Bi kịch của các thánh

TRẦN QUỐC TÂN 03/03/2016 02:03 GMT+7

TTCT - Trong số tác phẩm của Gustave Flaubert, Ba truyện kể (Lê Hồng Sâm, Phùng Ngọc Kiên dịch; Nhã Nam & NXB Thế Giới) tuy không nổi tiếng bằng hai thành tựu lớn là Bà Bovary và Giáo dục tình cảm, nhưng lại có một vị trí đặc thù.

Ba truyện kể
Ba truyện kể

 

Ra đời khi Flaubert đang viết dang dở Bouvard và Pécuchet, nó là tác phẩm cuối cùng xuất bản khi tác giả còn sống. Ba văn bản ngắn và hoàn thiện này giống như một chúc thư về thẩm mỹ, một sự cố kết hoàn mỹ cho những nỗ lực sáng tác trước đó:

Một tấm lòng chất phác đặt ở thời hiện đại và mang không khí vùng Normandie rất gần với Bà Bovary; Truyền thuyết về Thánh Julien hiếu khách tương đồng với Cám dỗ của Thánh Antoine về yếu tố tiểu sử của các vị thánh và sự rối loạn tâm lý; Hérodias gợi nhắc đến Salammbô trong không khí cổ đại tiền Kitô giáo.

Cả ba đều là truyện kể về những “thánh nhân”: họ có thể là nhân vật phàm tục, có thể là thánh trong truyền thống Kitô giáo, nhưng đều chọn một kiếp sống khổ hạnh, đơn độc trong niềm tin, giống như những nghệ sĩ tận hiến luôn phải đấu tranh với nỗi hoài nghi và tuyệt vọng.

Ở truyện đầu tiên, Félicité là một cô đầy tớ điển hình - trung thành, tần tảo, ít học - nhưng Flaubert mang lại cho mẫu nhân vật này một kích thước mới. Độ chênh lệch giữa vẻ bề ngoài máy móc, khô cứng của Félicité và những gì diễn ra trên thực tế được câu chuyện hé mở, đó là một tấm lòng chất phác.

Từ một cô bé chăn bò trở thành gia nhân, tiến triển tâm lý của cô được phơi bày: vô cùng đơn giản, chân thành nguyên vẹn suốt quãng thời gian; không có biến cố nào tác động được vào sự ngây thơ, khiêm nhường, bộc trực của cô. Riêng hành trình về mặt cảm xúc là đáng nói.

Sống một cuộc đời đầy bất hạnh, khúc mắc nhưng “tấm lòng nhân hậu nơi chị rộng mở” (tr.39). Flaubert dành cho cô một niềm mỉa mai trìu mến, cho người đọc một cảm xúc khó phân định giữa sự giễu cợt và lòng thương hại.

Truyện kể thứ hai về Thánh Julien là một phiên bản viết lại của huyền thoại Oedipus: có lời sấm truyền về một kẻ giết cha mẹ, một cuộc chạy trốn rong ruổi và trở về mang theo định mệnh không thể tẩy trừ.

Chàng Julien ngày trẻ sát sinh không gớm tay, được báo điềm rằng đứa trẻ tàn độc về sau sẽ giết cha mẹ nó. Julien đáp lại tội ác thấy trước của mình bằng ý định tự sát không thành, rồi tuân theo một lối sống khắc kỷ trong vai trò người lái đò thiện nguyện nhưng cuối cùng không thể thoát khỏi lời nguyền.

Truyện được kể theo cấu trúc đối xứng: sự phạm tội dẫn đến việc đền tội. Nhưng sức căng nằm ở chỗ Flaubert gieo cho nhân vật một sự khát máu vô độ. Về mặt tâm lý, Julien rõ ràng là nguy hiểm và bất định, tuy điều này không xuất hiện trong tiểu sử gốc của vị thánh.

Flaubert có ham muốn viết kịch từ trước khi ông viết văn. Phong cách kể chuyện của ông gần với kịch nghệ: cấu trúc đối lập, những vật cản bên trong và ngoài nhân vật, sự thống nhất về thời gian, không gian, bối cảnh, và nhất là những cái kết đôi khi rất gần với một bi kịch cổ điển.

Truyện kể thứ ba, Hérodias, liên quan đến tích trong Kinh Thánh về Jean-Baptiste (thánh Gioan Tẩy Giả). Không chỉ thuật lại các biến cố dẫn đến vũ điệu chói lọi đầy ma lực của Salomé, truyện kể của Flaubert được nới rộng sang những xung đột về chủng tộc, tôn giáo và cả về phái tính.

Hiện trên bề mặt là lòng thù ghét của Hérodias dành cho Iaokanann (tên Flaubert đặt cho Thánh Jean-Baptiste). Sự khổ hạnh cuồng tín của Iaokanann (vốn coi Hédorias là hiện thân của quỷ) đối lập với khao khát đến ám ảnh của Hérodias là trừ khử ông trước khi ông làm lung lay quyền lực của nàng. Một tầng xung đột nữa dính líu đến ái tình và dục vọng.

Hérodias bị Iaokanann chỉ trích do ly dị và tái giá. Vua Hérode Antipas bị người Ả Rập chê bai vì lấy Hérodias thay vì công chúa của họ. Cuộc tranh luận bùng nổ xen giữa bữa tiệc và những nghi lễ, bao hàm tất thảy xung đột ấy, dẫn đến vũ điệu của Salomé, một sự tổng hòa cho cơn cuồng dại của tâm trí và thể xác.

Âm mưu lấy đầu Jean-Baptiste được đẩy lên điểm cao trào bằng vũ điệu ma thuật của Salomé trong một khung cảnh như nhập đồng, khiến vị vua đồng ý ban cho nàng bất cứ gì nàng muốn, kể cả nửa vương quốc.

Và như một định mệnh, ý nguyện của nàng, được Hérodias vạch sẵn, là lấy đầu của Iaokanann dâng cho nàng (chủ đề này được Gustave Moreau tái hiện trong bức tranh L’Apparition). Tính lưỡng đôi của tinh thần và thể xác trong lời thuyết giáo của Iaokanann bị chặt đứt.

Với ông, cái đầu - nơi các phẩm tính ngự trị, phải cai quản thể xác - nơi các ham muốn thú vật chiếm dụng. Phái tính nữ, theo Iaokanann, gắn bó thể xác với những thú tính và dục vọng của con người. Quyền năng của ông nằm ở sự chối bỏ phái nữ, còn sự yếu đuối của vua Hérode đến từ sự quy phục, khiếp đảm trước cái đẹp nhục dục đầy tàn độc.

Cũng như một định mệnh, vẻ đẹp quyến rũ và điệu múa thôi miên của Salomé đã chiến thắng. Đặt cạnh nàng là cái đầu vô hồn của Thánh Jean. Bữa tiệc của huy hoàng, nhưng sự choáng váng, hoa mắt và quy phục lại là định mệnh.■

Ba truyện kể ở giai đoạn cuối sự nghiệp Flaubert. Ông vẫn giữ mối quan tâm đến lịch sử nhưng mang góc nhìn rộng hơn khi tạo ra các nhân vật thánh nhân ở những bối cảnh khác nhau. Sự thần tình của Flaubert nằm ở chỗ, cuối cùng, mối quan hệ nhân quả như trong quan niệm cổ điển, trớ trêu thay, chỉ là ảo vọng.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận