Thủ tục luận tội: Thanh gươm làm kiểng?

CHIÊU VĂN 13/11/2019 18:11 GMT+7

TTCT - Thứ năm tuần trước, 31-10, Hạ viện Mỹ đã thông qua nghị quyết chính thức hóa quá trình yêu cầu luận tội Tổng thống Donald Trump với tỉ lệ 232-196 phiếu. Được coi là thứ “vũ khí tối thượng” trong nền chính trị Mỹ, nhưng đó cũng là một trong những thủ tục gây nhiều tranh luận nhất lịch sử Hoa Kỳ.

Thủ tục luận tội là một công cụ pháp lý đã xa xưa, một thứ vũ khí chính trị được sử dụng lần đầu có lẽ ở Nghị viện Anh, khi vào năm 1376, nhằm giành lấy quyền lực từ tay nhà vua bằng cách buộc tội các triều thần của ông lạm dụng quyền lực, truy tố họ, buộc họ từ chức, và bỏ tù họ.

Khoảng 400 năm sau, thủ tục luận tội đã biến mất gần như hoàn toàn ở Anh, nhưng lại tái sinh ở Mỹ trong hội nghị lập hiến của các đoàn đại biểu tiểu bang, thể hiện qua điều II, khoản 4 Hiến pháp Hoa Kỳ: “Tổng thống, phó tổng thống và các quan chức dân sự của Hợp chủng quốc sẽ bị cách chức khi bị buộc tội phản quốc, tội nhận hối lộ, hoặc những tội nghiêm trọng khác”.

Các tổng thống Mỹ từng đối mặt với việc luận tội hoặc nguy cơ bị luận tội, từ trái sang: Andrew Johnson, Richard Nixon và Bill Clinton. Ảnh: wnct.com
Các tổng thống Mỹ từng đối mặt với việc luận tội hoặc nguy cơ bị luận tội, từ trái sang: Andrew Johnson, Richard Nixon và Bill Clinton. Ảnh: wnct.com

Thanh gươm Goliath...

Biết rằng quyền lực đó tồn tại là một chuyện, sử dụng nó thế nào trong thực tế là chuyện hoàn toàn khác. “Quyền lực luận tội giống như thanh gươm của Goliath, được lưu giữ trong đền thờ nhưng không thể dùng tới, trừ những dịp trọng đại nhất”, một chuyên gia luật Anh thế kỷ 17 từng viết như vậy.

Và Hạ viện Mỹ vừa viện tới lưỡi gươm tối thượng đó.

Luận tội là một quyền hành kinh khủng vì nó được sử dụng để chống lại một quyền hành kinh khủng khác: một nhà lãnh đạo tối cao tự coi mình đứng trên pháp luật.

Các đại biểu ở hội nghị lập hiến Hoa Kỳ đưa điều khoản luận tội vào hiến pháp vì cách họ nhìn nhận lịch sử, ngành học mà họ tin rằng có vai trò tiên quyết với một quan chức chính quyền.

Từ việc nghiên cứu lịch sử Anh, họ biết được một điều có thể gọi là luật hôn quân: không thể có cách nào tốt để loại bỏ một vị vua tồi tệ.

Thực vậy, ba lựa chọn đều kinh khủng như nhau: nội chiến, cách mạng, hoặc ám sát. Nước Anh đã trải qua điều thứ nhất và nước Mỹ là điều thứ hai, không ai ủng hộ điều thứ ba. “Trước đây người ta thường làm gì trong những trường hợp chính người nguyên thủ lãnh đạo đất nước trở nên băng hoại? - Benjamin Franklin nêu câu hỏi ở hội nghị lập hiến - Chẳng lẽ chúng ta phải viện tới việc ám sát sao, một hành động không chỉ tước đi sinh mạng của người đó, mà còn khiến ông ta không có quyền tự bào chữa cho mình?”.

Nhưng các đại biểu đều biết về giải pháp thời xưa tại Anh, nơi các nghị viện thường xuyên dùng quyền luận tội với các triều thần thân tín của nhà vua để ngăn chặn xu hướng tập quyền dẫn tới độc tài.

Cần biết rằng cả bốn phiên bản ban đầu của hiến pháp mới cho nước Mỹ đều nhất trí về việc phải có một điều khoản cho phép luận tội tổng thống. Một tổng thống không phải là vua, quyền lực của ông ta sẽ bị kiểm tra với các cuộc bầu cử mỗi bốn năm, và bởi sự phân chia quyền lực trong nhà nước, nhưng với James Madison, “như thế là chưa đủ”. “Ông ta [tổng thống] có thể thúc đẩy chính quyền của mình vào những việc tham ô hay đàn áp tồi tệ. Ông ta có thể phản bội lòng tin vào ông ta và phục vụ các cường quốc nước ngoài”.

Ngoài ra, những người lập quốc của Mỹ cũng thừa nhận khả năng cử tri có thể lựa chọn sai lầm và nuối tiếc trước khi cuộc bầu cử tiếp theo có thể diễn ra. “Một hình thức loại bỏ một nguyên thủ không phù hợp là bắt buộc phải có bởi những người lựa chọn có thể mắc sai lầm, và người được lựa chọn có thể trở nên băng hoại”, đại biểu bang Virginia George Mason nói ở hội nghị lập hiến.

Tuy nhiên, thiếu những điều khoản hướng dẫn rõ ràng, công tác luận tội cho tới giờ đã diễn ra theo từng trường hợp. Vụ đầu tiên có lẽ cũng là vụ kinh điển nhất: thẩm phán tòa tối cao Samuel Chase bị luận tội vào năm 1805, với bảy cáo buộc.

Còn thú vị hơn vào thời đại huy hoàng đó, chủ tọa phiên luận tội, phó tổng thống Aaron Burr, đang bị truy nã vì tội giết người ở hai bang New Jersey và New York. Lý do: Burr đã bắn chết bộ trưởng tài chính Alexander Hamilton, một người lập quốc của nước Mỹ, trong một vụ thách đấu đọ súng tay đôi vì bất đồng quan điểm chính sách.

Vụ đọ súng Burr Hamilton, tranh vẽ năm 1902. Burr là người chủ tọa phiên luận tội đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ. Ảnh: Wikipedia.org
Vụ đọ súng Burr Hamilton, tranh vẽ năm 1902. Burr là người chủ tọa phiên luận tội đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ. Ảnh: Wikipedia.org

Nhưng tất nhiên, điểm tập trung trong điều khoản luận tội vẫn là định chế tổng thống. Các thảo luận tập trung vào việc tổng thống có thể bị luận tội vì những hành vi nào. Rốt cuộc, các đại biểu ở hội nghị lập hiến đã thu hẹp danh sách đó xuống còn “phản quốc, tội nhận hối lộ, hoặc những tội nghiêm trọng khác”.

“Vậy thì một tội nào là có thể khiến tổng thống bị đem ra luận tội? - Gerald Ford, đại biểu Cộng hòa của bang Michigan và lãnh đạo thiểu số ở Hạ viện, nêu lại câu hỏi vào năm 1970 - Câu trả lời trung thực duy nhất là một tội có thể mang ra luận tội là bất cứ điều gì đa số ở Hạ viện coi là thế ở một thời điểm cụ thể trong lịch sử”. Ford lúc đó đang tìm cách truy tố thẩm phán tòa tối cao William O. Douglas.

Tuy nhiên, chuyên gia pháp lý Cass Sunstein, người từng ra điều trần trước Quốc hội trong cuộc luận tội Tổng thống Bill Clinton, không nghĩ như vậy. Với ông, cụm từ “những tội nghiêm trọng khác” có ý nghĩa có thể diễn giải của nó, chứ không phải là một cụm từ tùy tiện: Đó là sự lạm dụng quyền lực đi kèm với chức vụ chà đạp lên lòng tin của công chúng, đi ngược lợi ích quốc gia và làm suy yếu nền cộng hòa. Tin rằng cụm từ đó “vô nghĩa”, là “từ bỏ sự thật”, theo lời Sunstein.

...Hay bù nhìn giữ dưa?

Trong khi Hạ viện đã bỏ phiếu thông qua yêu cầu luận tội ông Trump, điều đó không hề có nghĩa là Thượng viện sẽ chấp nhận tổ chức phiên tòa. Và ngay cả nếu Thượng viện tổ chức phiên tòa, khả năng ông Trump bị tuyên có tội vẫn là nhỏ. Luận tội có thể được ví von là một chiếc thang pháp lý rất cao và rất khó leo, mà đích đến - kết tội tổng thống - vừa xa vời vừa gần như bất khả.

Lịch sử chứng minh điều đó. Nỗ lực luận tội tổng thống đầu tiên, diễn ra vào năm 1843, khi một nghị sĩ Virginia cáo buộc Tổng thống John Tyler “tham nhũng, sai trái, phạm tội nghiêm trọng”, nhưng Hạ viện đã bác việc luận tội với tỉ lệ phiếu 127-83.

Năm 1868, Tổng thống Andrew Johnson bị đưa ra luận tội với tỉ lệ phiếu 126-47, nhưng ở Thượng viện, ông được tuyên không có tội với cách biệt chỉ một phiếu (cần đa số 2/3 ở Thượng viện mới có thể kết tội tổng thống).

Mỗi cuộc luận tội lại “phát minh lại” gần như hoàn toàn quá trình và thủ tục luận tội, trao cho nó một ý nghĩa mới, thậm chí là vạch ra một học thuyết mới về quản trị nhà nước.

Mỗi cuộc luận tội cũng là cơ hội để thiết lập một trật tự chính trị mới nữa. Vụ luận tội Samuel Chase (ông cũng được tuyên không có tội) khiến nước Mỹ dành nhiều sự độc lập hơn cho nhánh tư pháp, tái lập sự cân bằng giữa hai nhánh hành pháp và tư pháp.

Vụ luận tội bất thành Andrew Johnson khiến nước Mỹ đi xa hơn về hướng phân rẽ chủng tộc: thời đại của các đạo luật Jim Crow phân biệt và chia tách người da trắng với da đen, điều chỉ được đảo ngược nhờ phong trào dân quyền và các đạo luật mới giữa những năm 1960, tức một thế kỷ sau đó, dưới một chính quyền khác của tổng thống cũng có họ Johnson - Lyndon B. Johnson.

Việc Johnson được tha bổng cũng trao thêm quyền lực và sức ảnh hưởng cho định chế tổng thống. Jefferson từng than phiền rằng luận tội chỉ là “bù nhìn rơm”, và nó đã đúng là như thế trong phần lớn thế kỷ 20. Mối đe dọa bị đưa ra luận tội đối với Richard Nixon vào năm 1974 có thể coi là một vụ luận tội thành công bởi Nixon đã từ chức. Khi đó, nhiều chuyên gia đã nói về việc bên lập pháp sẽ cân bằng lại quyền lực với định chế tổng thống nói riêng và nhánh hành pháp nói chung, sau khi đã trao cho bên hành pháp quá nhiều tấm séc khống trong chiến tranh Việt Nam.

Tuy nhiên, đã không bao giờ có một nỗ lực thực sự hạn chế bớt quyền hạn của tổng thống, một lý do quan trọng khiến nước Mỹ tiếp tục chia rẽ.

Sự chia rẽ đó còn lớn thì thanh gươm luận tội càng cùn nhụt. Rất hiếm khi trong lịch sử Hoa Kỳ, một đảng nắm giữ hơn 2/3 ghế ở Thượng viện (lần gần nhất là năm 1967), và nền chính trị Mỹ càng bị chia ra theo lằn ranh đảng phái do vậy, càng khó có khả năng tập hợp được đủ 67 thượng nghị sĩ để kết tội bất kỳ ai vì bất kỳ điều gì.

Nhưng đồng thời, nền chính trị càng chia rẽ thì những lời kêu gọi và khởi đầu luận tội càng phổ biến: Từ khi Ronald Reagan nhậm chức năm 1981, Hạ viện đã thông qua nghị quyết luận tội trong mọi nhiệm kỳ tổng thống. Dân chúng cũng rất hăng hái tham gia. Những tấm biển cắm trước nhà “Hãy luận tội Bush” hay “Hãy luận tội Obama” không hề khó kiếm.

Không phải vụ luận tội nào cũng mang tới sự dàn xếp chính trị. Vụ luận tội bất thành với Bill Clinton vì nói dối trong quan hệ tình ái của ông với nữ thực tập sinh Nhà Trắng Monica Lewinsky chẳng đi tới đâu ngoài việc làm suy yếu lòng tin của người dân Mỹ vào thủ tục luận tội. ■

Thượng viện Mỹ mới tổ chức 18 phiên tòa luận tội trong 230 năm, và chỉ hai lần là luận tội tổng thống (Andrew Johnson năm 1868 và Clinton 1998). 

Chính vì thủ tục luận tội diễn ra quá hiếm hoi, rất khó kết luận thực ra nó là việc gì, hay thậm chí là nó diễn ra như thế nào. Cứ mỗi dịp, người ta lại cãi nhau dữ dội về câu chữ trong văn bản luật và từng bước nhỏ nhặt một của cả quá trình. 

Mỗi cuộc luận tội, rốt cuộc, là “một thí nghiệm chính trị”, theo The New Yorker.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận