Châu Âu mùa dịch

DANH ĐỨC 21/02/2020 22:02 GMT+7

TTCT - Số phận run rủi đưa tôi trải qua hai tuần rong ruổi châu Âu giữa mùa dịch bệnh virus corona, trải nghiệm tình cảnh con tàu hơn 7.000 nhân mạng bị ách lại vì 2 hành khách có những dấu hiệu bắt buộc phải kiểm tra xem có dính con virus hình hài giống cái vương miện thế hệ mới hay không, để nhìn và thấy phần nào một góc châu Âu đang biến đổi tâm lý trong cơn đại dịch.

Tàu cập cảng Civitavecchia (Rome, Ý) nhưng hành khách chưa ai được xuống. Ảnh: Danh Đức
Tàu cập cảng Civitavecchia (Rome, Ý) nhưng hành khách chưa ai được xuống. Ảnh: Danh Đức

Tất nhiên, trong số hành khách cũng có mấy trăm khách châu Á, gồm hơn chục khách Việt Nam đi theo tour mua từ Hà Nội và Sài Gòn lên tàu từ Barcelona, có thói quen và cách sống khác...

Con tàu bị cách ly

Cũng may mắn là trước khi đi, tin tức về dịch đã có ở nhà nên hôm thứ năm 30-1 ấy, khi cả tàu bị kẹt ở cảng Civitavecchia (Ý) không xuống đất liền được để vô Rome, cũng không tới mức... hết hồn.

Hôm đó ở Pháp đã có 6 ca nhiễm được xác định, nên trên tàu vẫn chưa hình thành một thứ loạn thần (psychose) tập thể vì mối đe dọa dịch tễ như sau này, khi con số người nhiễm và tử vong tăng lên chóng vánh.

Sáng thứ sáu đó, như mọi sáng tới một cảng mới, ăn sáng xong hành khách kéo nhau ra các sảnh của nhà hát trung tâm ba tầng có tên Colosseo để chờ xuống đất liền. Người thì về luôn sau khi đã đi giáp vòng tour một tuần, người thì để vô Rome thăm thú. Ai cũng nôn nao xuống tàu: đi tour tàu du lịch là để sáng sáng cặp bến lên bờ thăm thú mà khỏi kéo vali chi nặng.

Ngày thường 8h30 đã có thể ra rồi, nhưng sáng ấy lại không như thế. Đến 9h30, loa thông báo rằng tàu đang tiến hành “kiểm tra y tế bình thường” lần đầu, giải đáp lý do chờ đợi lâu hơn mọi ngày. Vốn đã mấy lần ghé cảng này rồi, quen với tính chậm lụt, lề mề “có số má” của quan chức ở đây trên cung đường Địa Trung Hải, nên tôi cũng chưa lo nghĩ gì.

Có anh Phú Lang Sa còn đùa: “Chuyện thường, tụi Ý mà!”. Một giây sau, ngó thấy có người nhìn mình, anh ta vội đính chánh “Rome mà!”, cho bớt phần đụng chạm. Chuyện “anh Tây này” chê “anh Tây kia” chỉ vì cách nhau dãy Alps hay dãy Pyrénées thì không có gì lạ. Chẳng phải Karl Marx nói kinh tế quyết định tất cả đấy ư: cứ lấy GDP/đầu người ra mà đo thì có thể hiểu “ai là ai?” ở cõi trời Tây phương.

Khoảng nửa giờ sau lại có thông báo tương tự kèm lời cáo lỗi, lúc đó đã hơn mười rưỡi, tức đã trễ hai tiếng. Tôi “tám” với một số khách khác: “Kiểm tra bình thường trong một tình hình chung không bình thường của thế giới, e rằng “không bình thường”, chắc có rắc rối gì đó”.

Đến 12h kém, khi tàu loan báo đang chờ kết quả kiểm tra y tế, khách đã giải tán, thôi chờ và ùa lên các nhà hàng. Giờ đó, các nhà hàng trên tàu thường chỉ có năm ba khách, nhưng hôm nay khách ở lại hết nên “ùn ứ”, lại phải hoạt động hết công suất. Buổi trưa, tôi ăn ở nhà hàng Il Rugatino lầu 7, vốn thường phục vụ khách Tây Ban Nha. Thực đơn trưa thịnh soạn hơn ngày thường, có lẽ một phần cho vơi những thắc mắc.

Ngoài ra, không tính khoản phí mua tour đất liền hôm nay được trả lại là tất nhiên, tàu còn bồi thường khách mỗi người 75 euro (chẳng phải Tây lịch sự tử tế hơn ta gì, chỉ là vì EU có luật rõ ràng về bồi thường khi trễ chuyến bay hay trễ tàu 90 phút trở lên).

Nhìn chung, chưa thấy ai nghĩ ngợi gì, ngoại trừ số khách mà sáng đó lẽ ra đã chấm dứt hành trình. Họ được phân luồng thành hai nhóm, thẻ vàng và thẻ đỏ, được mời tập trung tại sảnh nhà hát Colosseo và San Remo, "nội bất xuất, ngoại bất nhập", tạm cách ly phòng ngừa, nếu kết quả xét nghiệm hai “tình nghi” người Macau kia dương tính với nCoV thì cả tàu sẽ cùng “lưu trú”, còn không thì được rời tàu. Tàu cũng loan báo sẽ hỗ trợ tất cả khách đó về nhà, thêm một khoản đền mệt nghỉ!

Còn nhiều lo âu khác

Nhìn chung, hành khách đại đa số là dân địa phương của mỗi chặng hành trình, nên cách sống và thái độ sống cũng kiểu châu Âu, chừng mực hơn một số nhóm dân khác, dù chưa hẳn đã là mẫu mực như dân Nhật hồi vụ sóng thần năm 2011. Mở rộng ra, châu Âu vào cuối tháng 1 vẫn còn tỉnh rụi với chuyện dịch bệnh.

Đến 31-1 mới thấy tờ Libération của Pháp chạy trang nhứt câu chuyện dịch tễ, sau đó tới... 5-2 tìm hoài mới thấy có bài. Có lẽ do dịch bệnh chưa “dính dáng” trực tiếp tới họ, mãi đến khi vài nước đầu tiên như Pháp, Ý, Đức... hồi hương một số công dân từ vùng dịch, truyền thông mới loan tin chi tiết, thường là những phóng sự từ bên trong các khu tiếp nhận.

Có thể do báo chí hiểu rõ họ đang nắm dư luận, nếu quá liều sẽ tạo ra tâm lý loạn thần tập thể vốn rất nghiêm trọng và nhiều khi còn “khó chữa” hơn cả con nCoV. Cũng có thể do dân tình đang có quá nhiều mối bận tâm cùng lúc, đồng thời có nền tảng hiểu biết và lối sống vốn khiến họ không dễ bị lây nhiễm một cách không đáng, khỏi cần ai dạy.

Đầu tiên, họ đã quen với việc theo dõi cúm mùa và từ ngữ về bệnh cúm, dù là cúm thường hay cúm độc hại. Chẳng hạn, ngày 29-1, thông báo của Bộ Y tế Pháp cho biết từ tháng 11-2019 tới 29-1-2020, bệnh cúm mùa đã khiến 22 người chết ở Pháp, gồm 2 trẻ dưới 15 tuổi, 12 người từ 15-64 tuổi và 8 người trên 65, trong tổng số 244 ca cúm được bào cáo là phải cấp cứu hồi sức (Le Monde 30-1).

Họ thậm chí còn có con số thống kê cho thấy bệnh cúm mùa đang trở nên nghiêm trọng vì “tuần lễ trước khi có thông báo, ở Pháp tỉ lệ đi khám bệnh vì cúm là 190 lần/100.000 dân, so với chỉ 122 lần trong tuần trước đó”!

Có thể thấy cúm thường mới là mối âu lo lớn và thường xuyên ở Pháp, nơi mà mỗi năm có từ 2 - 6 triệu người nhiễm và số tử vong lên tới 10.000 ca, 3/4 số ca tử vong là những người không được tiêm ngừa cúm.

Cho dù cúm thường và cúm độc hại hoàn toàn khác nhau, song nếu chích ngừa cúm thực sự phổ cập toàn dân thì dù không tránh được nCoV vẫn cứu được vô số mạng người. Thành ra, nCoV chưa tác động mấy tới tinh thần dân chúng, nên phản ứng chung của họ cũng nhẹ nhàng hơn, cho tới thời điểm đó.

Nếu như ở Pháp, chích ngừa cúm thường đã là “chính sách toàn dân” mà vẫn còn loay hoay như thế thì ở ta, nơi mà hằng năm ghi nhận 1,6 - 1,8 triệu trường hợp mắc cúm, theo Cục Y tế dự phòng, thì việc chích ngừa miễn phí mới chỉ khu trú trong một số đối tượng và ở quy mô rất khiêm tốn:

“Triển khai tiêm văcxin cúm mùa cho nhân viên y tế bốn tỉnh, TP: Hải Phòng, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Bà Rịa - Vũng Tàu” - Cục Y tế dự phòng 13-11-2019 cho biết và chú thích thêm: “Năm 2019, Trung tâm Dự phòng, kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (PIVI) và Nhóm hành động vì sức khỏe toàn cầu (TFGH) đã hỗ trợ Việt Nam 21.000 liều văcxin Vaxigrip của nhà sản xuất Sanofi Pasteur”.

Thực tế, chích ngừa cúm mới đang ở giai đoạn xuất tiền túi: “Văcxin cúm mùa... đã được sử dụng tại Việt Nam nhiều năm nay thông qua hình thức tiêm chủng tự nguyện do người dân tự chi trả”.

Liệu có thể tiết kiệm chi ngân sách để dành tiền mua văcxin mà lợi ích, theo chính Cục Y tế dự phòng, là “nhằm tạo miễn dịch bảo vệ phòng bệnh cúm mùa cho các nhân viên y tế, hỗ trợ cho việc chuẩn bị sẵn sàng phòng chống đại dịch nếu có”, đồng thời giảm bớt thực tế mà Cục Y tế dự phòng nhật xét là “vẫn còn bộ phận lớn người dân và nhân viên y tế còn dè dặt do cho rằng bệnh cúm không phải là bệnh nguy hiểm cũng như quan niệm sai lầm về tính an toàn và hiệu quả của văcxin”.

(Tất cả các trích dẫn là từ trang chủ của cục - vncdc.gov.vn). Nếu có được một chính sách chích ngừa cúm toàn dân, khả năng miễn dịch sẽ tăng kèm theo nhận thức và ý thức về dịch cúm nói chung để từ đó thay đổi lối sống, trong đó có lối sống vừa vệ sinh vừa phòng dịch. Còn nếu chưa đủ sức, thì chích ngừa cúm và phế cầu trước với nhóm trẻ em và người lớn tuổi cũng là điều nên cân nhắc.

Đây chính là điều mà dân Tây nói chung đi trước dân ta một bước. Một bữa, tôi phải nói với tổ trưởng phục vụ nhà hàng trên tàu, nơi sáng sáng dân châu Á hay ghé ăn: “Nên cử nhân viên canh các quầy trái cây và bánh mì vì có người cứ bóp bóp bánh mì xem có giòn hay không, hay trái kiwi có mềm hay không!”.

Dân châu Á bị phân biệt đối xử ở phương Tây vì nCoV. Ảnh: France24
Dân châu Á bị phân biệt đối xử ở phương Tây vì nCoV. Ảnh: France24

Bắt đầu loạn thần châu Á?

Chính xác hơn thì phải gọi là “loạn thần Trung Quốc”. Trong khi cả nước Pháp hôm 24-1 mới lần đầu thông báo ca 2 nhiễm, thì qua hôm sau 25-1, báo chí Pháp đã “la làng” vì “cạn kho khẩu trang y tế trong toàn vùng Ile-de-France”, gồm gần chục tỉnh quanh Paris! Đài France Bleu trích lời Martial Fraysse, chủ tịch dược sĩ đoàn khu vực này:

“Các khách hàng gốc Trung Quốc của chúng tôi đang lo lắng, họ muốn trang bị và dự trữ cho gia đình họ. Mua dự trữ đôi khi để gửi về xứ. Chúng tôi cảm thấy họ lo lắng, họ cứ hỏi xem chúng tôi có khẩu trang không, liệu sẽ sớm có không... Có hiểm nguy gì đâu, chúng ta phải trấn an và chỉ dẫn họ về thái độ cần thiết trong trường hợp có nghi ngờ [nhiễm bệnh]”.

Thế là một cái khẩu trang, bình thường giá 30 xu euro, nay tăng gấp năm, gấp sáu. Hôm tôi sắp về, nghĩ cũng cần vài cái để có mà đeo lỡ cần, bèn ghé một nhà thuốc trong tầng hầm trạm xe điện Chatelet, rảo hết tiệm không thấy, một nhân viên chỉ tới quầy tính tiền. Cô này hỏi: “Ông cần bao nhiêu? Hộp 50 cái, 100 euro”.

Nghĩa là không phải hết hàng, song không treo bảng giá, hỏi thì mới nói giá! Chẳng trách trước đó hai bữa, tờ Le Parisien chạy tít: “Đeo khẩu trang đang trở nên phổ biến ở Pháp”. Thành ra, vấn đề không chỉ là giá cả, mà là cái loạn thần này gây ra cái loạn thần khác, khi mà WHO đâu có khuyến cáo đeo khẩu trang khắp nơi, mọi lúc.

Bác sĩ Nicolas Vignier - phụ trách bộ phận sức khỏe công cộng và bệnh nhiệt đới tại Melun, một thành phố không xa Paris, nơi tôi có cô cháu gái lấy chồng là tiến sĩ dược khoa - nói các khuyến cáo với nCoV cũng giống như với bệnh cúm mùa: rửa tay, xì mũi trong khăn giấy và vứt chúng đi.

Pháp không liên quan trực tiếp, vì vậy không nên lo lắng quá mức ở giai đoạn này. Đặc biệt là đối với dân tỉnh Seine-et-Marne, những người chưa từng tới Trung Quốc. Ông khuyên: “Đừng để rơi vào chứng loạn thần”.

Trên một mạng xã hội dành cho người Pháp có quen biết Việt Nam, một phụ nữ Việt Nam hôm 8-2 giận dữ than trách: “Tôi đến bác sĩ điều trị của tôi để xin một chứng nhận y khoa. Mọi việc diễn biến tốt đẹp cho tới lúc chào ra về”.

Cô định bắt tay bác sĩ như mọi lần, lần này bác sĩ thụt lùi và lắp bắp: “Virus! Virus!”. Cô tức giận vì trước đó ông bác sĩ bắt tay tỉnh queo một khách không phải châu Á, rồi cô kể đại lộ Ivry, tức khu phố Tàu, vắng tanh. Nói cho ngay, khu này và khu đại lộ Masseana vốn sặc mùi thức ăn Á Đông từ tận đầu thập niên 1970 rồi.

Sang đến đầu tuần này, chứng loạn thần châu Á đã lây lan nặng. Một người quen ở Pháp cho tôi biết qua chat rằng bây giờ ra đường người ta đã né người châu Á, không phân biệt ai là người nước nào. Ngay hôm còn ở trên tàu, tôi đã chứng kiến có một khách quay lại quát hai người không phải người Việt, xếp hàng sau lưng, vì đứng hơi sát: “Tránh xa tao ra! Đồ xuất khẩu virus!”.

Những dị biệt lối sống và văn hóa, nếu chừng mực và khi không có bất ổn, được xem là giao lưu, bổ sung tính đa dạng thì tới lúc có biến lại trở thành lý cớ để người ta phân biệt đối xử lẫn nhau. Bởi thế, các đoàn thể người Hoa ở Paris năm nay từ trước Tết Nguyên đán đã thức thời hủy bỏ các lễ lạt thường niên.

Thay lời kết

Phải nói rằng không hẳn cứ Tây là “văn minh nhất thiên hạ” đâu. Nhân chuyện gốc gác con virus corona mới này, có ý kiến cho là từ con dơi, có ý khác lại cho là từ con tê tê, đều là những món khoái khẩu của một số dân ham ăn động vật hoang dã.

Và những dân đó thì không chỉ có Á Đông. Dân Tây bản địa đảo La Reunion sắp vào mùa săn con tangue, một loài vật hoang dã nửa nhím nửa chuột chù, “nấu sốt vang ngon hảo hạng”! Chat hỏi anh bạn bác sĩ về hưu ở đó, ảnh nói có ngon lành gì đâu!

Thành ra, hiểu biết không phải bởi quốc tịch hay màu da, mà ở chỗ được giáo dục thế nào. Tương tự, phòng chống dịch không bằng khẩu hiệu hô hào mà bằng dìu nhau sửa lối sống, lối vệ sinh.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận