Trung Quốc khó khăn hồi phục kinh tế

CẢNH CHÁNH 01/05/2020 04:04 GMT+7

TTCT - Số liệu Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc công bố gần đây cho thấy do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, GDP nước này đã giảm 6,8% trong quý 1-2020, mức thấp nhất tính từ năm 1976!

Một nhà máy sản xuất khẩu trang vật liệu mới ở Nội Mông Cổ. Ảnh: sohu.com
Một nhà máy sản xuất khẩu trang vật liệu mới ở Nội Mông Cổ. Ảnh: sohu.com

Ngoài ra, quý 1-2020 còn chứng kiến doanh số bán lẻ giảm 19%, sản xuất công nghiệp giảm 8,4%. Điều đó cho thấy dù đã khôi phục sản xuất nhưng khó khăn vẫn chồng chất.

Thiếu đơn hàng

Nếu như hồi tháng 2, các doanh nghiệp Trung Quốc trong tình trạng không thể xuất hàng, khách hàng liên tục hối thúc, thì nay họ lại rơi vào tình cảnh ngược lại, khách hàng thông báo hủy và tạm hoãn đơn hàng.

Anh Trần Hoa, giám đốc một công ty thương mại ở Thượng Hải, chia sẻ với tờ Kinh Doanh Trung Quốc rằng công ty đang định tìm hiệp hội thương mại cấp giấy chứng nhận bất khả kháng để gửi khách hàng nước ngoài vì giao hàng trễ, nhưng sau đó phát hiện tình hình dịch bệnh của họ còn nghiêm trọng hơn ở Trung Quốc nên họ hoàn toàn có thể thông cảm.

Các nhà máy ở thành phố Đông Quảng, tỉnh Quảng Đông, một trung tâm công nghiệp của Trung Quốc, đã khôi phục sản xuất hai tháng qua, nhưng con đường hồi phục đầy trắc trở, khi dịch bệnh ở nhiều nước bạn hàng của Trung Quốc chưa có dấu hiệu ổn định. Đông Quảng, một trong những “nhà máy chính” của “công xưởng thế giới”, đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi mô hình kinh tế tập trung cho xuất khẩu.

Hiện 80% công ty thương mại quốc tế ở thành phố 8 triệu dân này không đủ đơn hàng để duy trì hoạt động tới hết tháng 6, và đó chính là hình ảnh thu nhỏ của ngành thương mại quốc tế Trung Quốc, theo trang tin Kinh tế thế kỷ 21.

Dương Tuyết Phong, giám đốc Công ty sản xuất mắt kính Mỹ Quang ở Đông Quảng, cho biết nếu như tháng 2, anh lo lắng về tỉ lệ công nhân quay lại làm việc thấp, khó khăn khôi phục sản xuất thì nay anh lại phải đối diện với việc dừng sản xuất vì không có đơn hàng, công ty phải giảm thời gian làm việc để tránh sa thải công nhân.

“Đơn hàng quý 1 của chúng tôi giảm 8-10%, doanh thu giảm 15%, tổn thất 5,4 triệu tệ (17,8 tỉ đồng). Hiện đơn hàng chỉ duy trì hoạt động đến tháng 6, vì sau ngày 15-3 hầu như không nhận thêm đơn hàng mới, trong khi trước đây mỗi tháng, thậm chí mỗi tuần, đều có đơn hàng mới từ nước ngoài. Sau khi hoàn thành những đơn hàng này, tình hình sản xuất 6 tháng cuối năm vẫn chưa biết thế nào”, Dương Tuyết Phong chia sẻ trên trang Kinh tế thế kỷ 21.

Cô Ngô Đình - giám đốc xuất nhập khẩu một công ty may mặc ở Đông Quảng - cho biết từ đầu năm đến nay công ty đối diện với khó khăn thiếu nhân công, thiếu nguyên liệu, chi phí kho vận tăng và giờ là đơn hàng nước ngoài bị hủy. Công ty cô đã hoàn thành hơn 4 triệu sản phẩm, nhưng do đơn hàng bị hủy chỉ nhận 30% tiền cọc.

Cô Viên Cầm - giám đốc Công ty TNHH ngành nón Vĩnh Giai, Dương Châu, Giang Tô - chia sẻ với tờ Doanh Nghiệp Trung Quốc, sau khi khôi phục sản xuất vào ngày 10-2 vẫn còn nhận được một số đơn hàng ở nước ngoài, nhưng đến khoảng ngày 10-3 khách hàng liên tục đòi hủy hoặc tạm hoãn đơn hàng vì nước họ bị phong tỏa không thể nhận hàng.

Công ty cô thành lập từ năm 1988, chuyên xuất khẩu sang thị trường EU, châu Mỹ các mặt hàng như nón, trang phục, bao tay. Gần đây, công ty đang sản xuất nón mùa xuân, vừa hoàn thành đơn hàng cho khách hàng Ý, nhưng sau đó thì nhận được thông báo tạm dừng. Ngoài ra, công ty còn đơn hàng sản xuất nón cho một câu lạc bộ bóng đá ở Tây Ban Nha, giờ bị hoãn vô thời hạn.

Theo Thời báo Chứng Khoán, ngành may mặc xuất khẩu Trung Quốc chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh. Hàng loạt các hãng thời trang bán lẻ ở các nước Âu - Mỹ đóng cửa vì dịch, trong khi Quảng Đông là đối tác của nhiều nhãn hàng thời trang lớn nhất thế giới.

Ông Ba Thự Tùng - chuyên gia kinh tế hàng đầu Hiệp hội ngân hàng Trung Quốc, viện trưởng Viện Nghiên cứu tài chính Hối Phong, Đại học Bắc Kinh - trả lời phỏng vấn trên Thời đại cuối tuần cho biết Mỹ, EU, Nhật và Anh là những đối tác thương mại chính của Trung Quốc, chiếm 40% thị trường xuất khẩu nước này.

Tình hình dịch bệnh tại các thị trường trên kéo dài sẽ gây ảnh hưởng lớn đến Trung Quốc, có khả năng khiến mức tăng trưởng kinh tế quý 2 tiếp tục ở mức thấp. Ngoài ra, việc ngừng sản xuất ở một số nước sẽ khiến nhiều ngành nghề trong nước bị vạ lây, khi chuỗi cung ứng bị đứt gãy.

Doanh nghiệp không chỉ thiếu đơn hàng mà còn gặp khó khăn khi giá nguyên vật liệu tăng. Theo anh Chu Ba, giám đốc công ty sản xuất dây cáp quang, thời gian đầu do dịch bệnh COVID-19 hoành hành, nhiều công ty cung ứng trong nước ngưng sản xuất, khiến lượng hàng nguyên liệu tồn kho tăng cao; đến khi khôi phục sản xuất, nhu cầu tăng, nhà cung ứng lại tăng giá, nên giá thành sản phẩm tăng, khiến một số đơn hàng bị hủy.

Giờ do chỉ có 50% công nhân đi làm trở lại, công ty phải nâng lương cho công nhân, thời gian giao hàng từ 1 tuần kéo dài đến 20 ngày.

Một vấn đề nữa đang làm doanh nghiệp Trung Quốc đau đầu là khó khăn về vận chuyển. Anh Trương Hòa Thắng - phó giám đốc Công ty TNHH điện tử Mại Tư Phổ, Đông Quảng - cho biết gần đây liên tục xuất hiện tình trạng tàu container chuyển cảng cập bến, lý do là quá nhiều tàu đang kẹt ở cảng do cảng thiếu nhân viên.

Khi quá giờ cập cảng, tàu buộc phải di chuyển đến cảng tiếp theo, hàng hóa cứ thế di chuyển càng lúc càng xa, không biết khi nào mới được nhận hàng. Điều anh lo hơn cả là việc phong tỏa vì dịch bệnh ở các nước khiến doanh nghiệp xuất khẩu đối mặt với tình trạng khó giao hàng, khó trả hàng, giá thành tăng, khiến khách hàng tạm dừng hoặc hủy đơn hàng.

Hiện ở Trung Quốc, dịch vụ chuyển phát nhanh cũng đang quá tải, hàng hóa ùn ứ trong kho. Bình thường chuyển phát nhanh đi nước ngoài 3 ngày là đến, giờ phải 15 ngày, chưa kể cước phí tăng cao, như cước phí gửi đi Anh từ 18 tệ/kg lên 50 tệ/kg.

Những ngành vẫn tăng trưởng và hI vọng làn sóng chi tiêu mới

Dễ hiểu là ngành vẫn tăng trưởng hàng đầu trong dịch bệnh là ngành sản xuất vật tư y tế.

Theo Chinanews, hai tháng đầu năm ở Trung Quốc đã có hơn 3.000 doanh nghiệp bổ sung ngành nghề kinh doanh là sản xuất vật tư y tế như khẩu trang, đồ bảo hộ, nước rửa tay diệt khuẩn, thiết bị đo thân nhiệt, máy trợ hô hấp...

Một công ty sản xuất nguyên liệu khẩu trang ở Quảng Đông ngày 15-4 vừa qua đã ra một thông báo chưa từng có, được cư dân mạng bình chọn là thông báo chảnh nhất. Thông báo nếu rõ: “Tất cả những chuyển khoản khi chưa ký hợp đồng với công ty đều vô hiệu lực. Khi công ty chúng tôi đã chuyển trả lại tiền mà vẫn cố chấp chuyển khoản, chúng tôi sẽ tùy tình hình khiếu nại lên Cục Giám sát thị trường hoặc báo công an giải quyết”.

Tuyên bố “đừng chuyển tiền cho chúng tôi nữa” đó là của Công ty vải sợi Hằng Đạt, Quảng Đông, chuyên kinh doanh vải không dệt, nguyên liệu chính làm khẩu trang. Đầu tháng 4, công ty tuyên bố quá tải, công suất cho tới hết tháng 5 đã hết, dừng nhận đơn hàng, trả lại tiền và hủy một số đơn hàng.

Nhiều chuyên gia Trung Quốc, dựa trên tình hình hậu dịch SASR 2003, từng dự báo sau dịch COVID-19, nước này sẽ đón làn sóng bùng nổ chi tiêu.

Cùng với sự khôi phục sản xuất, quay lại làm việc, rất nhiều người tuyên bố phải mua sắm, tiệc tùng cho thỏa thích sau 2 tháng ở nhà, muốn đi du lịch vào mùa xuân ấm áp... Một cửa hàng thịt nướng ở Sơn Đông sau khi mở cửa trở lại từng nhận được một đơn hàng là toàn bộ các món trong menu. Ban đầu tưởng có người chơi khăm nên đích thân chủ cửa hàng phải gọi điện xác nhận.

Rốt cuộc, nhân viên mất ba tiếng đồng hồ để hoàn thành đơn hàng trị giá 1.200 tệ (3,9 triệu đồng) đó. Nghe nói gia đình khách hàng 8 người vẫn chưa giải quyết xong số thịt nướng. Có khách hàng cùng lúc đặt 77 ly trà sữa. Doanh thu ngành dịch vụ ăn uống quả có tăng sau khi mở cửa trở lại, nhưng về lâu về dài thì chưa thể biết được. Còn thị trường nhà ở, xe hơi, hàng xa xỉ vẫn chưa đón nhận “bùng nổ chi tiêu”, vì dù sao đây là những khoảng chi tiêu lớn.

Nhiều người cũng than thở: nghỉ dịch một tháng, giờ nghỉ tiếp vì không có việc làm, coi như hết nửa năm ngồi chơi, trong khi các khoản vay mua xe, mua nhà vẫn phải trả đúng hạn, giờ chỉ chi tiêu dè sẻn bằng nguồn tiền dành dụm. Sau thời gian bị cách ly ở nhà, quan niệm tiêu dùng của nhiều người trẻ cũng thay đổi.

Như cô Lâm, nhân viên văn phòng, bộc bạch sau hai tháng bó gối trong nhà, mới phát hiện trước đây việc mỗi ngày một ly cà phê Starbucks, giờ không uống cũng không sao. Trước đây cứ mấy hôm lại đi ăn hàng cùng bạn bè, giờ ngày nào cũng tự nấu ăn thanh đạm, thấy rất nhiều khoản chi tiêu là không cần thiết.

Tờ Thông tin kinh tế bình luận khái niệm “bùng nổ chi tiêu” không thể xuất hiện ở tất cả các ngành nghề, quá trình khôi phục chi tiêu do ảnh hưởng của dịch cũng sẽ khác nhau. Như thị trường Bắc Kinh, dù ngành dịch vụ ăn uống có 70% khôi phục kinh doanh nhưng chỉ có 20% khách hàng đến ăn tại quán. Cho thấy khi dịch bệnh chưa hoàn toàn kết thúc, người tiêu dùng vẫn chưa đủ tự tin. ■

Ngành du lịch giải trí chưa khôi phục

Các rạp chiếu bóng Trung Quốc đã mở cửa chớp nhoáng vào đầu tháng 3, nhưng đến cuối tháng chính quyền lại yêu cầu đóng cửa cho đến khi có thông báo mới. Báo cáo kết quả kinh doanh quý 1 của Công ty điện ảnh Vạn Đạt, một trong những công ty đầu ngành ở Trung Quốc, cho thấy công ty thua lỗ 550 triệu tệ, lợi nhuận giảm hơn 200%, giá cổ phiếu giảm 18%.

Các rạp chiếu phim, vốn đã phải cạnh tranh quyết liệt với dịch vụ chiếu phim trực tuyến từ trước dịch, nay càng lao đao. Còn các điểm tham quan du lịch đã lần lượt được mở cửa nhưng không được đón quá 30% công suất. Riêng các điểm tham quan trong nhà, viện bảo tàng... vẫn chưa được mở cửa.

Ngoài ra, khảo sát của tờ Tài Kinh với doanh nghiệp vừa và nhỏ Trung Quốc (trong đó doanh nghiệp nhỏ chiếm 70%) cho thấy 13,8% doanh nghiệp có nguy cơ đóng cửa, 41,9% có doanh thu giảm 50%, 45% phải cho nhân viên tạm nghỉ và 30% sa thải người.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận