Lương thấp, phí nhân công rẻ là... "tự tử" chậm

VÕ TRUNG DUNG (PHÁP) 04/10/2010 06:10 GMT+7

TTCT - Ông Detlef Kotte đã chia sẻ với cộng tác viên TTCT tại Pháp về sự lựa chọn chiến thuật phát triển kinh tế bền vững của những quốc gia đang phát triển sau hai năm khủng hoảng toàn cầu.

Trên đường từ New York đến Geneva để giới thiệu bản “Báo cáo 2010 về kinh tế vĩ mô và chính sách phát triển toàn cầu”, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu về kinh tế vĩ mô và chính sách phát triển của Liên Hiệp Quốc (UNCTAD) Detlef Kotte đã có chặng dừng tại Paris.

Ông Detlef Kotte - giám đốc Trung tâm Nghiên cứu về kinh tế vĩ mô và chính sách phát triển của Liên Hiệp Quốc - Ảnh: Võ Trung Dung

* Từ góc độ thị trường lao động, ông đánh giá thế nào ”sức khỏe” nền kinh tế thế giới hiện nay? Còn “bệnh” hay đã lành?

- Có thể ví kinh tế thế giới giống như người bệnh nặng đã được xuất viện nhưng sự phục hồi còn rất mong manh. Bệnh có thể trở lại rất nhanh! Vì sao? Vì viện của chúng tôi từng nhận xét và cảnh báo về việc chấm dứt hơi sớm các biện pháp thúc đẩy nhu cầu kinh tế vĩ mô.

Biện pháp này được thực hiện nhằm củng cố tài chính, bởi các nước giàu từ hai năm qua lẽ ra phải cần tiếp tục vì đó là biện pháp cần thiết để ngăn chặn xoắn ốc tình trạng giảm phát và sự khủng hoảng thị trường lao động.

* Vậy còn Việt Nam nói riêng và vùng Đông Nam Á nói chung, thị trường lao động khu vực này đang có những vấn đề gì phải lưu ý, thưa ông?

- Các quốc gia này bị phụ thuộc quá nhiều vào công nghệ gia công. Trời chỉ trở lạnh ở châu Âu là kinh tế của vùng Đông Nam Á bị “nhức đầu sổ mũi” ngay! Ngoài ra, còn có sự cạnh tranh về giá thành (do phí nhân công thấp) giữa các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Một số quy định không bảo vệ được người lao động như giới chủ yêu cầu người lao động làm thêm giờ quy định một cách quá đáng hoặc có thể sa thải người lao động dễ dàng... 

Kinh tế vùng Đông Nam Á sẽ trở nên khó khăn khi đến một lúc nào đó sẽ có một nước khác cạnh tranh với các nước đang phát triển về giá nhân công lao động.

* Ông muốn đề cập sự phát triển bền vững?

- Chúng tôi mời Việt Nam và các nước đang phát triển xem xét lại chính sách của họ đối với sự tăng trưởng kinh tế, nghĩa là ít phụ thuộc vào xuất khẩu. Về vấn đề tạo việc làm, chúng tôi khuyên nên thúc đẩy nhu cầu trong nước do tăng sự đầu tư bằng vốn ổn định, đẩy mạnh công nghệ mới và chính sách tăng lương tương quan với tăng năng suất.

Mục tiêu đặt ra là phải tăng nhu cầu nội địa đối với hàng hóa tiêu dùng, cùng lúc tạo ra những công việc cần thiết để đáp ứng nhu cầu mới này. Ở nhiều nước, tỉ lệ thất nghiệp đã đạt mức cao nhất trong 40 năm.

* Ông nhấn mạnh vào chiến thuật phát triển bằng cách tạo công ăn việc làm, nhưng quan điểm này khác nhiều với quan điểm của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF)?

- Quan điểm chính trị phát triển của IMF không thể áp dụng cho bất cứ chỗ nào! Cuộc khủng hoảng vừa qua đã cho chúng ta một bằng chứng rõ ràng. Vì vậy, chúng tôi đề nghị một biện pháp khác là muốn phát triển bền vững phải tạo ra công ăn việc làm. Công sức lao động phải được trả đúng giá. Lương thấp, phí nhân công rẻ, theo chúng tôi, là sự “tự tử” chậm!

Thất nghiệp là vấn đề bức xúc nhất của xã hội và kinh tế thời đại chúng ta, đặc biệt là ở các nước đang phát triển. Nó dẫn đến tình trạng đói nghèo. Cuộc khủng hoảng toàn cầu vừa qua đã làm suy sụp một cách nghiêm trọng thị trường lao động ở hầu hết các nước. Thật ra thất nghiệp đã là một vấn đề lớn trước khi khủng hoảng nổ ra. Vì vậy, tạo công ăn việc làm cần phải được xem là vấn đề ưu tiên hàng đầu trong chính sách kinh tế quốc gia.

* Có nghĩa kinh tế các nước đang phát triển không nên phụ thuộc vào nhu cầu của những nước giàu?

- Đúng vậy. Từ đầu năm 2010, tuy nhu cầu tiêu dùng của các nước giàu - như Hoa Kỳ - vẫn là động cơ của kinh tế toàn cầu, nhưng thị trường này vẫn còn rất bấp bênh, phát triển không bền vững vì người tiêu dùng tiêu thụ nhờ “mắc nợ” (tiền vay). Chính phủ khuyến khích tiêu dùng nhưng hiện tượng này là ảo.

Tôi nhận thấy Trung Quốc đã bắt đầu thay đổi chính sách phát triển của mình từ đầu năm và đã giảm đến 19% sự tùy thuộc vào xuất khẩu, thay bằng nhu cầu nội địa: tăng lương có khi đến 30%. Cán cân thương mại xuất - nhập đã cân bằng hơn.

* Nhưng tăng lương sẽ có nhiều khả năng làm giảm vốn đầu tư từ nước ngoài? Nếu tăng lương, nên để cho ai quyết định? Chính phủ?

- Sẽ bị giảm lúc đầu thôi, sau đó vốn đầu tư từ nước ngoài sẽ trở lại vì bị thị trường nội địa lôi cuốn. Về vấn đề tăng lương, nên chia làm hai việc. Thứ nhất, chính phủ quyết định lương tối thiểu hợp lý với nhu cầu sinh sống và kinh tế thị trường. Thứ hai, chính phủ tạo điều kiện thành lập những tổ chức như công đoàn có bản lĩnh và trọng lượng thật sự để họ có thể thương lượng với người đầu tư về lương bổng.

* Nếu không cạnh tranh với các nước đang phát triển khác bằng đồng lương thấp thì có thể có phương pháp nào khác?

- Có nhiều cách để thu hút vốn đầu tư nước ngoài ngoài “con mồi” lương rẻ. Thay vì đánh thuế nhẹ các công ty, các nhà máy sản xuất, gia công vốn nước ngoài, chính phủ nên tạo điều kiện tốt cho họ. Ví dụ cho sử dụng đất miễn phí trong khi hoạt động, tạo cơ sở hạ tầng chất lượng cao và có sẵn lực lượng tay nghề được đào tạo chất lượng - thợ, kỹ thuật viên... - theo nhu cầu thị trường lao động cần.

Mặt khác, các nước đang phát triển thường chỉ chú ý đến công nghiệp mà bỏ quên nông nghiệp và quên rằng từ 10 năm nay, thế giới ngày càng cần các sản phẩm này. Nên đầu tư vào nông nghiệp chất lượng cao: kỹ thuật, năng suất, chế biến trước khi xuất khẩu. Nó sẽ tạo ra một giá trị gia tăng lớn. Với nguyên liệu thô cũng vậy, nên áp dụng chính sách về nông nghiệp vừa đề cập.

Nói tóm gọn là không nên xuất khẩu hàng thô, nên chế biến trước khi bán. Vừa được lợi nhiều, vừa tạo công ăn việc làm.

* Chính sách lao động của Việt Nam có điểm nào cần sửa đổi, theo ông?

- Chúng tôi cho rằng vai trò lãnh đạo của Chính phủ rất quan trọng. Chính phủ phải tạo ra khuôn khổ và sau đó để cho thị trường phát triển. Chúng tôi nhận ra hai khuyết điểm lớn của Việt Nam: thứ nhất, giáo dục dạy nghề còn kém, không phù hợp với thị trường lao động và thiếu cái nhìn dài hạn về vấn đề này. Thứ hai, thiếu sự chú ý đến nông nghiệp và nông dân. Những tầng lớp này cần được hỗ trợ đào tạo kỹ thuật, vay vốn nhỏ lãi suất thấp để có thể phát triển.

* Ông đánh giá thế nào về vai trò của đầu tư công trong chính sách phát triển kinh tế bền vững?

- Ngược lại quan điểm của IMF, chúng tôi đánh giá đầu tư công là con đường bền và tốt cho các nước đang phát triển. Vì đầu tư này một lần nữa tạo ra việc làm, đồng thời tạo ra khả năng tiêu dùng và với nó, một cách tự nhiên, sự đầu tư để đáp ứng nhu cầu mới phát sinh. Tuy nhiên, với điều kiện đầu tư công phải có lợi cho dân như y tế cộng đồng, phương tiện giao thông công cộng, giáo dục... và phải chừng mực theo khả năng của riêng mình.

Các nước Nam Mỹ như Brazil, Argentina đã áp dụng chính sách này và thành công. Kinh tế của họ đã phục hồi sau khi bị chìm xuống đáy.

* Xin cảm ơn ông.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận