TTCT - Ở ngôi làng miền Trung đó, Cứ mỗi mùa lũ tới, nhà bà Lê Thị Xuân ở thôn Hoàng Phước Bắc (Đại Lãnh, Đại Lộc) lại kết bè mảng, đóng chuồng gỗ phía trên để đưa gia súc tránh lũ. Ảnh: B.D.Mưa lũ luôn là thử thách đầy khắc nghiệt mà người dân miền Trung phải đối diện để sinh tồn. Ở đó, có những ngôi làng mà hễ mưa là ngập, nên khi nước mấp mé mép sông, cả làng sẽ được báo động sơ tán. Trong từng gia đình, phao thuyền, bè nổi đều được dựng lên, sẵn sàng cho cuộc chiến với nước dữ.Trận lũ lịch sử tàn khốc gần nhất ở Quảng Nam được ghi nhận là vào năm 1999. Những đợt mưa như trút nước khiến những dòng sông từ thượng nguồn đổ về như muốn xé toạc, nuốt chửng các ngôi làng nằm dưới hạ lưu các huyện ven sông Thu Bồn như Đại Lộc, Duy Xuyên, Điện Bàn và cả phố cổ Hội An. Lũ lịch sử, nhưng nhắc lại những ngày tháng ấy, người vùng lũ xứ Quảng vẫn nói rằng thiệt hại đã được hạn chế ở mức thấp nhất do kỹ năng sinh tồn của người dân ở đây vốn đã có từ lúc sinh ra.Những công trình “bậc thang”Những ngày giữa tháng 10, các ngôi làng nằm ở kẹp lưu vực sông Vu Gia, Thu Bồn - hai con sông lớn nhất của tỉnh Quảng Nam cùng nhánh sông Côn mênh mông trong biển nước. Chưa bao giờ mưa lũ liên tiếp và đổ xuống trong một thời gian ngắn như vậy ở vùng hạ nguồn Quảng Nam. Chỉ trong một tuần, ba cơn lũ lớn nhồi liên tiếp khiến hàng chục nhà dân ngâm đi ngâm lại trong nước, nhưng thiệt hại ở đây không đáng kể. “Vùng này thấp trũng, kẹp giữa các con sông lớn nên người dân sinh ra đã nằm trên nước lũ, lớn lên đã biết cách sống trên nước nổi và giờ đã trở thành bản năng” - phó chủ tịch UBND huyện Đại Lộc Nguyễn Hữu Vũ giải thích.Sáng 16-10, phó chủ tịch UBND xã Đại Lãnh, bà Lương Thị Danh, dẫn chúng tôi đi thăm các hộ dân ở thôn Hoàng Phước Bắc, xã Đại Lãnh, nơi được xem là thấp trũng nhất huyện Đại Lộc khi cơn lũ thứ 3 vừa rút. Bà Danh nói rằng nếu ở Quảng Nam, huyện Đại Lộc được ví là vùng lòng chảo thì thôn Hoàng Phước Bắc chính là điểm lõm của lòng chảo. Thôn này có tổng cộng 161 hộ dân sống san sát nhau, sau lưng là sông Côn. Từ cuối tháng 9 tới giữa tháng 10 có ít nhất 3 lần nước sông Côn tràn vào làng, lúc ngập sâu nhất là ngày 10-10 với đỉnh lũ nửa nhà dân nhưng gần như không có thiệt hại.Vừa trải qua những ngày dầm mình nhừ người trong nước lũ, trưa 16-10 những chiếc đò nhỏ được các hộ dân ở thôn Hoàng Phước Bắc đem ra úp giữa sân để hong nắng. Nhà không có ghe thì mua thuyền thúng về dùng những ngày lũ. Nước vừa rút, họ lập tức lấy nhựa đường bịt kín các lỗ thủng, siết lại các mối nối, sẵn sàng cho những ngày mưa lũ sắp tới. Trước nhà ông Nguyễn Hữu Việt - bà Lê Thị Xuân, một chiếc ghe dài khoảng 5m, rộng 1m đang úp ngược hong khô sau nhiều ngày neo dây đón lũ. Hỏi về những ngày trong lũ, bà Xuân cười: “Chu cha, lũ ở đây thì năm nào không có, đợt vừa rồi nước lên nửa căn nhà dù nền nhà tui cao nhất nhì thôn. Nhưng nước lên đâu thì mình đứng cao trên nước tới đó chứ không có thiệt hại chi”.Nhà ông Việt hiện vẫn là căn nhà gỗ đơn sơ, cất trước năm 1980. Điều đặc biệt ở kết cấu ngôi nhà này là ngoài gian chính để sinh hoạt phía dưới, phần còn lại được thiết kế theo ba gác, từ thấp lên cao. Cách nền nhà khoảng 4m là hai gác nhỏ kẹp hai bên cánh của phần kết cấu mái nhà. Trên gác nhỏ này lại có một gác xép rộng khoảng 30m2, lót bằng ván gỗ. Ngoài ra, còn có một gian cao nhất, giống như chòi canh nằm cạnh gian chính, xây kê cao trên 5m, được xem là “thành lũy” cuối cùng của công trình chống lũ của gia đình này. “Tui sống ở đây từ nhỏ nhưng đỉnh lũ lớn nhất vào năm 1999 cũng chỉ mấp mé gác hai. Gác ba xây cao hơn gác hai cỡ 2m thì chưa từng dùng đến, chỉ để đồ đạc quanh năm. Nếu lũ lên đến đỉnh này thì chắc chắn cả xã Đại Lãnh này không còn chỗ nào không ngập”, ông Xuân nói.100% dân ở huyện này, dù nghèo hay giàu khi xây nhà đều tính toán kết cấu như vậy để sẵn sàng cho các trận lũ. Mức độ lũ ngày càng lớn nên hiện nay những gia đình làm nhà càng về sau này kê nền càng cao, xây kiên cố và bố trí các gác cao hơn dành để sơ tán. Nước lên tới đâu, đồ đạc cũng được dời lên tới đó.Tìm cách chinh phục lũNhưng dân ở rốn lũ Đại Lộc không chỉ có những ngôi nhà được thiết kế độc đáo để sống chung với lũ, họ còn có một quy trình xử lý, ứng phó với lũ được thiết lập chặt chẽ, bài bản. Ở các xã vùng rốn lũ như Đại Hồng, Đại Lãnh, Đại Nghĩa... kế hoạch ứng phó mỗi trận lũ cụ thể và tường tận tới từng chi tiết, từ bố trí nhân lực, phương tiện phục vụ công tác chỉ đạo và cứu hộ, tới từng cái tên nhà dân nằm trong vùng nguy cơ thấp trũng, ngập sâu nhất.Trước mỗi trận mưa lũ, xã đặt ra các tình huống xử lý lũ theo từng cấp độ: báo động 1 thì dân sơ tán thế nào, phản ứng và huy động ứng cứu ra sao. Lũ tới báo động 2 thì hoa màu, phương tiện xử lý ra sao, gia súc và con người sẽ ở đâu. Nếu đỉnh lũ đạt tới mức như năm 1999 thì bà con sẽ làm gì, đâu sẽ là nhà tránh trú an toàn cho họ khi cả xã bị nhấn chìm. Bản phương án cũng mô tả chi tiết tình hình thiên tai, những đặc tính dễ tổn thương của từng khu dân cư, số lượng ghe đò, gia súc, tài sản, tên và số điện thoại của những người có kỹ năng bơi lội và khỏe khoắn nhất có thể giúp xã ứng cứu khi có sự cố...Ông Nguyễn Hữu Vũ cho biết gần như làng nào trong huyện cũng có các cột loa phóng thanh công suất lớn. Các bản tin thời tiết liên tục vang trên loa. Thông tin thủy điện xả lũ hoặc nước sông gây lũ đều được thông báo qua hệ thống loa phát thanh này tới từng thôn và báo động liên tục. Nhờ vậy, hầu hết người dân đều tiếp nhận được thông tin. Khi lũ về, từng nhà dân co cụm lại và thiết lập kế hoạch “nổi lên” theo mực nước. Như nhà ông Trần Đình Xuân ở thôn Hoàng Phước Bắc, các thiết bị nặng, giá trị như tivi, máy giặt đều được thiết kế giá đỡ, buộc dây để kéo lên cao khi lũ tràn vào. Ở gác cao nhất nhà, ông Xuân thiết kế lỗ thoát, trong trường hợp nước chạm mốc đỉnh điểm, các thành viên có thể theo đó mà thoát ra ngoài.Chuyện ứng cứu, bảo vệ gia súc gia cầm cũng được huấn luyện rõ ràng. Người dân khi nhận được tin báo lũ lớn sẽ đưa trâu bò lên núi cao, chằng buộc ở đó tránh lũ. Trong mỗi nhà luôn có những đoạn tre khô lớn, các tấm gỗ, dây thừng và rọ sắt để kết bè mảng nổi lên theo mặt nước khi lũ lớn. Trâu bò, lợn gà được bỏ trong rọ, làm mái che phía trên rồi đưa lên bè mảng. Nước lên tới đâu bè nổi tới đó. Kế bên gác xép luôn có sợi dây thừng giữ chiếc ghe bên cạnh. Đó là phương tiện cứu hộ cuối cùng của họ khi nước đã bao trùm.■Theo UBND huyện Đại Lộc, nơi có hơn 140.000 dân, địa hình trải dài dọc các con sông lớn, đợt mưa lũ vừa qua khiến 3 người dân ở huyện bị thiệt mạng trong lúc di dời nhà cửa tránh lũ và 32 người bị thương, trên 2.500 nhà dân bị ngập từ 0,5 - 1m. Cả 18 xã và thị trấn của huyện này đều nằm trong vùng lũ và luôn là địa phương bị ảnh hưởng nặng nhất của Quảng Nam mỗi lần mưa bão.Đến nay toàn huyện đã có 233 ngôi nhà tránh lũ được xây dựng từ dự án nhà tránh lũ cho dân vùng ngập do Ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ một phần, phần còn lại của người dân góp. Những ngôi nhà này khi xây dựng đều bắt buộc có gác xép tránh lũ, diện tích tối thiểu 20m2, gác cao ít nhất trên 1m so với mốc lũ năm 1999. Trở lại Bạn đang đọc trong chuyên đề "Đối mặt thiên tai Tiếp theo
PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bay: Cần làm sáng tỏ y học cổ truyền bằng nghiên cứu khoa học bài bản NGUYỄN THỊ NGỌC HẢI (THỰC HIỆN) 11/12/2024 2207 từ
Chàng lái xe công nghệ ngoài hành tinh, xịt khói giữa chợ và bay về trời... NGUYỄN NGỌC THUẦN 10/12/2024 3389 từ
Ông Trump lần 2 được Time bình chọn là 'Nhân vật của năm' NGHI VŨ 12/12/2024 Trong vòng chưa đến 10 năm, ông Trump hai lần được bình chọn là 'Nhân vật của năm' đầy danh giá của tạp chí Time.
Bộ trưởng Phan Văn Giang: Bảo đảm an toàn tuyệt đối lễ kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội NAM TRẦN 12/12/2024 Đại tướng Phan Văn Giang, bộ trưởng Bộ Quốc phòng, yêu cầu phải làm tốt công tác chuẩn bị về mọi mặt, bảo đảm an ninh, an toàn tuyệt đối.
Bộ Nội vụ bác thông tin lan truyền về chế độ, chính sách với cán bộ trong tinh gọn bộ máy THÀNH CHUNG 12/12/2024 Bộ Nội vụ khẳng định những thông tin lan truyền trên mạng liên quan nội dung đề xuất chế độ, chính sách với cán bộ trong tinh gọn bộ máy là không chính xác.
UBND TP.HCM chốt cho học sinh nghỉ Tết thêm 2 ngày HOÀNG HƯƠNG 12/12/2024 UBND TP.HCM vừa có văn bản tăng ngày nghỉ Tết Ất Tỵ cho học sinh các cấp thêm 2 ngày thành 11 ngày.