Bộ tranh chân dung Nhà Nguyễn (*)

NGUYỆT CẦM 09/12/2013 02:12 GMT+7

TTCT - “Tôi chỉ muốn làm sống lại những giá trị có thể đã bị loại bỏ không thương tiếc” - Trần Minh Tâm nói như thế về phòng tranh của anh.

Phóng to
Trần Minh Tâm bên tác phẩm Lê Văn Duyệt được anh vẽ trên mặt đi-văng cũ - Ảnh: Nguyệt Cầm

Có lúc, trong xưởng vẽ của họa sĩ Trần Minh Tâm, ngoài tác phẩm của anh còn bừa bộn những món đồ gỗ cũ kỹ, nhiều thứ chẳng nguyên vẹn hình hài, hầu hết đã bị thải loại sau thời gian dài sử dụng: mấy cái tủ gỗ xộc xệch, sứt mẻ; vài cánh cửa cái và cửa sổ đã nhiều năm tuổi, trầy trụa, có lẽ đã bị vứt bỏ khi nhà nào đó xây chỗ ở mới; những tấm bình phong bong tróc; cái đi-văng xiêu vẹo, nứt nẻ…

Những đồ gỗ gần như là phế liệu đó được họa sĩ sưu tầm từ năm 2008. Cùng lúc, anh tìm hiểu lịch sử triều Nguyễn - vương triều cuối cùng ở Việt Nam với 13 vị vua rất khác nhau về tính cách cũng như chính kiến mà tới nay còn nhiều bí ẩn chưa được giải mã và những đánh giá trái chiều.

Ý tưởng thực hiện một sưu tập chân dung những nhân vật của triều Nguyễn và vẽ ngay trên nền các đồ gỗ phế thải nảy sinh từ đó. Như một cách tái sinh những đồ gỗ cũ, những thứ có thể đã tồn tại hơn cả một kiếp người, đã chứng kiến bao biến động, thăng trầm của lịch sử và thế sự.

Những chân dung phần nhiều được tả thực - trên cơ sở tư liệu hình ảnh còn lưu giữ được hoặc qua mô tả của các văn bản - đã tái hiện vua Duy Tân, hoàng hậu Nam Phương, các quan đại thần Phan Thanh Giản, Lê Văn Duyệt, bà Châu Thị Tế (**)…

Ngoài ra Trần Minh Tâm còn vẽ chân dung Kiều Nguyệt Nga trong truyện thơ Lục Vân Tiên của cụ Nguyễn Đình Chiểu, tác gia văn học lớn thời nhà Nguyễn. Có bức đơn giản hơn, là chân dung một cô đào hát hoặc một nữ vũ công cung đình.

Dù là nhân vật lịch sử hay chỉ là sản phẩm từ sức tưởng tượng của họa sĩ, những tranh chân dung trong triển lãm Nhà Nguyễn đều được tác giả thể hiện công phu đến từng chi tiết - từ gương mặt tới trang phục, phẩm phục, long bào… Qua bàn tay nhuần nhuyễn hình họa của anh, tất cả đều toát lên thần thái sinh động trong những hòa sắc vàng - đỏ rực rỡ của hào quang một vương triều chưa xa.

Hai chất liệu tạo hình được tác giả sử dụng để thực hiện bộ tranh Triều Nguyễn - sơn mài truyền thống và sơn dầu được người Pháp đưa sang xứ bảo hộ - cũng là một ẩn dụ về thời kỳ lịch sử đầy biến động.

Phóng to
Cụ Phan Thanh Giản - sơn dầu trên gỗ

Phóng to
Vua Duy Tân - sơn dầu trên gỗ

Phóng to
Hoàng hậu Nam Phương II - sơn dầu và sơn mài trên gỗ

Đẹp nhất trong bộ tranh hẳn là mấy bức chân dung hoàng hậu Nam Phương, bậc “mẫu nghi” cuối cùng của triều Nguyễn, lạ lùng thay lại mang quốc tịch Pháp, học trường Tây và theo đạo Công giáo.

Nhưng gây nhiều cảm xúc nhất có lẽ là chân dung quan đại thần Phan Thanh Giản - người đã uống độc dược tự vẫn vì không thể giữ được Nam kỳ lục tỉnh trước quân Pháp xâm lược.

Và đứng trước bức chân dung vua Duy Tân ở tuổi còn thơ bé (được thực dân Pháp đưa lên ngôi sau khi vua cha Thành Thái bị hạ bệ rồi sau đó cùng cha bị người Pháp lưu đày biệt xứ) không khỏi bồi hồi nhớ đến:

Tấm thân phiêu dạt quê người/Linh hồn vẫn ở lại nơi quê nhà/Ngai vàng vừa cũ vừa xa/Ánh vàng vương miện cũng là hư không/Mặt trời vẫn mọc đằng đông/Lăng minh quân vẫn dựng trong lòng người/Bao triều vua phế đi rồi/Người yêu nước chẳng mất ngôi bao giờ!

(Tưởng niệm - thơ Nguyễn Duy, viết khi nghe tin hài cốt vua Duy Tân được đưa từ đảo Réunion về cải táng tại Huế năm 1987)

“Tôi chỉ muốn làm sống lại những giá trị có thể đã bị loại bỏ không thương tiếc” - Trần Minh Tâm nói như thế về phòng tranh của anh.

(*): Triển lãm Nhà Nguyễn tại gallery Craig Thomas, 27i Trần Nhật Duật, P.Tân Định, Q.1, TP.HCM, từ ngày 6-12-2013 đến 3-1-2014.

(**): Vợ chính của quan trấn thủ Nguyễn Văn Thoại (Thoại Ngọc Hầu), người đã góp sức không nhỏ cho sự nghiệp lừng lẫy của chồng, đặc biệt là với việc khai khẩn đất hoang, đào kênh lập ấp vùng đất Châu Đốc. Tên bà được đặt cho con kênh đào dọc biên giới Tây Nam, nối Châu Đốc - Hà Tiên.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận