Bao giờ mới đến võ đài chuyên nghiệp?

HUY ĐĂNG 09/03/2022 23:00 GMT+7

TTCT - Những trận đánh triệu USD, dưới ánh đèn rực rỡ và khán đài cuồng nhiệt đầy ắp người… Giấc mơ về võ đài nhà nghề tưởng chừng không còn xa khi Nguyễn Thị Thu Nhi giành đai vô địch thế giới WBO hồi tháng 10 năm ngoái - cột mốc lịch sử của làng boxing chuyên nghiệp Việt Nam.

 
 Võ sĩ Thu Nhi (Ảnh: NVCC)

 Nhưng rồi chỉ vài tháng sau, “thiên thần đen” đứng trước nguy cơ giã từ võ đài nhà nghề, để trở về đấu võ… nghiệp dư.

Chung quy cũng bởi chữ tiền

Tóm tắt câu chuyện như sau. Thu Nhi vốn xuất thân là võ sĩ của TP.HCM. Trên võ đài nghiệp dư (ở môn boxing, hệ thống giải từ SEA Games, Asiad cho đến Olympic đều là võ đài nghiệp dư), Thu Nhi thi đấu không mấy thành công. Rồi 3 năm trước, cô được ông bầu người Hàn Quốc Kim Sang Bum thuyết phục sang tập boxing chuyên nghiệp và ký hợp đồng với CLB Cocky Buffalo. Thu Nhi thành danh từ đó.

Khi Thu Nhi bắt đầu có danh tiếng, cô được Tổng cục Thể dục thể thao chào mời trở lại. Cô ký hợp đồng với đơn vị Cần Thơ và được triệu tập vào tuyển quốc gia chuẩn bị cho SEA Games. Mâu thuẫn giữa cô và CLB Cocky Buffalo bắt đầu từ đây, khi Thu Nhi bỏ hẳn tập luyện ở CLB để tập trung chuẩn bị cho SEA Games. Phía Cocky Buffalo tức giận và tố Thu Nhi vi phạm hợp đồng. Còn phía Thu Nhi khẳng định mình không sai vì hợp đồng với CLB này chỉ quy định về hoạt động boxing nhà nghề, trong khi Thu Nhi thi đấu cho Cần Thơ ở võ đài nghiệp dư.

Bỏ qua những khúc mắc về tính hợp pháp khi Thu Nhi cùng lúc ký 2 hợp đồng. Có thể thông cảm phần nào cho võ sĩ người An Giang. Năm 2019, cô ký hợp đồng tận 7 năm với CLB Cocky Buffalo, mức lương 8 triệu đồng. Với một cô gái vô danh thời điểm đó, mức lương này tạm ổn. Nhưng khi đã thành danh, Thu Nhi tất nhiên muốn có thu nhập cao hơn. Phía Cần Thơ hiện trả cho Thu Nhi 20 triệu đồng/tháng - theo HLV Phạm Thanh Hải của Cần Thơ. Thu Nhi đã phần nào thiệt thòi khi ký một hợp đồng có thời hạn quá dài với Cocky Buffalo. Chưa kể vì khó khăn mùa dịch, Thu Nhi còn phải hỗ trợ CLB này vài tháng lương.

Đổi lại, phía CLB Cocky Buffalo cũng có lý của họ. Kể từ khi đến CLB này, Thu Nhi được tạo điều kiện tập luyện mà không một đơn vị tỉnh thành nào có thể đáp ứng được, như đi tập huấn thường xuyên, cung cấp trang thiết bị tối tân… Điển hình là hồi tháng 7 năm ngoái, Thu Nhi được đưa sang Uzbekistan tập huấn 3 tháng, là tiền đề quan trọng cho việc cô giành đai WBO tại Hàn Quốc.

HLV Kim Sang Bum còn kể việc ông tính toán địa điểm tổ chức trận đấu ở Hàn Quốc cũng mang đến lợi thế không nhỏ cho Thu Nhi. Bởi toàn bộ khán giả ở đây đều ủng hộ cô, và cả trọng tài cũng khó lòng xử thiên vị võ sĩ người Nhật Etsuko Tada - người có danh tiếng hơn hẳn Thu Nhi. Đây là sự thật. Cocky Buffalo khẳng định họ đã đầu tư tiền tỉ cho Thu Nhi trong hơn 3 năm qua, và đó không phải là chuyện vài triệu đồng tiền lương có thể đánh đổi được.

 
 Ông bầu Kim Sang Bum luôn đồng hành cùng Thu Nhi suốt 3 năm qua. Ảnh: NVCC

 

Khó có chuyện vừa nhà nghề, vừa nghiệp dư

Thu Nhi đã ký hợp đồng với đơn vị Cần Thơ, thể hiện mong muốn thi đấu cùng lúc boxing nhà nghề lẫn nghiệp dư. Lãnh đạo bộ môn boxing của Tổng cục Thể dục thể thao cũng đưa ra phát biểu tương tự. Nhưng đây có lẽ chỉ là lý thuyết suông. Trên thực tế, Thu Nhi đã không tập luyện cùng Cocky Buffalo từ tháng 10-2021 đến nay.

Ông Kim Sang Bum nói: “Tôi luôn muốn các võ sĩ của chúng tôi thành công trong màu áo quốc gia. Các bạn có thể thấy khi một võ sĩ giành chiến thắng trên võ đài nhà nghề, điều quan trọng nhất họ làm là giương cao quốc kỳ. Vì vậy chúng tôi ủng hộ Thu Nhi thi đấu boxing nghiệp dư ở SEA Games, dù điều này không thực sự tốt cho sự nghiệp đấu nhà nghề của cô ấy”.

Rất nhiều võ sĩ boxing lừng danh thế giới xuất thân từ làng võ nghiệp dư, và không phải ai cũng thành công. Điển hình như Floyd Mayweather. Năm 19 tuổi, anh tham dự Olympic Atalanta 1996 và chỉ giành huy chương đồng. Sau kỳ Olympic đó, võ sĩ có biệt danh “Money” mới chuyển sang đấu chuyên nghiệp. Evander Holyfield hay Mike Tyson cũng tương tự.

Ở chiều ngược lại, những võ sĩ nhà nghề thành danh có trở lại thi đấu nghiệp dư? Rất ít, đặc biệt là với đẳng cấp vô địch thế giới như Thu Nhi. Etsuko Tada - bại tướng của Thu Nhi - chưa từng đấu một trận nghiệp dư nào. Hay Choi Hyun Mi người Hàn Quốc - hiện giữ đai hạng nhẹ của WBA - cũng đã sớm giã từ võ đài nghiệp dư từ khi 17 tuổi. Ngoài ra còn có một loạt võ sĩ Thái Lan hay Philippines. Hầu như không ai quan tâm đến việc giành HCV SEA Games.

Nhượng bộ để Thu Nhi tập trung cho SEA Games, nhưng phía CLB Cocky Buffalo kiên quyết không chấp nhận để cô tham gia các giải vô địch quốc gia, đại hội thể dục thể thao toàn quốc hay các giải đấu nhỏ lẻ khác trong màu áo Cần Thơ. Vấn đề không phải chỉ là tranh chấp quyền sử dụng võ sĩ. Ông Kim Sang Bum giải thích: “Tại sao một nhà vô địch WBO như Thu Nhi lại phải tham gia một trận đấu nghiệp dư ở giải toàn quốc? Điều này không hợp lý chút nào”.

Có nhiều điểm khác nhau giữa boxing nghiệp dư và nhà nghề, nhưng như ông Kim Sang Bum nói, kỹ thuật thi đấu cũng chỉ là yếu tố phụ. Điều quan trọng nhất là cách VĐV xây dựng sự nghiệp của mình. Boxing nghiệp dư cũng giống các môn thể thao khác trong hệ thống Olympic, các VĐV được CLB hoặc đơn vị địa phương trả lương ổn định, và có thêm tiền thưởng từ những thành tích gặt hái được.

Trong khi đó, thu nhập chủ yếu của giới đấu võ đài chuyên nghiệp nằm ở các nhà tài trợ, những khoản chia theo thỏa thuận mỗi khi thượng đài. Tên tuổi võ sĩ càng lớn khoản chia lại càng nhiều. Có nhiều trận, võ sĩ bại trận còn nhận được nhiều hơn cả người chiến thắng.

Dự kiến SEA Games sẽ diễn ra vào tháng 5 tới, nhưng CLB Cocky Buffalo đã lên kế hoạch tổ chức trận bảo vệ đai cho Thu Nhi vào tháng 3. Tranh đai, bảo vệ đai, rồi thống nhất những đai vô địch khác, đó là con đường xây dựng sự nghiệp của võ đài nhà nghề. Giờ đây, vì mục tiêu săn một thứ mà người hâm mộ VN đã “ngán tận cổ” - tấm HCV SEA Games, Tổng cục Thể dục thể thao và Thu Nhi chấp nhận gạt bỏ sự nghiệp nhà nghề sang một bên. ■

Giành bao nhiêu tiền thưởng?

Theo khảo sát của báo Short Boxing, các tay đấm boxing có thu nhập trung bình vào khoảng 51.000 USD/năm. Nếu chỉ tính boxing nữ, thu nhập trung bình của mỗi võ sĩ là khoảng 22.000 USD/năm, cao hơn gấp rưỡi so với mức thu nhập trung bình của giới boxing nghiệp dư (khoảng 15.000 USD/năm). Những võ sĩ hạng thấp cũng có thể giành được 200 - 400 USD cho mỗi lần thượng đài.

Nhưng trong những năm đầu sự nghiệp, các võ sĩ boxing nhà nghề buộc phải chấp nhận cuộc sống kham khổ, khi tên tuổi chưa được biết đến, các nhà tài trợ chưa quan tâm. Thu Nhi có riêng một lợi thế - cô là nữ võ sĩ VN đầu tiên giành đai vô địch thế giới. CLB Cocky Buffalo đã đưa ra đề nghị trị giá 100 triệu đồng cho trận thượng đài bảo vệ đai WBO của Thu Nhi vào tháng 3 tới.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận