Công nghệ và ứng phó thiên tai

HOA KIM 21/10/2020 07:10 GMT+7

TTCT - Quản lý rủi ro thiên tai gồm 3 giai đoạn chính nối tiếp và tuần hoàn: phòng ngừa, ứng phó, và khắc phục hậu quả. Hàm lượng công nghệ ở từng giai đoạn có thể quyết định mức độ hiệu quả của toàn bộ chu trình.


Minh họa hệ thống cảnh báo thảm họa đa kênh (phát thanh, truyền hình, còi báo động, viễn thông) đến người dân. Ảnh: telegrafia.eu

Mô hình 3 bước được thiết kế để hỗ trợ việc lập kế hoạch dự phòng cho các tình huống khẩn cấp và giảm thiểu tác động của chúng. Tại mỗi bước, yếu tố công nghệ là không bắt buộc nhưng có thể giúp nâng cao năng lực điều phối ứng phó khẩn cấp một cách hiệu quả.


Hệ thống cảnh báo sớm

Đặc điểm địa chất và các điều kiện địa lý, địa hình và khí tượng khiến Nhật Bản là một trong những quốc gia hứng chịu nhiều thiên tai nhất thế giới. Theo Lloyd’s City Risk Index, Tokyo là thành phố có nguy cơ thiên tai cao thứ hai thế giới chỉ sau Đài Bắc. Bên cạnh đó, nhân tai cũng là một mối lo ngại hàng đầu tại đảo quốc này, với nguy cơ thường trực về một thảm họa hạt nhân thứ 2 cũng như một cuộc tấn công bằng tên lửa đến từ Triều Tiên.

Tháng 2-2007, Cơ quan quản lý hỏa hoạn và thảm họa Nhật Bản (FDMA) ra mắt hệ thống cảnh báo sớm J-Alert, cho phép chính quyền truyền thông tin khẩn cấp tức thời về các mối đe dọa như động đất, sóng thần và tên lửa đến truyền thông và người dân thông qua hệ thống loa phát thanh, truyền hình, radio, email và tin nhắn điện thoại.

Hệ thống mất khoảng 1 giây để cảnh báo chính quyền địa phương, và khoảng từ 4 đến 20 giây để chuyển tiếp thông tin này đến người dân. Hệ thống được thí điểm tại thành phố Kobe, nơi từng xảy ra trận động đất kinh hoàng giết chết gần 6.500 người vào năm 1995, trước khi áp dụng rộng rãi trên toàn quốc từ tháng 10-2007. Phiên bản cải tiến của hệ thống J-Alert ra mắt tháng 3-2019 rút ngắn tổng thời gian từ khi có cảnh báo đến khi người dân nhận được xuống còn 2 giây.

Hầu hết các cảnh báo đều được phát bằng 5 thứ tiếng: Nhật, Anh, Hoa, Hàn, và Bồ Đào Nha. Các thông tin khẩn cấp liên quan đến nguy cơ tấn công vũ trang được FDMA tiếp nhận từ Văn phòng chính phủ, trong khi dữ liệu quan trắc thời tiết do Cục khí tượng Nhật Bản cung cấp.

Tính đến tháng 3-2010, 344 quận của Nhật Bản đã được triển khai hệ thống J-Alert qua loa phát thanh, và hệ thống kích hoạt cảnh báo tự động qua radio và sóng FM công cộng đã được nhân rộng ra 282 quận. Đến tháng 5-2013, 99,6% địa phương cả nước đã được cài đặt trạm tiếp nhận tín hiệu J-Alert và 78% được trang bị thiết bị cho phép tự động chuyển tiếp cảnh báo đến người dân.

Giờ vàng trong cứu nạn

Theo UNDP, gần 8 trên 10 người dân Indonesia có sử dụng điện thoại di động. Con số ấn tượng này đưa đến cơ hội tuyệt vời để cải thiện năng lực quản lý rủi ro thiên tai ở đất nước vạn đảo bằng công nghệ. Từ đó, UNDP và Cơ quan quản lý thiên tai quốc gia (BNPB) cho ra mắt ứng dụng di động mang tên Hệ thống hỗ trợ ra quyết định đánh giá sau thiên tai (PDNA-DSS).

Theo Công ty phân tích rủi ro Maplecroft, Indonesia được xem là một trong những quốc gia có “nguy cơ cao” đối với các thảm họa thiên nhiên hủy diệt. Nằm giữa hai trong số các mảng địa chấn hoạt động mạnh nhất thế giới, Indonesia phải hứng chịu hơn 5 trận động đất nhẹ mỗi ngày. Tháng 12-2004, một trận sóng thần do động đất gây ra đã tàn phá nhiều khu vực của tỉnh Aceh ở đảo Sumatra, giết chết ít nhất 170.000 người và khiến hàng trăm nghìn người khác phải di tản. Dữ liệu thời gian thực đáng tin cậy trong và ngay sau thảm họa sẽ giúp nhà hữu trách phản ứng nhanh chóng và có định hướng, giảm thiểu thiệt hại về người và tiền của.

Năm 2011, Chính phủ Indonesia đưa ra hướng dẫn đánh giá thiên tai đầu tiên của đất nước, cung cấp chuẩn tham khảo cho các lực lượng cứu trợ khi thực hiện nhiệm vụ sau thiên tai. Tuy nhiên, thách thức tiếp theo là tìm ra một phương pháp thu thập và phân tích dữ liệu đủ nhanh và chính xác. 

Công việc này đòi hỏi sự tham gia của rất nhiều nhân viên cứu trợ, sinh viên tình nguyện và cộng đồng địa phương. Những điều tra viên cần chuyển thông tin về ban chỉ huy càng nhanh càng tốt để cung cấp dữ liệu quý giá một cách kịp thời phục vụ công tác cứu nạn.

Đây là lúc ứng dụng di động PDNA-DSS tỏ ra hữu ích. Thông qua ứng dụng này, điều tra viên có thể nhập dữ liệu thu thập từ hiện trường ngay trên app và gửi về ban chỉ huy trong thời gian thực, thay vì mất thời gian lập và tổng hợp báo cáo - công đoạn tạo độ trễ lớn và có nguy cơ làm lỡ mất khung giờ vàng trong cứu hộ, hay tệ hơn là cung cấp số liệu đã lỗi thời khiến công tác ứng cứu gặp khó khăn.

Đương nhiên chuẩn bị những hệ thống như vậy chỉ là một phần của bài toán; còn có các yếu tố khác ảnh hưởng đến sự thành bại cuối cùng của công tác cảnh báo thảm họa (xem bài bên).

Duy trì liên lạc

Một trong những thách thức lớn của công tác cứu hộ là duy trì liên lạc thông suốt. Thiên tai, thảm họa thường kéo theo thiệt hại về cơ sở hạ tầng và làm gián đoạn các kênh liên lạc truyền thống như điện thoại, Internet, gây thêm khó khăn cho việc cứu nạn.

Thị trấn Wyndham thuộc bang New South Wales (Úc) từng chịu thiệt hại lớn trong đợt cháy rừng lịch sử vào mùa hè 2019. Mới đây, chính quyền New South Wales phối hợp với Chính phủ Úc và Telstra - nhà mạng lớn nhất xứ sở chuột túi - đã lắp đặt thêm các trạm phát sóng 3G và 4G trong chương trình trị giá 380 triệu AUD (gần 6.250 tỉ đồng) với mục tiêu “xóa điểm mù vùng phủ sóng” tại địa phương và các vùng lân cận.

“Không có mạng viễn thông nào là an toàn tuyệt đối trước thảm họa thiên nhiên, nhưng những trạm phát sóng mới trong chương trình cung cấp một lựa chọn thay thế nếu một mạng khác bị gián đoạn trong tình huống khẩn cấp” - Bộ trưởng Truyền thông liên bang Paul Fletcher nhận xét.

Ngày 1-9-2019, bão Dorian đổ bộ Bahamas và trở thành cơn bão có sức tàn phá khủng khiếp nhất mà quốc gia vùng Carribean từng gánh chịu. 

Các tình nguyện viên thuộc chương trình ứng phó thảm họa của AWS - mảng kinh doanh điện toán đám mây của gã khổng lồ công nghệ Mỹ Amazon - nhanh chóng có mặt tại hiện trường và thiết lập các trạm phát wifi, sóng điện thoại và điểm kết nối Internet tại hơn 40 cơ sở y tế, trại cứu hộ và các địa điểm cộng đồng khác.

Hình ảnh chất lượng cao về những nơi bị bão tàn phá được lưu trữ và vận chuyển an toàn trong những ổ cứng di động đặc biệt được thiết kế để có thể bảo vệ dữ liệu an toàn trước tác động bên ngoài, kể cả một vụ nổ ở cự ly gần. Không chỉ lưu trữ, thiết bị còn có khả năng xử lý dữ liệu tại chỗ trong tình huống mất kết nối.

Đầu tháng 10 năm nay, bang Uttarakhand của Ấn Độ cũng ra mắt công nghệ ăngten triển khai nhanh (QDA) được trang bị cho lực lượng ứng phó thảm họa địa phương, theo ANI News. Công nghệ này đặc biệt hữu ích trong các tình huống đòi hỏi thiết lập hệ thống thông tin liên lạc nhanh chóng tại vùng sâu vùng xa trong các tình huống khẩn cấp.

Một hệ thống QDA cố định được đặt tại trung tâm chỉ huy và các thiết bị QDA di động có thể được vận chuyển đến hiện trường bằng trực thăng nhằm thiết lập kết nối. Bên cạnh đó, 248 điện thoại vệ tinh cũng được phân phối đến các vùng hẻo lánh để sử dụng trong tình huống khẩn cấp.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận