Quan hệ Nga - Trung: Hợp tung và liên hoành

DANH ĐỨC 14/06/2019 18:06 GMT+7

TTCT - Các cuộc gặp tuần trước giữa hai nhà lãnh đạo Trung Quốc và Nga bên cạnh Diễn đàn kinh tế thế giới Saint Petersburg đã được đánh dấu bằng “Tuyên bố chung về phát triển quan hệ đối tác toàn diện và chiến lược bước vào kỷ nguyên mới” và “Tuyên bố chung Nga - Trung về việc tăng cường tính ổn định chiến lược toàn cầu trong kỷ nguyên hiện đại”.

Một poster thời quan hệ Xô - Trung mặn nồng. Dòng chữ trên poster:
Một poster thời quan hệ Xô - Trung mặn nồng. Dòng chữ trên poster: "Hoa Xô hữu nghị vạn niên trường xuân" (Tình hữu nghị Trung Hoa - Liên Xô vạn năm tươi tốt). Ảnh: Pinterest

Tân Hoa xã ngày 5-6 loan báo: “Trung Quốc và Nga đã đồng ý hôm thứ tư (5-6) nâng cấp quan hệ hai nước lên đối tác chiến lược toàn diện về phối hợp cho một kỷ nguyên mới. Quyết định được đưa ra tại cuộc họp giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin”.

Cũng theo Tân Hoa xã, ông Tập phát biểu: “Cả hai bên đã kiên quyết hỗ trợ lẫn nhau trong nỗ lực bảo vệ lợi ích cốt lõi tương ứng của mỗi bên và nuôi dưỡng niềm tin chung mạnh mẽ về chính trị và chiến lược… và hai bên đã tích cực thúc đẩy hợp tác mọi mặt vào lúc mà các động lực nội bộ của quan hệ song phương nay đang nổi lên và lợi ích của hai nước ngày càng hội tụ, đồng quy sâu sắc”.

Công tư vẹn cả đôi đường

Để trả lời lợi ích đồng quy đó là gì, cần thấy lợi ích Nga - Trung được đặt trên hai bình diện: lợi ích của mỗi bên và lợi ích chung trong các vấn đề toàn cầu, trong bối cảnh, theo lời ông Tập, “thế giới ngày nay đang ngày càng trở nên không chắc chắn và không ổn định”.

Theo ông, tầm quan hệ hai nước nay đã lên đến tột đỉnh: “Tăng cường mối quan hệ Trung Quốc - Nga chính là tiếng gọi của lịch sử và lựa chọn chiến lược vững chắc của cả hai bên”.

Phía Nga đã minh họa cho phát biểu đó bằng cách mời ông Tập thăm chiến hạm Rạng Đông, mà ông Tập có nhắc trong bài phát biểu của mình: “Tuần dương hạm Rạng Đông mang ý nghĩa đặc biệt đối với người dân Trung Quốc. Cách mạng Tháng 10 đã gửi chủ nghĩa Marx đến Trung Quốc, đóng vai trò quan trọng trong sự ra đời của Đảng Cộng sản Trung Quốc…

Việc Nga gìn giữ tàu tuần dương này thể hiện sự tôn trọng lịch sử của Nga”. Việc ông Putin, vốn đang nỗ lực khôi phục “bản sắc Liên Xô” trong các sinh hoạt lễ lạt ở Nga, mời ông Tập thăm tàu Rạng Đông, là một lời nhắc đến mẫu số chung “gốc gác xã hội chủ nghĩa ngày nào”, để gắn kết thêm quan hệ hai nước, ít nhất cũng trong ý nghĩa đối kháng với “chủ nghĩa đế quốc (Mỹ)” xưa và nay. Đối kháng này sẽ được mô tả hơn cả mức trọn vẹn trong Tuyên bố chung.

Trong phát biểu kỷ niệm 70 năm quan hệ Nga - Trung, ông Putin viện dẫn một cột mốc tối quan trọng kèm lời tán dương ông Tập: “Liên Xô đã công nhận Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ngay lập tức, chỉ một ngày sau khi Trung Quốc tuyên cáo thành lập. Trong giai đoạn này, nhiều biến cố đã xảy ra, nhưng trong vài năm qua, quan hệ Nga - Trung đã đạt tới, không hề cường điệu, một mức độ chưa từng thấy, cũng nhờ vào sự tham gia trực tiếp của ngài”.

Cũng dễ hiểu lời tán tụng của ông Putin xuyên suốt toàn bộ 70 năm quan hệ Nga - Trung: ông Tập là một trong 3 lãnh đạo Trung Quốc có hệ tư tưởng riêng được công nhận, cùng với Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình.

Đáp từ của ông Tập đề cập một góc cạnh mới: “...Quan hệ Trung - Nga đã chịu đựng nhiều thử thách, thay đổi trong các vấn đề toàn cầu, và thay đổi của cả hai bên. Từng bước, chúng ta đã tìm cách đưa quan hệ lên mức cao nhất trong toàn bộ lịch sử hai nước. Tôi muốn nói rằng hai chúng ta đã vượt qua bài kiểm tra đó trước dân chúng hai nước. Kỷ niệm 70 năm là một cột mốc quan trọng và một khởi đầu mới”.

Góc cạnh mới đó là quan hệ cá nhân Tập - Putin: ông Tập nhắc cá nhân ông đã 8 lần thăm Nga từ khi nhậm chức, và gần 30 lần gặp ông Putin.

Việc cả hai ông cùng nhấn mạnh đến vai trò của quan hệ không chỉ ở mức quốc gia, mà còn ở mức cá nhân, được Tân Hoa xã ghi nhận sau khi giới thiệu nội dung Tuyên bố chung: “Tuyên bố cho biết hai bên sẽ phát huy đầy đủ vai trò chỉ đạo của hai nguyên thủ quốc gia trong việc phát triển quan hệ song phương”. Với việc cả hai nhà lãnh đạo nhiều khả năng sẽ còn nắm quyền một thời gian dài nữa, đây là một hình thức quan hệ độc đáo và hãn hữu!

Kinh tế và chính trị

Trong chuyến thăm 3 ngày tới Nga lần này, ông Tập đã có nhiều hoạt động đáng chú ý, bao gồm việc dự lễ ra mắt hai chú gấu trúc lớn được Trung Quốc cho vườn thú Matxcơva mượn. Ông Tập nói đấy là biểu tượng cho “tình bằng hữu cá nhân thắm thiết” của ông với ông Putin.

Cần nhắc, đây là lần đầu tiên dân Matxcơva lại được thấy một con gấu trúc ở cự ly gần như thế kể từ những năm 1950, khi Mao Trạch Đông tặng một con cho lãnh đạo Liên Xô lúc bấy giờ là Nikita Khrushchev, vào lúc quan hệ song phương còn chưa giá lạnh.

Nếu như những triển vọng của sự hợp tác chính trị, nói thẳng ra là một liên minh - dù lỏng lẻo - trong việc đối phó với những sức ép ngày càng tăng từ Hoa Kỳ và phương Tây lên hai nước, là còn mơ hồ, thì những hi vọng đột phá về mặt kinh tế là hiện hữu. Trước chuyến thăm, trong một bài trả lời phỏng vấn dài với Hãng tin Nga TASS, ông Tập đã nói rất nhiều về triển vọng hợp tác kinh tế.

“Hợp tác kinh tế thương mại, trụ cột trong mối quan hệ song phương, là tối quan trọng với sự phát triển của Trung Quốc và Nga - ông Tập nói - …Thương mại song phương đã đạt mức kỷ lục 100 tỉ USD vào năm 2018. Những kết quả hợp tác này càng đặc biệt giá trị trong bối cảnh phức tạp hiện giờ khi thương mại và đầu tư toàn cầu tăng trưởng chậm chạp, cũng như sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ”.

Ông đề cập cụ thể tới nhiều dự án lớn của sự hội nhập kinh tế Nga - Trung: đường ống dẫn dầu (đã vận hành) và khí đốt (sắp hoàn tất) từ Nga sang Trung Quốc, cầu biên giới nối Blagoveshchensk (tỉnh Amur) với Hắc Hà (Hắc Long Giang), cầu xe lửa Nizhneleninskoye - Đồng Giang, các dự án cùng nghiên cứu và phát triển máy bay chở khách và trực thăng, hợp tác về hệ thống vệ tinh định vị, cùng các cơ chế hợp tác cấp vùng Viễn Đông Nga - Đông Bắc Trung Quốc, vùng sông Dương Tử - vùng sông Volga…

Nhưng tất nhiên, được chú ý hơn vẫn là những đồn đoán về một cục thế “tam quốc” trong đó Nga - Trung sẽ “hợp tung” để có sức nặng hơn trong cuộc đọ sức với Mỹ. “Trung Quốc gọi đây là một “tình thế mới” - Yury Tavrovsky, chuyên gia về Trung Quốc thuộc Đại học Hữu nghị nhân dân Matxcơva, nói với tờ Christian Science Monitor - Với chúng tôi thì không mới, nhưng với họ thì là thế.

Người Trung Quốc có vẻ ngạc nhiên. Họ đã quen với việc được mở cửa chào đón bởi các đối tác kinh tế ở phương Tây và không bị đối xử như một mối đe dọa lớn. Giờ thì bỗng nhiên họ trở thành kẻ thù số 1. Cuộc nói chuyện giữa ông Putin và ông Tập tuần này đằng sau những cánh cửa đóng hẳn sẽ rất khác trong quá khứ”.

Điều đó được thể hiện rõ qua Tuyên bố chung 2019: “Nga và Trung Quốc lưu ý một cách báo động về các hành động cực kỳ nguy hiểm của những quốc gia đơn lẻ, trên cơ sở lợi ích địa chính trị và thậm chí lợi ích thương mại, đang phá hủy hoặc làm biến dạng cấu trúc kiểm soát vũ khí và không phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt hiện tại.

Để theo đuổi lợi thế chiến lược trong lĩnh vực quân sự, trong ý định đảm bảo an ninh tuyệt đối, và để có cơ hội gây ra áp lực chính trị và quân sự liên tục lên các đối thủ của những quốc gia đó, dẫn tới các cơ chế nhằm duy trì sự ổn định đã bị phá hủy một cách lặng lẽ”. Còn nước nào đủ sức khiến cả Nga lẫn Trung Quốc phải “lưu ý một cách báo động” như thế. Bản Tuyên bố chung không nêu đích danh, nhưng cũng chẳng khác gì đã gọi tên trực tiếp Hoa Kỳ.

Vậy thì tương tác chiến lược sẽ ra sao trong kỷ nguyên mới đầy thách thức đó? Ông Tập giải thích: “Trung Quốc và Nga, cả hai là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, sẽ tiếp tục hợp tác với cộng đồng quốc tế để bảo vệ trật tự quốc tế dựa trên luật pháp quốc tế với Liên Hiệp Quốc là cốt lõi, duy trì hệ thống thương mại đa phương và đóng góp xây dựng một cộng đồng với một tương lai chung cho nhân loại” - Tân Hoa xã 5-6.

Đáp từ, ông Putin, bày tỏ những quan điểm phê phán rõ rệt hơn: “Ngày nay, chúng ta đang phải đối mặt với hai thái cực, hai kịch bản… Đầu tiên là sự suy thoái của mô hình toàn cầu hóa phổ quát, đến mức biến nó thành một trò chế giễu, nơi các quy tắc quốc tế phổ biến bị thay thế bằng luật pháp, cơ chế hành chính và tư pháp của một quốc gia hoặc một nhóm các quốc gia có ảnh hưởng.

Tôi rất tiếc bởi đấy là những gì Hoa Kỳ đang làm hiện giờ khi mở rộng quyền tài phán ra toàn thế giới. Tình cờ, tôi đã nói về điều này 12 năm trước. Một mô hình như vậy không chỉ mâu thuẫn với logic của sự giao tiếp giữa các nhà nước bình thường và thực tế vốn đã định hình một thế giới đa cực phức tạp, mà còn vì, và quan trọng nhất vì, nó không đáp ứng được các mục tiêu của tương lai”.■

Lịch sử là sự tái diễn chính nó?

Nga và Trung Quốc quả thực chưa bao giờ gần gũi như thế này. Chia sẻ 4.200km đường biên giới, có một lịch sử quan hệ song phương nhiều thăng trầm kéo dài, quan hệ quân sự giữa hai nước được nâng lên tầm cao mới với cuộc tập trận chung lớn nhất trong lịch sử năm ngoái, Vostok 2018.

Khi tổng thống Mỹ Richard Nixon tới thăm Bắc Kinh năm 1971, đó là một nước cờ chiến lược của Mỹ dẫn tới việc chia rẽ khối xã hội chủ nghĩa, đưa Trung Quốc về phía phương Tây chống lại Liên Xô. “Giờ chúng ta đang ở trong một tình thế đảo ngược” - Sergey Karaganov, một chuyên gia lâu năm về quan hệ Nga - Trung, phân tích.

“Liên Xô đã thất bại một phần vì Trung Quốc và phương Tây bắt tay chống lại họ. Giờ thì Nga và Trung Quốc đang xích lại gần nhau, với nguồn nhân lực và tài nguyên khổng lồ của cả vùng Âu - Á, chống lại phương Tây. Điều đó chẳng hay ho gì, đấy không phải là một thế giới mà chúng ta mong đợi, nhưng ngày càng trở nên gần với hiện thực”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận