Khi môn toán kẹt giữa chính trị tả, hữu

XÊ NHO 01/12/2021 19:05 GMT+7

TTCT - Chuyện chia phe “bảo thủ” với “cấp tiến” tưởng chỉ có trong nền chính trị Mỹ, ai dè, theo tờ The Economist, cũng hiện diện trong việc dạy toán cho trẻ con nước này.

 
 Minh họa

 Số liệu khách quan cho thấy nước Mỹ có vấn đề về dạy và học toán. Năm 2018, trình độ toán của học sinh Mỹ lớp 10 xếp hạng 25 trong 38 nước thuộc OECD (Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế), một nhóm chủ yếu gồm những nước giàu. Người Mỹ trưởng thành xếp thứ 4 từ dưới lên về kỹ năng tính toán khi so với các nước giàu có khác. Chỉ có 30% người Mỹ là thành thạo các phép tính cơ bản.

Nước Mỹ lo nhất hai điều: năng lực toán của học sinh ngày càng yếu, điểm toán trong kỳ thi quốc gia đánh giá tiến bộ giáo dục (NAEP) của học sinh 13 tuổi năm 2020 sụt mất 5 điểm so với lứa học sinh cùng tuổi năm 2012 - và chuyện yếu toán như thế đã kéo dài mấy thập niên rồi chưa giải quyết nổi. 

Ngay từ thời cạnh tranh với Liên Xô sau khi nước này phóng vệ tinh Spunik vào không gian, nước Mỹ vội vàng cải cách dạy toán, nhấn mạnh đến việc hiểu khái niệm hơn là học thuộc lòng các công thức. Nhưng đến thập niên 1970, chương trình cải cách này bị phản bác, phải hủy bỏ để quay về các phương pháp truyền thống.

Cứ thế, thập niên nào nước Mỹ cũng toan tính cải cách môn toán để khỏi thua sút nước khác, xoay quanh hai trục: phe bảo thủ vận động để theo đuổi loại toán cổ điển, tức học thuộc lòng bảng cửu chương, các công thức toán, các bước làm toán phải theo... trong khi phe cấp tiến đòi cách tiếp cận môn toán khác, tức dùng toán để giải quyết các vấn đề, phát triển ý thức về các khái niệm toán học, xây dựng một “cảm nhận” về các con số...

Hãy so sánh cách giải một bài toán cộng bình thường để thấy sự khác biệt giữa hai phe. 

Với bài toán 27 + 45, phe bảo thủ sẽ bày học sinh cách cộng bình thường, tức xếp 27 và 45 thành hai hàng, lấy 7 cộng 5 bằng 12, viết 2 nhớ 1... như cách người lớn chúng ta từng cộng. 

Phe cấp tiến yêu cầu học sinh cộng số hàng đơn vị với nhau (7 + 5=12), rồi cộng hàng chục với nhau (20 + 40=60), cuối cùng mới cộng hai kết quả này để có kết quả sau cùng là 72. Điểm đặc biệt là phe cấp tiến nhấn mạnh một bài toán có thể có nhiều cách giải nên sẽ bày thêm: 27 thì còn thiếu 3 là bằng 30, lấy 45 cộng 30 bằng 75 xong rồi trừ bớt 3 để có kết quả 72.

Nói cách khác, phe bảo thủ nhấn mạnh đến quy trình làm toán theo từng bước tuần tự. Phe cấp tiến khuyến khích học sinh nhìn một bài toán từ nhiều góc độ để tìm lời giải, từ đó giúp xây dựng cảm nhận về các con số chứ không phải các bước làm toán khô khan. Cứ thế hai phe tranh cãi nhau liên miên, đỉnh điểm là khi áp dụng chương trình cải cách Common Core từ năm 2010. Các nhà giáo dục một bên khen ngợi Common Core hết lời, một bên gán cho nó những thất bại của nền giáo dục Mỹ.

Nay những người cấp tiến đẩy sự việc đi xa với những biện pháp cực đoan như cấm học vẹt nên cấm luôn học sinh học thuộc lòng bảng cửu chương. Phe bảo thủ lấy tuyên bố này để chứng minh cho việc phe cấp tiến đã đi quá đà. Một số nhà hoạt động cấp tiến đòi mở rộng khái niệm toán học để bao hàm cả “toán vì công lý xã hội” - một khái niệm cho rằng toán phải giúp học sinh giải quyết các vấn đề thật của cuộc sống và đánh giá thế giới các em đang sống.

Thế là, thay vì kết hợp giữa hai phương pháp tiếp cận cả cổ điển lẫn cải cách như nhiều nước khác bởi phương pháp nào cũng có cái hay riêng của nó, Mỹ hiện như con lắc quay từ thái cực này sang thái cực khác trong giáo dục nói chung và trong môn toán nói riêng.

 
 

 Một bài viết trên tờ Wall Street Journal tóm tắt hệ quả của việc đi quá đà: nhiều thế hệ học sinh có thể không biết cách tính diện tích một căn hộ nhưng môn “toán” kích động chính trị sẽ là bản năng thứ hai của các em. Tờ báo phê phán chương trình khung môn toán do giới chức giáo dục bang California dự định sẽ áp dụng cho các trường công lập ở tiểu bang này. 

Chương trình khung 8 lần yêu cầu giáo viên sử dụng tài liệu “Gỡ bỏ phân biệt chủng tộc trong dạy toán”, một tài liệu cho rằng nếu giáo viên sửa sai ngay cho học sinh thì đó là một hình thức “chủ nghĩa da trắng thượng đẳng”. Các dấu hiệu “chủ nghĩa da trắng thượng đẳng trong lớp học toán” khác được nêu trong tài liệu gồm chỉ “chăm chăm tìm lời giải đúng”, yêu cầu học sinh “trưng bài làm” của mình, cho điểm học sinh dựa trên khả năng trình bày kiến thức đã học.

Tờ The New York Times cho biết chương trình này khẳng định làm gì có học sinh năng khiếu vì như thế là không “bình đẳng”; bác bỏ chuyện bắt đầu cho học sinh lớp 8 học đại số; đòi thay môn giải tích bằng các môn hiện đại hơn như khoa học dữ liệu hay thống kê. 

“Tôi thấy tội cho những học sinh này. Chúng ta đang cưa chân các em để làm cho chúng bằng với những học sinh không giỏi môn toán" - một giáo viên nhận xét về yêu cầu giảm nhẹ chương trình như không cho mở lớp toán giải tích cho các học sinh có năng khiếu về toán. 

Quan trọng hơn, The New York Times cũng xác nhận chương trình khung cho rằng toán không phải là không có tính chủng tộc, vì thế giáo viên phải tìm cách dạy cho học sinh khám phá công lý xã hội như tìm trong nội dung các bài toán đố những định kiến về giới tính, màu da hay áp dụng khái niệm toán vào các đề tài như di dân hay bất bình đẳng. 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận