Một cuộc bầu cử lôi thôi

SÁNG ÁNH 17/11/2020 19:11 GMT+7

TTCT - Tại sao bầu cử ở Mỹ năm nay lại kéo dài và lắm sự lôi thôi như thế?

Toàn cảnh vụ họp báo “triệu bất tường” của ông Giuliani. Ảnh: Getty Images
Toàn cảnh vụ họp báo “triệu bất tường” của ông Giuliani. Ảnh: Getty Images

Vào cuối năm 2000, các nguyên thủ quốc gia Phi châu được dịp hả hê và cười mỉm ý nhị. Bầu cử tổng thống tại Hoa Kỳ vừa diễn ra cho thấy chuyện kết quả bầu cử đáng ngờ không phải là độc quyền của những nước kém phát triển, mà ngay tại đệ nhất siêu cường và gương sáng gì đó của dân chủ của thế giới vẫn có.

Tóm tắt sự việc như sau: Bầu cử năm đó vào ngày 7-11, và như thường lệ, ứng viên nào cán mốc 270/538 phiếu đại cử tri thì coi như chiến thắng. Lúc 2h30 sáng 7-11-2000 tại bang Florida, ứng viên George W. Bush (Cộng hòa) đang hơn ứng viên Al Gore (Dân chủ) tầm 100.000 phiếu, tức sẽ ẵm 25 ghế đại cử tri của bang này để đạt 271 phiếu cần thiết.

Ông Gore nhận thua, nhưng hơi mau mắn quá, vì đếm phiếu tiếp đến 4h30 sáng, ông Bush chỉ còn hơn 2.000 phiếu thôi. Ông Gore bèn xin “hoãn cờ” và đòi đếm lại. Chuyện này lôi thôi, kéo dài đến tận ngày 26-11 mới có kết quả: Ông Bush chỉ hơn 537 phiếu trên tổng số 10 triệu phiếu của bang Florida. Con số này vẫn bị nghi ngờ, vì còn 680 phiếu gửi từ nước ngoài (của quân nhân đồn trú tại ngoại quốc chẳng hạn) không rõ có hợp lệ không.

Thống đốc bang Florida lúc đó là Jeb Bush, em ruột ông George Bush và thuộc phe Cộng hòa. Hội đồng dân biểu bang thì 75 Cộng hòa/45 Dân chủ tại Hạ viện và 25 Cộng hòa/15 Dân chủ tại Thượng viện. Ngày 12-12, Tối cao pháp viện Hoa Kỳ công nhận kết quả với phán quyết 5-4.

Ông Gore thất cử vì 1 phiếu trên 9 tại Tối cao pháp viện, 537 phiếu trên 10 triệu tại bang Florida. Trên toàn nước Mỹ, ông hơn địch thủ cỡ nửa triệu phiếu. Chuyện “lệch” phiếu quần chúng và phiếu đại cử tri này cho tới đó mới xảy ra có một lần năm 1888.

Năm 2016, nó lại xảy ra. Ông Donald Trump thắng cử với 306 phiếu đại cử tri. Bà Hillary Clinton bại với 232 phiếu.

Nói thêm là sau đó kết quả chính thức là 302-227 vì 2 đại cử tri của Trump và 5 của Clinton “bất tín” - đại cử tri ở nhiều bang không bắt buộc phải bỏ phiếu theo kết quả của bang; có bang cho phép họ đổi ý tùy tiện, có bang cấm đoán phạt tù, và có bang cấm đoán phạt tiền, kiểu 1.000 đôla.

Nhưng về số phiếu đại chúng, bà Clinton hơn ông Trump gần 3 triệu, khiến ông rất buồn và cho rằng số phiếu hơn đó là nhờ gian lận, nhờ người nước ngoài, người chết bỏ phiếu, hay bỏ phiếu nhiều lần…, chứ nhất định là phải nhiều người yêu ông hơn. Đấy là ông đã thắng và làm tổng thống nhé.

Bầu cử: Chuyện xa xỉ với không ít người

Tại sao bầu cử tại Hoa Kỳ lại lôi thôi như vậy? Hoa Kỳ là một nước liên bang, với rất nhiều luật lệ khác biệt, ngay cả giữa các quận hạt với nhau trong một bang.

Hiến pháp Mỹ là một trong những hiến pháp cổ kính nhất thế giới, viết và hoàn chỉnh giai đoạn 1787-1789, nhưng nền dân chủ lâu đời đấy vẫn có một số khuyết điểm nhất định. Như đã thấy, số “đại cử tri” được chia theo đơn vị bầu cử Quốc hội.

Các đơn vị này hiện thiên vị cư dân vùng quê da trắng hơn thành phố da màu, thiên vị Cộng hòa hơn Dân chủ, ở mức ước lượng là 60-40. Để đầu phiếu ở Mỹ, ngoài các điều kiện đủ (như từ 18 tuổi trở lên), còn điều kiện cần là cử tri phải có đăng ký (trừ bang North Dakota).

Việc đăng ký này tuy chẳng khó khăn hay phiền toái gì nhưng vẫn có tới 24% người đủ điều kiện không làm. Tại sao ư? Vì họ còn lo kiếm ăn, nuôi gia đình, hay cho rằng bầu cử là xa xỉ, chẳng thay đổi gì lo toan cuộc sống.

Dễ hiểu số không đăng ký phần nhiều là người thu nhập thấp, thí dụ cực đoan là nếu bạn vô gia cư thì đăng ký bầu cử ở đâu đây và để làm quái gì! Nền dân chủ Mỹ nay đã bớt là nền dân chủ của kẻ có tiền, có địa vị, nhưng ít ra vẫn phải có… địa chỉ nhà.

Rồi đăng ký không có nghĩa là đi bầu. Năm 2000 nói ở trên, mức tham gia là 51,2%. Con số này trong thế kỷ 20 dao động trong khoảng 50-60% (riêng năm 1996 là 49%). Bầu cử các loại tại Mỹ diễn ra vào các ngày thứ ba trong tuần, là ngày vẫn phải đi làm hay đi học.

Hòm phiếu cũng chỉ mở đại khái từ 7 giờ sáng tới 7 giờ tối. Nếu bạn là một bà mẹ da đen đơn thân làm hai ba việc mưu sinh thì đi bầu cử là một trò xa xỉ lớn: Bạn có thể không có phương tiện di chuyển, phải hi sinh một ngày công, hay đơn giản là chủ không cho phép rời chỗ làm.

Một thí dụ: Tại vòng sơ cử của Đảng Dân chủ ở bang Nevada hồi tháng 2-2016, cũng diễn ra vào một ngày thứ ba, Nghiệp đoàn lao động khách sạn đã gây áp lực đòi giới chủ cho nghỉ trưa thêm mấy tiếng để người lao động ở Las Vegas (đa số làm trong ngành khách sạn) có thì giờ đi bỏ phiếu cho ứng viên Hillary Clinton, là người nghiệp đoàn ủng hộ.

Thành phần ủng hộ đối thủ của bà, ông Bernie Sanders, chủ yếu là sinh viên rảnh rỗi và thất nghiệp, quyết định ở nhà. Kết quả là bà Clinton thắng 53-47%. Đây chẳng phải gian lận gì hết, chỉ cho thấy là quyền đầu phiếu của người lao động, thu nhập thấp, thiếu phương tiện di chuyển… bị giới hạn bởi các điều kiện thực tế.

Khu thu nhập cao thì phòng phiếu gần nhà, nhiều hơn, chỗ đậu xe tiện lợi, không phải chờ đợi. Khu bình dân thì ngược lại, nên đầu phiếu bằng thư là cách để họ có cơ hội tham gia. Số phiếu bầu qua thư chính thức năm nay chưa có, nhưng đã vượt xa kỳ trước: từ trước ngày 3-11-2020 đã có 100 triệu phiếu bỏ sớm trên tổng số cử tri khoảng 240 triệu người.

Dịch COVID-19 khiến Đảng Dân chủ hô hào bỏ phiếu bằng đường bưu điện và bỏ phiếu sớm để tránh lây lan và ứ đọng vào ngày 3-11, đồng thời cũng có thêm phiếu cho ứng viên của họ. Cộng hòa thì ngược lại, và đây là nguyên nhân then chốt dẫn đến tranh cãi kết quả cuộc bầu cử năm nay.

Cuộc bầu cử căng thẳng

Các thăm dò cho thấy bầu cử 2020 bất lợi cho ông Trump, nên ông đã tìm đường chặn trước việc bầu bằng bưu điện. Ông chỉ định một triệu phú khách sạn từng “cúng” nhiều tiền vào quỹ bầu cử của mình làm tân giám đốc bưu điện quốc gia, chức vụ hàng bộ trưởng.

Vị này cắt giảm giờ phụ trội của nhân viên, giảm thùng thư trên phố để gây khó khăn cho việc chuyển hàng triệu phiếu bằng thư. Tổng thống thì rêu rao trước là sẽ có gian lận phiếu bưu điện. Tại bang Texas, thống đốc Cộng hòa Greg Abbott chỉ cho phép mỗi quận có một thùng bỏ phiếu trước, trong khi dân số quận lớn nhất là 5 triệu người.

Tháng trước, chính ông Trump kể chuyện tìm thấy bên bờ suối 7 lá phiếu qua bưu điện đề tên ông. Đây là “bằng chứng” Đảng Dân chủ gian lận. Chính quyền Trump đã chuẩn bị tâm lý quần chúng là phiếu từ xa, rằng phiếu bỏ trước là phiếu giả.

Nước Mỹ có 4 múi giờ, không kể 2 bang xa và ít phiếu là Hawaii và Alaska. Khi các phòng phiếu đóng cửa trên toàn quốc và bắt đầu có kết quả trong đêm thì tại nhiều bang do dự, Tổng thống Trump dẫn điểm, bao gồm Arizona (11 đại cử tri), Nevada (6), Pennsylvania (20), và Georgia (16).

Việc đếm phiếu đầu tiên là đếm người đích thân đi bầu. Thành phần này, như ta biết, là thành phần hiên ngang không đeo khẩu trang và ủng hộ ông Trump. Kết quả ban đầu là từ các quận hạt đồng ruộng xa xăm và ít dân số.

Thí dụ tại bang Pennsylvania, quận Cameron có 5.000 dân, quận Forest có 7.000, thì một tiếng sau khi đóng cửa đã kiểm được phiếu. Quận Alleghany có 1,2 triệu, quận Philadelphia 1,5 triệu, tời giờ đếm chưa hết.

Các quận đồng quê ủng hộ ông Trump nên kết quả sớm nghiêng về phần ông, nhưng cũng vì thế kết quả ban đầu được gọi là “Ảo giác đỏ”. Sau khi sương mù tan đi và càng đếm thêm thì phiếu xanh sẽ lần lần xuất hiện.

Phiếu bưu tín đếm sau và mất nhiều thời gian, phải mở bao thư, so chữ ký, kiểm tra…, lá phiếu lại phức tạp, mỗi kỳ bầu cử lớn, 2 năm thì cử tri chọn lại toàn thể Hạ viện, 1/3 Thượng viện, và 4 năm thì chọn tổng thống và thống đốc bang.

Tờ phiếu bầu cử ở Mỹ có thể lên đến vài mươi mục, từ công an quận (sheriff) đến hội đồng quản lý điện - nước thị xã, quản thủ thư viện hạt hay hội đồng giáo dục địa phương. Khi kiểm phiếu phải kiểm hết các mục này, chẳng phải chỉ có xanh Biden - đỏ Trump là xong đâu.

Trong 24 giờ đầu, ông Trump “giành” phần thắng khắp nơi. Dĩ nhiên ai thắng thì ủy ban bầu cử các bang sẽ công bố chính thức, chứ làm gì có chuyện ứng viên “xí phần” mà được. Tình hình đến ngày 7-11 vẫn chỉ là dự đoán: Biden 253 và Trump 214.

Tại bang Arizona (11 phiếu), Đài Fox và thông tấn AP dự phóng Biden sẽ thắng và như vậy tổng số phiếu của ông sẽ là 264. Con số này được BBC, Al Jazeera… đưa ngay trong ngày, trong khi CNN chẳng hạn vẫn giữ tỉ số 253-214.

Ông Trump không chịu, đòi Fox rút lại kết quả, nhưng không được chấp nhận. Fox - nhắc lại, là đài ruột của tổng thống, sáng ông dậy chưa dùng bữa đã gọi vào đài để tỉ tê, tối đi ngủ đánh răng xong ông vẫn còn tâm sự - nay lại bội bạc người tình trăm năm.

Nếu 11 phiếu Arizona về Biden thì chỉ cần thêm 6 phiếu Nevada là ông Trump thua. Ông bèn kêu gọi ngưng đếm phiếu tại Nevada, Pennsylvania, Georgia, nhưng vẫn tiếp tục đếm tại Arizona. Dĩ nhiên là ông kêu gì thì kêu, ở đâu đếm thì vẫn đếm, đúng luật bầu cử mỗi địa phương.

Xin nhắc lại, Hoa Kỳ là 50 bang và 3.141 quận, luật lệ mỗi nơi một khác. Lấy ví dụ, có nơi phiếu bưu tín miễn có con dấu đề ngày 3-11 là hợp lệ, nhưng có nơi dù dấu bưu tín là 3-11 nhưng thư chưa đến tận tay nhân viên phòng phiếu trước khi đóng cửa thì vẫn không được chấp nhận.

Phe Cộng hòa trước giờ vẫn mang tiếng là tìm cách ngăn cản cử tri đi bầu. Ảnh: Rolling Stone
Phe Cộng hòa trước giờ vẫn mang tiếng là tìm cách ngăn cản cử tri đi bầu. Ảnh: Rolling Stone

Kiện ai, ai kiện?

Vì vậy ông Trump đã thuê sẵn đạo quân cả nghìn luật sư để khởi kiện đó đây khắp các địa phương. Cựu thị trưởng New York Rudy Giuliani là người đứng đầu nỗ lực này. Ngày 8-11, ông Giuliani họp báo, nhưng vì lý do nào đó không hiểu, địa chỉ họp báo bị nhầm lẫn.

Tổng thống Trump thông báo là lúc 11 giờ sẽ họp tại khách sạn sang trọng Four Seasons Philadelphia. Nhưng khách sạn Four Seasons nói họ có biết gì đâu. Cuộc họp báo bèn được dời sang 11h30 tại sân trước công ty cây kiểng “Làm vườn Four Seasons” ở ngoại ô đìu hiu, bên cạnh một nhà hỏa táng và một cửa hàng bán đồ chơi sex.

Đây hẳn là điềm gở và nếu thưa kiện mà không có bằng chứng thực tế gì cả, chỉ nói chung chung là “đầy rẫy”, “truyền thông tường trình khắp nơi”, “tôi từng đi học tại Philadelphia nên tôi biết bọn này” (Trump) hay “bộ chúng tôi ngu sao mà không biết” (Giuliani) thì chẳng đi đến đâu, Tối cao pháp viện có muốn cũng không cứu được.

Ông Trump sẽ còn tại vị ở Nhà Trắng đến ngày 20-1-2021. Ông là vị tổng thống “bất thường” nhất của Hoa Kỳ trong lịch sử nên không ai biết ông sẽ làm gì cho đến và vào ngày hôm đó, ngay cả việc đu màn cửa không chịu ra đi cũng không thể loại trừ. Nhưng tổng thống thất cử Trump nhiều khả năng vẫn còn sức ảnh hưởng rất lớn.

Thứ nhất, dù thua thì ông vẫn có một số quần chúng trung thành đáng kể mà Đảng Cộng hòa phải quỵ lụy.

Cho đến giờ, các lãnh đạo đảng vẫn thận trọng và khép nép với nguyên thủ, tuy thất bại của cá nhân tổng thống không phải là thất bại của đảng. Đảng Cộng hòa kỳ này không chiếm lại được đa số, nhưng vẫn giành được 5 ghế Hạ viện từ tay Dân chủ.

Tại Thượng viện, nếu giữ được 2 ghế ở Georgia bầu lại vào tháng 1 sang năm, họ vẫn nắm thế đa số. Nếu binh ông Trump vô lối, đảng có thể mất 2 ghế trọng yếu này. Guồng máy Đảng Cộng hòa, phải nhắc lại, chẳng ưa gì cá nhân ông Trump, nếu không nói là có không ít người khinh bỉ và căm ghét, nhưng 4 năm qua phải nín thở qua sông và bám víu nương theo ông để mà sống.

Giờ chưa phải lúc họ đạp lên đầu ông mà chạy, nhưng cũng chẳng ai biết tương lai thế nào. Chính trị mà!■

Dù Đảng Cộng hòa ủng hộ hay bỏ rơi ông Trump, với việc còn làm tổng thống 10 tuần nữa, ông vẫn có thể gây ra đủ chuyện - điển hình là vụ sa thải Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper qua… Twitter mới đầu tuần này.

Ông Trump còn có thể sử dụng quyền ân xá để tha hết các cấp dưới từng bị kết tội, thậm chí xóa tội trước cho gia đình, và theo ông phát biểu, kể cả cho chính ông! Cũng có kịch bản 48 tiếng trước khi mãn nhiệm, ông từ chức để Phó tổng thống Mike Pence thay thế và ông Pence sẽ ân xá cho ông (chỉ có điều là cả tuần sau bầu cử, không biết ông Pence đi đâu mà không thấy mặt).

Chưa hết, trên lý thuyết, ông Trump vẫn có quyền khai chiến với Iran hay mở sứ quán tại Triều Tiên. Theo lệ và đúng tình thì những việc to tát dường đấy, tổng thống sắp mãn nhiệm phải tham khảo tổng thống tân cử, phải được Quốc hội phê chuẩn này nọ, nhưng với ông Trump, có trời biết!

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận