Vì sao Litva chọc giận Trung Quốc?

TƯỜNG ANH 24/08/2021 17:00 GMT+7

TTCT - Điều gì khiến đất nước Litva nhỏ bé chưa tới 3 triệu dân, một thành viên Baltic của EU “dám” công khai đối chọi với Trung Quốc, người khổng lồ 1,3 tỉ dân đồng thời là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới?

Cuộc tỉ thí mà báo Pháp Les Echos ví như “cuộc chiến giữa chàng tí hon David vùng Baltic với gã khổng lồ Goliah châu Á” đã gây nhiều ngạc nhiên trên trường quốc tế mấy ngày qua.

Diễn biến mới nhất trong căng thẳng ngoại giao Litva - Trung Quốc là việc Bắc Kinh rút đại sứ khỏi Vilnius ngày 10-8 để phản đối việc mở “Văn phòng đại diện Đài Loan” ở Litva, đồng thời yêu cầu Vilnius cũng hành động tương tự. 

Biểu tình chống Trung Quốc và phản biểu tình đã nổ ra ở Litva. Ảnh: LRT

 

Đây trước hết là một vấn đề ngôn ngữ: “Văn phòng đại diện Đài Loan”, thay vì “Văn phòng đại diện Đài Bắc”, cái tên từ lâu đã hiện diện ở hơn 60 nước, lãnh thổ thế giới và là một phương án được Bắc Kinh chấp nhận. 

Việc Vilnius gọi thẳng tên lãnh thổ “Đài Loan” bị coi là không đúng với nguyên tắc “một Trung Quốc” mà lâu nay Bắc Kinh rất quyết liệt bảo vệ.

Diễn biến không bất ngờ

Diễn biến mới này không bất ngờ. Việc Đài Bắc chuẩn bị mở “Văn phòng đại diện Đài Loan” tại Litva đã được báo chí Đài Loan thông báo từ tháng 7. 

Taiwan Today đưa tin này hôm 21-7 và nhận định: “Litva luôn kiên trì theo đuổi các giá trị phổ quát như dân chủ, tự do và nhân quyền, là đối tác thân thiện có quan điểm tương đồng với Đài Loan, ví dụ trong 2 năm liên tiếp, hơn một nửa số nghị sĩ Quốc hội Litva đã gửi thư liên danh lên Tổng giám đốc WHO để ủng hộ Đài Loan tham dự Đại hội đồng y tế thế giới (WHA). 

Thời gian gần đây, Litva đã trao tặng 20.000 liều vắc xin COVID-19 cho Đài Loan. Đài Loan và Litva đều ở tuyến đầu của chiến lược bảo vệ thể chế dân chủ, tự do, thông qua sự kết nối chặt chẽ các giá trị chung...”.

Nhưng việc hợp tác với Đài Loan không phải là động thái duy nhất thể hiện sự thay đổi trong chính sách ngoại giao của Vilnius với Bắc Kinh. 

Theo RFI (Pháp), giai đoạn căng thẳng song phương có lẽ bắt đầu từ quyết định ngày 22-5 của Vilnius rút khỏi “sáng kiến hợp tác” của nhóm 17 nước Đông và Trung Âu và Trung Quốc (17+1), vì cho rằng nhóm này “gây chia rẽ”.

Litva còn thúc giục những nước còn lại cũng rút lui. 

Quốc hội Litva cũng thông qua một nghị quyết bảo vệ người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương và nhân quyền ở Hong Kong. 

Chưa hết, Litva cấm sử dụng công nghệ Trung Quốc ở sân bay Vilnius vì “rủi ro lớn nhất là nguy cơ một vụ tấn công tin tặc nhắm vào cơ sở hạ tầng của Litva”, theo nhận định của giáo sư Kestutis Girnius, Viện Khoa học chính trị Vilnius.

Còn theo Hãng tin Sputnik (Nga), bước ngoặt trong quan hệ Trung Quốc - Litva là khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung nổ ra. 

Bộ Ngoại giao Mỹ lúc đó đã kêu gọi các đồng minh xem xét lại quan hệ với Bắc Kinh. Năm 2019, Bộ An ninh quốc gia Litva ban hành báo cáo, xác định các hành động của Trung Quốc là mối đe dọa với an ninh quốc gia nước này.

Tân Tổng thống Litva Gitanas Nauseda tuyên bố các khoản đầu tư của Trung Quốc vào các cảng của Litva “không phải là một triển vọng mới, mà là một mối đe dọa lớn”. 

Tập đoàn Huawei, dự định triển khai mạng di động thế hệ thứ năm trong Litva, bị buộc tội gián điệp. Trong sự kinh hoàng của các doanh nhân Litva, dự án hứa hẹn lợi nhuận cao ngất ngưởng đã bị hủy bỏ.

Sau cuộc bầu cử quốc hội cuối năm 2020 dẫn tới thắng lợi của “Liên minh Tổ quốc - Đảng Dân chủ Cơ đốc giáo”, đường lối cứng rắn với Trung Quốc cuối cùng đã được củng cố.

Giấc mơ “trung tâm điều phối” của NATO?

Cổng thông tin Baltic baltnews.lt hôm 10-8 dẫn lời nhà Trung Hoa học Nikolai Vavilov cho biết thêm quan hệ giữa Trung Hoa và Litva trước vụ triệu hồi đại sứ còn rạn nứt vì Litva là “một trong những nước gay gắt nhất với sự hội nhập của EU và Trung Quốc, sử dụng mọi khả năng của mình để phá vỡ việc ký kết các thỏa thuận mới”.

Theo ông Vavilov, Litva “đang xây dựng chiến lược trở thành trung tâm điều phối chính của NATO và Washington trong cuộc chiến chống lại Nga và Trung Quốc”. 

Dễ hiểu khi người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price viết trên Twitter: “Chúng tôi ủng hộ đồng minh Litva và lên án hành động trả thù của Trung Quốc - việc triệu hồi đại sứ ở Vilnius và yêu cầu triệu hồi đại sứ Litva từ Bắc Kinh. Mỹ ủng hộ các đối tác ở châu Âu đang phát triển quan hệ với Đài Loan”.

“Rõ ràng, nước cộng hòa Baltic nhỏ bé đang dốc toàn lực, cố gắng chơi quân bài này trước Washington”, Vavilov nhận định. 

Việc Litva có thể trở thành quốc gia châu Âu đầu tiên công nhận Đài Loan sẽ là một tình huống hết sức khó chịu với Trung Quốc, bởi đây sẽ là một đòn mạnh giáng vào vị thế của Bắc Kinh với EU cũng như sáng kiến Vành đai - con đường.

Thế nên không khó hiểu khi tờ báo tiếng Anh vốn nổi tiếng hung hăng của Trung Quốc Global Times đã không tiếc lời quở trách Litva: “Chiến lược của quốc gia nhỏ bé này là bám chặt Hoa Kỳ nhất có thể. Đó là tay sai cho Mỹ... đổi lấy sự phòng thủ của Hoa Kỳ, sủa dữ dội nhất vào các đối thủ chiến lược của Hoa Kỳ”. 

Global Times đe dọa: Litva “sớm hay muộn gì cũng phải trả giá”!

Không chỉ vấn đề Đài Loan khiến Trung Quốc lồng lộn như vậy. Chính sách đối ngoại của Vilnius dưới trào Tổng thống Nauseda cũng gây nhiều khó chịu cho Nga. 

Thật ra, từ lâu hai nước đã hục hặc do cựu cộng hòa Xô viết - thành viên NATO này cấm vận chống Nga vì vụ sáp nhập Crimea, khiến Nga đáp trả bằng lệnh trừng phạt nông sản Litva. 

Mới đây nhất, vào cao điểm đại dịch COVID-19 ở Litva tháng 2-2021, Thủ tướng Ingrida Šimonyte gọi vắc xin Sputnik V là “vũ khí lai của Putin” và tuyên bố nó sẽ không được sử dụng ở Litva ngay cả khi được Cơ quan Dược phẩm châu Âu chấp thuận!

Với một láng giềng khác là Belarus, Vilnius cũng đang có chính sách ngoại giao không mấy thân thiện. 

Mùa hè năm 2020, cùng các nước EU khác, Litva không công nhận kết quả bầu cử tổng thống ở Belarus mà đương kim Tổng thống Alexander Lukashenko được tuyên bố chiến thắng. 

Vilnius áp đặt các biện pháp trừng phạt với ông Lukashenko, là nơi các đối thủ của ông, nổi bật là ứng viên tổng thống thất cử Svetlana Tikhanovskaya, tị nạn chính trị. ■

Đối nội: người nhập cư và đại dịch

Một trong những hệ quả của quan hệ hục hặc với láng giềng là dòng người di cư bất hợp pháp qua biên giới Belarus - Litva bỗng tăng vọt. 

Vilnius cáo buộc Minsk đã “thả cửa” cho những người di cư này. Bộ trưởng Nội vụ Agne Bilotaite thậm chí còn gọi đây là “một yếu tố của chiến tranh lai”. 

Tổng thống Lukashenko chẳng buồn phủ nhận khi nói: “Chúng tôi đã ngăn chặn bọn buôn lậu ma túy và những người nhập cư trái phép. Giờ cứ để họ tự xử...”. 

Hậu quả là Litva phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp, yêu cầu EU hỗ trợ bảo vệ biên giới và quyết định xây thêm một hàng rào ở biên giới với Belarus (chiều dài tuyến biên giới này là 679km).

“Họa vô đơn chí”, cùng ngày với động thái trả đũa ngoại giao của Bắc Kinh, thủ đô Vilnius hôm 10-8 còn đối mặt cuộc biểu tình lớn nhất kể từ 12 năm qua. 

Khoảng 4.500 người đã xuống đường chống lại các chính sách cứng rắn của chính quyền với những người không chịu tiêm vắc xin. 

Theo chính sách mới, từ ngày 13-9, dân Litva chưa tiêm phòng mà không có xét nghiệm âm tính sẽ bị cấm đến các trung tâm mua sắm, sự kiện công cộng, thẩm mỹ viện và cơ sở phục vụ ăn uống. 

Đặc biệt, trong số các biện pháp mới còn có việc từ chối trợ giúp y tế cho những người không tiêm vắc xin.

Theo thống kê, đến cuối năm 2020, Litva đứng đầu thế giới (theo NYTimes) và đứng đầu EU (theo thống kê của EU) về mức độ lây lan virus corona trên 100.000. 

Không có gì ngạc nhiên khi thông báo về làn sóng đại dịch tiếp theo và những hạn chế nghiêm trọng mới với đời sống đã đưa Litva đến bờ vực của một sự bùng nổ xã hội.

Bối cảnh này cho thấy lúc này có lẽ là thiếu khôn ngoan nếu Litva lại lao vào một cuộc tỉ thí không cân sức với Bắc Kinh.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận