Trật tự thế giới mới của ông Trump 

DU LONG 10/10/2018 01:10 GMT+7

TTCT- Vụ đôi co mới nhất giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Đức Angela Merkel không đơn thuần thiện cảm hay ác cảm sẵn có, mà còn là giữa một trật tự thế giới mới đang hình thành nhờ vào ông Trump và trật tự cũ.

Trật tự thế giới mới của ông Trump sẽ là “Nước Mỹ trên hết”. Ảnh: Theispot.com
Trật tự thế giới mới của ông Trump sẽ là “Nước Mỹ trên hết”. Ảnh: Theispot.com

 “Nước Đức sẽ trở nên lệ thuộc hoàn toàn vào nguồn năng lượng của Nga nếu không đổi hướng... Washington sẵn sàng xuất khẩu dầu hỏa, than sạch và khí tự nhiên dồi dào, giá cả phải chăng cho các đối tác của mình” - ông Trump “lên lớp” như vậy giữa diễn đàn Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, chứ không phải nói riêng với bà Merkel hay trong một nhóm nhỏ nội bộ NATO, khiến bà này nổi cáu phản pháo, cảnh cáo rằng ông Trump đang “phá hoại Liên Hiệp Quốc!”.

Không chỉ là cảm xúc

Chuyện ông Trump nặng lời hay thiếu galăng với bà Merkel không mới. Bức ảnh “lịch sử” chụp bà Merkel “đấu mắt” với ông Trump trong sự chứng kiến của các nhà lãnh đạo khác của G7 có thể là một minh họa thường trực cho quan hệ Trump - Merkel. 

Hay những viên kẹo Starburst mà ông Trump thảy về phía bà Merkel trong Hội nghị thượng đỉnh G7 khi cuối cùng ông phải đồng ý ký tuyên bố chung do sức ép quyết liệt của bà Merkel, vừa ném vừa nói: “Đây, Angela. Đừng nói là tôi chưa bao giờ cho bà cái gì” - Daily Mail 21-6 tường thuật.

Không chỉ mỗi hôm đó ông Trump mới “sinh sự” với bà Merkel, mà từ trước đó rồi. Hôm 19-6, ông Trump còn nhắn trên Twitter: “Người dân Đức đang quay lưng với lãnh đạo của mình khi vấn đề nhập cư đang làm chao đảo liên minh vốn đã mong manh của Berlin”.

Tờ The Huffington Post (Mỹ) 21-6 đăng một bài mang tựa đề “Bên trong chiến dịch được Trump hậu thuẫn nhằm đẩy Angela Merkel ra khỏi quyền hành”, khẳng định ngay từ câu nhập đề: “Tổng thống, các đồng minh của ông và các quan chức Chính phủ Mỹ đang cung cấp các hỗ trợ công và tư cho các chính trị gia chống nhập cư hi vọng lật đổ bà Merkel vào ngày 1-7 tới”.

Bài báo quả quyết: “Các cuộc tấn công của Tổng thống Donald Trump trên Twitter chống lại Thủ tướng Đức Angela Merkel trong tuần này đã cung cấp bằng chứng rõ ràng nhất về một chiến dịch như vòi (bạch tuộc) của Mỹ nhằm làm suy yếu bà này.

Dù sự coi thường bà Merkel của ông Trump đã là điều hiển nhiên từ những ngày đầu của cuộc tranh cử tổng thống, ông và các đồng minh ý thức hệ của ông đã tăng cường nỗ lực đáng kể vào lúc nhà lãnh đạo Đức đang phải đối diện điều mà các chuyên gia coi là thách thức nghiêm trọng nhất đến nay của bà: Trước ngày 1-7 phải đề ra cho được một chính sách với người tị nạn để xoa dịu một đối tác cánh hữu quan trọng trong chính phủ liên minh của bà”.

The Huffington Post không cáo giác suông. Báo này thuật lại rằng một tháng trước câu tweet trên của ông Trump cho rằng người Đức đang chán ngấy bà Merkel, đại sứ Mỹ ở Berlin Richard Grenell đã ăn tối với một thành viên cứng rắn và nổi loạn trong đảng của bà Merkel, Bộ trưởng Y tế Jens Spahn.

Bà Spahn đang ngấp nghé “ghế” của bà Merkel. Sự mất lòng tin của người dân Đức với đại sứ Grenell tăng lên khi ông nói với Hãng tin Breitbart rằng ông muốn “trao quyền” cho các nhà hoạt động chính trị khắp châu Âu, những người không hài lòng với các nhà lãnh đạo chính trị của nước họ. 

Đến nỗi 9 thượng nghị sĩ Hoa Kỳ đã cảnh báo trong một thư gửi cho Ngoại trưởng Mike Pompeo đề ngày 12-6: “Nhiều người hiểu biết ở Đức và khắp châu Âu cảm thấy nhận xét của đại sứ Grenell là sự can thiệp vào chính trị nội bộ của nước họ”.

The Huffington Post còn nêu ra một bằng chứng khác: “Trong tháng 3-2017, Bannon, cựu chủ tịch điều hành Breitbart, đã gặp gỡ Đảng Giải pháp khác cho nước Đức (AfD) đang định ra tranh cử, muốn tập hợp quần chúng chống lại người nhập cư. Nhóm này muốn nhờ Bannon lên kế hoạch thiết lập phòng tin thời sự 24 giờ cho AfD nhằm gây ảnh hưởng nhiều hơn trên truyền hình và mạng xã hội, đồng thời cũng phản ánh thành công của Bannon tại Hoa Kỳ trong việc ấn định quan điểm lập trường”.

Bà Merkel đã thắng trong cuộc bầu cử quốc hội đầy thách thức đó, bất chấp sự hậu thuẫn của đại sứ Grenell dành cho bà Spahn và của quân sư Bannon cho AfD (ông này cũng “về vườn” do sau này bị ông Trump hết ưa).

Tại sao lại là Merkel?

The Huffington Post bình luận: “Giờ đây, bà Merkel không chỉ đối đầu với các đối thủ địa phương, mà còn với một mạng lưới những người Mỹ chống nhập cư có ảnh hưởng và các nhà hoạt động quốc tế khác được truyền cảm hứng từ ông Trump và các nhà lãnh đạo tương tự như Viktor Orban (thủ tướng Hungary) và Vladimir Putin của Nga. Họ quyết tâm trừng phạt vị thủ tướng từ năm 2015 đã đón nhận hơn 1 triệu người tị nạn tuyệt vọng tìm chỗ trú ở châu Âu, và cuối cùng muốn chứng minh rằng sự cảm thương với người nhập cư giờ đây chính là tự sát”.

Đúng là cả ông Trump lẫn các đồng sự châu Âu cực hữu của ông đều giương cao chiêu bài “dân tộc chủ nghĩa” cùng chính sách siết chặt nhập cư, đặc biệt là người Hồi giáo. Riêng ông Trump đã lưu ý đến chính sách đón người tị nạn của bà Merkel và phát biểu liên tục từ trước, khi ông còn vận động tranh cử. Đây vừa là một hoạt động nhằm tranh thủ cử tri tương lai, vừa là một “bài tập” làm chính trị “dễ ăn” nhất.

Ngày 9-12-2015, sau khi tuần báo Time chạy hình nhân vật của năm là bà Merkel, người dự định ra tranh cử tổng thống Hoa Kỳ đã đăng một mẩu tweet “nửa đùa nửa thật”: “Qua đã biểu @tạp chí Time đừng bao giờ bốc qua ra làm nhân vật của năm dù rằng qua đang là ứng cử viên sáng giá. Họ đã bốc ra kẻ đang làm suy sụp nước Đức” (theo @realDonaldTrump 8:53 PM - 9-12-2015).

Đài truyền hình Đức DW tháng 3-2017, tức hơn một tháng sau khi tổng thống tân cử Trump nhậm chức, công bố một tuyển tập “những gì Trump đã nói về bà Merkel”. Trong bài của Đài DW có câu trích: “Liệu Putin có đang can thiệp nhằm làm mất cân bằng ở chính trường EU? Có. Song vào lúc này, Trump còn tệ hơn (Putin) rất nhiều - nguyên thủ tướng Thụy Điển Carl Bildt viết trên Twitter hồi đầu tuần”. 

Cùng quan điểm, tờ The Huffington Post 21-6-2018 trích phát biểu của Gerald Knaus, thuộc Tổ chức Sáng kiến ổn định châu Âu, nói về bà Merkel và ông Emmanuel Macron - tổng thống Pháp: “Lãnh đạo của hai nước lớn nhất châu Âu không ngớt bị tấn công. Cả hai siêu cường bên ngoài châu Âu, Mỹ và Nga, đang đứng về phía những ai bao vây họ”.

Trật tự cũ và trật tự mới

Có thể thấy EU cùng một số nước công nghiệp phát triển khác đang bám vào một trật tự thế giới có thể tính là bắt đầu từ sau Thế chiến II. Cả châu Âu, chính xác là Tây Âu, lẫn châu Á đều dựa vào nước Mỹ thắng trận. Tây Âu với kế hoạch tái thiết Marshall, Nhật Bản với kế hoạch quân quản của McArthur, một số nước Đông Á khác cũng dựa vào Mỹ. 

Đến khi kinh tế phục hồi trong thập niên 1960, các nền kinh tế đó vận hành trơn tru trên nền tảng kinh tế tự do và tự do thương mại, trước khi trở thành xu hướng toàn cầu được cụ thể hóa bởi các thỏa thuận GATT, rồi WTO cùng các hiệp định liên quốc gia, thậm chí liên lục địa.

Đùng một cái, ông Trump trở thành tổng thống và hai hôm sau lễ nhậm chức, ông đã ký sắc lệnh đầu tiên rút Hoa Kỳ khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Đến ngày 1-6-2017, ông tiếp tục rút Hoa Kỳ ra khỏi Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Các cuộc chiến tranh thương mại nổ ra, từ mấy tháng qua là với Trung Quốc.

Có ý kiến cho rằng ông Trump đang thắng. Có ý kiến ngược lại. Thậm chí có ý kiến như của Yadong Liu, nguyên CEO của CEFC Global Strategic Holdings (trụ sở tại New York), cho rằng “các chính sách của ông Trump thực ra đang giúp Trung Quốc”. Có thể hồ nghi rằng Liu đang “chiến tranh tâm lý” giùm Bắc Kinh, nhưng lập luận của ông không phải hoàn toàn thiếu cơ sở.

Theo Liu, chẳng có gì là mâu thuẫn cả. Việc ông Trump rút khỏi TPP, những khó dễ của ông trong thương mại với Nhật Bản, chuyện ông đòi rút quân đội Mỹ khỏi Hàn Quốc... tất thảy đều có lợi cho Trung Quốc do lẽ càng làm thế càng đẩy nhanh sự suy giảm ảnh hưởng của Hoa Kỳ ở châu Á, càng mở cửa không gian cho Trung Quốc, thậm chí còn nhanh hơn là Trung Quốc nghĩ! Trung Quốc khó lòng hi vọng có được một chủ nhân Nhà Trắng nào khác cộng tác hơn ông Trump. 

Cứ thế, ông Trump có muốn hô rằng mình chiến thắng để khoe với cử tri cơ sở của ông thì Bắc Kinh cũng chẳng phản bác.

Có thể ngờ rằng nước Mỹ “vĩ đại trở lại” của ông Trump sẽ không còn được EU và các đồng minh cũ dựa vào nữa, từ đó mất thế lực trong khi Nga và Trung Quốc cứ thế tăng thanh thế như định luật bình thông nhau. Thoái thác vị trí và vai trò đã có, vì bất cứ lý do gì chăng nữa, cũng là tự truất phế. ■

Tại sao ông Trump lại nhắm vào bà Merkel hơn là ông Macron? Chẳng qua nước Đức đã và đang là “đầu tàu” của “đoàn tàu” EU 28 nước (nay còn 27 sau Brexit). Báo chí Pháp thường gọi “cặp Đức - Pháp”, song trong thực tế Đức mới là “chủ hầu bao” giải cứu các nước EU vỡ nợ! Thế cho nên nhắm vào nước Đức và nhắm trúng vào “hồng tâm” là bà Merkel - người đã lèo lái nước Đức và qua đó là EU suốt 13 năm qua - chính là “xì bánh” cỗ xe EU. Đối với tổng thống Mỹ thứ 45 với chính sách “nước Mỹ trên hết”, EU “xẹp bánh” thì càng tốt.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận