Lời giải thích đằng sau những chuyển động sâu sắc

SÁNG ÁNH 02/01/2018 21:01 GMT+7

TTCT - Bàn cờ địa chính trị Trung Đông trong năm 2017 đã chứng kiến nhiều chuyển biến sâu sắc, mang tính nền tảng, mà để hiểu được thì không thể không lần trở lại quá khứ.

Một thiếu niên vô danh vẫy lá cờ Palestine trước một khu định cư của Israel tại Bờ Tây. Giấc mơ về một nhà nước Ả Rập thống nhất vẫn còn sức sống ở thế kỷ 21.-Ảnh: Wikimedia
Một thiếu niên vô danh vẫy lá cờ Palestine trước một khu định cư của Israel tại Bờ Tây. Giấc mơ về một nhà nước Ả Rập thống nhất vẫn còn sức sống ở thế kỷ 21.-Ảnh: Wikimedia

 

Có thể điểm qua một số diễn biến lớn bao gồm mối nguy quân sự của Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tạm bị đẩy lùi. Nhưng “thỏ chết thì bẻ cung”, ước vọng về một quốc gia độc lập của người Kurd năm 2017 cũng bất thành.

Vấn đề cố hữu và trung tâm của khu vực suốt hơn nửa thế kỷ qua là mâu thuẫn Israel/Ả Rập đã chuyển hướng rõ rệt sang mâu thuẫn giữa Hồi giáo Shia và Hồi giáo Sunni, tức giữa hai thế lực trong khu vực là Saudi Arabia và Iran.

Liên minh khách quan giữa Saudi và Israel trước đây thầm thì phòng kín thì giờ đã rõ rệt, đến nỗi Thủ tướng Israel, ông Benjamin Netanyahu, lớn tiếng phát biểu: “Khi Israel và Ả Rập cùng lên tiếng thì mọi người nên chú ý”.

“Ả Rập” ở đây là Saudi, sau bao nhiêu năm chỉ dùng chính sách lót tiền sau lưng để xúi bảo, giờ ra mặt “anh cả” là ta chứ còn ai. Kẻ thù chung của Israel/Saudi là Iran Hồi giáo Shia. Sau Israel và Saudi đều là phương Tây, chủ yếu là Hoa Kỳ, cho nên dễ hiểu, chẳng có khó khăn gì cả.

Tổng thống Donald Trump sau khi đến thăm Saudi thì bay thẳng sang thăm Israel. Chiến thuật “Đi riêng, đánh (Iran hệ phái Shia) chung” của Saudi và Israel giờ chuyển thành “Đi chung, đánh chung” ra mặt cho nó tiện!

Dưới tầng sâu của mâu thuẫn

Nhưng mâu thuẫn Hồi giáo Shia - Sunni là một phân tích dễ dãi của các nhà bình luận. Iran thì hệ phái Shia cũng lâu rồi, từ thế kỷ 15, nhưng trước năm 1979 chẳng có vấn đề gì cả, khi quốc gia này dưới chế độ thân phương Tây của vua Shah.

Là khu vực chiến lược giữa Âu, Á và Phi, ước tính chứa trên dưới một nửa nguồn dầu hỏa thế giới, năm 2017 tình hình tại đây không được ổn định, cũng như suốt gần 100 năm nay, không phải chuyện gì khó hiểu.

Sau Thế chiến thứ nhất, đế quốc Ottoman từng thống trị khu vực bị các cường quốc thắng trận chia sẻ, chỉ còn lại cái lõi Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay. Lúc đó thế giới phân hai khối là Anh, Pháp và Nga liên minh với nhau; trong khi Đức, Áo - Hung liên minh với Ottoman.

Hai ngoại trưởng Anh và Pháp cùng xắn tay áo cầm thước kẻ dọc ngang trên bản đồ. Tất cả các quốc gia mà ta biết ngày nay trong khu vực là kết quả của bữa tiệc xí phần này giữa hai cường quốc.

Nước Nga của Sa hoàng, vì lý do riêng (Cách mạng Tháng 10) nên mất phần, là khu vực Istanbul ngày nay. Không ai tưởng tượng nổi thế giới sẽ ra sao nếu Istanbul thuộc về đế chế Nga, lúc đó và bây giờ.

Cũng như không ai tưởng tượng nổi thế giới sẽ ra sao nếu Galatasaray là một đội bóng Nga, Nobel văn học 2006 thuộc một nhà văn “Nga” (Orhan Pamuk), và món “kebab” lẫy lừng được viết thành “кебаб”.

Cho đến Thế chiến thứ hai, việc chia cắt các dân tộc Ả Rập ổn thỏa dưới ách toàn trị của Anh và Pháp vì các phong trào dân tộc hay quốc gia vào thời điểm đó còn yếu kém.

Những bất ổn trong vùng chủ yếu là bởi sự tranh giành giữa hai siêu cường này, đứng đằng sau các chính phủ “bình phong” của họ.

Thí dụ, vua của “Đại Syria” (Syria, Libăng, Palestine ngày nay) thuộc nhà Hashem ở Mecca (Saudi) định thông đồng với phong trào Zion (Do Thái di dân sang Palestine) và dùng ảnh hưởng Anh để chống Pháp, bị Pháp đánh, nên chạy sang làm vua... Iraq!

Hiện nay nhà Hashem vẫn làm vua... Jordan, khi Saddam Hussein bị lật đổ năm 2003, chú của vua Jordan còn đòi sang Iraq làm vua thay Saddam. Họ Hashem làm vương Mecca (khu vực Hejaz phía tây giáp biển Đỏ) bị họ Saud (khu vực Nadj, miền đông sa mạc) đuổi đi, làm vua ở nơi khác.

Tất cả những điều đó cho thấy sự tương đối và mong manh của những đường biên giới trong quá khứ, hầu hết được quyết định bởi ý chí của hai siêu cường Anh - Pháp. Chủ nghĩa quốc gia Ả Rập, dân chủ, tiến bộ và thế tục không ngoi lên được dưới ách của các vương triều do thực dân sắp đặt.

Quốc gia Israel hình thành vào năm 1948 trong môi trường một khu vực quân chủ chuyên chế dưới ảnh hưởng của phương Tây.

“Khối Ả Rập” lúc đó hầu hết là các nền quân chủ. Anh và Liên Xô vì thế là những nước đầu tiên công nhận Israel để gây ảnh hưởng trong khu vực, giúp người Do Thái từ Đông Âu di dân sang ồ ạt và chuyển súng đạn qua ngả Tiệp Khắc (không lực Israel đầu tiên được trang bị máy bay Avia của Tiệp Khắc mặc dù phương Tây cấm vận vũ khí. Tiểu liên nổi tiếng Uzi của Israel là phiên bản địa phương của khẩu Cz 24-25 của Tiệp).

Sự thất bại của các chế độ quân chủ Ả Rập là động cơ khiến quần chúng lật đổ các chế độ này ở nhiều nơi. Ở phương Tây, Mỹ can thiệp vào khu vực vốn thuộc ảnh hưởng truyền thống cố hữu của Anh và Pháp để khẳng định vị thế siêu cường thế giới mới của họ.

Điển hình là khi Anh - Pháp đổ quân chiếm kênh đào Suez ở Ai Cập (1956). Phần Liên Xô, để cạnh tranh, quay sang ủng hộ các cộng hòa Ả Rập mới trong vùng, dẫn đầu bởi chế độ Nasser tại Ai Cập.

Tranh chấp Ả Rập/Israel xoay chiều, phương Tây giúp Israel và Liên Xô giúp phong trào quốc gia Ả Rập. Nếu các vương triều thân Âu - Mỹ không bị lật đổ thì rất có thể phương Tây vẫn ủng hộ các chế độ quân chủ Ả Rập, và Liên Xô ngược lại, giúp Israel!

Điển hình là trường hợp của Iran. Khi quần chúng trong cuộc bầu cử tự do và chính đáng nhất của nước này (1953) bầu lên Thủ tướng Mohammad Mossadegh thì Anh - Mỹ lại lật đổ ông, đưa vua Shah đã bỏ chạy sang Roma trở về.

Trong 26 năm ông vua này quản lý đất nước, Iran được tung hô là tiến bộ, hợp tác với Israel, hình ảnh của phụ nữ là hoàng hậu được vào Hàn lâm viện Nghệ thuật Pháp (và ăn tiêu thoải mái). Iran đóng vai sen đầm khố xanh, khố đỏ cho Hoa Kỳ trong khu vực, khi Oman có loạn thì tiếp tay cho Anh và trực tiếp đưa quân sang dẹp hộ.

Chế độ Shah tận lực và thành công trong việc đàn áp chống đối dân chủ và quốc gia, xã hội chủ nghĩa và thiên tả. Nó thành công đến nỗi khi quần chúng vùng dậy, chỉ có lực lượng tôn giáo còn tồn tại có thể đứng đầu. Các thầy tu chấp chính và Iran trở thành một chế độ thần quyền.

Tại phương Tây, Iran từ “tiến bộ” nay trở thành thành viên “trục ác quỷ”, rồi hiểm họa của thế giới, vì đã thoát khỏi ảnh hưởng của họ. Nay thì Iran càng khó, bởi thế ba chân trong vùng, Saudi - Israel - Iran, giờ chỉ còn có hai.

Như thế, mâu thuẫn Shia/Sunni chỉ là cái cớ che đậy mâu thuẫn chính trong khu vực: dễ bảo hay ngoan ngoãn với siêu cường, chấp nhận bán đứng chủ quyền và tài nguyên quốc gia thì Sunni (Saudi) hay Shia (Iran) đều tốt cả! Saddam cũng thế, ông chuyên chế mà đánh Iran thì tốt, nhưng ông chuyên chế chiếm Kuwait thì phải trừng trị.

Nói qua, quốc gia Kuwait ngày nay là cái gì? Nó là sản phẩm của thực dân, Anh quốc phong vương cho một họ làm chúa ở địa phương. Cả khu vực ở trong tình trạng chia cắt, dù chỉ có một dân tộc Ả Rập, cùng một lịch sử, ngôn ngữ và nguồn gốc.

Giấc mơ thống nhất dân tộc Ả rập

Việc thống nhất dân tộc Ả Rập từng được toan tính trong vài thế kỷ trước. Cộng hòa Ả Rập thống nhất 1958 gồm hai nước Ai Cập và Syria.

Khi thành phần quốc gia chủ nghĩa ở Libăng đòi sáp nhập với hai nước trên thì Hoa Kỳ đưa thủy quân lục chiến tới Libăng và Anh cử biệt kích sang Jordan.

Khi Iraq lật đổ nền quân chủ, họ cũng đã muốn sáp nhập vào thành một nhà nước “Đại Ả Rập” (vết tích còn lại ngày nay là lá cờ ba sao: Ai Cập - Syria - Iraq).

Ba phần chia ngang đỏ, trắng và đen cho đến giờ vẫn là căn bản chung của cờ Ai Cập, Syria, Iraq, Sudan, Yemen, cũng như Libya (1969-1977).

Sang năm 2018, kết quả của nỗ lực thánh chiến chống Shia của vương triều Saudi, hiện đang là ngọn cờ đầu, có thể rõ ràng hơn.

Nhưng thái tử hiện nay đã cho thấy ông hùng hổ ra sao, bất chấp thất bại tại Yemen, nơi Saudi trực tiếp tham chiến, bất thành trong việc dọa Qatar hay răn Libăng. Trong nhà, hiện ông toàn quyền, nhưng những cuộc thanh trừng vẫn cứ phải dăm bữa nửa tháng diễn ra một lần.

Vương triều này sống sót đến nay nhờ tiền dầu hỏa, nhờ đồng thuận một khối của hoàng tộc và các phe thay nhau cử người đại diện làm vua.

Mỗi vị tại ngôi được vài năm, lên ngôi lúc 80 tuổi là vì thế, các thái tử nhiều người vừa được phong đã chết trước vua.

Nay ông định nối ngôi trước những nửa thế kỷ, lại đang giam bà con hoàng tộc xa và gần để trừng phạt. Về tiền bạc thì cũng chẳng còn dư dả như trước, một phần tại chính sách hạ giá để giết các đối thủ trong OPEC, họ chưa chết thì Saudi đã ngắc ngoải mệt.

Nguy hiểm cuối là tách rời khỏi giáo hội Wahhabis, lực lượng đã dựng lên nhà Saud và gương tày liếp của “nhà cải cách xã hội”, tức vua Shah tại Iran, đã rành rành.

Ông này đã phải bỏ xứ mà đi, đến Mỹ còn không muốn cho trú lại. Tương lai khu vực vì thế vẫn sẽ bất ổn. Và không cẩn thận, chính Vương quốc Saudi có thể trở thành điểm nóng tiếp theo. ■

Ý niệm và ước vọng về một nhà nước Ả Rập thống nhất đã nảy sinh từ khi các quốc gia trong vùng lần lượt lật đổ các nền quân chủ do thực dân để lại và được đế quốc duy trì. Hậu thân của chủ nghĩa dân tộc, thế tục và cộng hòa nhưng thất bại này là các phong trào tôn giáo, mới đây như IS.

Chúng đều rất khác nhau, thậm chí đối lập về ý thức hệ, thể chế, chính trị, tổ chức xã hội...; nhưng chia sẻ một ước vọng chung: thống nhất dân tộc Ả Rập dưới một mái nhà.

Bất ổn khu vực phải nhìn dưới lăng kính căn bản này, đặt cạnh quyền lợi của phương Tây với các tài nguyên chiến lược trong vùng mới có thể hiểu được.

Giờ nếu vua Shah trở về Iran thì ổn ngay, các nước Ả Rập nhất trí theo gương sáng Saudi thì ổn hết.

Khổ nỗi, quần chúng không chịu nghĩ thế, nên mới có “Mùa xuân Ả Rập”. Hoa Kỳ khéo chống ở Ai Cập hay vùng Vịnh nhưng lại vụng chèo ở Libya, Yemen, Syria. Sau khi đổ quân vào Iraq thì Mỹ mất ảnh hưởng về tay láng giềng Iran.

Tại Syria, hậu thân của Liên Xô là nước Nga trở lại đặt được một chân trong khu vực, vì dù dưới chế độ nào, nước Nga không thể xuôi tay để bị bao vây từ đông sang tây hay dọc biên giới phía nam bởi đủ loại căn cứ quân sự không, thủy, bộ.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận