Chấn thương cũng phân biệt giới tính

HUY ĐĂNG 09/03/2020 01:03 GMT+7

TTCT - Tấm huy chương nào cũng có giá trị như nhau. Nhưng với các cô gái của thể thao Việt Nam, những gì họ giành được luôn ẩn chứa nhiều rủi ro và sự hi sinh hơn nam giới. Chuyện này được phân tích dưới góc độ khoa học, chứ không phải là nỗi thương cảm nhân ngày 8-3!

VĐV Nguyễn Thị Oanh và hình ảnh xúc động khi cô dìu đồng đội kiệt sức ở đích tại đấu trường SEA Games. Ảnh: Nguyễn Khánh

Suốt SEA Games 2019, nhiều người e ngại cho Ánh Viên và Nguyễn Thị Oanh - những cô gái vàng phải gồng mình thi đấu ở hai môn thể thao bơi lội và điền kinh.

Nữ dễ chấn thương hơn nam

Kết quả, Ánh Viên giành 6 HCV, trở thành VĐV nữ được vinh danh xuất sắc nhất giải đấu. Còn Nguyễn Thị Oanh đoạt vàng ở cả ba nội dung mà cô tham dự - 1.500m, 5.000m và 3.000m vượt chướng ngại vật. Khoảnh khắc Oanh về đích nội dung 3.000m vượt chướng ngại vật và rồi nằm vật ra đất mang đến cảm giác vui mừng lẫn âu lo nghẹt thở cho người hâm mộ. Sáng Oanh chạy 5.000m, chiều lại ra sân ở cự ly 3.000m, đều là những chặng đua đường dài.

Cảm phục ý chí của Nguyễn Thị Oanh là điều hiển nhiên. Nhưng làng thể thao không ai quên được Lê Thị Huệ - đô vật bị gãy đốt sống cổ, trở thành người tàn tật suốt đời sau những nỗ lực tập luyện hướng đến SEA Games 2003, hay Hoàng Hà Giang - gương mặt vàng một thời của làng taekwondo mắc căn bệnh lạ lupus ban đỏ (thường xảy ra với nữ) khiến cô phải giải nghệ sớm, rồi ra đi mãi mãi ở tuổi 24.

Những bi kịch trong thể thao của phái nữ luôn làm dấy lên một câu hỏi: Phải chăng phụ nữ đối diện nhiều rủi ro hơn khi tập luyện và thi đấu cường độ cao? Khó lòng có một câu trả lời chính xác, nhưng đa phần giới y học đều đồng tình với quan điểm đó.

Trong một bài phân tích về phụ nữ với thể thao, nhóm nghiên cứu của bác sĩ Robert Shmerling ở Đại học Harvard đưa ra kết luận về sự “ưu tiên giới tính” trong những chấn thương thường gặp ở thể thao. “Phụ nữ dễ bị tổn thương hơn nam giới trong những chấn thương phổ biến của thể thao. Có rất nhiều lý do cho sự phân biệt giới tính này, nhiều điều về nó vẫn chưa rõ ràng. Nhưng chúng ta cần công nhận nó để bảo vệ phụ nữ tốt hơn. Cụ thể nhất là chấn thương dây chằng chéo trước - một trong những chấn thương phổ biến và nghiêm trọng nhất với dân chơi thể thao chuyên nghiệp. Phụ nữ có tỉ lệ dính chấn thương này nhiều gấp sáu lần nam giới”, ông Shmerling nói.

 

Ngoài ra, những chấn thương được nhóm nghiên cứu chỉ ra rằng dễ gặp ở phụ nữ còn có bong gân mắt cá, chấn thương vai, đầu gối, dây chằng (với bóng đá và bóng rổ), gãy xương do mỏi và viêm cân gan chân.

Vì sao nữ lại dễ chấn thương hơn nam giới? Sự khác biệt cơ bản về cơ thể là nguyên do đầu tiên, bao gồm nồng độ estrogen cao, dây chằng lỏng, khối lượng cơ bắp ít hơn nhưng lại tích nhiều mỡ hơn (đặc biệt là vùng bụng dưới, do phải sinh con).

Xương chậu của phụ nữ cũng rộng hơn nam giới, dẫn đến sự liên kết của đầu gối và mắt cá chân yếu hơn, và khả năng bổ sung canxi cùng vitamin D không đủ...

Những vấn đề về chu kỳ kinh nguyệt, kết hợp rối loạn dinh dưỡng cũng là nguyên do chính gây gãy xương do mỏi (stress fracture).

“Phụ nữ cũng có cách di chuyển khác nam giới. Chẳng hạn khi đáp xuống sau một cú nhảy, phụ nữ có xu hướng để chân thẳng đứng, đầu gối khá gần nhau. Và nếu đột ngột phải đổi hướng, phụ nữ có xu hướng thực hiện bằng một chân (có lẽ do cấu trúc xương chậu), trong khi đàn ông sử dụng hai chân”, bác sĩ Shmerling giải thích.

Những nguy cơ tiềm ẩn

Dạo một vòng quanh làng thể thao đỉnh cao VN cũng có thể thấy rõ những nguy cơ tiềm ẩn đằng sau hào quang của các cô gái lớn thế nào. Trước khi giành cú ăn ba HCV ở SEA Games 2019, Nguyễn Thị Oanh từng gây sốt ở SEA Games 2017 với câu chuyện “giành vàng sau căn bệnh thận”. Từng phải chống chọi và vượt qua căn bệnh viêm cầu thận giai đoạn 2014-2015, thật khó để đảm bảo cô gái “bé hạt tiêu” (Oanh chỉ cao 1,50m) sẽ không phải đối mặt những vấn đề sức khỏe trong thời gian sau này.

Ngoài Nguyễn Thị Oanh, nhiều nhà vô địch nữ ở SEA Games 2019 cũng mang trong mình nguy cơ bệnh tật, chấn thương, như người đồng đội Đinh Thị Bích của Oanh trong tổ cự ly trung bình. Khi 19 tuổi, Bích từng bị trả về địa phương vì căn bệnh viêm hạch mạc treo. Hay Trần Thị Thanh Thủy với câu chuyện phải tăng đến 20kg để thi đấu hạng cân trên 70kg nữ ở môn kurash. Vấn đề ép cân luôn dễ gây chấn thương với các VĐV, đặc biệt là VĐV nữ.

Những khó khăn của VĐV nữ VN còn do một nền thể thao kém cơ sở khoa học. Nguyễn Thị Huyền - nữ cuarơ một thời thống trị SEA Games - kể: “Đa phần nữ VĐV chúng tôi là con nhà nghèo, phải nghèo lắm thì mới theo nghiệp thể thao, và bước vào các trại tập huấn từ khi còn là những bé gái. Vì vậy, các chị em phần đông không có kiến thức gì về y học, sức khỏe, dinh dưỡng, cả những chuyện thầm kín của con gái chúng tôi cũng không biết. Khi đau ốm bệnh tật, các chị em chỉ biết cắn răng chịu đựng cho qua, nhiều lúc còn bày nhau cách này cách nọ, đa phần là vớ vẩn, làm mọi chuyện tệ hơn. VN thì rất thiếu HLV nữ nên khi đau ốm cũng không biết thổ lộ với ai. Với các HLV nam, chỉ mong họ thông cảm cho nghỉ ít ngày là tốt lắm rồi”.

Sau SEA Games 2017, người hâm mộ một phen “tá hỏa” khi HLV Mai Đức Chung kể câu chuyện một nữ cầu thủ mang thai thi đấu suốt giải đấu. Sau này, nhân vật đó được tiết lộ là tiền vệ Vũ Thị Nhung. Dù Nhung đã lên tiếng thanh minh rằng sau SEA Games cô đi khám phụ khoa và mới biết mình đã mang thai một tháng chứ không phải “đã biết mang thai vẫn ra sân thi đấu”, nhưng câu chuyện cũng cho thấy vô số rủi ro mà các cô gái phải đối mặt. Nhiều VĐV khác, như Nguyễn Thị Huyền, trở lại thi đấu ở SEA Games (và lập tức giành vàng) chỉ vài tháng sau khi sinh con.

Trong thời đại thể thao nhà nghề và thương mại hóa, thật khó đòi hỏi công bằng tuyệt đối cho phái nữ, nhưng ít nhất họ cần được đảm bảo điều kiện tập luyện, thi đấu và những cơ sở y học - khoa học thể thao tối thiểu, để hạn chế bớt những rủi ro luôn rình rập.■

Nữ luôn là chủ công

Phương châm “lấy nữ làm chủ công” của thể thao VN thể hiện rõ qua thống kê thành tích ở các kỳ đại hội.

Tại SEA Games 2015, các cô gái mang về 35 HCV, trong khi các VĐV nam chỉ giành được 33 HCV (không tính những HCV nội dung hỗn hợp).

Ở SEA Games 2017, sự chênh lệch còn lớn hơn, với tỉ lệ 33-20.

Đến SEA Games 2019 - giải đấu xuất hiện nhiều VĐV nam trẻ thi đấu ấn tượng - cán cân vẫn nghiêng về phía nữ với tỉ lệ 47-43.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận