Việt Nam học: Hành trình trở thành một khoa học đúng nghĩa

J. HUESMANN - H.MINH 03/05/2021 20:30 GMT+7

TTCT - Một nguồn cội vắn tắt của việc nghiên cứu khoa học và khách quan về Việt Nam - ngày nay gọi là Việt Nam học.

Gốc rễ của ngành nghiên cứu ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam bắt nguồn từ mấy thế kỷ trước, vào thời chủ nghĩa thực dân châu Âu. Cùng các thương thuyền và chiến thuyền châu Âu khám phá châu Á có vài tu sĩ và nhà truyền giáo Công giáo dòng Tên. Họ là những người đầu tiên thiết lập quan hệ trực tiếp giữa châu Âu và châu Á thời kỳ đó qua các nghiên cứu và ghi chép về dân tộc, văn hóa, xã hội... các nước Viễn Đông.  

Toàn cảnh Bảo tàng điêu khắc Chăm ở Đà Nẵng, với tấm biển bên trái ghi chữ Viện Viễn Đông Bác Cổ và bên phải là “khu cổ vật Chăm”. Ảnh không đề ngày. Ảnh: Wikipedia.org

 

Từ những nhà truyền giáo

Những nhà truyền giáo này đến Viễn Đông, bao gồm Việt Nam, dưới lá cờ của những vương quốc châu Âu và Giáo hội Công giáo Roma. Các nền văn minh cổ ở Viễn Đông đã gây ấn tượng mạnh với họ. Trong các nhà truyền giáo, nhiều người có học thức sâu rộng về toán, thiên văn học, thực vật học, địa lý, nghệ thuật… mà họ thể hiện trong mối quan hệ với các triều đại Trung Hoa và Việt Nam. 

Tiếp xúc của hai phạm vi văn hóa này thông qua các nhà truyền giáo ban đầu đã dẫn đến giao lưu văn hóa và tri thức trước cả thương mại. Ở Việt Nam, nhiều tu sĩ và nhà truyền giáo Công giáo đến Đại Việt vào thời Trịnh - Nguyễn phân tranh hoạt động ở cả đàng ngoài và đàng trong.

Một nhà truyền giáo dòng Tên đặt chân sớm vào đất Việt Nam là Francisco de Pina (1585 - 1625), người Bồ Đào Nha, cư ngụ ở thương cảng Hội An. Để truyền giáo, ông nghĩ ra một hệ chữ viết mới dựa vào chữ Latin và soạn những tác phẩm tiên phong về ngôn ngữ và từ vựng tiếng Việt. Công trình của De Pina sau này được nhà truyền giáo dòng Tên người Pháp Alexandre de Rhodes kế tục và hoàn thành. Chữ viết mới sau này đã trở thành chữ quốc ngữ của Việt Nam.

Một nhà truyền giáo quan trọng khác là Girolamo Maiorica (1591 - 1656), người Ý. Có lẽ ông là người nước ngoài đầu tiên ở Việt Nam thành thạo chữ Nôm như một học giả Việt Nam. Maiorica để lại hơn 40 tác phẩm về Công giáo viết bằng chữ Nôm. Mặc dù phần lớn đã mất, nay vẫn còn 15 tác phẩm được lưu trữ tại Thư viện Quốc gia Paris, tổng cộng lên tới khoảng 1,4 triệu chữ Nôm.

Thời thuộc địa

Tiếp đó, ở vùng Tây Nguyên ngày nay có nhà truyền giáo Pháp Pierre Dourisboure (1825 - 1890), người đã sống chung với người Ba Na ở Kon Tum. Ông soạn tác phẩm dân tộc ký (ethnographic) đầu tiên về một dân tộc miền Tây Nguyên, ghi chép về phong tục, tổ chức xã hội, tín ngưỡng và văn hóa trong cuốn Les Sauvages Bahnar (tựa tiếng Việt là “Dân Làng Hồ”) năm 1870, sau khi đã sống cùng người Ba Na ở Kontum khoảng 35 năm; rồi Từ điển Ba Na - Pháp (Dictionnaire Bahnar - Français) năm 1889 - từ điển đầu tiên về ngôn ngữ một dân tộc Tây Nguyên. Dưới thời Pháp thuộc, các thế hệ tu sĩ và nhà truyền giáo Pháp tiếp theo được Hội Thừa sai Paris cử đến Đông Dương. Ngoài việc truyền giáo, họ tiếp tục nghiên cứu về văn hóa, ngôn ngữ, lịch sử, địa lý…

Dù phải công nhận vai trò nổi bật của các nhà truyền giáo châu Âu trong công cuộc nghiên cứu văn hóa Việt Nam, cũng cần nói rõ mục đích của họ là khiến người Việt và các dân tộc khác ở Đông Dương chấp nhận và theo đạo Công giáo. Vai trò tiên phong của họ phải được đặt trong bối cảnh lịch sử chủ nghĩa thực dân. Điều đó đồng nghĩa nghiên cứu của họ là từ góc nhìn chủ quan về uy quyền văn hóa của châu Âu so với phương Đông - và cả phần còn lại của thế giới. Cũng có những biệt lệ, nhưng không nhiều. Về cơ bản, mục đích vẫn là biện minh cho công cuộc xâm lược và thực dân hóa.

Cũng giai đoạn này, trong giới quan chức chính quyền thực dân người Pháp cũng có người học tiếng Việt, tìm hiểu lý thuyết tổ chức xã hội, văn hóa và lịch sử Việt Nam nhằm hiểu biết tốt hơn và nhờ đó hi vọng quản lý dân bản xứ dễ dàng hơn. Các tổ chức nghiên cứu khoa học về ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam được sáng lập với mục đích thực dụng là đào tạo nhân lực cho chính quyền thực dân ở Đông Dương.

Năm 1871, chức vị “giáo sư ngôn ngữ An Nam” được lập ở Viện Ngôn ngữ Đông phương hiện đại ở Paris, nay là Viện Quốc gia ngôn ngữ và văn hóa phương Đông (INALCO). Cựu quân y sĩ Abel des Michels (1833 - 1910) - chủ nhiệm khoa mới này - nghiên cứu chuyên về văn chương Nôm và thi văn Việt Nam, từng dịch hai tác phẩm Lục Vân TiênKim Vân Kiều Tân Truyện.

Bìa cuốn Lục Vân Tiên tiếng Pháp do Abel des Michels dịch. Ảnh: gallica.bnf.fr

 

Tiếp tục những nỗ lực đầu tiên thể chế hóa, tổ chức và phát triển nghiên cứu chuyên sâu là Ecole Francaise d'Extrême-Orient (EFEO) trứ danh, tức Trường Viễn Đông Bác Cổ. EFEO được Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer sáng lập năm 1898 với ý định nghiên cứu khảo cổ học về các nền văn minh Đông Dương, nhưng rồi không hạn chế hoạt động chỉ trong ngành khảo cổ. Trong số những thành tựu quan trọng nhất của EFEO có việc phát hiện và nghiên cứu những di chỉ cổ của nền văn minh Phù Nam ở vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, khai quật và bảo tồn di tích và thánh địa cổ như tháp Chàm ở Trung Bộ và Nam Trung Bộ Việt Nam, khai quật di chỉ trống đồng ở Đông Sơn (Thanh Hóa)...

Các công trình khảo cổ và nghiên cứu này đã khai sinh khảo cổ học hiện đại của Việt Nam. Trong số các học giả EFEO nổi tiếng nhất từng đóng góp các công trình tiên phong quan trọng cho ngành Việt Nam học có George Cœdès, Léopold Cadière, Henri Cordier, Paul Demiéville, Gustave Dumoutier, Maurice Durand và Henri Maspero, với những nghiên cứu sâu rộng trong các lĩnh vực khảo cổ học, tiền sử học, lịch sử, dân tộc học, ngôn ngữ học, nghiên cứu văn hóa…

Tiếp nối nền tảng kiến thức và kinh nghiệm của các học giả EFEO là thế hệ nhà nghiên cứu Việt Nam đào tạo kiểu Pháp như Nguyễn Văn Huyên, Dương Quảng Hàm, Trần Văn Giáp, Trần Trọng Kim, Đào Duy Anh, và Hoàng Xuân Hãn. Tại Pháp, ngành Việt Nam học đã phát triển và trở thành một khoa học đúng chuẩn với tên gọi Études Vietnamiennes. Khoa mới này có thể tiếp cận từ nhiều lĩnh vực khác nhau trong khoa học xã hội và nhân văn.

Một lần nữa phải nhắc rằng dưới chế độ thực dân, các công trình nghiên cứu thời đó là để phục vụ tư tưởng thực dân và đế quốc.

Trở thành một khoa học hoàn chỉnh

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, tình hình chính trị căng thẳng trong bối cảnh Chiến tranh lạnh. Sự chú ý tới Việt Nam ở một số nước phương Tây như Mỹ, Pháp, Anh, Đức… đã thúc đẩy hoạt động nghiên cứu Việt Nam học. Nguồn lực khổng lồ dành cho các cuộc chiến tranh của Pháp và Mỹ ở Việt Nam khiến nhiều học giả, nhà chính trị, phóng viên và sinh viên như Noam Chomsky, Martin Luther King Jr., Bertrand Russell, Jean-Paul Sartre, Erich Fromm, William J. Fulbright… tham gia phong trào chống chiến tranh, làm tăng sự chú ý đến lịch sử và văn hóa Việt Nam. Một ví dụ là học giả người Mỹ John K. Whitmore, ông vừa qua đời vào tháng 11-2020, sau khi tham gia phong trào phản chiến đã trở thành học giả mở đường cho ngành Việt Nam học ở Mỹ.

 
 Phong trào phản chiến ở phương Tây khiến Việt Nam được biết tới rộng rãi hơn. Ảnh: The Washington Post

 

Thật dễ hiểu khi việc nghiên cứu khoa học và chuyên sâu về Việt Nam diễn ra sớm nhất ở Pháp. Việt Nam học, từ nghiên cứu thời thuộc địa để phục vụ bộ máy thực dân và nhân danh sự ưu việt của nền văn minh cũng như đế quốc Pháp đến khi trở thành một ngành khoa học khách quan, là một hành trình dài. Sự thay đổi đến chủ yếu sau Thế chiến thứ II cùng công cuộc giải thuộc địa và hiện đại hóa tư tưởng ở các xã hội châu Âu. Thế hệ trẻ, đặc biệt là giới sinh viên phương Tây, trở thành chất xúc tác khi trực tiếp tham gia phản đối cuộc chiến tranh của Pháp và Mỹ ở Việt Nam. Theo dòng lịch sử, khoa tiếng Việt và Việt Nam học đã lần lượt ra đời ở Liên Xô, Anh, Đức và gần đây ở Ba Lan, Czech.

Trong thời hiện đại, cần phân biệt giữa các đại học có lớp dạy tiếng Việt với các trường có khoa Việt Nam học đúng nghĩa, thường gọi là Vietnamese Studies hay Vietnamese Philology trong tiếng Anh, Études Vietnamiennes trong tiếng Pháp, Vietnam-Studien và Vietnamistik bằng tiếng Đức… Đó là một khoa học không những bao gồm học tiếng Việt mà còn đi sâu vào các lĩnh vực khoa học xã hội, nhân văn và tự nhiên để nghiên cứu Việt Nam từ góc nhìn đa dạng qua lịch sử, văn hóa, quan hệ quốc tế, kinh tế, địa chính trị, địa lý, ngôn ngữ học, nhân chủng học, dân tộc học, xã hội học, tâm lý học, tôn giáo học…■

Một số chương trình Việt Nam học danh tiếng ở châu Âu

Ở Pháp, có thể kể ĐH VII Paris Diderot, Viện Quốc gia ngôn ngữ và văn hóa phương Đông, hay ĐH Bordeaux Montaigne. Gần đây vào năm 2019, một khoa Việt Nam học mới được lập nhờ sự hợp tác Pháp - Việt tại ĐH Paul Valéry Montpellier 3. EFEO thì nổi tiếng là nơi lưu trữ và bảo tồn nhiều thư tịch, kinh sách, bản đồ, sách cổ Hán văn… vô giá từ Việt Nam, có thể coi kho tàng này là bảo vật quốc gia của Việt Nam.

Một nước cũng có một truyền thống nghiên cứu Việt Nam học ít nhất từ những năm 1950 là Liên Xô, nay là Nga. Quan hệ chính trị truyền thống giữa hai nước dẫn đến sự chú ý của Nga với Việt Nam. Hiện có ít nhất ba ĐH lớn ở Nga có khoa Việt Nam học hoặc chương trình giảng dạy tiếng Việt, bao gồm Trung tâm Việt Nam học tại ĐH Quốc gia Moskva, ĐH Liên bang Viễn Đông tại Vladivostok, và ĐH Tổng hợp Saint-Petersburg. Trường Saint-Petersburg cũng là nơi có nhà nghiên cứu, giáo sư Vladimir Kolotov - một chuyên gia có tiếng trong ngành Việt Nam học, hiện là trưởng khoa lịch sử Viễn Đông và viện trưởng Viện Hồ Chí Minh ở trường.

Các nước châu Âu với cộng đồng Việt kiều đông nhất là Pháp, Đức, Ba Lan, Czech và Nga. Không bất ngờ khi ở các nước này có thể tìm được một vài khoa Việt Nam học, như tại Czech là ở một trong những ĐH cổ nhất châu Âu, ĐH Charles ở Praha. ĐH Palacky ở Olomouc (Czech), có lớp cử nhân ngành Việt Nam ngữ văn học và chương trình thạc sĩ châu Á học với trọng điểm ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam. Gần đây, khoa Việt Nam học được lập ở ĐH Masaryk, Brno (Czech). Tại ĐH Adam Mickiewicz, Poznan (Ba Lan) cũng có khoa Việt Nam ngữ văn học.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận