Khủng hoảng Syria: tạm hạ hỏa

ANH NGUYỄN 15/09/2013 18:09 GMT+7

TTCT - Cuộc khủng hoảng Syria bớt “nóng” khi tối 10-9, trong phát biểu trực tiếp từ Nhà Trắng, Tổng thống Obama đã yêu cầu quốc hội tạm hoãn bỏ phiếu về việc tấn công quân sự Syria khi một giải pháp ngoại giao đang được triển khai. Mặc dù cùng lúc ông cũng chỉ thị cho quân Mỹ giữ nguyên vị trí bao vây Syria! (1)

Syria bỏ vũ khí hóa học "vì Nga chứ không phải sợ Mỹ"

Phóng to
Time cho rằng Tổng thống Obama là ”một chiến binh khốn khổ“

Giải pháp ngoại giao đó - lối thoát cho “nước cờ hỏng” tại quốc hội của Tổng thống Obama bất ngờ lại đến từ phía Nga! Ngày 9-9, sau khi Ngoại trưởng Mỹ John Kerry “lỡ lời” nói với phóng viên Mỹ rằng Hoa Kỳ có thể cân nhắc không tấn công nếu Assad giao hết vũ khí hóa học, ngày 10-9 Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov chính thức đề xuất việc Syria chuyển giao toàn bộ kho vũ khí hóa học cho cộng đồng quốc tế kiểm soát. Không chỉ thế, Nga còn đề nghị Syria tiêu hủy kho vũ khí này và tham gia Công ước vũ khí hóa học, nếu Mỹ quyết định không tấn công Syria.

Syria đã gần như ngay lập tức đồng ý với các đề nghị của Nga, qua phát biểu của Ngoại trưởng Syria Walid Muallem trong ngày 10-9, một bất ngờ lớn bởi Syria đã khước từ ký Công ước vũ khí hóa học suốt 20 năm qua (xem box).

Nhà Trắng đến giờ chưa loại bỏ khả năng tấn công quân sự. Nhưng mặt khác, Washington đang ráo riết cùng Anh và Pháp thông qua HĐBA nghiên cứu giải pháp này. Bài phát biểu tối thứ ba của Tổng thống Mỹ Obama chuyển hướng từ kêu gọi ủng hộ tấn công quân sự sang cổ súy phương án LHQ.

Người Nga giúp giải vây?

Quan hệ song phương kém, quan hệ cá nhân Putin - Obama không thể tệ hơn khiến chuyện Nga "giải cứu" Obama trở thành bất ngờ lớn. Tờ Der Spiegel ngày 11-9 nói sáng kiến thiếu phối hợp này có vẻ như là đòn nghi binh của Syria và Nga, nhưng Tổng thống Obama trong các trả lời phỏng vấn truyền hình đã cho rằng sáng kiến này “không mới”, rằng ông đã cùng Tổng thống Nga thảo luận điều này tại Hội nghị G20 tuần trước” (2).

Xác nhận điều này, Tổng thống Nga V. Putin nói ông là người đầu tiên đề xuất giải pháp này với ông Obama tại cuộc gặp G 20 ở Saint Petersburg (3). Chính vì vậy mà nhà nghiên cứu độc lập Soraya Sepahpour-Ulrich cho rằng đề nghị của Matxcơva đã “giúp giữ thể diện cho Tổng thống Obama”.

Là bởi đến ngày 9-9, mọi phân tích đều cho thấy ông Obama sẽ không thể nào xin được ủng hộ của quốc hội cho giải pháp quân sự. Đại diện phe đa số trong Thượng viện Mỹ, ông Harry Reid, trong ngày 9-9 đã tuyên bố tạm hoãn cuộc bỏ phiếu cho phép không kích Syria sang tuần sau.

Trong sâu thẳm, có lẽ nhiều nghị sĩ đang oán hận Tổng thống Obama với quyết định xin ý kiến quốc hội về việc đánh Syria.

Quyết định này, dù tạo hình ảnh Nhà Trắng tôn trọng quốc hội, lại đẩy họ vào thế khó khi phải đối mặt với đám đông mệt mỏi vì các cuộc chiến suốt 12 năm qua. Cuộc thăm dò hồi tuần trước của Washington Post cho thấy cứ 10 người Mỹ thì có sáu người chống giải pháp quân sự. Trang Politico viết về một hạ nghị sĩ Dân chủ đã đưa câu hỏi về cuộc chiến cho khu vực cử tri của mình. Và lần đầu tiên trong hơn năm nhiệm kỳ nghị sĩ, mẹ ông gọi đến và nói: “Với tư cách một cử tri, xin ông bỏ phiếu không”.

Hạ nghị sĩ Peter A. DeFazio của phe Dân chủ tại Oregon thì viết trên trang Facebook của mình rằng sau một tuần nghe thông tin từ một loạt quan chức cấp cao như cố vấn an ninh quốc gia Susan Rice, Ngoại trưởng John Kerry, tướng Martin Dempsey, chủ tịch hội đồng tham mưu trưởng liên quân, ông “vẫn không tin chuyện tấn công là khôn ngoan”. Ông viết thêm trên Twitter: “Dựa trên số cử tri gọi điện và email cho văn phòng tôi: 1.135 người chống, 18 người ủng hộ”.

Nghị sĩ Loretta Sanchez của Đảng Dân chủ ở California nói bà chống vì cho rằng vụ việc không liên quan tới lợi ích an ninh trực tiếp của nước Mỹ. “Tôi chưa nghe thấy chuyện Assad muốn dùng vũ khí hóa học chống chúng ta... Vậy thì lợi ích quốc gia là ở đâu?”.

“Phóng vài quả Tomahawk cũng sẽ không cứu vãn được uy tín của chúng ta trên trường quốc tế”, AP trích lời Mike McCaul, hạ nghị sĩ Cộng hòa, đang là chủ nhiệm ủy ban an ninh nội địa hạ viện.

Có thể hiểu vì sao Harry Reid tạm hoãn cuộc bỏ phiếu cho phép không kích Syria: các con số hiện tại ở cả lưỡng viện đều không lạc quan cho ông Obama. Ở thượng viện, tổng thống Mỹ có khoảng 25/100 phiếu ủng hộ. Ở hạ viện trên tổng số 435, Washington Post tính Obama chỉ có khoảng 23 phiếu ủng hộ (NY Times tính ông có khoảng 39 phiếu) và các con số này không có dấu hiệu tăng.

“Các bên đều thắng”

Phe nổi dậy ở Syria đang suy yếu và thua trên mọi mặt trận, giải pháp can thiệp quân sự lúc này là cần hơn bao giờ hết với Israel và Mỹ để cứu phe nổi dậy. Không can thiệp, đe dọa của Mỹ sẽ mất hiệu lực với Hezbollah và đặc biệt là Iran. Nói như Stephan Hadley, cựu cố vấn an ninh quốc gia dưới thời George W. Bush, “nếu Mỹ không hành động, các đe dọa của Mỹ sẽ không có nghĩa lý gì với Iran” và chương trình hạt nhân của nước này.

Nhưng can thiệp cũng không đơn giản khi ở Syria, ngoài lực lượng thân Assad, chủ yếu là nhóm Hồi giáo Alawite, phần còn lại của Syria do lực lượng người Sunni và người Kurd kiểm soát. Trong nhóm Sunni có các nhóm thân phương Tây như lực lượng Free Syrian Army (Mỹ muốn nhóm này thắng) và các nhóm Hồi giáo cực đoan, thân Al Qaeda như nhóm Mặt trận Nusra mà Mỹ lại không ủng hộ.

Ở trường quốc tế, ủng hộ công khai Mỹ lúc này có Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia. Nhưng kể cả người mạnh miệng như Tổng thống Pháp François Hollande cũng nói nên đợi kết quả từ các thanh sát viên Liên Hiệp Quốc và nên đi lại qua con đường Hội đồng Bảo an - nơi Nga và Trung Quốc đều đang sẵn sàng phủ quyết.

Ở trong nước, như Ross Douthat viết trên International Herald Tribune, “Ông Obama đã đánh cược nhiệm kỳ tổng thống của mình khi chưa làm xong nhiệm vụ lobby với cử tri” (cuộc thăm dò của PEW hôm 3-9 cho thấy chỉ có 32% cử tri Mỹ hiểu vì sao tổng thống muốn tấn công quân sự Syria). Tranh biếm họa của Los Angeles Times thì nói Obama “yếu đi” nếu không ném bom, thành “vịt què” nếu không xin được quốc hội, tấn công quân sự mà quá yếu thì bị gọi là “không hiệu quả” và nếu đánh quá rát sẽ bị coi là “kẻ giết trẻ em”.

Sáng kiến của Nga, vì thế, có thể nói đã giúp đưa ông Obama khỏi tình thế cực kỳ nan giải. Der Spiegel bình luận: “Một giải pháp mà các bên đều thắng: Ông Assad thắng thêm thời gian, Nga có thể tự giới thiệu mình như một nhà kiến tạo hòa bình, trong khi với ông Obama đây là lối thoát khỏi ngõ cụt mà ông dẫn dắt chính mình vào!”.

Trong khi các thành viên của HĐBA nhiều khả năng sẽ ủng hộ việc chuyển giao kho vũ khí hóa học của Syria cho quốc tế, thì bất đồng lớn nhất vẫn còn quanh văn kiện cuối cùng về việc quy tội cho chính quyền Assad sử dụng vũ khí hóa học ngày 21-8, và liệu cánh cửa của một cuộc can thiệp quân sự có còn để ngỏ để chống lại Damascus hay không?

Công ước vũ khí hóa học (CWC) là một thỏa thuận kiểm soát vũ khí, do Tổ chức Cấm sử dụng vũ khí hóa học có trụ sở tại The Hague, Hà Lan, điều hành. Cho đến tháng 1-2013, 78% kho vũ khí (có đăng ký) này đã bị tiêu hủy.

Đến tháng 6-2013, có 189 quốc gia là thành viên của CWC. Trong số bảy thành viên của LHQ không tham gia CWC, hai nước Israel và Myanmar đã ký nhưng chưa phê chuẩn CWC.

Năm nước còn lại là Angola, Ai Cập, CHDCND Triều Tiên, Nam Sudan và Syria.

Việt Nam ký CWC vào ngày 13-1-1993 và phê chuẩn vào ngày 30-9-1998.

(http://treaties.un.org/Pages/ViewDetails.aspx?src=TREATY&mtdsg_no=XXVI-3&chapter=26&lang=en)

(1): http://nbcpolitics.nbcnews.com/_news/2013/09/10/20427421-full-transcript-of-president-obamas-remarks-on-syria?lite

(2): http://www.spiegel.de/international/world/barack-obama-postpones-syria-attack-after-russian-initiative-a-921367.html#spRedirectedFrom=www&referrrer=

(3): http://rt.com/news/syria-join-chemical-weapons-convention-675/

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận