Phục hồi chức năng: Giảm gánh nặng cho người đột quỵ

HOÀNG LỘC 22/01/2021 19:00 GMT+7

TTCT - Phục hồi chức năng là giải pháp quan trọng để người bị đột quỵ giảm sự phụ thuộc vào người thân. Nhưng hiện nhiều bệnh viện rất thiếu cơ sở dành riêng cho chức năng này.

 Gia đình chị Nguyễn Thị Kim Long ở huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai có đến 5 người thân bị đột quỵ, trong đó có 3 người qua đời khi tuổi còn rất trẻ. Ảnh: HOÀNG LỘC

25% người phụ thuộc hoàn toàn vào người khác

Báo cáo tại khóa tập huấn phục hồi chức năng sau đột quỵ do Tổng hội Y học Việt Nam tổ chức cuối năm 2020, PGS.TS Lương Tuấn Khanh, giám đốc Trung tâm phục hồi chức năng - Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), cho biết nhờ mạng lưới các đơn vị đột quỵ được phủ sóng khá rộng và việc can thiệp điều trị bệnh nhân đột quỵ được áp dụng ở những giờ đầu nên tỉ lệ tử vong do đột quỵ não ở nước ta ngày càng thấp.

Tuy vậy, thách thức lớn là số lượng bệnh nhân tàn tật do đột quỵ có xu hướng tăng mạnh.

Các khiếm khuyết của đột quỵ não có thể kể đến như yếu hoặc liệt tay, chân, liệt nửa người, co cứng cơ; liệt mặt; rối loạn lời nói (nói khó, không diễn đạt được bằng lời nói hoặc không hiểu lời nói), các rối loạn về cảm giác, cảm xúc, tâm lý, trầm cảm. Nặng nề hơn là các rối loạn về nhận thức (mất khả năng định hướng, sự chú ý, trí nhớ và tư duy...). 

Đột quỵ não còn có rất nhiều biến chứng nguy hiểm khác như rối loạn nuốt, gây nguy cơ sặc; viêm phổi do hít phải thức ăn, đồ uống; loét da; viêm tắc mạch máu; đại tiểu tiện không tự chủ; teo cơ; nhiễm trùng đường hô hấp, tiết niệu…

Theo BS Khanh, thống kê cho thấy chỉ có 25 - 30% người bệnh có thể tự đi lại phục vụ bản thân; 20 - 25% đi lại khó khăn cần sự hỗ trợ của người khác trong sinh hoạt hằng ngày và 15 - 25% phải phụ thuộc hoàn toàn vào người khác. 

Do vậy việc phục hồi chức năng sau đột quỵ để giảm thiểu các khiếm khuyết, biến chứng là hết sức quan trọng, giúp người đột quỵ nâng cao khả năng độc lập, nâng cao chất lượng sống và hòa nhập cộng đồng.

Tuy nhiên, theo PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng, phó chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam, hiện nay hầu hết các trung tâm đột quỵ của Việt Nam quan tâm đến mảng điều trị cấp (tái thông mạch máu). 

Mà thực tế mảng này chỉ dành cho rất ít bệnh nhân (khoảng 10%), phần lớn còn lại đều cần đến phục hồi chức năng sau đột quỵ. Một người đột quỵ dù có phục hồi tốt vẫn gặp một số khiếm khuyết, họ chỉ phục hồi một cách tối ưu nếu được tập phục hồi chức năng đúng mức. 

 Đột quỵ ập đến với chị Huỳnh Thị Nguyệt, 44 tuổi, quê ở huyện Cái Bè (Tiền Giang). Ảnh: HOÀNG LỘC

Phục hồi chức năng không chỉ tập vận động, mà còn phục hồi tư duy, ngôn ngữ.

Để làm được điều này, cần tới một đội ngũ phục hồi chức năng được đào tạo chuyên biệt về đột quỵ. Nhưng ở Việt Nam hiện nay, đội ngũ này còn rất thiếu và yếu; cơ sở dành riêng cho bệnh nhân phục hồi chức năng đột quỵ rất thiếu.

Ví dụ, Bệnh viện Nhân dân 115 có thể điều trị cho 20.000 ca/năm nhưng cơ sở để phục hồi chức năng chỉ chứa 10 - 20 bệnh nhân/lần.

Có thể phục hồi tế bào thần kinh

GS Lê Văn Thính, trưởng khoa thần kinh Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), kiêm chủ tịch Hội Thần kinh Hà Nội, cảnh báo về những hạn chế trước đây trong quan niệm về chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân bị đột quỵ (đột quỵ não, nhồi máu não). 

“Các thầy thuốc, thậm chí những người trực tiếp khám và điều trị bệnh nhân đột quỵ vẫn cho rằng các tế bào thần kinh (neuron) một khi bị tổn thương không thể phục hồi và không có tế bào nào khác có thể thay thế được. Đây chính là hạn chế của mọi phương pháp điều trị thiếu máu não cục bộ, tức nhồi máu não” - ông phân tích. 

Với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, con người đã hiểu rõ hơn về cơ chế sinh bệnh học của tổn thương não do đột quỵ. Đặc biệt là khả năng tái cấu trúc hệ thần kinh bằng cách tái sinh cả đơn vị thần kinh - mạch máu trong não, bao gồm sự tái sinh các tế bào thần kinh; tân sinh mạch máu nuôi tế bào thần kinh và tăng sinh tế bào thần kinh đệm để sửa chữa các sợi thần kinh đã bị tổn thương.

Chính phát hiện này, theo GS Thính, đã mở ra cơ hội điều trị đột quỵ nhồi máu não giúp người bệnh chữa khỏi bệnh.

Một chương trình “phục hồi chức năng thần kinh cho bệnh nhân sau đột quỵ” mà Việt Nam và Áo hợp tác đang có các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực đột quỵ, thần kinh và phục hồi chức năng tham gia đào tạo. 

Chương trình này nhằm nâng cao năng lực phục hồi chức năng sau đột quỵ cho bác sĩ, kỹ thuật viên phục hồi chức năng và người chăm sóc bệnh nhân.

Bác sĩ Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM châm cứu phục hồi chức năng vận động sau đột quỵ não cho bệnh nhân. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Trong 3 năm qua (2017 - 2020), đã có 63 lớp dành cho cán bộ y tế của 650 bệnh viện thuộc 59 tỉnh thành cả nước.

Gần 4.500 bác sĩ, kỹ thuật viên hoàn thành khóa học và được cấp chứng chỉ đào tạo liên tục do Tổng hội Y học Việt Nam phối hợp với Tổ chức Đột quỵ thế giới, Hội Phục hồi chức năng Việt Nam triển khai.

Ngoài ra, có 4.000 người nhà bệnh nhân được huấn luyện cách phục hồi chức năng cho người bệnh, phòng tránh đột quỵ tái phát. Dự kiến đến năm 2022, chương trình này sẽ mở rộng mạng lưới đào tạo phục hồi chức năng sau đột quỵ ở tất cả các bệnh viện và người nhà của bệnh nhân cả nước.■

Đột quỵ khác với đột tử

Theo PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng, phó chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam, kiêm trưởng khoa bệnh lý mạch máu não Bệnh viện Nhân dân 115 TP.HCM, nhiều người hay nhầm lẫn giữa đột tử và đột quỵ.

Cụ thể, đột quỵ não (stroke) còn gọi là tai biến mạch máu não có 2 hình thức phổ biến, gồm nhồi máu não và xuất huyết não. Đột quỵ não thường có biểu hiện là đột ngột liệt nửa người, méo miệng, nói đớ, có thể kèm hôn mê nhưng thường xảy ra sau vài giờ. 

Trong đột quỵ não, tim vẫn có thể hoạt động bình thường. Do đó, người bệnh không tử vong liền mà có thể kéo dài vài giờ hoặc vài ngày, tùy thuộc nguyên nhân, mức độ bệnh.

Trong khi đó, đột tử (sudden cardiac death) là biến cố tim ngừng đập đột ngột. Một người bình thường đột nhiên gục xuống và tử vong nhanh chóng, trừ khi được cấp cứu kịp thời. Đột tử thường xảy ra do bệnh mạch vành hoặc bệnh loạn nhịp.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận