn chặn tình trạng như mang thai khi còn là trẻ vị thành niên, phòng ngừa bỏ học...

Môt vấn đề rất quan trọng là bạo lực học đường. Các chuyên viên tâm lý học đường phối hợp với nhà trường, chuyên gia khác để xây dựng chương trình phòng ngừa bạo lực học đường ở nhiều tầm cấp khác nhau. Ngoài ra chuyên viên tâm lý cũng tổ chức các khóa dạy những học sinh bình thường các kỹ năng học tập, kỹ năng sống, kỹ năng điều khiển cảm xúc và cả kỹ năng lãnh đạo, giao tiếp. Lĩnh vực hoạt động của chuyên viên tâm lý học đường rất rộng rãi. Và thường chuyên viên tâm lý học đường chịu trách nhiệm với những chương trình can thiệp sâu.

Chuyên viên tham vấn học đường chỉ giới hạn ở việc tham vấn, như tham vấn chọn ngành nghề, đại học nào... Những trường hợp tham vấn nhẹ, chẳng hạn các em có những băn khoăn, khổ sở, buồn bực với bạn, chuyên viên này cũng sẽ là người hỗ trợ. Với những trường hợp đặc biệt về khuyết tật cảm xúc, ví dụ trầm cảm, đó là phần việc của chuyên viên tâm lý học đường.

Chuyên viên công tác xã hội học đường tại Hoa Kỳ làm việc chung với ban ngành đoàn thể, sở cảnh sát, thành phố, địa phương... những dịch vụ công cộng cũng như dịch vụ tư để hỗ trợ gia đình đứa trẻ và bản thân đứa trẻ.

Ngành tâm lý học đường hiện nay cần thời gian đào tạo ba năm sau đại học cho bằng “chuyên viên giáo dục”. Chữ “giáo dục” ở đây đôi khi bị hiểu lầm ở Việt Nam, như là chỉ đề cập về công nghệ dạy học về kỹ thuật sư phạm.... Thực ra, chữ “giáo dục” ở đây có nghĩa là tất cả những gì giúp cho trẻ em thành công trong môi trường làm việc và sinh sống của các em trong giai đoạn từ 6-22 tuổi. Tất cả những cảm xúc hành vi, những gì cản trở các em trong việc học tập... là nhiệm vụ của ba chuyên viên nói trên, trong đó chuyên viên tâm lý học đường làm nhiều việc nhất.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận