Về dự tính thu phí người nuôi bệnh

DANH ĐỨC 26/04/2021 05:00 GMT+7

TTCT - Với tất cả sự tôn trọng, một người đọc có hiểu biết và lương tri sẽ phải suy ngẫm ý tưởng “thu phí người nuôi bệnh là hợp lý” của một thứ trưởng y tế để xem chuyện đó có thực sự “hợp lý” không, trong những điều kiện, bối cảnh nào; nếu không thì vì sao, chớ không có chỗ cho những “la hét” cảm tính.

Đơn giản là vì quản trị nhà nước không bao giờ dựa trên cảm tính, dù từ phía nhà cầm quyền hay những phản hồi của dân chúng, mà là tiên liệu.

Đã mấy mươi năm, hệ thống y tế quốc gia vẫn là “nhà nước quan phòng chăm sóc” (l’Etat-Providence) cả ở hai miền, rồi tới tận thập niên 1990 sau ngày thống nhất, dù kinh phí hạn hẹp, chưa từng đặt ra vấn đề thu phí người bệnh, chớ đừng nói người nuôi bệnh.

 
 11 năm cô Mai đều ngủ dưới gầm giường bệnh để tiện lo cho con. Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Giờ đã đổi hệ, thu phí người bệnh là đương nhiên, nhưng sắp tới có thể là cả người nuôi bệnh nữa rồi cũng sẽ phải đóng phí. Những lý do được nêu ra nghe cũng hợp lý, “góp phần quản lý an ninh trật tự, hạn chế thân nhân lưu trú ở bệnh viện, giúp bệnh nhân nghỉ ngơi yên tĩnh hơn…, đối tượng không tốt trà trộn, giả danh thân nhân người bệnh gây mất an ninh…”. 

Cũng có ý kiến huỵch toẹt hơn: “Do giá viện phí chưa được tính đúng, tính đủ nên bệnh viện gặp không ít khó khăn… Đơn giá viện phí không hề liệt kê các khoản phí đi thang máy, vệ sinh, sử dụng điện, nước… của người nuôi bệnh”. Thiết nghĩ đây cũng cơ bản là vấn đề quản trị và quản lý, mà đúng như vị giám đốc bệnh viện đó nói: “Cần đưa việc tính phí này vào lộ trình tự chủ tài chính” (báo Pháp Luật 11-4-2021).

Đúng là chi phí bệnh viện cho tới nay chưa tính đúng, tính đủ các khoản thêm này. Có thể hiểu căn nguyên của nhu cầu thu phí là phương thức thanh toán theo khoán quỹ định suất (khám ngoại trú) và theo nhóm chẩn đoán liên quan (cho điều trị nội trú) theo quyết định số 2747/QĐ-BYT của Bộ Y tế đang được triển khai. Theo đó, quỹ bảo hiểm y tế của từng địa phương được phân bổ theo năm và giao khoán cho từng cơ sở y tế, chi phí khám chữa bệnh nội trú được khoán theo từng nhóm bệnh và tình trạng bệnh, từ đó quy định mức phí chi trả theo ca bệnh điều trị nội trú.

Không rõ các chi phí vận hành bệnh viện, từ bảo vệ, điện, nước, thang máy… nằm ở đâu, chiếm bao nhiêu trong các khoản khoán đó, mà nay đặt ra câu chuyện thu phí người nuôi bệnh - như lời một vài giám đốc bệnh viện tả khổ ở trên?

Song vì đó mà dẫn tới thu phí mọi người nuôi bệnh, e rằng “loạn giá”. Hơn chục năm trước, người viết lần đầu nghe một chuyên viên Bộ GD&ĐT thuyết về các chính sách của một nền giáo dục “chuẩn kinh tế thị trường” ở Việt Nam, đã thấy ái ngại trước một tương lai đóng đủ và đúng học phí. Nay điều này đang là thực tế.

Giờ thì tới lượt đóng đủ và đúng mọi chi phí bệnh viện cũng trong chiều hướng kinh tế thị trường đó. Các tin tức công bố đều nêu gương Thái Lan thành công, mà nước này noi gương Mỹ, và cả hai đều không phải “nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Đổi mới, mở cửa, đón nhận kinh tế thị trường đã 35 năm, có lẽ cũng đã tới lúc nhín chút thì giờ ngẫm nghĩ về cái vế “định hướng xã hội chủ nghĩa” trong cao trào tính đúng, tính đủ này. Gì thì gì, “giấy rách phải giữ lấy lề”. Ở loại cơ sở y tế nào vẫn nên duy trì bao cấp chi phí vận hành tối thiểu, cho người bệnh ở nhóm thu nhập ra sao, địa bàn nào… (vấn đề quản lý chính sách), đồng thời hạn chế số người nuôi bệnh sao cho hợp lý (vấn đề quản trị y tế), là điều nhà nước phải tính, chứ không thể hô một câu “người nuôi bệnh đóng phí” rồi trăm dâu đổ đầu tằm được.

Đây là một thực tế chạm tới cuộc sống thực của hàng triệu người, nhiều người có hoàn cảnh khó khăn, chưa nói tới nghèo túng, phải vay nợ. Nên nhớ, ngay cả trường hợp cứu chữa hàng mấy chục tỉ cho bệnh nhân rối loạn đông máu di truyền đang được quảng bá cho bảo hiểm y tế cả tháng nay cũng đã phơi ra tấm gương người mẹ trải chiếu gần gầm giường chăm con suốt 11 năm!■

Sự phân hóa giàu nghèo đã và đang diễn ra trên nhiều lĩnh vực, đâu cần thêm sự phân hóa vì tấm chiếu trải giữa hai giường bệnh nữa! Và nếu đã nói chuyện tăng thu phí cũng nên bàn chuyện giảm chi những vô ích.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận