CIA, Yeltsin, và nước Nga ngày nay

TƯỜNG ANH 14/12/2021 04:12 GMT+7

TTCT - Báo chí Nga tuần qua liên tục tường thuật nội dung và diễn biến tiếp nối của phiên họp Hội đồng Phát triển xã hội dân sự và nhân quyền (Nga) hôm 9-12, cho thấy Tổng thống Vladimir Putin không chỉ phải đấu tranh cân não trước những vấn đề đối ngoại, mà trong đối nội, ông cũng đang rất đau đầu.

Một trong những nội dung từ cuộc họp được truyền thông Nga đồng loạt đăng tải là tiết lộ của ông Putin cho biết vào những năm 1990, trong Chính phủ Nga có các nhân viên của Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) làm việc.

Ông Putin trong lễ tuyên thệ nhậm chức tổng thống Nga năm 2000. Đằng sau là ông Yeltsin. Ảnh: Sputnik

 

Ai can thiệp vào công việc nội bộ của Nga?

“Vào giữa những năm 1990, hóa ra có các nhân viên của CIA với tư cách cố vấn và nhân viên chính thức của Chính phủ Nga”. 

Không chỉ vậy, các chuyên gia Mỹ còn “sống và làm việc” tại các cơ sở của tổ hợp vũ khí hạt nhân Nga. Tuy nhiên, chuyện này “đã bị dọn dẹp vào những năm 2000”, nhà lãnh đạo Nga cho biết.

Ông Putin kể chính quyền Nga những ngày đó “nằm dưới sự kiểm soát nhất định của một số quốc gia”. 

“Tại cơ sở tổ hợp vũ khí hạt nhân của chúng ta có các chuyên gia Mỹ ngồi, họ đến làm việc ở đó hằng ngày từ sáng đến tối - có một cái bàn và một lá cờ Mỹ. Họ không cần những công cụ can thiệp tinh vi như vậy vào đời sống chính trị của chúng tôi đâu, bởi vì họ đã kiểm soát mọi thứ rồi”, ông Putin chua cay. 

Ông cũng nói rõ: “Đây chỉ là một thí dụ về sự can thiệp vào công việc nội bộ của nước Nga”!

Sự hiện diện của đại diện các cơ quan tình báo Mỹ trong nội các Nga những năm 1990 thật ra từng được ông Putin nêu ra trong cuộc nói chuyện trực tiếp vào năm 2013. 

Khi đó, ông trả lời một câu hỏi chỉ trích Anatoly Chubais như sau: “Trong nhóm tư vấn của Anatoly Borisovich [Chubais], như hiện đã sáng tỏ, có các nhân viên CIA Hoa Kỳ làm cố vấn". 

"Nhưng điều hài hước nhất là khi trở về Hoa Kỳ, họ bị đưa ra xét xử vì vi phạm luật pháp đất nước họ do làm giàu bằng quá trình tư nhân hóa ở Liên bang Nga". 

"Họ không có quyền làm như vậy với tư cách sĩ quan tình báo. Theo luật trong nước, họ bị cấm tham gia bất kỳ hoạt động thương mại nào, nhưng họ đã không thể cưỡng lại - tham nhũng mà, bạn biết đấy". 

"Nhưng chúng ta phải tri ân hệ thống tư pháp Mỹ: họ bất chấp liên quan tới ai, thậm chí còn tiết lộ sự thật rằng nhân viên CIA đang làm việc trong đoàn cố vấn của Chubais ”. Tuy nhiên, ông Putin không nêu tên những người này.

Trong những năm 1990, Chubais từng là chủ tịch Ủy ban Nhà nước về quản lý tài sản công, phó chủ tịch chính phủ về chính sách kinh tế và tài chính, phó thủ tướng thứ nhất phụ trách văn phòng tổng thống kiêm bộ trưởng Tài chính. 

Ông là một nhân vật then chốt trong cuộc tư nhân hóa ồ ạt tài sản nhà nước sau khi Liên Xô sụp đổ.

Hồi tháng 3-2021, Phó tổng thống đầu tiên và duy nhất trong lịch sử của Nga, Alexander Rutskoy, cho biết trong dự án của kênh truyền hình Nga RT “Những câu chuyện không thể quên” rằng việc tư nhân hóa ở Nga đã được các chuyên gia tư vấn nước ngoài vận động. 

“Người ta chấp nhận đề xuất của Chubais và Yeltsin ủng hộ ông ta: khởi động tư nhân hóa, theo chỉ thị của các cố vấn sau này hóa ra là nhân viên CIA. Trên cơ sở này, giữa tôi và Yeltsin đã nảy sinh đối kháng”, ông Rutskoy nhớ lại.

Truyền thông Nga trích dẫn các nguồn tin nói Andrei Shleifer và Jonathan Hay được cho là các sĩ quan CIA mà ông Putin nói đến. 

Theo Gazeta.ru, Shleifer (người gốc Nga di cư đến Mỹ cùng cha mẹ năm 1976) và trợ lý Hay đến Nga theo chương trình hỗ trợ chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ. 

Năm 2004, Tòa án khu vực Boston tuyên họ phạm tội lạm quyền. Năm 2005, Shleifer bị phạt 28,5 triệu USD.

Ai là “đặc vụ nước ngoài”?

Không phải tự nhiên mà ông Putin nhắc lại quá khứ không mấy tự hào đó của chính quyền Yeltsin. Tất cả những thông tin ông nêu là nhằm giải thích bước đi mới đây của Matxcơva khiến các nhà hoạt động dân sự và nhân quyền Nga đặt vấn đề tại phiên họp nêu trên.

Mọi chuyện bắt đầu từ quy chế về “đặc vụ nước ngoài” của Chính phủ Nga. Tại cuộc họp ngày 9-12, nhà báo, nhà hoạt động xã hội Nikolai Svanidze đặt vấn đề về tổ chức xã hội Memorial bị xác định là “đặc vụ nước ngoài” và được yêu cầu phải nêu rõ điều này trong các hoạt động của mình. 

Memorial đã phớt lờ yêu cầu trên nên có nguy cơ bị đóng cửa. Gần đây, tuy tổ chức này đã khắc phục nhưng Bộ Giáo dục đã xóa tên Memorial trong hai sự kiện quan trọng: ngày tưởng nhớ các nạn nhân đàn áp chính trị (30-10) và ngày tưởng niệm các nạn nhân cuộc diệt chủng Do Thái (27-1).

Trả lời Svanidze, ông Putin giải thích: Memorial bảo vệ các tổ chức mà Nga nhận định là cực đoan và khủng bố, như Hizb ut-Tahrir al-Islami, Tablighi Jamaat… 

Còn việc ngày tưởng niệm các nạn nhân diệt chủng Do Thái bị xóa khỏi lịch hoạt động của Memorial, theo ông Putin, là do một nghiên cứu của Israel cho biết một số công dân Liên Xô được Memorial tưởng niệm từng phục vụ trong lực lượng quân cảnh Đức, tham gia bắt giữ và áp giải tù nhân Do Thái đến nơi hành quyết, thậm chí tham gia hành quyết, với những bằng chứng cụ thể được Israel tìm thấy.

Đừng biến Liên bang Nga thành Muscovya

Cuộc họp đặc biệt bùng nổ trong hai tiếng cuối cùng, sau phát biểu của đạo diễn Alexander Sokurov: 

“Kavkaz đang trở thành một quốc gia riêng biệt! Bây giờ hầu như không còn người Nga ở đó! Tất cả quyền lực đều nằm trong tay người bản xứ, và rất ít hoặc không có sự phát triển… Nhiều người trẻ tuổi ở Kavkaz công khai nói với tôi: “Người Nga không thực sự đáng được tôn trọng”

Ở Dagestan, họ thậm chí còn nói: “Các ông cãi nhau với tất cả, các ông không đối phó được với nạn quan liêu, tham nhũng - các ông quá hiền lành. Các ông không thể tạo ra một nền kinh tế toàn cầu, chiếm hữu của cải của thế giới". 

"Và chúng ta khác nhau, tôn giáo của chúng tôi khác, và khí hậu của chúng tôi tốt hơn. Các ông đi mà chiến đấu với NATO, chúng tôi sẽ không đứng về phía các ông đâu”. 

Ông Sokurov cảm khái: “Hãy xem điều gì đang xảy ra với Nhà nước Nga, với cấu trúc nhà nước của chúng ta! Chúng ta hãy trả tự do cho tất cả những người không còn muốn sống với chúng ta trong một quốc gia… cho tất cả những ai muốn bắt đầu cuộc đời của chính họ”.

Phát biểu này không khỏi khiến ông Putin tức giận, đặc biệt là lời kêu “ai đi đường nấy”. Ông Putin hỏi lại: 

“Từ đâu mà ông biết ai muốn sống với chúng ta và ai không?”. Khi ông Sokurov thách thức: “Thì cứ thử kiểm tra xem” (ý chỉ việc tổ chức trưng cầu dân ý), ông Putin nói thật ra đã có cuộc kiểm tra đó rồi - quá trình bỏ phiếu về hiến pháp.

“Nhưng tôi đảm bảo với ông rằng đại đa số đều hiểu những gì họ sẽ phải đối mặt nếu hành động khác đi. Và người Chechnya, nhân tiện, hiểu điều này hơn bất kỳ ai khác ở Kavkaz. Ông nói về sự đa dạng, trích dẫn Dagestan làm ví dụ…" 

"Dagestan là một nước cộng hòa đa dân tộc. Ông đề xuất gì? Chia nhỏ toàn bộ Dagestan ư? Hoặc Karachay-Cherkessia thì chia ra người Karachai và Circassia sao? Ở đó rất nhiều vấn đề, tôi biết rất rõ." 

"Chúng ta có 2.000 yêu sách lãnh thổ khắp đất nước! Alexander Nikolaevich thân mến, ông có muốn lặp lại một Nam Tư trên lãnh thổ của chúng ta không?”.

Tổng thống Nga chỉ trích vị đạo diễn hời hợt và thiếu cân nhắc khi đề cập đến những vấn đề nhạy cảm như thế. “Đó là những trò chơi nguy hiểm, chúng ta đều đã trải qua rồi…”. 

Ông nói người Nga không muốn đất nước tan rã và biến thành “Muscovya”, như NATO muốn. (Muscovya là tên gọi Nga trong các nguồn phương Tây được sử dụng song song với tên “Russia” từ thế kỷ 15 đến đầu thế kỷ 18. 

Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng việc sử dụng tên này là kết quả tuyên truyền của Liên bang Ba Lan - Litva (1569-1795, một kình địch của Nga ở Đông Âu thời bấy giờ), vốn cố tình giữ lại cái tên thời phong kiến để phủ nhận tính hợp pháp của cuộc đấu tranh của Ivan III và những người kế vị hòng thống nhất nước Nga, theo Russiahistory.ru).

Không cần ông Putin cảnh báo, ngay sau cuộc đôi co, người đứng đầu Chechnya Ramzan Kadyrov đã đánh giá phát biểu của ông Sokurov là “cực đoan và phản quốc”. 

Cùng ngày, các đại biểu Đuma Nga từ Chechnya tuyên bố sẽ yêu cầu truy cứu trách nhiệm Sokurov vì “kích động hận thù dân tộc và chủ nghĩa cực đoan”.

Đến 11-12, Sokurov đã phải “lấy làm tiếc vì hệ quả phát biểu không như ông mong đợi, gây nên sự phẫn nộ như thế, bởi mục đích của ông là khác và thời gian hạn chế đã không cho ông nói hết…”, như trong trả lời cho Newsru. 

Thậm chí còn có tin đồn Sokurov sẽ bị bắt, khiến thư ký báo chí của tổng thống Dmitry Peskov phải nhanh chóng bác bỏ tin này.

Đây không phải lần đầu tiên ông Putin nhấn mạnh rằng sự tự cường và toàn vẹn chủ quyền của Nga là điều không được phương Tây ủng hộ. 

Ông nhắc lại thái độ của phương Tây thời Yeltsin: Khi mọi chuyện như họ mong muốn, “họ vui vẻ vỗ vai ông ấy. Nhưng ngay khi ông ấy lên tiếng bênh vực Nam Tư và những hành động vi phạm luật pháp quốc tế - khi họ đánh bom Nam Tư mà không có bất kỳ lệnh trừng phạt nào của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc - ngay lập tức cách đối xử với Nga và cá nhân ông ấy đã thay đổi”. ■

“Đặc vụ nước ngoài” là trạng thái được chỉ định cho các tổ chức phi lợi nhuận, truyền thông, cá nhân và hiệp hội nhận tài trợ nước ngoài và tham gia hoạt động chính trị ở Nga. 

Theo đó, các pháp nhân này khi được xác minh, yêu cầu, phải ghi rõ trên tiêu đề hoặc trang chủ của mình rằng “tổ chức (hay cơ quan) này đang thực hiện chức năng của một “đặc vụ nước ngoài””. 

Quy chế này xuất hiện vào năm 2012 sau khi sửa đổi luật về các tổ chức phi lợi nhuận, và đang bị chỉ trích là hạn chế nhân quyền ở Nga.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận