Xã hội Nga 2018: “Bức tranh bối rối”

TƯỜNG ANH 25/12/2018 20:12 GMT+7

TTCT - Một ký salat Olivier, món ăn truyền thống năm mới của người Nga, hiện ở mức 313 rúp/kg (khoảng 109.000 đồng/kg), đắt hơn năm ngoái 5,18%. Đây là một trong các chỉ số do Cơ quan Thống kê Nga (Rosstat) công bố tháng 12-2018.

Vẫn còn xấp xỉ 20 triệu người Nga sống dưới ngưỡng nghèo. Ảnh: geopoliticalfutures.com
Vẫn còn xấp xỉ 20 triệu người Nga sống dưới ngưỡng nghèo. Ảnh: geopoliticalfutures.com

 

Món salat truyền thống Nga này đã được Rosstat chọn làm “chỉ số kinh tế trước năm mới” từ năm 2016 để ước tính việc tăng giảm sức mua và mức sống của người dân trong năm. Cũng theo Rosstat, số người nghèo ở Nga đang dao động ở mức 20 triệu người, tức 13% dân số.

Đặc biệt, trong quý 3-2018, số người nghèo Nga tăng trở lại sau hai quý giảm nhẹ: số người Nga có thu nhập bình quân thấp hơn mức sống tối thiểu ở hai quý trước là 19 triệu, tức khoảng 12,3% dân số.

Theo Rosstat thì mức tối thiểu để trang trải những nhu cầu cơ bản của người lao động Nga hiện là 11.310 rúp (gần 4 triệu đồng), còn với người về hưu là 8.615 rúp (3 triệu đồng). Bộ thực phẩm tối thiểu quý 3-2018 ở Nga là 4.822 rúp (gần 1,7 triệu đồng), so với mức lương tối thiểu trên toàn liên bang từ tháng 5-2018 là 11.163 rúp.

Không khó hiểu vì sao cuộc chiến chống nghèo đói là ưu tiên của Tổng thống Nga Vladimir Putin và chính phủ Thủ tướng Dmitry Medvedev.

Từ tháng 5-2018, ông Putin đã ký sắc lệnh “Về những mục tiêu quốc gia và nhiệm vụ phát triển chiến lược Liên bang Nga đến năm 2024”, đặt nhiệm vụ sau 6 năm nữa phải giảm nghèo một nửa ở Nga, cùng lúc tăng tuổi thọ bình quân lên 78 (hiện là 72,4). Cũng không khó hiểu vì sao ông Putin đã chỉ trích một số dân biểu Nga tại đại hội Đảng Nước Nga thống nhất (NNTN) ngày 8-12-2018.

“Đừng làm nhục đảng”

Đó là nguyên văn lời ông Putin trong bài phát biểu nhân kỷ niệm 15 năm thành lập NNTN, chính đảng chiếm đa số trong Đuma. Ông nói trong lúc “đa số tuyệt đối” các đại diện NNTN là “những người đàng hoàng, yêu nước”, thì cũng có những người “cư xử không đứng đắn”.

Ông kêu gọi các thành viên NNTN “xem xét những hành vi đạo đức của mình, không được lỗ mãng, kiêu ngạo, khinh rẻ nhân dân”, bởi điều đó sẽ “làm nhục đảng”.

Vì sao ông Putin có những phát biểu gay gắt này? Không hẹn mà lần lượt những tháng gần đây, các đảng viên NNTN ở các địa phương liên tục để lộ sự “lỗ mãng, kiêu ngạo, khinh rẻ nhân dân” của mình.

Đầu tiên phải kể đoạn độc thoại lừng danh của người giờ đã là cựu bộ trưởng việc làm, lao động và di trú vùng Saratov - Natalya Sokolova. Sau một cuộc họp hồi tháng 11 của Ủy ban Đuma khu vực về chính sách xã hội, đề nghị tăng mức sinh hoạt phí cơ bản của Saratov, hiện chỉ có 3.500 rúp/tháng, bà Sokolova đã nói: “Có thể sống được với mức tối thiểu 3.500 rúp này. Tôi có thể. Nếu ăn rau quả trái cây của ta theo mùa. Mì sợi ở đâu giá cũng như nhau. Còn sữa chua? Cũng rất rẻ. Hơn thế nữa, đã 20 năm qua tôi kiêng thịt”.

Thế nhưng khi được yêu cầu chuyển sang chế độ ăn như vậy, bà này đáp “chưa sẵn sàng vì tư cách bộ trưởng không cho phép”.

Khi đại biểu của Đảng Cộng sản Nga tại Đuma Saratov là Nikolai Bodarenko nói ông sẽ thử sống với mức sinh hoạt phí tối thiểu này để kiểm chứng lời bà Sokolova, bà Sokolova đã giới thiệu một danh sách các cửa hàng thực phẩm giảm giá mà bà hay đi, và hứa mỗi kỳ họp “sẽ mang cân tới để cân lại” ông Bodarenko.

Sau vụ cãi cọ, bà Sokolova được truyền thông Nga đặt cho biệt danh “bộ trưởng mì sợi”. Ngày 12-10, bà bị Thống đốc Saratov Valery Radayev cách chức. Ông Radayev cho rằng “không thể chấp nhận người lãnh đạo... lại có thái độ khinh thường như vậy với những vấn đề quan trọng sống còn của người dân”.

(Về phần ông Bodarenko, sau đúng một tháng “sống thử” với mức 3.500 rúp đã tuyên bố “đó không phải là sống, mà là tồn tại với cái đói thường trực”, và đề nghị nâng giỏ thực phẩm tiêu dùng lên 10.000 rúp/tháng, trong khi sinh hoạt phí tối thiểu lên 20.000 rúp. Ông cũng kêu gọi các đại biểu Đuma và bộ trưởng vùng thử sống với mức 3.500 rúp/tháng, sẽ “biết ngay hậu quả”!).

Dư luận về “bộ trưởng mì sợi” chưa yên thì đầu tháng 11-2018 đến lượt giám đốc Ban chính sách thanh niên vùng Sverdlovsk, bà Olga Glatskikh, 29 tuổi, tạm bị đình chỉ công tác trong thời gian kiểm toán.

Bà Glatskikh đã “nổi tiếng” từ hồi tháng 10 khi tuyên bố tại một cuộc gặp các đại diện thanh niên ở Kirovgrad rằng: “Nhà nước không nợ gì giới trẻ: Cha mẹ các bạn mới mắc nợ vì họ sinh ra các bạn, nhà nước không yêu cầu sinh ra các bạn”.

Clip phát biểu này đã bị chỉ trích mạnh mẽ, khiến Cơ quan liên bang về chính sách thanh niên tuyên bố phát biểu của cựu vận động viên thể dục nhịp điệu từng đoạt huy chương vàng Thế vận hội Athens 2004 là “không đúng đắn”.

Hiện bà Glatskikh đang bị điều tra vì tình nghi sử dụng sai mục đích số tiền hỗ trợ giới trẻ tài năng trong vùng. Ngày 8-11, bà đã bị đảng bộ Sverdlovsk của NNTN loại khỏi Hội đồng chính trị vùng trong đợt luân phiên cán bộ hàng năm.

Thành viên của NNTN tại Hội đồng liên bang (thượng viện) Bryansk, bà Yekaterina Lakhova, thì cho rằng đề nghị nâng mức thu nhập tối thiểu là mang tính dân túy, và nhắn người Nga hãy vui đi vì ít ra hiện giờ nước Nga không có chiến tranh.

“Tôi luôn nghĩ tới những người phải sống qua nỗi sợ hãi và cái đói. Họ có giỏ thực phẩm nào đâu? Vậy mà họ vẫn sống sót, chịu đựng tất cả mà vẫn minh mẫn, đầu óc vẫn trong sáng làm sao!”. Khỏi nói dư luận phản ứng thế nào về “cái đầu trong sáng” của nữ thượng nghị sĩ này.

Gần đây nhất là phát biểu của thống đốc vùng Kaleria Artur Parphenchikov. Đáp lại than phiền của một bà mẹ trẻ về việc thiếu nhà trẻ và trường mẫu giáo ở làng Syoyoka, thống đốc đề nghị bà mẹ “điều đình với các bà nội, ngoại và thuê người giữ trẻ”, lại còn khuyên hãy để “cha đứa bé và các ông nó nghĩ về việc đó”. Khi vụ việc lùm xùm trên truyền thông, chẳng hiểu vị thống đốc tìm đâu ra có ngay tiền và tuyên bố sẽ xây nhà trẻ!

“Tình hình nguy cấp”

Vì hàng loạt những tai tiếng này mà trong phát biểu hôm 8-12, ông Putin nhắc những thành viên NNTN “sáng vác ô đi tối vác về” rằng “thế giới đang trong giai đoạn chuyển đổi, một sự chuyển đổi rất mạnh mẽ, năng động mà nếu chúng ta không kịp tự định hướng, không kịp hiểu phải làm gì và làm thế nào, chúng ta sẽ tụt hậu vĩnh viễn”.

Lần đâu tiên, tổng thống Nga thú nhận “tình hình hiện nay rất nguy cấp trong lịch sử nước Nga. Một tình hình nguy cấp đang phát triển trên thế giới và trong số phận của chúng ta. Phải hiểu điều đó và làm việc hết sức tích cực”.

Không bàn đến những vấn đề đối ngoại của Nga hiện nay, vốn rất phức tạp, chỉ riêng hiện trạng kinh tế - xã hội Nga 2018 cũng đủ khiến ông Putin kêu gọi những người sử dụng tiền thuế của dân phải chuyển đổi và tích cực.

Tờ “báo Độc lập” dựa trên các thống kê về thu nhập tối thiểu và giỏ thực phẩm của dân Nga do Rosstat công bố đã chua xót: “Cái nghèo đã thắng”.

Mặc dù Rosstat cho biết tăng trưởng GDP của Nga trong quý 3-2018 nhích lên so với dự báo (1,5% thay vì 1,3%), và nhìn chung, tăng trưởng GDP từ tháng 1 đến tháng 9-2018 so với cùng kỳ năm ngoái tăng 1,6%, song theo đánh giá của chủ tịch Viện Kế toán, cựu bộ trưởng tài chính Nga Aleksei Kudrin, tốc độ phát triển kinh tế Nga thập niên 2010 là thấp nhất kể từ Thế chiến II mà nguyên do là bộ máy quan chức yếu kém và hoạt động kém hiệu quả của các công ty nhà nước Nga.

Ngân sách nhà nước không tăng, kinh tế đối ngoại sụt giảm, trong khi số người về hưu tăng là những lý do dẫn đến việc cải cách tuổi hưu của chính phủ Medvedev cuối năm 2018. Theo đó, kể từ 2019, Nga sẽ dần nâng tuổi hưu của nữ từ 55 lên 60 và của nam từ 60 lên 65.

Nói là “dần” vì quy trình tăng tuổi hưu sẽ được tiến hành tiệm tiến để không gây sốc cho xã hội và chỉ đến năm 2028 mới chuyển hẳn sang chế độ tuổi hưu mới. Dẫu thế, vẫn không tránh khỏi những cái nhìn lo âu.

Trung tâm thăm dò dư luận Levada cuối năm 2018 công bố một bức tranh bối rối: Các kết quả thăm dò cho thấy người Nga cảm thấy “mệt mỏi cùng lúc với hi vọng” (tỉ lệ bằng nhau là 34%), “bối rối (20%) cùng lúc với tự hào vì nhân dân mình (19%)”. Có lẽ vì thế mà ông Kudrin đề nghị bên cạnh các chỉ số kinh tế cần phải tính đến chỉ số hạnh phúc.

Phát biểu tại Diễn đàn công dân toàn Nga, ông Kudrin cho rằng ngoài GDP, cần phải bổ sung vào các chỉ số phát triển xã hội, trong đó có việc khắc phục đói nghèo, kéo dài tuổi thọ, khắc phục bất bình đẳng giới và quyền được độc lập đưa ra những chọn lựa quan trọng của cuộc đời mình, niềm tin vào chính quyền... Ông Kudrin cũng kêu gọi Nga phải thoát ra tình trạng bị cô lập hiện nay do những biện pháp trừng phạt của phương Tây.

Đây cũng là kỳ vọng của người Nga với tổng thống Nga khi bước vào năm 2019: cũng theo các thăm dò của Levada, trong một năm qua, số người được hỏi cho biết “rất lo ngại về tình trạng bị cô lập quốc tế của Nga” đã tăng gấp ba lần, từ 7% năm 2017 lên 21% năm nay, mặc dù vẫn có 33% - tức phần lớn người được hỏi - nói họ không lo lắng quá nhiều bởi sự cô lập quốc tế này.

Lev Gudkov, tổng giám đốc Trung tâm thăm dò dư luận Levada, cho rằng thái độ tiêu cực chủ yếu là vì người dân bị ảnh hưởng bởi những biện pháp cấm vận và sự cắt giảm ngân sách xã hội. Tờ báo doanh thương Nga Vedomosti bình luận về việc gia tăng những người Nga lo ngại về sự cô lập và trừng phạt này, cho rằng “giai đoạn hừng hào hậu Crimea đã kết thúc” và người Nga “đang muốn thoát khỏi hố”. ■

Tỉ lệ ủng hộ ông Putin giảm

Đến tháng 11-2018, tỉ lệ ủng hộ tổng thống Nga là 66% (so với cùng kỳ năm ngoái là 81%), và mức ủng hộ sự điều hành của Chính phủ Nga là 42% (bằng cùng kỳ năm ngoái), theo các thăm dò mới nhất của Levada. Đặc biệt, mức ủng hộ Đảng Nước Nga thống nhất cầm quyền sụt giảm nghiêm trọng, từ 55-65%, hiện chỉ còn 35%, theo thăm dò của VITSIOM.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận