Đấu pháp và thủ thuật 

DANH ĐỨC 20/06/2018 06:06 GMT+7

TTCT - Cuối cùng hai ông Donald Trump và Kim Jong Un đã gặp nhau. Một tuyên bố chung đã được ký kết với những hứa hẹn từ hai bên.

Vị thế và tâm lý đàm phán của hai bên còn nhiều khác biệt không dễ giải quyết. Ảnh: Straits Times
Vị thế và tâm lý đàm phán của hai bên còn nhiều khác biệt không dễ giải quyết. Ảnh: Straits Times

 

Cơ bản, để đạt tới kết quả thể hiện trong ngày thứ ba 12-6-2018 “lịch sử” đó phải ra khỏi lối mòn cũ. Ông Kim đã quả quyết như thế ngay phút đầu cuộc gặp: “Vâng, không dễ để đến được đây. Quá khứ như xiềng xích trói chặt chân tay, những định kiến và cách hành xử cũ đã cản bước tiến của chúng ta. Nhưng chúng ta đã vượt qua tất cả và đang có mặt ở đây!”.

Thật vậy, những định kiến và cách hành xử cho tới nay của cả hai bên là quá nặng nề, mà chỉ bằng một sự đột phá thực sự họ mới có được thỏa thuận lịch sử vừa rồi.

“Nghệ thuật đàm phán”

Đó là tựa cuốn sách vào loại bán chạy nhất của ông Trump in năm 1987 (The art of the deal), và ông đã được dịp trình diễn tại Singapore những gì ông viết ra. Không thể không thừa nhận đây là một bước tiến lớn, mà nếu không phải là Donald Trump thì cánh cửa có lẽ sẽ chỉ càng đóng chặt hơn nữa, như chính ông Trump tự hào khẳng định trong cuộc họp báo chiều 12-6 trước khi lên máy bay về nước.

Hỏi: Ông vừa ký một văn kiện với ông Kim Jong Un. Cơ bản, đó chỉ là một mảnh giấy. Hôm qua, Ngoại trưởng Mike Pompeo phát biểu rằng nhiều tổng thống tiền nhiệm cũng như chủ tịch trước đây đã ký trên những mảnh giấy, để rồi chỉ nhận ra rằng người Triều Tiên không làm những gì họ đã nói hoặc chối bỏ các lời hứa. Điều gì khiến lần này khác biệt?

Trump: Quý vị nay đang có một chính quyền khác hẳn, một tổng thống khác hẳn và một ngoại trưởng khác hẳn. Những người đó, quý vị biết rõ mà, xem vụ này là rất quan trọng. Và chúng tôi đã giải quyết xong. Các êkip (tiền nhiệm) có thể không xem đó là một ưu tiên.

Thẳng thắn mà nói, tôi không nghĩ rằng các êkip đó có thể làm được, ngay cả nếu xem đó là một ưu tiên. (Thật ra) sẽ dễ dàng hơn vào thời điểm trước. Đối với tôi, sẽ dễ dàng hơn nếu (giải quyết) cách đây 10 hoặc 5 năm. Tôi không chỉ đổ lỗi cho mỗi tổng thống Obama. Lẽ ra đã phải giải quyết xong vụ này cách đây 25 năm”.

Suốt cuộc họp báo, ông Trump mấy lần “nhấn nhá” về sự khác biệt hơn hẳn này của ông so với các tổng thống tiền nhiệm, nhất là Bill Clinton: “Họ (Triều Tiên) đã cầm cả tỉ đôla từ chính quyền Clinton mà chẳng làm gì”. Lần khác, ông lại nói: “Đặc biệt trong trường hợp này, lẽ ra phải xong từ nhiều năm trước, phải giải quyết từ lâu rồi. Giờ này, chúng tôi đang phải làm điều đó. Bất cứ ai cũng có thể gây chiến tranh, nhưng chỉ ai can đảm nhất mới có thể kiến tạo hòa bình”.

Ở đây phải mở ngoặc đơn là như rất nhiều lần khác, những tuyên bố lớn tiếng của ông Trump không đúng sự thật. Báo New York Times đã tiến hành công tác kiểm tra dữ kiện và các tư liệu lịch sử cho thấy chính quyền Clinton chỉ cung cấp các khoản viện trợ tối đa là 400 triệu USD cho Triều Tiên giai đoạn 1994-1995. Ngoài ra, nếu không có thỏa thuận đó của thời Clinton, Bình Nhưỡng có thể đã sở hữu tới hàng trăm vũ khí hạt nhân, cũng theo New York Times.

Thế nhưng không rõ trong khi ông Trump cứ mải “nhấn nhá” thể hiện sự khác biệt hơn người của ông như thế, không chỉ hôm nay mà hơn 500 ngày qua từ khi ông nhậm chức, “bên kia”, từ “bạn mới” Kim Jong Un (mà mới mấy tháng trước đây ông Trump còn đòi giáng “bão lửa và cuồng nộ” xuống đầu), tới Bắc Kinh, Matxcơva đang nghĩ gì?

Đàm phán kiểu Kim Jong Un

Cần đặt mọi yếu tố đó vào phần “phông nền” để hiểu tư thế của ông Kim khi bước vào cuộc đàm phán này. Trước hết, là “biết địch biết ta, trăm trận trăm thắng”. 500 ngày ông Trump ở Nhà Trắng đã là quá đủ để “phân tích” cách tiến thoái của ông cùng những gì ông ưa và không ưa, đâu là điểm mạnh, đâu là điểm yếu.

Chính vì thế mà từ năm ngoái, ông Kim đã cùng chơi “đôi công” với ông Trump: ông Trump “tấn công”, ông Kim cũng “tấn công”, càng “bạo lực” hơn. Càng bị hăm he, càng đẩy hết tốc độ thử hạt nhân, tên lửa. Càng bị “rủa xả”, càng “chửi bới” lại.

Cả thế giới đều đã chứng kiến cuộc “tỉ thí bằng mồm” này suốt mấy tháng cuối năm 2017 và cũng đã chứng kiến kết cuộc: ông Kim đã có trong tay những gì cha và ông nội ông chỉ mới ao ước: bom khinh khí và tên lửa liên lục địa!

Bước qua giai đoạn “ăn nói”, ông Kim cũng chơi “đôi công”: khi tân cố vấn an ninh của ông Trump là John Bolton định đóng vai “cớm dữ” (bad cop) bên cạnh “cớm hiền” (good cop) là tân Ngoại trưởng Pompeo, dọa sẽ tái diễn “vở tuồng Libya” với ông Kim, ông này thẳng thừng ngưng đàm phán ngay (từ đó ông Pompeo mới thực sự nổi lên trong vai trò nhà đàm phán “được tin dùng” bởi cả ông Trump lẫn ông Kim).

Từ sau vụ ông Bolton dọa “xử theo kiểu Libya” bất thành, các cuộc đàm phán tiền trạm tiến triển nhanh chóng, với những lần ông Pompeo sang Bình Nhưỡng và Phó chủ tịch, “trùm tình báo” Kim Yong Chol bay sang Washington. Có thể thấy ông Kim đã và đang sử dụng “cầm nã thủ” để đối phó với ông Trump. Còn liệu ông Kim có thực tâm đàm phán hay không, nói xin lỗi, “trời cũng chẳng biết”.

Thỏa thuận Sentosa

Bất chấp, ông Trump vẫn khoái chí vô cùng, điều này thể hiện qua cuộc gặp thượng đỉnh và Tuyên bố chung Sentosa, nhất là cuộc họp báo sau đó.

Đầu tiên là một cuộc gặp kín tay đôi chỉ có hai thông dịch viên bên cạnh. Một cuộc gặp mà báo chí cho rằng các ông Bolton và Pompeo nhất định không hài lòng và không yên tâm. Không ai đoán được chớ đừng nói là biết hai ông Trump và Kim trong thư phòng của khách sạn Capella nói gì với nhau, còn “vò đầu bứt tai” hơn cả “không biết có gì trong phong thư to đùng” mà ông Kim Yong Chol trao tay cho ông Trump cách đây hai tuần.

Nếu nói là gặp thượng đỉnh thì 30 phút gặp riêng đó mới thực sự là thượng đỉnh. Điều mà báo chí biết và nói nhiều, chẳng hạn như những phân tích “ngôn ngữ cơ thể”, những cú chạm cánh tay hay vuốt lưng nhau, phải chăng đã nằm sẵn trong kịch bản đàm phán tiền trạm Pompeo - Kim Jong Chol từ lâu rồi?

Nếu theo dõi hội nghị ngay từ khi chưa bắt đầu, trên màn hình do Channel News Asia của nước chủ nhà cung cấp “sóng sạch”, sẽ thấy vẻ mặt ông Kim “sắc lạnh” như thế nào khi bước xuống xe, tháo cặp kính ra, bước vài bước đầu, hoàn toàn khác với hình ảnh “dịu hiền”, “thư giãn”, “sảng khoái” của một Trump cao tuổi, mệt mỏi, phờ phạc thấy rõ. Tổng thống Mỹ than thở: “Tôi đã không ngủ suốt 25 giờ qua” ngay trong cuộc họp báo!

Những phát biểu của ông, như thường lệ, đều nhắm vào việc ca ngợi bản thân, kể cả khi nói tới đối tác Kim Jong Un. “Ông ấy rất dứt khoát - ông Trump nói - Do lẽ thực tế ông ấy muốn làm điều này (tức hòa giải), tôi nghĩ ông ấy có thể muốn cũng ngang tôi, thậm chí nhiều hơn tôi” và “bởi họ thấy một tương lai tươi sáng cho Triều Tiên. Ngày hôm nay, chúng tôi đã ký một văn kiện toàn diện. Chúng tôi đã ký một tài liệu rất, rất toàn diện và tôi tin rằng ông ấy sẽ sống căn cứ theo văn kiện đó”.

Sau cuộc họp kín tay đôi là cuộc họp chung với các cận thần mỗi bên, và cuối cùng là một bữa trưa - làm việc. Tất cả diễn ra trong khoảng 5 giờ. Chỉ 5 tiếng đồng hồ, liệu có đủ để “Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim Jong Un đã trao đổi toàn diện, sâu sắc và chân thành quan điểm về những vấn đề liên quan tới việc thiết lập một mối quan hệ mới giữa Mỹ và Triều Tiên, cũng như kiến tạo một nền hòa bình lâu dài và mạnh mẽ trên bán đảo Triều Tiên”, như theo tuyên bố chung?

Có thể xem văn kiện mà hai ông Trump và Kim vừa ký chỉ mang tính bộ khung hướng dẫn, để rồi từ đó còn nhiều đàm phán chi tiết nữa. Thỏa thuận này có thể tóm tắt bằng câu sau trong tuyên bố chung Sentosa: “Tổng thống Trump cam kết đảm bảo an ninh cho Triều Tiên và Chủ tịch Kim Jong Un tái khẳng định cam kết mạnh mẽ, vững chắc đối với việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên”.

Tại sao ông Trump lại tin tưởng ông Kim cực độ như vậy? Có lẽ trước hết do ông Kim đã thuyết phục được ông Trump bằng những hứa hẹn cụ thể như Bình Nhưỡng sẽ cho phá dỡ ngay một địa điểm thử hạt nhân nữa, bằng cớ là đã có chấn động địa chất 8,8 độ Richter ở địa điểm đó, hay vấn đề hài cốt KIA (lính Mỹ tử trận trong chiến tranh Triều Tiên).

Ông Trump kể lại việc ông cho ông Kim và các cận thần của ông này xem một video clip, trên iPad của đoàn Mỹ, về một “tương lai” của Triều Tiên với những khách sạn, khu nghỉ dưỡng bên bờ biển, tha hồ hái ra tiền và rằng họ mê mẩn... trước tương lai thịnh vượng nhờ hòa bình mà sẽ kiên quyết phi hạt nhân, đổi lại ông sẽ thôi cho quân Mỹ tập trận, thậm chí sẽ triệt thoái, sẽ bàn cả với Nhật Bản về tương lai 50.000 quân Mỹ đóng ở đó...

Một nhà báo nữ băn khoăn hỏi: “Tổng thống có thể nói đến hậu quả đối với Triều Tiên nếu họ không theo đuổi các cam kết?”, ông Trump “hiền” chưa từng thấy: “Tôi không muốn nói đến điều đó... Tôi không muốn đe dọa”.

Đúng như ông Kim đã nói, để đạt đến thỏa thuận Sentosa phải dứt khoát với những suy nghĩ và cách hành xử cũ. Ông Trump đã tỏ rõ quyết tâm tột cùng rồi.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận