Những lời nói thẳng về tính khả thi 

HOÀNG HƯƠNG THỰC HIỆN 11/07/2018 22:07 GMT+7

TTCT - Sau 4 năm thực hiện kỳ thi THPT quốc gia (còn gọi là kỳ thi “2 trong 1”: vừa dùng kết quả để xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ), những người trực tiếp trong cuộc nghĩ gì về hiệu quả của kỳ thi này? TTCT mời họ cùng thảo luận về những ưu, khuyết của kỳ thi.

??

Các ông nhận xét gì về kỳ thi năm nay?

Ông Nguyễn Văn Hiếu (phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM): So với 2 kỳ thi riêng lẻ trước đây thì kỳ thi “2 trong 1” đã giảm bớt được áp lực cho thí sinh, giảm bớt chi phí, công sức, thời gian cho xã hội.

Trước đây thí sinh phải trải qua 2 kỳ thi nặng nề chỉ cách nhau vài tuần, bây giờ chỉ còn 1 kỳ thi, thí sinh ở các vùng sâu, vùng xa, các tỉnh không phải khăn gói về thành phố đi thi rất tốn kém, mệt mỏi. Tuy nhiên, kỳ thi “2 trong 1” vẫn cồng kềnh và nặng nề đối với cả thí sinh, những người làm công tác coi thi, chấm thi, sao in đề thi... Đề thi năm nay còn gây ra những ý kiến trái chiều về độ khó - dễ, mức độ phân hóa thí sinh, mức độ đạt được so với 2 mục tiêu thi cử.

Ông Đoàn Hồng Hà
Ông Đoàn Hồng Hà

 

Ông Đoàn Hồng Hà (tổ phó tổ vật lý Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM): Kỳ thi “2 trong 1” của VN tương tự kỳ thi cao khảo ở Trung Quốc với nguyên tắc 3 + x (bao gồm các môn thi: tiếng Trung, tiếng Anh và toán + tổ hợp KHTN hoặc KHXH).

Tuy nhiên, mục đích chính của cao khảo là xét tuyển vào ĐH, còn việc xét tốt nghiệp THPT họ giao về cho các địa phương thực hiện. Do vậy, đề thi của họ ra ở mức độ cao, có cả hình thức trắc nghiệm khách quan và tự luận, có tính phân hóa cao nhưng vẫn thuyết phục dư luận vì đề thi không hoàn toàn là trắc nghiệm.

Họ vẫn có những câu hỏi yêu cầu thí sinh phải điền đáp số vào chỗ trống chứ không phải trắc nghiệm 100% với việc chọn đáp án theo kiểu hên xui như ở VN. Hơn nữa, cao khảo ở Trung Quốc có tính ổn định rất cao: mọi thứ từ phương pháp thi, cấu trúc đề thi… của họ đã ổn định từ năm 1977 đến nay, VN thì thay đổi liên tục.

TS Nguyễn Cam (nguyên trưởng khoa toán Trường ĐH Sư phạm TP.HCM): Đề thi chính là nhược điểm lớn nhất của kỳ thi “2 trong 1”. Năm trước đề thi quá dễ khiến cho “cơn mưa” điểm 10 xảy ra ở nhiều môn thi, dẫn đến tình trạng thí sinh đạt điểm tối đa 30/30 vẫn rớt khi xét tuyển vào trường ĐH khối y dược.

Năm nay, đề thi lại quá khó. Trong đó, đáng nói nhất là ban ra đề đã lấy câu hỏi tự luận đưa vào đề trắc nghiệm (đối với môn toán) trong khi phương pháp làm bài toán tự luận phải qua nhiều bước khác nhau, mất rất nhiều thời gian.

Khi làm đề thi trắc nghiệm, tức là thời gian làm bài giới hạn, câu hỏi lại như đánh đố thí sinh vì quá khó mà đề thi đã cho sẵn các đáp án để chọn lựa thì dĩ nhiên, trong tình thế ấy, nhiều thí sinh sẽ phải chọn đại đáp án và kết quả là hên - xui. Một kỳ thi dùng kết quả để xét tuyển vào ĐH mà kết quả ấy là hên - xui thì không thể đánh giá chính xác năng lực của thí sinh.

Như vậy, điều đáng lo ngại nhất của kỳ thi “2 trong 1” là…?

Ông Đoàn Hồng Hà: Đó là sự không công bằng. Một kỳ thi có mang mục đích tuyển sinh vào ĐH, CĐ chắc chắn phải có những câu khó. Những đề thi tuyển sinh vào ĐH ngày xưa cũng rất khó nhưng ít ai kêu ca gì. Bây giờ kỳ thi “2 trong 1” khiến nhiều người bức xúc chính vì thí sinh đi thi mà cũng không được xác định đúng năng lực của mình.

Nói một cách dễ hiểu hơn: trong đề thi trắc nghiệm các môn thuộc khối KHTN năm nay có những câu khó, thí sinh yếu, không biết làm bài cứ đánh “lụi”, may mắn thì đúng và vẫn được điểm cao. Còn những thí sinh giỏi, làm bài bằng chính năng lực của mình và làm đúng cũng bằng điểm thí sinh yếu. Thế là không công bằng.

Mùa thi năm trước cũng vậy, đề dễ quá, không phân loại được thí sinh, nhiều em đạt 30/30 điểm vẫn rớt ĐH thì sự công bằng thể hiện ở chỗ nào? Ở đây tôi mới nói về đề thi, chưa nói đến sự khách quan trong công tác coi thi, chấm thi… ở mỗi địa phương là mỗi khác.

Và như thế, tôi lo ngại rằng các trường ĐH sẽ không tin tưởng vào kết quả của kỳ thi THPT quốc gia. Khi họ nhận ra họ không tuyển được những thí sinh có đủ năng lực cần thiết để vào học ở bậc ĐH, họ sẽ không dùng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển vào ĐH nữa.

Đó là tôi chưa nói đến tác động tiêu cực của đề thi THPT quốc gia đến quá trình dạy và học: cứ nói là đánh giá năng lực thí sinh chứ không kiểm tra kiến thức nhưng đề thi chưa thể hiện rõ nét điều này. Khâu đổi mới nội dung đề thi làm quá chậm, theo kiểu đề như hiện nay là tăng cường nhồi nhét kiến thức, các dạng bài, kỹ năng tính toán...

Kéo theo đó là sức ỳ trong đổi mới giảng dạy chỉ tăng chứ không giảm. Hình thức thi tổ hợp và trắc nghiệm phù hợp cho kiểm tra số đông là hợp lý nhưng thi để xét tuyển vào ĐH tinh hoa thì không ổn. Chính vì điều này mà xã hội vẫn có hai luồng ý kiến về thi trắc nghiệm và tự luận.

Ông Nguyễn Văn Hiếu
Ông Nguyễn Văn Hiếu

 

Ông Nguyễn Văn Hiếu: Một đề thi dùng cho cả 2 mục đích rất khó đạt được như ý muốn. Như hiện tại, dù cho đề thi đạt được mục tiêu 1 là xét tốt nghiệp THPT thì dư luận vẫn đặt nhiều dấu hỏi về kết quả điểm trong học bạ của học sinh lớp 12 ở một số trường.

Bởi kết quả ấy như thế nào, có thực chất không… thì không biết được. Ở nhiều nơi, điểm học bạ của học sinh lớp 12 đa số đạt từ 6,5 đến 7,0. Như vậy, khi đi thi, chỉ cần các em đạt 3 điểm là đậu rồi. Trên thực tế, nhiều địa phương đã đạt tỉ lệ tốt nghiệp hơn 90% nhiều năm nay. Nếu như thế thì kỳ thi có còn ý nghĩa nữa không?

Như vậy, không nên duy trì kỳ thi “2 trong 1”?

Ông Đoàn Hồng Hà: Hiện nay một số trường ĐH như ĐH Quốc gia TP.HCM, ĐH Quốc tế, ĐH Luật… đã có phương án tuyển sinh riêng. Cho dù chưa phải là họ tuyển 100% theo phương án riêng ấy nhưng tôi dự đoán họ sẽ tăng dần tỉ lệ tuyển theo phương án riêng. Ví dụ, năm nay tuyển 30% sinh viên theo phương án riêng, 70% tuyển từ kết quả thi THPT quốc gia thì năm sau tỉ lệ sẽ là: 40 - 60; năm sau nữa: 50 - 50. Dần dần khi họ chuẩn bị đầy đủ nguồn lực, họ sẽ tổ chức một kỳ thi riêng để tuyển chọn thí sinh phù hợp, có đủ chuẩn chất vào học ở trường mình. Nếu vậy thì kỳ thi THPT quốc gia chỉ còn là kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Tiến sĩ Nguyễn Cam
Tiến sĩ Nguyễn Cam

 

TS Nguyễn Cam: Việc kiểm tra xem học sinh học hết cấp THPT có đạt được trình độ chuẩn của bậc học hay không (tốt nghiệp THPT được không) nên giao về cho các địa phương. Các tỉnh thành tự ra đề và công bố kết quả.

Công việc của Bộ GD-ĐT là tăng cường thanh tra, kiểm định chất lượng giáo dục. Việc đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông không chỉ làm từ một phía là cơ quan quản lý giáo dục. Nó phải được đánh giá ngoài, tức phải có những tổ chức chuyên về kiểm định chất lượng giáo dục đánh giá.

Đây là những tổ chức kiểm định độc lập chứ không phải trực thuộc Bộ GD-ĐT. Ví dụ với những địa phương khó khăn, trình độ giáo viên còn hạn chế mà công bố tỉ lệ tốt nghiệp quá cao thì Bộ GD-ĐT sẽ tập trung kiểm tra, nếu thấy có bất thường là không công nhận kết quả tốt nghiệp đó.

Nếu VN có những trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục hoạt động độc lập với Bộ GD-ĐT như các nước thì hoàn toàn có thể giao nhiệm vụ tổ chức thi tốt nghiệp THPT cho các địa phương, thậm chí có thể giao cho hiệu trưởng các trường THPT.

Khi kết quả thi tốt nghiệp và kết quả kiểm định chất lượng giáo dục không trùng khớp nhau (ví dụ kết quả thi tốt nghiệp rất cao nhưng kết quả kiểm định chất lượng giáo dục lại rất thấp) thì Bộ GD-ĐT sẽ “thổi còi” ngay. Như thế sẽ không có địa phương nào dám “thả lỏng” việc thi tốt nghiệp THPT nữa. Nếu làm được việc này, các trường ĐH mới có thể yên tâm dùng kết quả thi tốt nghiệp để xét tuyển đầu vào.

Bộ GD-ĐT cần trả lại quyền tự chủ trong việc tuyển sinh cho các trường ĐH. Có thể thành lập hiệp hội các trường ĐH, CĐ để chuyên lo công tác tuyển sinh. Sau đó, công tác tổ chức thi nên giao cho các tổ chức khảo thí độc lập để học sinh có thể thi nhiều lần trong năm. Các trường ĐH chỉ làm công tác tuyển mà thôi (dựa trên kết quả thi của thí sinh). Lúc đó, Bộ GD-ĐT không phải ôm đồm nhiều việc như bây giờ mà chuyên tâm lo công tác đào tạo, tập trung vào việc nâng cao chất lượng đào tạo của các bậc học.

Ông Nguyễn Văn Hiếu: Kỳ thi và xét tốt nghiệp THPT nên giao cho các sở GD-ĐT thực hiện. Tùy điều kiện dạy học, trình độ của học sinh cũng như sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, các sở GD-ĐT sẽ ra đề cho phù hợp đặc điểm ấy. Các trường ĐH sẽ xây dựng kế hoạch tuyển sinh công khai, trong đó sẽ có những trường chỉ xét học bạ để tuyển sinh, sẽ có những trường ĐH đặc thù tổ chức kỳ thi riêng. Các tỉnh, thành sẽ chủ động và chịu trách nhiệm về kết quả kỳ thi này. ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận