GDP không phải thước đo chính xác

NGUYỄN VẠN PHÚ 02/11/2003 04:11 GMT+7

TTCT - Có người bạn gọi điện nửa đùa nửa thật: “Sao nghe nói thu nhập đầu người nước ta tăng đến 22,5% so với năm 1999 mà tôi thấy đồng lương của mình năm năm rồi vẫn đứng nguyên, chưa kể nó teo tóp hẳn nếu so với giá vàng hay giá đôla? GDP hằng năm tăng bao nhiêu không rõ, tôi chỉ thấy chất lượng cuộc sống ngày càng tệ hại. Đường nào cũng kẹt xe, mưa nhỏ hay mưa lớn đều bị ngập nước”.


"Đường nào cũng kẹt xe, mưa nhỏ hay mưa lớn đều bị ngập nước"

Đây không chỉ đơn thuần là một nhận xét cảm tính, vì đúng là tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) không phải là thước đo chính xác cho sự phát triển của xã hội. Nói một cách đơn giản, GDP là tổng chi tiêu của gia đình, đầu tư của doanh nghiệp, chi tiêu của Chính phủ cộng phần chênh lệch giữa xuất khẩu và nhập khẩu. Một số nhà kinh tế đã nêu nhiều điểm yếu của GDP. 

Thứ nhất, GDP xem mọi loại giao dịch đều đóng góp vào mức tăng của nó. Khuyết điểm thứ hai là GDP chỉ quan tâm đến những hoạt động nào có thể tính bằng tiền nên những chuyện nội trợ, nuôi con, chăm sóc người già, những hoạt động tình nguyện xem như có giá trị bằng không. Điều nguy hiểm là chính sách kinh tế - xã hội có thể bị méo mó nếu chỉ chú trọng hoạt động tính được bằng tiền để “góp phần tăng GDP”. 

Quan trọng hơn cả, các nhà kinh tế phản đối sử dụng GDP làm thước đo vì nó xem việc hủy hoại tài nguyên thiên nhiên là tăng trưởng. Giả sử một cánh rừng bị phá, gỗ đem bán, thế là GDP tăng. Không một doanh nghiệp nào cứ “cấu” vào tài sản ăn dần mà xem là thu nhập chứ không phải là khoản khấu hao, phải bù đắp. Trong khi đó bảng cân đối tài khoản quốc gia lại làm theo cách đó. 

Chương trình 1 triệu tấn đường của VN chẳng hạn, nếu tính theo tăng trưởng GDP thì đã đóng góp nhiều cho mức tăng này nhưng hậu quả như thế nào thì chúng ta đã biết. Hay sau một trận lũ lụt, nhà cửa, đường sá hư hỏng nặng. Chi phí sửa chữa để tái tạo nguyên trạng như trước cơn thiên tai cũng được tính là đóng góp vào GDP thì phi lý quá. 

Để đo lường mức sống của một nước, một số nhà kinh tế đã đề nghị nhiều phương pháp khác, chẳng hạn chỉ số tiến bộ thật sự - gọi tắt là GPI. GPI cũng sử dụng số liệu như GDP nhưng trừ đi những chi tiêu không đóng góp gì vào chất lượng cuộc sống như phí khắc phục ô nhiễm môi trường, và cộng thêm những hoạt động tích cực nhưng không tính bằng tiền như công việc nội trợ. Một cách đo lường khác gọi tắt là ISEW (chỉ số thịnh vượng kinh tế bền vững) cũng dùng lối tiếp cận tương tự. Những chỉ số này thật ra cũng không có ích gì nếu các chính phủ hay các tổ chức quốc tế không sử dụng nó một cách chính thức.

Quay trở lại chuyện nước ta, có thể có người lấy làm lạ trước phát biểu của đại diện chính quyền và Quốc hội rằng mặc dù GDP của nước ta tăng khá (ước tính 7,2%-7,3% trong năm nay) nhưng chất lượng tăng trưởng vẫn là khâu yếu. Tăng trưởng là tăng trưởng, vì sao có khái niệm chất lượng ở đây? Nói chính xác đây là một vấn đề lớn liên quan đến tính bền vững của tăng trưởng kinh tế VN.

Để minh chứng cho yếu tố chất lượng trong tăng trưởng, người ta lập luận rằng đóng góp vào tăng trưởng GDP ở nước ta, yếu tố vốn chiếm đến 52,7%, yếu tố lao động chiếm 19,1%, còn yếu tố năng suất toàn bộ (gọi tắt là TFP) chỉ đóng góp 19,1%. 

Tuy nhiên, tính toán được chính xác yếu tố TFP trong tăng trưởng GDP rất khó khăn vì đây là những tính toán phức tạp, độ chính xác không cao. 

Vấn đề quan trọng là TFP hay đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của các yếu tố không định lượng được như trình độ quản lý, cách tổ chức sản xuất, chất lượng giáo dục, trình độ tay nghề... của VN thật sự còn yếu. Sử dụng kém hiệu quả các nguồn lực hay tốc độ đổi mới kỹ thuật chậm chạp chính là mối quan ngại đằng sau chất lượng tăng trưởng.

Thật ra, không cần sử dụng những khái niệm phức tạp như thế cũng dễ nhận thấy rằng tăng trưởng GDP của VN còn nhiều điều đáng lo lắng. GDP có thể tăng nhờ nguồn vốn ODA, đầu tư nước ngoài hay kiều hối đang chảy vào khá đều đặn. Lẽ ra GDP có thể tăng cao hơn, vững chắc hơn nếu biết sử dụng tốt nguồn vốn này và tính cả chuyện trả nợ mai sau. 

Và GDP cũng vẫn có thể tăng nếu tiếp tục đầu tư ngân sách vào những chương trình kém hiệu quả như mía đường hay các công trình lớn mà hiệu quả chưa được làm rõ.

Dù sao với nhận định rất thẳng thắn của Chính phủ và Quốc hội, hi vọng chính sách kinh tế - xã hội trong thời gian tới sẽ cân nhắc đến bài toán này.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận