Vẫn loay hoay trong "mê hồn trận" số nhà

TTCT - Người dân TP.HCM đã trải qua bao lần phải chỉnh sửa, thay đổi số nhà. Những phiền toái, hỉ nộ nay vẫn còn dây dưa, không chỉ ở cảnh loanh quanh tìm nhà có khi cạn cả bình xăng chưa ra.

Sắp tới, một dự thảo về điều chỉnh số nhà khác (Sở Xây dựng TP.HCM đang hoàn chỉnh) sẽ được trình UBND TP để áp dụng...

Phóng to
Một cổng có bốn số nhà khác nhau trên đường Cửu Long (quận Tân Bình, TP.HCM) - Ảnh: Thuận Thắng

Chưa rõ nền tảng của kế hoạch thay đổi số nhà này là gì, nhưng ngay lập tức dấy lên nhiều lo ngại việc điều chỉnh số nhà đại trà sẽ gây xáo trộn các sinh hoạt, giao dịch của người dân, khi phần lớn các giấy tờ liên quan hiện nay mang số cũ.

10 căn nhà cùng mang số 16!

Đường Cửu Long (đoạn từ Trường Sơn đến ngã ba Yên Thế, Q.Tân Bình) dài khoảng 200m với vài trăm căn nhà. Trước đây số nhà ở tuyến đường này khá lộn xộn, nhưng gần đây đã được thay bằng số mới dễ tìm hơn. Nhưng chỉ có dãy bên trái được thay bằng số mới hoàn toàn, dãy bên phải vẫn số cũ, số mới lẫn lộn. Đầu đường là số 2, 4, 6, rồi 6A3, 6A, 6B, 8, 16, 18, 10, 10A, 14, 24, 24A, 12A, 12B, 32...

Đoạn còn lại kéo dài đến đường Yên Thế cũng tương tự, thậm chí có nhà mặt tiền nhưng lại đeo bảng số xuyệc (gạch chéo*). Ngoài một vài bảng số nhà có ghi cả số cũ và số mới, phần lớn các nhà chỉ ghi số cũ hoặc chỉ ghi số mới khiến cho người tìm số nhà hoa cả mắt.

Đường Cách Mạng Tháng Tám, đoạn thuộc quận 1, quận 3 cũng “rối tung rối mù” với những người muốn tìm số nhà. Nằm ngay góc đường Cách Mạng Tháng Tám - Nguyễn Thị Minh Khai có mười căn nhà nhưng tất cả cùng mang số 16. Đối diện khu nhà trên, đoạn từ ngã sáu Phù Đổng đến ngã tư Nguyễn Thị Minh Khai có đến... tám nhà mang số 89.

Cũng trên đường Cách Mạng Tháng Tám, đoạn từ ngã tư Nguyễn Thị Minh Khai chạy về hướng Điện Biên Phủ (bên trái đường), thuộc phường 4, quận 3 là một dãy số được đánh “lộn tùng phèo”, khiến người tìm không biết mình đang đi ngược hay đi xuôi, cũng không thể hình dung được số nhà nào cũ, số nào mới.

Trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (Q.Bình Thạnh), chúng tôi toát mồ hôi hột khi đi tìm số nhà 726A. Đó thật sự là một “mê hồn trận” với việc cạnh nhà số 700 là nhà số... 564, lần theo một đoạn đến nhà số 714 thì tắc tị vì bên cạnh đó là nhà số... 576A. Loanh quanh mãi cuối cùng người viết cũng tìm ra... hai căn nhà treo số 726A Xô Viết Nghệ Tĩnh. Hỏi Phòng quản lý đô thị Q.Bình Thạnh, cán bộ phòng giải thích cách để phân biệt hai căn nhà này là gọi bằng “726A bên phải” và “726A bên trái” (!?).

Khu cũ: Ê mình tìm nhà theo số

“Ở quận Bình Thạnh mà đi tìm số nhà thì ê mình” - tài xế xe ôm Võ Ngọc Vân, đậu xe ở ngã tư Nguyễn Xí - quốc lộ 13, than thở. Ông chỉ ba căn nhà nằm liên tiếp nhau phía bên phải quốc lộ 13: nhà số 9 nằm cạnh nhà số 16 rồi tiếp đến nhà số 553A4 ngay mặt tiền đường và lý giải: số nhà có chữ A là số từ lâu, sau một đợt đổi số nhà, nhà phía bên phải đường được mang số lẻ, nhà bên trái mang số chẵn, nhà mang số 9 là số nhà còn từ đợt này. Lần đổi số gần đây nhất, Nhà nước làm ngược lại: nhà bên trái đường mang số lẻ, nhà bên phải mang số chẵn, nhà mang số 16 là mới nhất.

Theo lời các chủ nhà thì UBND quận đã cấp số mới cho tất cả những căn nhà ở đây, chủ nhà cũng đã phải đổi địa chỉ trong các loại giấy tờ có liên quan. Tuy nhiên, do địa chỉ cửa hàng đã có từ lâu, khách hàng đã quen nên họ vẫn giữ lại số nhà cũ. Còn số mới chỉ có... chính quyền biết và để trong giấy tờ cũng chỉ để làm việc với Nhà nước. Đây cũng là lý do mà nhiều căn nhà ở các tuyến đường khác thuộc quận 3, Tân Bình... dù đã được cấp số nhà mới nhưng vẫn ngại treo.

Trên một đoạn đường Quang Trung (Q.Gò Vấp), số nhà tăng lên, giảm xuống không theo thứ tự nào: nhà số 393 và số 399 liền kề nhau, nhà số 353 đứng liền với nhà số 237 rồi đến nhà số 351... Rồi hàng loạt nhà mặt tiền có “số hẻm” như Trường THCS Quang Trung mang số 73B/563 đường Quang Trung, hoặc một dãy số nhà như 35/5, 35/7, 35/9... Cạnh đó, số nhà trên đường Nguyễn Oanh cũng rối không kém. Nhà số 6 nằm liền kề với nhà số 12-14, nhà số 3 Nguyễn Oanh nằm cách đầu đường Nguyễn Oanh gần 500m, cạnh số nhà 31...

Từ cuối năm 2006 đến nay, ở các quận, huyện ngoại thành như quận 12, Gò Vấp, Thủ Đức... nhiều khu dân cư mới mọc lên nhưng chính quyền chưa kịp hoặc không cấp số nhà vì cho rằng khu vực xây dựng tự phát, nhà không đủ điều kiện cấp chủ quyền. Nhưng do nhu cầu điện, nước, đi lại, giao dịch dân sự, ở nhiều khu dân cư, người dân tự đánh số nhà, một số nơi lại do... cơ quan điện lực đặt số để dễ quản lý đồng hồ điện, có nơi lại là cảnh sát khu vực cho số nhà để tiện quản lý trật tự.

Ở một số khu dân cư, khu quy hoạch treo, trưởng khu phố cũng tham gia đánh số nhà cho dân trong khu phố của mình để tiện bề quản lý.

Đó là chưa kể mỗi nơi đánh số nhà theo mỗi kiểu khác nhau: có nơi dùng chữ A, B, C kèm theo số nhà, có nơi thích dùng chữ “ter”, có nơi lại thích dùng chữ “bis”, “kép” để kèm theo số... và không hề theo một quy tắc nào.

Khu mới: Đánh số như... ở làng

Những tưởng sang các khu đô thị mới hiện đại, tình hình sẽ “văn minh, dễ hiểu” hơn, nhưng ở đây hóa ra lộn xộn không kém. Nếu như ở nông thôn, về các làng, người ta thường lấy quán nước, cây đa làm điểm mốc để chỉ đường cho khách đến nhà thì người dân trong các khu dân cư mới ở phường 13 (quận Bình Thạnh) nay cũng phải chỉ đường cho khách bằng những dấu mốc như chùa Diệu Pháp, quán cà phê Phố Mới, công viên, quán nhậu....

“Vô Đường Trục, chạy đến quán nhậu Tư Râu, rẽ phải đi tới công viên Kim Sơn, nhà tôi quay mặt ra công viên” - bà Lê Thị Ánh Nguyệt chỉ dẫn cách đến nhà mình trong khu tái định cư của Công ty Kim Sơn (phường 13, quận Bình Thạnh) với số được cấp là 118/6 Đường Trục. Nếu tìm căn nhà này theo cách bình thường (vô hẻm 118 của Đường Trục rồi đến nhà số 6) thì sẽ... vô phương, bởi chưa có một căn nhà nào trong khu dân cư này quay mặt ra hẻm 118.

Tại khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng (quận 7), trước đây số nhà đánh theo khu như S40-1 Hưng Vượng 2, SA9-1 Mỹ Khánh, R4-39 Mỹ Toàn 2..., người từ nơi khác tới đây muốn tìm địa chỉ phải hỏi thăm khu đó rồi từ từ lần ra địa chỉ. Để tìm một số nhà có khi phải hỏi qua dăm ba người nữa. Gần đây Q.7 đã thay đổi số nhà bằng cách đánh số theo tuyến đường, nhưng thực tế vẫn còn nhiều nhà mang bảng số cũ, chưa đổi số mới khiến việc tìm số nhà tại đây chẳng khác tìm lối ra trong mê cung.

Còn tại nhiều khu đô thị mới thuộc quận 2, số nhà vẫn mang tên lô đất theo cách chia của chủ đầu tư dự án trước đây. Chẳng hạn số nhà tại khu dân cư 17,3ha, thuộc P.An Phú có địa chỉ mang số 311K10, 311-L8, 311-M2 Lương Định Của, K22 khu dân cư 17,3ha...

Nghiên cứu của một công ty tin học cho thấy qua khảo sát trên 1.000 người dân tại TP.HCM, trung bình mỗi tháng họ gặp khó khăn 3,9 lần trong việc tìm địa chỉ. Lãnh đạo công ty trên cho rằng ngoài việc mất thời gian khi tìm số nhà, người dân còn phải tốn tiền điện thoại (hỏi số nhà), chi phí (xe chạy lòng vòng tốn xăng)... Còn với doanh nghiệp chở hàng thì thiệt hại sẽ lớn hơn. Khi kinh tế phát triển, nhu cầu đi lại, giao dịch càng nhiều thì thiệt hại do tìm số nhà càng lớn.

__________

* Xuyệc: phiên âm từ chữ sur (tiếng Pháp) nghĩ là trên.

Sẽ điều chỉnh số nhà ra sao?

Từ thời Pháp, số nhà trên các đường phố Sài Gòn được đánh theo hướng từ bắc xuống nam, từ đông sang tây, lấy sông Sài Gòn, kênh Tàu Hủ, Bến Nghé làm chuẩn và đánh theo dãy số tự nhiên liên tục, bên trái đường mang số lẻ, bên phải mang số chẵn.

Năm 1998, UBND TP.HCM ban hành quyết định 1958 về cấp số nhà và chỉnh sửa số nhà trên địa bàn TP và áp dụng cho đến năm 2006. Theo đó, vẫn giữ nguyên cách đánh số như thời Pháp, nhưng bỏ các chữ bis, ter... sau các số nhà. Riêng các khu phát triển mới như quận 2, 7, 9, Thủ Đức, huyện Nhà Bè... số nhà được đánh theo hướng nam - bắc, tây - đông.

Năm 2006, Bộ Xây dựng ban hành quyết định 05 về đánh và gắn biển số nhà. Quy định này có một số điểm khác so với quyết định 1958 của UBND TP về hướng đánh số nhà đã áp dụng trước đó. Sau đó, Sở Xây dựng TP trình UBND TP hướng điều chỉnh số nhà trên địa bàn TP. Sau nhiều lần góp ý, UBND TP đã yêu cầu áp dụng thí điểm ở một số địa bàn để nghiệm thu và đánh giá kết quả trước khi ban hành để triển khai đại trà trên toàn TP.

Sau khi thí điểm và thu hoạch kết quả vào năm 2010, cuối năm 2011, Sở Xây dựng tiếp tục trình UBND TP dự thảo về đánh và gắn biển số nhà trên địa bàn TP.

Theo dự thảo quy chế điều chỉnh và gắn biển số nhà, việc điều chỉnh số nhà ở khu dân cư cũ tùy thuộc vào từng khu vực.

Cả TP chia làm ba nhóm:

- Nhóm các quận, huyện: 1, 3, 4, 5, 6, 10, 11, 12, Phú Nhuận, Bình Thạnh, Tân Phú, Tân Bình, Gò Vấp, Hóc Môn, một phần Bình Tân, Bình Chánh, Củ Chi đánh số nhà tăng dần (bên trái mang số lẻ, bên phải mang số chẵn) theo hướng đông - tây, nam - bắc và lấy kênh Đôi, kênh Tẻ làm chuẩn.

- Nhóm khu đô thị bên trái sông Sài Gòn gồm quận 2, 9, Thủ Đức, đánh số nhà theo hướng tây - đông, nam - bắc và sông Sài Gòn, một phần sông Đồng Nai làm chuẩn.

- Nhóm khu đô thị hướng về phía Nhà Bè: quận 7, 8, một phần Bình Tân, một phần các huyện Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ, đánh số nhà theo hướng đông - tây, bắc - nam. Trong đó quận 8 lấy gốc chuẩn là sông Sài Gòn và kênh Tẻ, kênh Tàu Hủ, Rạch Nhảy. Các quận huyện: 7, Bình Tân, Nhà Bè, Cần Giờ, Bình Chánh lấy gốc chuẩn là sông Sài Gòn và kênh Đôi, kênh Tẻ.

Những khu dân cư mới thì đánh số nhà theo quyết định 05 năm 2006 của Bộ Xây dựng theo hướng bắc - nam, đông - tây, đông bắc - tây nam, đông nam - tây bắc.

__________

“Quyết định của Bộ Xây dựng và dự thảo về đánh số nhà của Sở Xây dựng TP.HCM mới chỉ chú ý về kỹ thuật chứ không xác định được nguyên tắc căn bản: đánh số nhà xuất phát từ cái gì, để làm gì” - ông Nguyễn An Bình, nguyên phó giám đốc Sở Nhà đất TP.HCM, từng là chủ nhiệm đề án về điều chỉnh, đánh số nhà trên địa bàn TP.HCM, trao đổi với TTCT.

Phóng to
“Mật mã số nhà” ở khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng, quận 7, TP.HCM? - Ảnh: Lan Vi

Ông Bình cho biết:

Một thời gian dài trước đây chính quyền xem việc cấp số nhà gắn liền với cấp chủ quyền nhà, tức là có sở hữu mới đánh số nhà. Ai xin chủ quyền trước hoặc xây nhà trước thì cho số trước, ai xin chủ quyền sau, xây sau cho số sau. Rồi còn tình trạng ai cũng muốn có số đẹp như số 7, số 9, không ai muốn mang số 1, 13... Vì vậy nên có chuyện nhà ở ngay đầu đường mà muốn mang số đẹp thì xin lấy số 9 đường nội bộ số 1, nhà nằm ở vị trí mang số 13 thì xin xỏ để được đổi sang số khác...

* Điều gì phải lưu ý đầu tiên khi chỉnh sửa số nhà, thưa ông?

- Trước tiên, các cơ quan nhà nước phải xác định là đánh số nhà nhằm mục đích gì, có phải xác định quyền sở hữu hay không. Như vậy, nhà đã có sở hữu mới được đánh số nhà hay chưa có cũng được đánh số. Quyết định của Bộ Xây dựng và dự thảo về đánh số nhà của Sở Xây dựng trình UBND TP chỉ chú ý về kỹ thuật chứ không xác định được nguyên tắc căn bản: đánh số nhà xuất phát từ cái gì, để làm gì.

* Việc đánh số nhà có đồng nghĩa với công nhận chủ quyền nhà hay không?

- Theo tôi, công nhận số nhà và cấp chủ quyền là hai việc hoàn toàn khác nhau. Nhà nào cũng phải đánh số để quản lý. Nhà xây lên là có số, kèm theo bản đồ giải thửa đất, không cần nhà có chủ quyền. Đánh số nhà để quản lý, tức ghi nhận rõ trên bằng khoán điền thổ số mấy, có căn nhà bao nhiêu tầng, mang số mấy...

Đối với những khu dân cư mới, phải cho số từ khi hình thành thửa đất. Phải xác định số trước khi cấp phép, còn nhà, đất của ai khoan nói đã. Nếu như trên một tuyến đường mới quy hoạch có 10 lô đất thì đánh số nhà trước từ 1 đến 9. Khi người dân đến xây nhà đã có số sẵn. Ai nhập 3 lô phải lấy số 1-3-5... thì không thể trật được.

Lúc đó, chúng tôi nghiên cứu và đề xuất kế thừa cách đánh số nhà thời Pháp, lấy sông Sài Gòn, kênh Tàu Hủ, Bến Nghé làm gốc. Hướng đánh số nhà của người Pháp là từ đông sang tây, từ bắc xuống nam, vô tình sông Sài Gòn và các kênh trên nằm theo hướng đó. Thời đó, phía bên này sông phát triển, bên kia sông (quận 2, quận 7...) chưa phát triển. Nhóm nghiên cứu chúng tôi phát triển thêm cách đánh số của nhà tập thể, chung cư, nhà chèn giữa hai nhà...

* Nếu như sông Sài Gòn có hướng khác (không trùng hướng bắc - nam) thì có thể lấy sông Sài Gòn làm gốc để đánh số nhà được không?

- Đặc điểm của TP.HCM là phát triển dọc sông Sài Gòn. Nếu không muốn tiếp tục cách đánh số nhà của người Pháp để lại thì TP có thể áp dụng cách đánh số nhà khác. Tuy nhiên, nếu như chúng ta áp dụng cách đánh số khác sẽ phải chỉnh sửa số nhà rất nhiều. Vì vậy chúng tôi đề xuất chỉnh sửa lại số nhà dựa theo hướng căn bản mà TP đang có để giữ sự ổn định.

Đánh số nhà hoàn toàn chỉ là vấn đề kỹ thuật mà mỗi địa phương có thể chọn một cách phù hợp với đặc điểm địa lý, vùng miền, không cần thống nhất trong cả nước. Nhưng mỗi địa phương chỉ đánh theo một nguyên tắc nhất định và người dân ở địa phương đó cần phải dễ dàng nhận biết cách ghi trên bảng tên đường.

Chỉ phải thống nhất toàn quốc về nguyên tắc chung như cách nhập số, tách số, chèn số, đánh số nhà trong hẻm ra sao... Ví dụ như nhà số 7 và số 5 nhập lại thành một nhà phải lấy số nhà là 5-7, một nhà tách ra làm hai thì nhà mới có số 5A hay số nào...

* Ngoài cách đánh số nhà như hiện nay (bên trái số lẻ, bên phải số chẵn, đánh số từ nhỏ đến lớn...) còn cách đánh số nhà nào khác?

- Thời điểm chúng tôi nghiên cứu (trước năm 1990), có đơn vị đưa ra cách đánh số theo khoảng cách của căn nhà. Cụ thể: lấy vị trí đầu đường làm cột mốc số 0, căn nhà thứ nhất nằm cách đầu đường 5m sẽ đánh số 5. Nhà thứ 2 chiếm mặt tiền 10m (từ mét thứ 6 đến mét thứ 15) thì nhà đó sẽ được mang số 15. Một thành phố mới thì đánh vậy được. Nhưng nếu áp dụng cho TP.HCM sẽ làm đảo lộn số nhà quá nhiều nên chúng tôi cũng không đề xuất áp dụng.

Theo tôi, nếu TP muốn điều chỉnh số nhà phải bắt đầu ở các quận huyện ngoại thành trước. Những quận nội thành tương đối ổn định thì giữ nguyên. Cơ quan chức năng phải xây dựng tiến độ và kế hoạch chỉnh sửa để tránh lộn xộn.

Tốn bộn tiền

Do việc thay đổi số nhà, tên đường nên tình trạng cùng lúc có hai loại giấy tờ: một vẫn mang địa chỉ cũ, một mang địa chỉ mới... khá phổ biến, gây không ít khó khăn cho người dân trong các giao dịch. Sở Xây dựng TP.HCM cho biết trong trường hợp trên, người dân phải mang các giấy tờ liên quan đến cơ quan chức năng để xác nhận hai địa chỉ trên cùng một căn nhà.

Tuy nhiên, thực tế không diễn ra đơn giản như vậy. Một người dân ở P.Bình Trị Đông, Q.Bình Tân, TP.HCM cho biết nhà anh trước đây ở đường Bình Trị Đông nên mang địa chỉ tên đường này. Vừa qua Q.Bình Tân đổi tên đường Bình Trị Đông thành đường Đất Mới và địa chỉ nhà anh đã đổi sang số khác, hiện anh không còn giữ thông báo đổi số nhà.

Gần đây khi đăng ký giấy tờ xe gắn máy, cơ quan chức năng yêu cầu anh phải chứng minh hai số nhà trên giấy tờ liên quan là cùng một căn nhà. Anh đến công an khu vực nhờ xác nhận nhưng bị từ chối với lý do công việc này không thuộc thẩm quyền của công an khu vực và yêu cầu anh phải tới phòng quản lý đô thị quận để xác nhận.

Khảo sát tại các điểm làm dịch vụ quảng cáo, tùy theo chất liệu làm biển số nhà và kích cỡ, giá dao động từ 70.000-900.000 đồng/biển số. Với việc đánh, chỉnh sửa số nhà theo quy định mới, ước toàn TP có đến hàng trăm ngàn căn nhà phải đổi số. Như vậy, chỉ riêng việc làm biển số, người dân đã phải chi ra hàng tỉ đồng, chưa tính các chi phí liên quan khác để chỉnh sửa giấy tờ.

Điều chỉnh những khu vực số nhà lộn xộn

Chủ trương điều chỉnh số nhà theo tờ trình lần này của Sở Xây dựng là tôn trọng sự ổn định trật tự số nhà hiện tại. Vì vậy, dự thảo quy định về đánh số nhà lần này gần như không có sự khác biệt lớn về nguyên tắc, hướng đánh số nhà so với quy định cũ.

Nếu thực hiện điều chỉnh số nhà theo quy định mới (sau khi UBND TP ban hành), các quận huyện chỉ điều chỉnh những khu vực có số nhà lộn xộn chứ không phải thay đổi nhiều. Đối với những khu dân cư mới, việc đánh số nhà sẽ theo quy định của quyết định 05 của Bộ Xây dựng.

Cơ quan chức năng sẽ chứng nhận số nhà theo hai trường hợp. Trường hợp triển khai đại trà, UBND quận rà soát những khu vực cần điều chỉnh và tổ chức đánh số nhà một lần cho cả khu vực. UBND quận cấp giấy chứng nhận số nhà và UBND phường sẽ chịu trách nhiệm làm bảng số nhà với mẫu mã thống nhất cho dân.

Trường hợp thứ hai: cấp theo nhu cầu của người dân, ai có nhà mới chưa có số thì đề nghị cơ quan chức năng đánh số nhà. Dự thảo mới cũng quy định những nhà xây dựng không phép trong khu vực cấm xây dựng thì không được cấp biển số nhà.

__________

Tất cả các phương thức đánh số nhà tựu trung là để có thể dễ dàng tìm được số nhà đó. Vì vậy, đây cũng phải là câu hỏi cần đặt ra cho mọi kế hoạch “sửa đổi” số nhà hay “cấp” số nhà. Trên một bình diện khác, dường như chính động từ “cấp” số nhà đã làm mục đích đó dễ bị quên đi, càng làm việc đánh số nhà lung tung hơn.

Phóng to
Nhiều nhà cùng có số 89 trên đường Cách Mạng Tháng Tám, Q.1, TP.HCM - Ảnh: Thuận Thắng

Thật vậy, hiện trạng “mê hồn trận” số nhà như hiện tại đang chứng kiến ở một số quận TP.HCM cho thấy mục đích này đã không được quán triệt đầy đủ cho những người có trách nhiệm “cấp” số nhà. Và thực tế cũng cho thấy những người làm công việc cấp số nhà ở khâu trực tiếp nhất tại các quận huyện đã không có chung một nhận thức về phương pháp đánh số nhà. Hậu quả là có những con đường mà kiếm được số nhà là... vô phương, như đã, đang và sẽ còn phải chứng kiến.

Phương pháp đó vắn tắt mà nói rất thông dụng trong cách đánh số nhà ở châu Âu và Pháp mà Việt Nam đang “thừa kế”. Trong phương pháp đánh số nhà đó, việc đánh số nhà nhảy mỗi hai số, tính từ đầu đường. Số chẵn bên phải đường, số lẻ phía bên kia đường. Then chốt của phương pháp này ở chỗ xác định điểm bắt đầu như thế nào: thứ tự số nhà nhằm xác định đâu là đầu đường.

Đó có thể là một điểm như là khu trung tâm thành phố hay một quảng trường, một bùng binh (vòng xoay theo cách gọi bây giờ) hoặc một trục như một con sông, con kênh lớn. Người ta bắt đầu đánh số từ phía đầu đường sát con sông, sát bùng binh. Xung quanh các bùng binh như Ngã sáu Sài Gòn, số nhà đánh theo chiều kim đồng hồ. Các đường dọc theo bờ sông (Bến...) đánh số theo từng bên sông, nhảy mỗi lần một số.

Nếu có phân nhánh thành những ngõ hẻm thì biến dạng thành “phân số” với một cái xuyệc (/), cũng theo thứ tự tính từ điểm bắt đầu chỗ phân nhánh. Việc trưng bảng số nhà phải theo một quy định chung chặt chẽ, bảng số nhà cùng một kiểu để... (xin nhắc lại) người khác dễ tìm ra được số nhà muốn kiếm.

Phương pháp này đặc biệt thích hợp cho những khu nhà phố vốn nhỏ bề ngang (đặc trưng của nhà ở đô thị Việt Nam) nên có lẽ chưa cần thiết phải thay thế bằng các phương pháp đánh số nhà khác, như phương pháp đánh số định vị theo khoảng cách, tiêu biểu trong thành phố được “kẻ ô vuông” bởi những con đường thẳng tắp, điều không thể thấy ở các thành phố hiện tại ở Việt Nam.

Cuối cùng, “đánh số nhà” thay vì “cấp số nhà” chính là điều mà những người trực tiếp làm công việc này cần tâm niệm. Không rõ việc cấp số nhà này trong tay cơ quan nào, song nếu vẫn quan niệm cấp số nhà như một quyền lực, viên chức đó vẫn có thể sa đà vào sự tùy tiện.

Cấp số nhà như một công nhận chủ quyền hay tính hợp pháp của căn nhà đó hay không là một công việc khác hẳn, có mục đích khác hẳn. Viên chức ở khâu cuối, dò bản đồ, tính hướng rồi đánh số... không thể quan niệm đang cấp số nhà như một thứ quyền lực, mà là đang “đánh số nhà” như một công việc địa bạ.

Công việc dò bản đồ nay càng dễ dàng nhờ Google Maps kết hợp các bản đồ lẫn ảnh vệ tinh. Đây là một công cụ mà những người “đánh số nhà” trong thế kỷ trước nằm mơ cũng không thấy.

Ghi số nhà trên bảng tên đường

Theo ông Nguyễn An Bình, TP nên chú ý vị trí cắm bảng tên đường, ghi số nhà trên bảng tên đường để thuận tiện cho người dân khi tìm kiếm số nhà. Điều quan trọng là dưới các bảng tên đường phải có số nhà của mỗi ô phố. Ví dụ bảng tên đường Nguyễn Đình Chiểu cắm ở đầu đường thì phải ghi rõ các số nhà trong ô phố từ đầu đường đến ngã tư đầu tiên: bên phải từ nhà số 2 đến số 24, bên trái từ nhà số 1 đến số 27.

Như vậy, những người lần đầu đến đây cũng biết nhà mình cần tìm nằm ở đoạn nào, từ đường khác rẽ vào đường Nguyễn Đình Chiểu thì biết phải đi hướng nào để tìm nhà.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận