Một ngày học online của bé Kem

MẸ KEM 23/08/2021 22:08 GMT+7

TTCT - "Trong tình hình cách ly, không được xuống sân chơi, Kem chỉ ra hạt cây bơ, cốc rau muống mới trồng ngoài cửa sổ và nói “Ước gì con là cái cây còn được đi tắm nắng"

 
 Bé Kem (tên thật là Bảo Như) học lớp 2C tại một trường tư ở Hà Nội. Ảnh: Mẹ Kem

 Ngày 2-8, 8h, nhóm Zalo của lớp 2C gồm cô giáo chủ nhiệm, cô giáo tiếng Anh và tất cả cha mẹ, tin nhắn liên tục dội về. “Cô thấy một số bạn đã vào nhầm lớp. Vậy bố mẹ thoát ra và cho con vào lại nhé” - cô giáo nhắn. Bên nhóm Zalo của các cha mẹ, các tin nhắn cũng bắt đầu nháo nhào: “Con đang ở room (phòng học) nào trong Team (gọi tắt của Microsoft Teams) các bố mẹ ơi?”, “Con em đang ở quê, ông bà không hướng dẫn được”...

Tôi không thấy Kem gọi điện khóc nhờ mẹ giải cứu như hồi học online lớp 1, biết con bé đã vào được đúng room.

Buổi học chiều của Kem, vẫn chuyện vào nhầm room. Cô giáo tiếp tục nhắn “Bố mẹ nhắc con vào đúng cuộc họp toán buổi 1 trên nhóm chung ạ”. Buổi tối, Kem tự hào: “Hôm nay các bạn vào nhầm hết cả, may con vào đúng lớp. Nhưng con vẫn chưa biết cách nhập passcode trong link ở Team và cách làm phiếu toán nên chưa làm được bài tập”.

Buổi tối, sau một ngày liên tục nhắn trên nhóm ngơ ngác, 29 bố mẹ vẫn tiếp tục những câu hỏi ngơ ngác ấy cho nhau: “Sao không gửi bài như hồi lớp 1 (cô gửi rồi in ra cho con làm)?”, “Nhà tôi không có máy in, năm ngoái in nhờ cơ quan nhưng năm nay thì bố mẹ cũng làm việc tại nhà”, “Em chưa dùng Microsoft Teams bao giờ nên lúng túng lắm, không hướng dẫn con được”... 

Sau bữa tối, tôi và Kem ngồi vào bàn học, cùng nhau làm bài tập về nhà. Cô giáo Kem thường giao 2 - 3 bài về nhà mỗi ngày, nếu để tồn thì tối hôm sau sẽ không đủ thời gian làm. 

 "Trong tình hình cách ly, không được xuống sân chơi, Kem chỉ ra hạt cây bơ, cốc rau muống mới trồng ngoài cửa sổ và nói “Ước gì con là cái cây còn được đi tắm nắng".

1 học sinh - 7 phần mềm

Tôi cài phần mềm Microsoft Team ngày 1-8. Ngay tối hôm đó, cô giáo Kem dành ra hai tiếng, từ 20h-22h để hướng dẫn các học trò vừa lên lớp 2 từng được biết tới thao tác này từ năm lớp 1. Nhưng giao diện của Microsoft Teams quá phức tạp với những đứa trẻ 7 tuổi vì phân ra rất nhiều ô, mỗi ô một nhiệm vụ.

Và vì thế, các hướng dẫn của cô phải chi tiết như sau: “Hình chuông là báo hoạt động của lớp”, “chỗ tròn tròn có mỏ nhọn báo tin nhắn (các con tạm thời bỏ qua chỗ này), “Hình tượng trưng như ba người với ba cái đầu là “nhóm” của riêng lớp 2C của con”, “hình cái balô là bài tập về nhà, trong đây là bài tập của từng môn khác nhau nhé”. “Các con bỏ qua các hình bên dưới có chữ “ứng dụng” hoặc “trợ giúp” nhé”. Nhưng bên trong mục “nhóm”, tiếp tục là các mục con: “bài đăng”, “tệp”, “ghi chú”... Hai tiếng đồng hồ, 29 đứa trẻ và gấp đôi số ấy là các cha mẹ hồi hộp đứng đằng sau nhìn.

Hầu hết trẻ 6 - 7 tuổi khi thao tác với máy tính đều học rất nhanh, với điều kiện đó là một giao diện hướng dẫn đơn giản, có những con vật ngộ nghĩnh ló ra mời chào, hướng dẫn ấn nút này, nút kia để tới đích, để làm bài, để hoàn thành.

Với Teams, các bài tập vẫn phải làm ra giấy, chụp ảnh lại, gửi đi đính kèm file. Tất cả các thao tác ấy, chỉ tôi mới có thể làm được vì nó không dễ dàng gì với Kem, cháu không có điện thoại, nếu có thì điện thoại cũng phải cài Teams và lưu vào tài khoản Teams riêng của cháu.

Teams không phải là phần mềm duy nhất tôi phải cài vào máy tính của Kem. Năm lớp 1, Kem làm quen với phần mềm Zoom. Tôi cẩn thận ghi ID phòng học của app Zoom cùng passcode ra tờ giấy nhớ dán lên bàn học của Kem, nhưng vừa tới cơ quan đã nhận điện thoại Kem cầu cứu trong tiếng khóc thút thít vì sợ... vào lớp muộn, nức nở đánh vần các từ “wait”, “the”, “host”, “meeting” để giải thích cho mẹ những gì đang hiện lên trên màn hình, hoặc lo sợ vì nhập passcode rồi vẫn không vào lớp được (do đường truyền Internet yếu), hoặc chính cô giáo bị out... 

Có khi tôi hướng dẫn cho Kem thành công, có khi cũng chịu chết vì... không hiểu gì. Nhiều lần, Kem và bà ôm máy tính sách vở, giấy nháp, bút chì thước kẻ sang nhà bạn cùng trường ở tòa chung cư khác, nhờ bố bạn chỉ cách vào lại Zoom. Kem vừa đi vừa khóc vì sợ không học sẽ bị trừ điểm Class dojo.

Class dojo là phần mềm riêng để bố mẹ nắm được tình hình con học trên lớp. Đây là phần mềm để chấm điểm về sự “ngoan ngoãn, tập trung, chuyên cần” của các học trò trên lớp, thông báo điểm thưởng cuối tháng. Việc theo dõi điểm kiểm tra giữa kỳ, cuối kỳ, nhận xét chung sẽ có một phần mềm nữa là eNetViet.

Lớp 2, Kem học tiếng Anh trên Zoom với cô, nhưng sẽ phải làm bài tập trên các link Quizzi cô gửi, hoặc Live work sheet. Quizzi có giao diện thân thiện, cô gửi link là làm được, nhưng Live work sheet phải nhập tài khoản, password riêng.

Tôi cài xong tài khoản Live work sheet và lưu trên Google Chrome cho Kem xong thì chuyển sang cài Scratch 3 để con học lập trình kéo thả các câu lệnh “if - then” (nếu thì) đơn giản. Năm ngoái, Kem đã học scratch 2 và tự làm được hoạt hình bể cá có 3 con cá ba màu, nhưng đó là do Kem được cô hướng dẫn làm tại trường.

Để Kem học âm nhạc, tôi cần cài app Perfect Piano. Perfect Piano không thể dùng trên máy tính mà phải được cài vào điện thoại hoặc iPad để có màn hình cảm ứng cho con nhấn vào các phím đàn ảo. Nghĩa là Kem sẽ mở Zoom để nghe cô giảng, đồng thời mở phần mềm Teams và mở thêm phần mềm Perfect Piano trên iPad trước mặt để đánh đàn.

 
 Tranh: Adrienne Hedger

 Bài tập về nhà là cho toàn gia đình

Không hề giống việc học trên lớp, nơi Kem sẽ tự làm được bài tập về nhà, buổi tối tôi chỉ cần kiểm tra hoặc hỗ trợ làm những bài khó, khi học online, Kem phải đợi tôi về giúp mới làm được, vì phải làm các bài tập dưới nhiều hình thức: Các form toán và tiếng Việt (thường mỗi ngày 1 bài) được nhà trường tạo sẵn trên Microsoft Teams. Tiếng Anh theo mẫu (mỗi ngày hoặc mỗi 2 ngày 1 bài), tiếng Anh theo Live work sheet, tiếng Anh theo Google form, nghe tiếng Anh theo link YouTube (cô gửi riêng link của từng ngày trên nhóm Zalo). 

Các môn thể dục, mỹ thuật, tự nhiên xã hội, thí nghiệm khoa học thì sẽ quay video hoặc chụp ảnh gửi lên Teams (thường 1 tuần một bài mỗi môn).

Tôi đánh giá cao trường của Kem về cách tổ chức chu đáo, chuyển đổi sang học online khá nhanh chóng, và mua được các nền tảng tốt cho các con học. Nhưng việc phải vào quá nhiều link khác nhau ở trong các file khác nhau vẫn khiến các con rối, không nhớ hết được, thường thì các cháu chỉ làm được các bài đã có sẵn form trên Team, còn lại đều phải nhờ cha mẹ trợ giúp mới làm được bài trên các form, link khác, hay chụp ảnh bài học để đính kèm tệp tin lên Team. Tất cả chúng tôi đều đang học lớp 2.

Các câu hỏi cần phải gõ câu trả lời (thường với môn tiếng Việt) là một thách thức nữa với học sinh lớp 2. Từ hướng dẫn của cô giáo tin học hồi lớp 1, tôi đã cài đặt phần mềm Rapidtyping cho con học đánh máy nhưng với lớp 1, việc học này dừng lại ở các ký tự A, S, D, F và H, J, K, L, các cháu chưa học ghép vần, ghép dấu trên bàn phím và gõ mười đầu ngón tay. 

Kem có thể đương đầu với bài tiếng Anh bằng cách gõ mổ cò nếu tôi chuyển sang chế độ gõ tiếng Anh, với bài tiếng Việt thì Kem đọc câu trả lời, tôi phải gõ giúp. Buổi học tiếng Việt tuần trước, bài tập yêu cầu “em hãy mô tả về người thân”. Tôi ngồi trước bàn phím sẵn sàng chờ, Kem nói: “Mẹ hãy gõ câu "Mẹ của em là người tốt bụng"”.

Ba tuần học online vừa qua là ba tuần mà trên Zalo thì các bố mẹ kể cho nhau nghe những âu lo, hỏi nhau về những dấu hiệu “không bình thường” của con mình, than thở việc đã không còn thời gian làm việc khác mỗi tối. Một bạn học của Kem nửa đêm mộng du đòi mang sách ra giải, một bạn khác tự trách mình không thể hoàn thành bài cô giáo giao nên tự cấu vào đùi. Kem là đứa trẻ kỷ luật, tự giác, có thể tự làm trong Teams trước khi mẹ đi làm về nhưng cũng luôn tìm cách tự tạo niềm vui cho mình trong lúc học online bằng việc lôi truyện tranh ra đọc, cô giáo gọi mấy lần không hề hay biết, hoặc lén mở hai cửa sổ riêng biệt: cửa sổ Zoom để cô giảng và cửa sổ phim hoạt hình Thiên thần hộ vệ trên YouTube. 

 “Mẹ ơi ngồi từ 8h sáng đến 11h thế này con chán lắm rồi. Các bạn cũng chán lắm, có bạn còn cho cả chân lên bàn nữa đấy” - Kem nói. 

Kem học trường tư, bài tập chưa nhiều bằng bạn Bon Bon học một trường công ở Cầu Giấy. Bố của Bon Bon, một tiến sĩ trong top 10 công bố quốc tế ngành kinh tế ở Việt Nam kể ngày nào anh cũng vật vã hướng dẫn con làm bài tập, vợ anh thì hướng dẫn chị Chip học lớp 4 đến 11h đêm mới xong. 

Trường Bon không nhiều form bằng trường Kem nhưng cũng phải in hết bài tập ra giấy, bố hướng dẫn làm rồi chụp ảnh gửi Zalo cho cô. 

Nhìn chung, dù công hay tư, tất cả bọn trẻ đang học online lơ mơ, bởi tất cả những lợi thế của việc học trực tiếp tập trung tại trường đều biến mất: tư duy trực quan mãnh liệt của trẻ nhỏ (quan sát, bắt chước), cầm phấn viết, cùng bạn ghi chép, giao tiếp, đùa vui...

Kem và Bon đều có bố mẹ kèm cặp hướng dẫn. Tôi nghĩ về các gia đình mà cha mẹ không thông thạo máy tính, hoặc ở thôn quê không có máy tính, không thể in bài học, việc học online chắc chắn bộn bề gian khó. Dạy học trực tuyến không xóa nổi những bất bình đẳng cơ hội đã tồn tại từ lâu trong giáo dục. Những trẻ em không được trang bị phương tiện học tập, không có người hướng dẫn sẽ phải nỗ lực rất nhiều lần, hoặc tụt lại một thời gian. 

Kết quả Tổng điều tra năm 2019 cho thấy có sự chênh lệch rất lớn về tỉ lệ hộ sử dụng máy vi tính giữa thành thị và nông thôn: hơn 2,5 lần (tương ứng 51,5% và 19,2%). Khoảng cách số rồi sẽ còn đào sâu bất bình đẳng trong giáo dục.■

Một lời đề nghị

Bởi học online vẫn là giải pháp duy nhất lúc này khi dịch bệnh kéo dài nên tôi chỉ ao ước các buổi học của Kem được chia nhỏ hơn, thay cho các buổi học liên tục từ 8h-11h trưa, 2h-4h30 chiều, chỉ ra chơi 1 lần vào buổi sáng, 1 lần vào buổi chiều. Các học trò tiểu học 6-8 tuổi cần được giải lao nhiều hơn, chia mỗi giờ học khoảng 20 phút để đảm bảo trẻ đủ khả năng tập trung (độ tuổi càng lớn thì thời gian tập trung học càng được nới rộng).

Các môn học được thiết kế tốt hơn nữa cho học online, trên cùng một nền tảng sinh động mà các con lớp 1-2 không buộc phải thao tác nhiều, chỉ cần di chuột, đọc bài, click vào đáp án. Các môn học có nhiều hoạt động hơn (như thử thi đua tìm kiếm, đo đạc đồ vật trong gia đình...), cho phép các con tưởng tượng nhiều hơn, sáng tạo nhiều hơn.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận