Tố cáo xâm hại tình dục: Vì sao phần lớn nạn nhân dừng lại trước cánh cửa công đường?

NGUYỄN THU QUỲNH 07/07/2022 11:00 GMT+7

TTCT - Một khảo sát do Cơ quan Liên Hiệp Quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ tại Việt Nam (UN Women) thực hiện từ tháng 2 đến tháng 6-2022 tại 3 trường đại học vừa công bố tuần trước cho thấy 90% nạn nhân không/không thể tìm đến trợ giúp pháp lý.

Cách đây hơn một tháng, vụ việc nhà thơ Dạ Thảo Phương tố cáo bị cưỡng hiếp từ hơn 20 năm trước khiến truyền thông và mạng xã hội dậy sóng, nay gần như không còn ai nhắc tới. Tương tự, các vụ tố cáo xâm hại tình dục từng là tâm điểm dư luận… đều dần trôi vào im ắng.

Nhìn chung, khi còn ồn ào, các cuộc thảo luận về những vụ việc này đều lục lọi các chi tiết bề mặt mà quên mất căn nguyên: vì sao nhiều vụ việc tố cáo dần chìm vào im lặng, tại sao nhiều nạn nhân chịu đựng suốt một thời gian dài mà không tố cáo. Nếu không tìm được căn nguyên, không thể tìm được cách hỗ trợ và giành lại công lý cho các nạn nhân.

Những mảnh ghép

Có đi tìm hiểu những căn nguyên đó mới thấy toàn cảnh việc những người phụ nữ đơn độc, khó theo đuổi công lý. Đa số họ phải đứng trước những luồng dư luận xã hội dữ dội và hệ thống trợ giúp cho nạn nhân rất mỏng manh, yếu ớt.

Một người tôi quen bị tấn công tình dục ngay tại nhà mình, bởi gã hàng xóm. Chị vùng lên chạy thoát và gửi đơn tố cáo lên công an xã. Nhưng kể từ đó, chị phải trả lời hàng tá câu hỏi của công an xã, không có một trợ giúp tâm lý nào, cùng lúc đối diện một kế hoạch tấn công ngược của thủ phạm... cho đến tận khi chị và gia đình mệt mỏi rút đơn.

Một người bạn thân của tôi, làm cho một công ty sách chuyên về các nhân vật giàu có và nổi tiếng, bất ngờ bị một nhân vật mà mình phỏng vấn tấn công ngay trong lúc làm việc. Bạn chạy thoát nhưng không dám tố cáo vì sợ rắc rối, sợ bị bêu riếu.

Một bé gái 14 tuổi mà tôi gặp trong chuyến điền dã ở Bắc Kạn đã bị anh họ xâm hại tình dục kể lại “Em không chạy được vì bị bóp cổ… Sau đó em chạy đi tìm bố mẹ ở suối nhưng mẹ không muốn báo cho chính quyền, mẹ không muốn ai biết chuyện này vì kẻ đó là anh em trong nhà, chuyện này lại rất xấu hổ”. Cha mẹ em từ đó luôn giữ im lặng về chuyện mà họ cho là “đáng xấu hổ” này.

Cho đến nay, không có số liệu chính xác về số lượng nạn nhân bị xâm hại tình dục ở Việt Nam. Chỉ có một số mảnh ghép rời rạc, chẳng hạn của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và Navigos Search công bố năm 2015 tại Việt Nam cho thấy 17% số người được hỏi trong nhóm ứng viên nhân sự cấp trung cho biết chính họ hoặc người quen đã từng bị cấp trên đưa ra những đề nghị liên quan đến tình dục để đổi lấy các lợi ích công việc. 

“Phần lớn các nạn nhân của quấy rối tình dục tại nơi làm việc là lao động nữ tuổi từ 18 - 30. Tuy nhiên, các yếu tố văn hóa và nỗi sợ bị mất việc khiến nhiều nạn nhân không trình báo sự việc” - một nghiên cứu do Bộ LĐ-TB&XH thực hiện với sự hỗ trợ của ILO năm 2012 cho thông tin sơ bộ. 

Trước đó một năm, nghiên cứu của Viện Nghiên cứu phát triển xã hội cùng ActionAid cho thấy 60% thanh thiếu niên từng bị quấy rối ít nhất một lần trong đời nhưng có tới 25% các em chưa kể với bất kỳ ai.

Mảnh ghép gần đây nhất là một khảo sát online do UN Women mới thực hiện, tại 3 trường đại học (với 1.809 sinh viên và 350 giảng viên) cho thấy 51,8% sinh viên và 30,2% giảng viên từng bị quấy rối tình dục và “tỉ lệ này có thể chưa phản ánh hết thực trạng vì sinh viên có xu hướng che giấu sự cố của mình” - báo cáo nói.  

Các sinh viên bị quấy rối không dám tìm sự trợ giúp vì lo sợ tiết lộ câu chuyện riêng tư của mình, đặc biệt lo sợ sẽ bị đánh giá là nguyên nhân gây nên sự việc; lo lắng bị trả thù; không biết cách liên hệ với các phòng ban hoặc cán bộ, nhân viên khác trong trường để tìm sự giúp đỡ… và không tin mình sẽ được giúp đỡ. 

Tất cả các mảnh ghép ấy đều cho thấy nổi bật tình trạng “không trình báo vụ việc” với các cơ quan có thẩm quyền hoặc “không kể với bất kỳ ai”. 

Vậy điều gì đã khiến những người phụ nữ phải im lặng?

 
 Ảnh: pinterest.co.uk

 Con đường tố cáo: đoạn trường ai có qua cầu mới hay

Trong một nghiên cứu sâu hiếm hoi về cuộc sống của những phụ nữ bị hiếp dâm ở Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Hương, Trường đại học KHXH&NV Hà Nội, đã làm rõ việc nạn nhân chịu xâm hại tình dục phải đối diện vô số sức ép từ gia đình, cộng đồng như thế nào nếu theo đuổi công lý.

Các quan niệm về tình dục và trinh tiết, phẩm giá trong xã hội Việt Nam đã vô hình trung khiến nạn nhân của quấy rối tình dục chịu mặc cảm “tội lỗi”. Ý niệm cứng nhắc về “danh dự gia đình” hiện diện rõ nét trong quan hệ gia đình, họ tộc cũng như trong mối tương tác cộng đồng thường ngày trong thời gian sau vụ việc xảy ra càng khiến các gia đình và nạn nhân phải chịu thương lượng dàn xếp thay vì đi đến cùng sự việc, tìm kiếm công lý.

Con đường mà phụ nữ tố cáo hiếp dâm trở thành một đoạn trường. Đầu tiên, nạn nhân chỉ được coi là “người bị hại” nếu được cơ quan tiến hành tố tụng thừa nhận là người tham gia tố tụng. Nghĩa là nạn nhân sẽ phải chứng minh được “bị thiệt hại” (về sức khỏe thể chất, tinh thần, tình dục) với cơ quan tiến hành tố tụng, mà bước đầu tiên được gọi là "tiếp nhận tố giác, nguồn tin về tội phạm" này thuộc chức năng của cơ quan điều tra.

Ở bước tiếp nhận tố giác, nguồn tin thường diễn ra tại trụ sở công an xã phường hoặc các trụ sở cơ quan hành chính sự nghiệp. “Thế nên sẽ rất hên xui” - PGS.TS Nguyễn Thị Thu Hương cho biết, bởi nó tùy thuộc trình độ nghiệp vụ, kinh nghiệm và nhận thức, thái độ của cán bộ tiếp nhận với người trình báo (nạn nhân, người nhà, bạn bè… của nạn nhân), nó quyết định mức độ thông tin về vụ việc có được ghi nhận chính xác, kịp thời và đầy đủ hay không.

Chính ở bước này, các vấn đề về quy định, khái niệm luật (các tình tiết định tội, yếu tố cấu thành tội phạm…) và khả năng nhận thức, áp dụng pháp luật của cán bộ tiếp nhận chi phối rất lớn đến sự tương tác giữa các cán bộ tiếp nhận và người trình báo vụ việc. Đây cũng là lúc mà các quan niệm, định kiến, những cách hiểu sai lệch kiểu “dán nhãn” về hiếp dâm, nạn nhân hiếp dâm, thái độ đổ lỗi cho nạn nhân thường thấy trong xã hội sẽ chi phối hành vi, phản ứng của cán bộ phụ trách tiếp nhận.

Với những vụ việc mà thông tin đã đăng tải/phổ biến trong dư luận xã hội, cả nạn nhân, người thân của họ, cán bộ tiếp nhận đều chịu tác động từ dư luận trong suốt quá trình này. Cùng lúc, nạn nhân sẽ phải nhanh chóng chứng minh được “bị thiệt hại”, tỉ lệ thương tật cơ thể, sang chấn tâm lý…, nghĩa là cần có giám định pháp y tại cơ sở có thẩm quyền, vì càng kéo dài thời gian càng khó tìm kiếm, phát hiện, thu giữ dấu vết, vật chứng, đặc biệt là các dấu vết trên cơ thể nạn nhân. Suốt quá trình đó, các nạn nhân hầu như không nhận được hỗ trợ tâm lý vì Việt Nam chưa có nhiều cơ sở dịch vụ hỗ trợ họ.

 Áp lực từ thang giá trị đạo đức

Như vậy, mới chỉ xem xét các giai đoạn ban đầu (chưa đi vào quy trình tố tụng hình sự), ta đã thấy xu hướng giải quyết các vụ án xâm hại tình dục hiện vẫn thiên về đặt trách nhiệm lên phía nạn nhân: sẽ phải chứng minh “bị thiệt hại”, chứng minh là “trái ý muốn” và buộc phải có đơn yêu cầu khởi tố vụ án.

Kể từ đây, người tố cáo sẽ phải chịu dằng dai giữa tiếp tục theo đuổi vụ việc trước các cơ quan pháp luật và áp lực từ cộng đồng, xã hội, các chuẩn mực văn hóa, giá trị đạo đức sẽ tác động mạnh mẽ đến tâm lý và lựa chọn theo đuổi công lý của họ.

Ở đây, ta thấy một khoảng hở của luật pháp hiện hành: Luật hình sự hiện quy định phải có đơn tố cáo của người bị hại thì mới khởi tố vụ án và điều tra, ngược lại thì thủ phạm sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu người bị hại không có yêu cầu khởi tố (trừ trường hợp nạn nhân dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất, hay đã chết). Đây chính là kẽ hở mà kẻ phạm tội có thể lợi dụng: Nếu nạn nhân vì bất kỳ một lý do, áp lực nào phải rút đơn thì vụ án sẽ bị hủy, không thể tiếp tục khởi tố.

PGS.TS Nguyễn Thị Thu Hương cho biết thực tế có nhiều vụ việc mà khi các cơ quan chức năng vẫn đang thụ lý giải quyết thì gia đình, dòng họ của nạn nhân, người xâm hại đã tạo ra một “cuộc chiến” về áp lực dư luận xã hội nhằm đạt được mục đích của từng bên. 

Trong nhiều trường hợp, ý chí và nguyện vọng thực sự của nạn nhân sẽ phải nhường cho các mối quan tâm khác, “những điều lớn hơn, quan trọng hơn của gia đình, dòng họ hay cộng đồng”. Trong cấu trúc giới, cấu trúc gia đình dòng họ truyền thống, phụ nữ thường đóng vai phụ, nhưng trinh tiết và phẩm giá của họ lại là nỗi ám ảnh bất tận và giữ vai trò quan trọng trong việc bảo toàn phẩm hạnh, danh dự của gia đình, dòng họ. Vì thế, việc phụ nữ đấu tranh, tố cáo nạn quấy rối tình dục hay hiếp dâm không phải là chuyện nạn nhân đấu tranh với thủ phạm mà là sự đấu tranh của nạn nhân trong một hệ thống các quan niệm xã hội bất lợi với họ.

Nhìn vào các nghiên cứu định lượng, với những khảo sát hiếm hoi hiện có, có thể thấy rõ là phụ nữ thiếu nơi để bám víu nếu không may xảy ra sự cố. Trong khảo sát của UN Women ở môi trường tri thức của 3 đại học trên, cả giảng viên và sinh viên đều có trình độ học vấn và có hiểu biết xã hội mà vẫn có tới 72,5% sinh viên, 61,7% giảng viên không biết đến nơi hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực là ngôi nhà bình yên hay nhà tạm lánh, 51% sinh viên không biết đến phòng tham vấn tại trường đang theo học. 

Vậy ở những môi trường khác như nhà máy, xí nghiệp, nơi phần lớn phụ nữ có trình độ thấp hơn, có điều kiện làm việc kém hơn, có tương quan quyền lực yếu hơn so với cấp trên phần lớn là nam giới, thì sẽ còn tới đâu?

Những lát cắt trên đòi hỏi phải có những khảo sát sâu rộng hơn, trong nhiều môi trường làm việc khác nhau về các hình thức bạo lực và quấy rối dễ nhận thấy tới các hình thức quấy rối phi ngôn ngữ (cử chỉ, âm thanh gợi dục tục tĩu, email/ tin nhắn, đeo bám...) để đưa ra được những định nghĩa pháp lý rõ ràng trong các văn bản luật, các bộ quy tắc chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc.

Phụ nữ không thể tự bảo vệ mình và tự lên tiếng nếu những áp lực phẩm giá và kẽ hở luật pháp vẫn còn, nếu vẫn thiếu rất nhiều cơ chế bảo vệ họ. Nhìn sâu rộng hơn, tố cáo xâm hại và quấy rối tình dục là một lát cắt điển hình cho ta thấy khả năng bảo vệ phụ nữ và mức độ văn minh, công bằng của một xã hội tới đâu. ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận