Myanmar bên bờ vực nội chiến

D.KIM THOA 18/01/2022 18:00 GMT+7

TTCT - Sau 3 năm rưỡi giữ cương vị đặc phái viên của tổng thư ký Liên Hiệp Quốc về Myanmar, cuối tháng 10-2021, bà Christine Schraner Burgener rời cương vị trong nỗi canh cánh về nguy cơ bùng nổ nội chiến toàn diện tại quốc gia Đông Nam Á dường như đã nhãn tiền.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn Hãng tin AP trước khi mãn nhiệm, bà Burgener, một người Thụy Sĩ, đã dùng thẳng từ “nội chiến” để mô tả tình trạng bạo lực và bất ổn đang lan tràn khắp nơi tại Myanmar lúc này. 

Bà kêu gọi cộng đồng quốc tế cân nhắc các biện pháp cụ thể và dứt khoát hơn để giúp quốc gia này sớm tìm được lối ra cho cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay.

Bất ổn trong giằng co, bế tắc

Bà Burgener nói mình từng đề xuất ý tưởng tổ chức “đối thoại bao gồm tất cả các bên” với Phó thống tướng Soe Win, phó tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang kiêm tư lệnh lục quân Myanmar, vào ngày 16-7-2021 nhưng không được hồi đáp. Bà cũng không nhận được thông tin nào từ quân đội Myanmar kể từ tháng 9-2021.

 
 Bà Christine Schraner Burgener. -Ảnh: genevevision.ch

Trong quá khứ, suốt hơn nửa thế kỷ từ khi quân đội nắm quyền tại Myanmar năm 1962, quốc gia này đã đối mặt với nhiều lệnh trừng phạt và cô lập của quốc tế. 

Mọi thứ tưởng như sang trang mới vào năm 2015 khi bà Aung San Suu Kyi, chủ nhân Nobel hòa bình, đắc cử trong cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên ở nước này. Cộng đồng quốc tế đã phản ứng tích cực khi gỡ bỏ hầu hết các lệnh trừng phạt và dòng vốn đầu tư tin tưởng chảy vào Myanmar.

Nhưng rồi chính biến một lần nữa xảy ra với quốc gia khoảng 55 triệu dân này vào ngày 1-2-2021: quân đội lật đổ chính quyền dân cử và từ đó đến nay, Myanmar chìm trong bất ổn. 

Biểu tình ôn hòa của lực lượng phản đối chính quyền quân sự đã biến thành những cuộc nổi dậy vũ trang tại nhiều vùng đô thị và đụng độ nghiêm trọng đã nổ ra tại nhiều vùng nông thôn. 

Tình hình càng thêm hỗn loạn khi ở nhiều khu vực biên giới, các lực lượng vũ trang người dân tộc thiểu số lợi dụng tình hình lộn xộn tấn công quân đội chính phủ.

Ngày 7-9-2021, Chính phủ Đoàn kết dân tộc (National Unity Government, NUG) - một tổ chức do các nghị sĩ của Đảng Liên minh quốc gia vì dân chủ (NLD) đắc cử nhưng không được nắm quyền do chính biến - đã giương ngọn cờ “cuộc chiến tự vệ của nhân dân”, kêu gọi toàn quốc nổi dậy. 

NUG nhận được sự ủng hộ từ các “lực lượng tự vệ nhân dân” (gọi tắt là PDF) hoạt động ở nhiều vùng, cũng như được một số nhóm thiểu số vũ trang hỗ trợ vũ khí và huấn luyện.

Theo bà Burgener, tới nay các PDF và nhiều nhóm thiểu số vũ trang đã hình thành nên một lực lượng kháng chiến đủ mạnh để đối đầu với quân đội Myanmar bằng vũ lực. 

Dù nhiều nước phương Tây vẫn duy trì lệnh cấm vận vũ khí với Myanmar, nhưng Liên Hiệp Quốc không áp đặt lệnh cấm này và quân đội Myanmar vẫn có thể mua vũ khí từ một số nước.

Tuy nhiên, theo nhận định của giới quan sát, quân đội Myanmar (hay Tatmadaw trong tiếng Myanmar) đang ở thế “quá lớn tới mức không thể bị đánh bại”. Cách tổ chức của họ, sự cố kết và nguồn lực của Tatmadaw cho thấy họ sẽ tiếp tục giữ thế chi phối vũ đài chính trị ở Myanmar.

Khi dùng thuật ngữ luật quốc tế, bà Burgener gọi những gì đang diễn ra tại Myanmar là một “cuộc xung đột vũ trang nội bộ”. Nhưng trong bài trả lời phỏng vấn AP ở trên, bà nói: “Chúng tôi thấy bạo lực ở khắp nơi, không kiểm soát được nữa và quy mô bạo lực rất lớn. Bởi vậy tôi sẽ nói, vâng, đó là một cuộc nội chiến”. 

Tuy nhiên bà cũng nhấn mạnh khác với cuộc đảo chính năm 1988, lần này “các lực lượng tự vệ nhân dân sẽ không chịu thua”.

Trong bài viết đăng cuối tháng 12-2021 trên trang Asia Times, Anthony Davis, chuyên gia về an ninh chính trị và cây bút của tạp chí an ninh - quốc phòng Janes, cho biết có thời điểm có ít nhất 150-200 tổ chức PDF khác nhau tuyên bố hoạt động trên hầu như khắp các thành phố/thị trấn lớn ở miền trung Myanmar và một số khu vực đông người thiểu số. 

Sau quá trình sắp xếp, tổ chức lại và cả việc một số nhóm bị giải tán, tới nay còn khoảng 50 PDF được tổ chức tốt hoạt động ở Myanmar. Cũng theo ông Davis, vùng Sagaing ở tây bắc đất nước hiện là tâm điểm của các cuộc giao tranh. Vùng nông thôn này từ lâu đã là “căn cứ địa” của NLD và bà Aung San Suu Kyi.

 
 Từ "nội chiến" đã được nhiều chuyên gia sử dụng để nói về tình hình Myanmar lúc này. Ảnh: AP

Còn theo bà Burgener, các PDF nhận được sự ủng hộ từ nhiều nhóm vũ trang thiểu số. Bà nói Liên Hiệp Quốc cũng nghe được thông tin khoảng 4.000 binh sĩ của Tatmadaw đã đào ngũ để gia nhập PDF. 

Đặc biệt vào giai đoạn cuối năm, PDF đã tăng mạnh số vụ tấn công nhằm vào các quan chức được chính quyền quân sự bổ nhiệm, cũng như các căn cứ quân sự và đồn cảnh sát tại nhiều khu vực ở Myanmar.

Các thiết bị nổ tự chế (IED) lúc đầu được sử dụng để nhắm vào các trụ sở công quyền và đoàn binh sĩ hộ tống, gần đây nhắm cả vào các mục tiêu hạ tầng như đường sắt, cầu và các trạm thu phát sóng điện thoại di động thuộc quản lý của quân đội Myanmar.

Chia sẻ việc Liên Hiệp Quốc đã nghe được thông tin từ thực địa cho biết quân đội Myanmar đang tiến hành các “chiến dịch bình định” ở bang Tây Bắc Chin, bà Burgener bày tỏ lo ngại: 

“Chúng tôi đã nghe tin từ thực địa nói quân đội sẽ gặp khó khăn vì bang Chin là vùng nhiều đồi núi, người dân ở đó cũng rất quyết liệt tự vệ. Vậy nên tôi e là sẽ có nhiều nạn nhân ở cả hai phía, và điều đó sẽ rất khủng khiếp”.

Hy vọng nào cho hòa bình?

Tháng 3-2021, Hội đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đã phát tuyên bố của chủ tịch kêu gọi khôi phục các thể chế dân chủ ở Myanmar, chấm dứt bạo lực, thả nhà lãnh đạo Suu Kyi và các quan chức dân cử bị bắt. 

Tuy nhiên, theo bà Burgener, cơ quan quyền lực nhất của Liên Hiệp Quốc đã không thông qua một nghị quyết có tính ràng buộc pháp lý với quân đội và tình trạng gia tăng bạo lực ở Myanmar.

Trong một diễn biến đáng chú ý khác, tháng 10-2021 Nghị viện châu Âu bỏ phiếu thông qua nghị quyết ủng hộ NUG và Ủy ban Đại diện cho Pyidaungsu Hluttaw (CRPH), công nhận đây là các đại diện hợp pháp duy nhất cho những nguyện vọng dân chủ của người dân Myanmar, chứ không phải chính quyền quân đội.

NUG và CPRH đều do các nghị sĩ của NLD và đồng minh của họ lập ra từ sau chính biến. NUG đã nỗ lực vận động cộng đồng quốc tế công nhận họ là chính phủ hợp pháp duy nhất tại Myanmar. 

Chính quyền quân sự thì liệt cả NUG và CPRH vào danh sách các tổ chức khủng bố. Tatmadaw chỉ trích Liên Hiệp Quốc và các tổ chức quốc tế khác vì ủng hộ hai tổ chức đó.

Cần nhắc, năm 2021 ASEAN đã quyết định không mời Thống tướng Min Aung Hlaing tham dự tất cả các hội nghị cấp cao của khối. 

“Đây là một thông điệp mạnh mẽ và rõ ràng, chúng tôi hy vọng sự đoàn kết trong khu vực sẽ đứng về phía người dân” - bà Burgener nói, lưu ý thêm là đa số người dân Myanmar đã bỏ phiếu ủng hộ bà Suu Kyi trong cuộc bầu cử tháng 11-2020. 

Đã gặp trực tiếp nhà lãnh đạo Suu Kyi 15 lần trước cuộc chính biến tháng 2-2021, bà Burgener nói: “Tôi thực sự vẫn tin là bà ấy chỉ muốn điều tốt đẹp nhất cho đất nước”.

Cho tới nay, việc thực thi thỏa thuận 5 điểm về tình hình Myanmar mà các nhà lãnh đạo ASEAN đạt được ngày 24-4-2021 vẫn chưa có tiến triển gì cụ thể. 

Thỏa thuận đó nêu rõ: yêu cầu chấm dứt ngay lập tức bạo lực và tất cả các bên phải hết sức kiềm chế; tiến hành đối thoại mang tính xây dựng giữa tất cả các bên liên quan nhằm tìm kiếm giải pháp hòa bình; cử đặc phái viên của chủ tịch ASEAN làm trung gian thúc đẩy tiến trình đối thoại; và cung cấp hỗ trợ nhân đạo cho người dân Myanmar thông qua Trung tâm Hỗ trợ nhân đạo ASEAN (AHA). 

Mới đây nhất, Thủ tướng Campuchia Hun Sen (nước chủ tịch ASEAN nhiệm kỳ mới từ đầu năm 2022) và Thống tướng Min Aung Hlaing sau cuộc họp tối 7-1 cho biết lệnh ngừng bắn mà chính quyền Myanmar tuyên bố trước đó, dự kiến chấm dứt vào cuối tháng 2-2022, sẽ được kéo dài đến cuối năm.■

Điểm sáng hiếm hoi

Dù cuộc chính biến tháng 2-2021 đẩy Myanmar vào bất ổn kéo dài nhưng bà Burgener cho rằng nó vẫn có một hệ quả tích cực. Theo đó, cộng đồng Bamar, tộc người chiếm đa số (70%) tại Myanmar và các cộng đồng dân tộc thiểu số khác “đã hiểu nhau hơn” và “trong nước đã đoàn kết hơn”.

Những cộng đồng thiểu số đã cưu mang, che chở cho nhiều người Bamar của NLD phải chạy trốn chính quyền quân sự sau chính biến. Chính bà Burgener được nghe những người Bamar nói “họ lấy làm tiếc vì đã không giúp đỡ người thiểu số Rohingya nhiều hơn trước đây”.

Bà Burgener kỳ vọng nếu Myanmar có thể quay lại lộ trình dân chủ, trong 5-10 năm nữa, quốc gia Đông Nam Á này sẽ có một chính phủ đa dân tộc, nơi quyền lợi của mọi cộng đồng sắc tộc đều được pháp luật bảo vệ.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận